Truyện ngắn Trần Vinh: Đêm dậy âm & Chọn người vuốt mắt

Trần Vinh tên thật Trần Quang Vinh sinh năm 1958, quê Hà Tĩnh, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh năm 1982. Ông có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, hiện là ông giáo hưu trí tại thành phố biển Vũng Tàu.

Trần Vinh hẳn là một cái tên rất mới, nhưng bạn đọc sẽ thấy có chút quen thuộc khi biết ông chính là thân sinh cố thi sĩ Hoa Níp (Hoa Níp tên thật là Trần Quang Minh Giảng, sinh 1985 mất 2016).

Là một người yêu văn chương, sống nhiều trong hoài niệm ấu thơ và những năm tháng thời bao cấp, nhưng mãi đến khi về hưu Trần Vinh mới thử tìm mình nơi trang văn. Thực ra, theo Trần Vinh thì trước đây ông chỉ nghĩ mình là người yêu văn chương thuần túy thôi, nhưng từ khi Hoa Níp qua đời, trong ông có nhiều biến chuyển và thôi thúc theo đuổi công việc viết lách.

Dĩ nhiên, ông không thể thay thế cho con trai mình, nhưng sự viết như một dòng chảy bên trong, nối những miền tâm tưởng và cả miền tâm linh. Sự viết lúc này là một sự huyền nhiệm.

Nhưng những trang viết của Trần Vinh thì lại rất đời. Hầu hết là những câu chuyện thường nhật, những lát cắt kỉ niệm, những hồi ức mọng chín… Không văn vẻ cầu kỳ, nhưng giản lược, ẩn ý. Trần Vinh không giỏi trau chuốt câu chữ, nhưng chính thời gian đã chuốt màu ấn tượng cho những câu chuyện. Những chuyện kể tưởng chừng đã xưa như trái đất, nhưng vẫn như rất thời sự hôm nay.

“Ông nội là thần tượng lớn nhất của đời tôi. Tháng Tám năm nay tròn 110 năm sinh của ông, tất cả con cháu rất muốn làm điều gì đó để thể hiện lòng hiếu nghĩa. Riêng tôi đã cố gắng kể lại một số mẩu chuyện về người ông kính yêu bằng hình thức truyện ngắn”, đó là lời bộc bạch của “cây bút trẻ” Trần Vinh.

Xin trân trọng giới thiệu 2 truyện ngắn mới của ông cùng bạn đọc.

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY giới thiệu.

Tác giả Trần Vinh

ĐÊM DẬY ÂM

 

Đêm ấy, chẳng hiểu sao một cậu thiếu niên đang tuổi ăn tuổi ngủ như tôi lại thao thức không chợp mắt được. Tôi ngồi dậy rồi bước ra sân. Gió từ dòng sông Ngàn Phố thổi lên mát rượi. Cây đa cổ thụ cũng xào xạc thao thức. Đêm không trăng, trời đầy sao càng làm cho mọi vật trở nên mờ ảo. Hình như có tiếng người la hét ở đâu vọng đến. Tiếng la hét kêu gào càng lúc càng lớn hơn. Đúng rồi, tiếng gào thét của đám đông từ bờ sông. Vì tính hiếu kỳ, tôi định chạy ra sông để xem việc gì thì ông nội tôi trở mình thức dậy. Ông vẫn nằm trên giường, hỏi tôi:

– Ngủ đi con. Làm gì mà đến giờ chưa chịu ngủ?

– Ông ơi, ông có nghe gì không? Chẳng biết chuyện gì mà người ta kêu gào ngoài sông, con không ngủ được.

Ông ngồi dậy. Mấy phút sau tiếng kêu gào la hét từ dòng sông nhỏ dần rồi không còn nghe gì nữa. Ông cầm bật lửa để sẵn đầu giường bước đến cái cột nhà, nơi có treo cuốn lịch. Trong ánh lửa lập loè, ông thốt lên: “Mùng 1 tháng Tám… thôi đúng rồi, đêm dậy âm”.

Ông run run bước lại bàn thờ lấy một thẻ hương mới. Bước ra sân, ông đốt cả thẻ hương rồi xì xụp vái lạy tứ phía. Tôi chỉ nghe được loáng thoáng mấy tiếng “dậy âm, oan hồn”… nhưng chẳng hiểu gì cả. Ông không vào ngủ tiếp nữa mà ngồi hút thuốc lào đến sáng.

Trưa hôm sau, từ bờ sông về ông nhìn tôi với một ánh mắt rất lạ. Ông kéo tôi ra góc vườn nơi có gốc mít cổ thụ. Ông thì thầm với tôi:

– Đêm qua là đêm dậy âm. Ngày mùng 1 tháng 8 năm Canh Ngọ, người chết đuối đầy khúc sông này. Ông Cửu Lê nói mỗi năm dậy âm một lần vào giờ Tý. Chỉ những ai hợp căn mới nghe được.

Tôi là cậu bé nhạy cảm nên cũng lờ mờ nhận ra điều gì đó rất hệ trọng. Vài lần định hỏi nhưng thấy ông chưa muốn nói nên tôi lại không hỏi nữa. Tôi hiểu tính ông, cái gì cần nói thì ông sẽ nói nhưng phải đúng lúc. Con cháu trong nhà cũng như bà con hàng xóm đều hiểu tính ông. Nếu ai lỡ nói sai cho ông thì ông chỉ cười, có khi còn chuyển thành chuyện hài hước.

Tuy nhiên ông tôi có một nguyên tắc bất đi bất dịch là không chấp nhận chuyện ma quỷ mê tín và nói xấu cách mạng. Ông là một đảng viên thời “tiền khởi nghĩa” từng đi đầu rồi trắng tay trong việc giao nộp toàn bộ ruộng đất, để chuyển từ Tổ đổi công lên thành lập Hợp tác xã. Bất cứ ai nói xấu, xuyên tạc chủ trương của cách mạng đều là kẻ đối đầu với ông. Ông còn quan niệm rằng đã là đảng viên thì không thể mê tín nên người nào tin có ma quỷ tâm linh thì cũng bị ông liệt vào loại đi ngược chủ trương đường lối cách mạng.

Trong nhà chỉ có tôi và chú ruột là hiểu, tôn trọng nguyên tắc của ông nên rất được ông tin tưởng. Đồng thời tôi và chú cũng nhận ra tuy ông không mê tín, không tin vào chuyện ma quỷ nhưng mỗi lần cúng bái, ma chay ông lại chỉn chu thành kính vô cùng. Người không tin vào thế giới tâm linh thì làm sao mà có được sự thành kính tận đáy lòng như thế được? Tôi và chú cũng chưa lý giải được vì sao ông tôi một mực tin cách mạng, không tin ma quỷ mà lại đặc biệt tin tưởng ông Cửu Lê, mọi phát ngôn của ông Cửu Lê đều là chân lý?

Ông Cửu Lê vốn là sản phẩm của thời thực dân phong kiến, sống giữa thời xây dựng XHCN mà ông ấy cứ nửa âm nửa dương. Từ ngày ông Cửu Lê nổi lên như một nhà chiêm tinh, “nhâm cầm độn toán” thì tên tuổi của cụ đồ Lưu càng bị lu mờ quên lãng. Mấy cụ ghiền truyện Tam quốc lại văn vẻ học theo Chu Du mà nhạo rằng: “Trời đã sinh ra đồ Lưu sao còn sinh ra ông Cửu”?

Những lúc thấy ông vui vẻ tôi thường tranh thủ hỏi ông từ chuyện ma quỷ đến chuyện cái đồn Phố, lính khố xanh khố đỏ rồi sang chuyện thu tô nộp thuế… Thế là ông say sưa kể lại. Câu hỏi của tôi lần nào cũng chỉ có vậy và ông kể lại lần nào cũng giống lần nào, cứ y như cuốn phim chiếu lại. Những lúc cao trào ông lại quen miệng nói là “năm loạn cộng sản”. Mỗi lần chú tôi nghe được mấy từ “quen miệng” đó thì nháy mắt nói với tôi nhưng là để cho ông nghe:

– Chà! Phong trào cách mạng long trời lở đất mà có một đồng chí đảng viên lại gọi là “loạn cộng sản” thì nguy rồi.

Ông gãi đầu chống chế:

– Ờ ờ… thì thời đó người ta nói vậy. Cây hoàng xà mọc khắp mọi vùng nên dân ta cũng gọi là cây cộng sản đấy thôi.

Bị chú cháu tôi “bắt bẻ” nhiều lần thành ra con người cực đoan trong ông cứ nhạt dần. Ông dần chuyển hoá, không còn sự đối lập gay gắt giữa ba vấn đề: thế giới tâm linh, ý thức đảng viên và thần tượng ông Cửu Lê. Cả ba vấn đề đó bắt đầu có tiếng nói chung trong suy ngẫm của ông, cũng có nghĩa là ông đã từ từ cởi bỏ sự trói buộc vô hình do chính ông tự buộc vào. Nhờ vậy mà “không khí chính trị” trong nhà tôi cũng nhẹ nhàng vui vẻ chứ không còn sợ “phạm huý” mâu thuẫn như trước nữa.

Sau cái lần “dậy âm” được vài tuần tôi mới hỏi ông đầu đuôi cái chuyện “dậy âm, oan hồn…” là như thế nào. Lần này ông có biểu hiện hơi lạ, vẻ mặt rất trầm tư, ông chậm rãi hút liền hai điếu thuốc lào, phà khói lên tận nóc nhà, mắt nhìn ra phía dòng sông. Ông bắt đầu kể ngọn ngành:

“Năm đó ông 17 tuổi. Tầm hơn 10 giờ khuya rằm tháng Bảy năm Canh Ngọ, khi ông đang đứng đầu ngõ thì bỗng có hai người đàn ông bước đến. Một người hỏi ông:

– Mi có ghét Tây ghét quan không?

– Có.

– Rứa thì mi rải hết bó truyền đơn này đi. Cứ dọc theo đường mà rải cho bằng hết.

Người còn lại choàng vào vai ông cái tay nải trong đó chứa đầy truyền đơn. Ông như bị thôi miên, gật đầu liên tục rồi chẳng kịp quay vào nhà mà chạy đi luôn. Cứ khoảng vài chục bước lại rải một tờ. Ông chạy theo đường mòn, chạy như người mộng du từ Phố Châu, băng qua vùng chợ Trị đến rú Nầm rồi nhằm thẳng hướng vùng Cánh Tàng, vừa chạy vừa rải truyền đơn. Chạy mãi đến chỗ có con sông chắn ngang thì cũng vừa rải hết truyền đơn. Đứng bên bờ sông, định thần lại ông mới nhận ra đó là đoạn cuối của dòng sông Ngàn Sâu, gần Linh Cảm cách Phố Châu đến 18 cây số. Thế là ông lại quay đầu chạy trở về. Đến gần sáng ông chạy về đến nhà, lén mở cửa chui vào ngủ. Không một ai trong nhà có thể tưởng tượng ra được đêm qua ông vừa làm cái việc động trời. Kể cả chính ông cũng chưa bao giờ hiểu ra vì sao ông đã làm được điều nguy hiểm, quá sức như thế.

Ngủ được một lúc thì ông bừng tỉnh bởi tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường. Tiếng hô của lính khố đỏ và quân Tây náo động. Ông gần như không nhớ đến việc rải truyền đơn đêm qua nên vội mở cửa chạy ra xem chuyện gì. Vừa ra ngõ thì bị hai lính khố đỏ xông đến bắt giữ. Ông ngớ người ú ớ chẳng hiểu chuyện gì. Rất may lúc đó có o Hồng kịp xông ra gào lên:

– Ối trời ơi! Sao các ông lại bắt em tui. Nó là thằng dại thằng khờ, chạy ra quét ngõ mà sao các ông lại bắt. Trời ơi là trời…!

Không biết sức mạnh từ đâu mà o Hồng đã đẩy văng cả hai lính khố đỏ rồi lôi tuột cậu em vào nhà”. Nghe ông kể đến đây, bà nội tôi mới cười nói:

– Khi đó chắc ông giống thằng khờ thật nên mấy lính khố đỏ mới tha cho, chứ không thì đừng hòng thoát.

Chú tôi nói chen vào:

– Con nghĩ khi đó là nhờ o Hồng xinh đẹp có tiếng nên mấy anh khố đỏ nể người đẹp mà buông tha thôi.

Bà nội nói thêm:

-Vậy là chính ông đã có công gây ra “loạn cộng sản” năm đó rồi.

Ông gật gù cười vui rồi cầm lấy cái điếu cày, chậm rãi rít một hơi dài, phả khói mù mịt rồi mới kể tiếp:

-“Hai tuần sau, từ rạng sáng ngày 1 tháng 8 âm lịch, cả vùng quê Hương Sơn náo loạn bởi đoàn biểu tình từ đình làng Tứ Mỹ kéo lên. Đoàn biểu tình càng đi càng đông. Cờ đỏ búa liềm phất phới. Tiếng trống tiếng mõ, tiếng hô tạo ra một khí thế chưa từng có. Đoàn biểu tình kéo đến bao vây quanh huyện đường và đồn Phố được vài giờ. Bất ngờ lính trong đồn Phố nổ súng. Lúc đầu nó bắn chỉ thiên, đoàn biểu tình vẫn không nao núng mà càng hô vang khẩu hiệu. Sau đó lính đồn mới bắn thẳng vào đoàn biểu tình. Mọi người hoảng loạn, gần chục người gục chết tại chỗ, khoảng hơn chục người nữa bị thương, máu phun đỏ cả đoạn đường từ đồn Phố đến Phúc Tri. Phía bờ sông, ngay chỗ bến Gành có nhiều người bị thương nhất. Rất nhiều người hoảng loạn nhảy xuống sông, nước sông loang đỏ. Từng tốp dìu nhau bơi sang bờ bên kia nhưng gặp phải mùa nước lũ nên đuối sức chết đuối hàng loạt”.

Không khí cả nhà trầm hẳn xuống. Một lúc sau ông mới kể tiếp: “Không biết bọn Tây bắn súng gì mà đạn cày toé lửa trên mặt đường. Ông đứng đầu ngõ tuy không bị thương nhưng cát đá văng vào chân nóng rát. Ông tận mắt chứng kiến cảnh kêu khóc dậy trời, người chết nhiều lắm, không phải chỉ mấy người như người ta nói đâu. Đau thương oan ức lắm”. Kể đến đây ông lại rít thuốc lào rồi trầm ngâm kể tiếp mà như đang nói với các oan hồn: “Ông Cửu Lê nói số người chết oan nhiều như vậy mà lại chết tại khu vực địa linh đầu rồng đúng ngày mùng 1 nên oan hồn không siêu thoát được. Hằng năm, cứ vào giờ Tý ngày mùng 1 tháng Tám là oan hồn lại “dậy âm” từ đoạn bến Gành, bến Vụng cho đến bến Đá Hồng. Ai hợp căn thì đều nghe được oan hồn kêu la hò hét náo động cả khúc sông”.

Ngồi nghe ông kể mà tôi rùng mình. Tôi biết là ông Cửu Lê đã nói rất đúng. Chẳng rõ ông Cửu Lê ở đâu dạt về làng tôi nhưng có lẽ do khả năng “thông kim bác cổ”, am tường âm dương nên ông tôi đã coi ông Cửu Lê là thần tượng. Trong những việc cần sự thuyết phục, ông đều không quên viện dẫn những lời nói của ông Cửu Lê.

Qua những lời kể chứng tỏ ông rất tin ông Cửu Lê, mà tin ông Cửu Lê nghĩa là ông không còn phủ nhận chuyện hồn vía tâm linh nữa. Trước đó đã nhiều lần tôi tò mò hỏi ông về chuyện ma quỷ. Trẻ con đứa mà chẳng thích nghe kể chuyện ma. Tuy nhiên bao giờ ông cũng gạt phắt. Ông nói: “Người ta là hoa đất”, chết là trở về với đất, thành đất thành bụi, chẳng có hồn vía ma quỷ nào hết. Đừng có để cặn bã tàn dư của thực dân phong kiến phản động nhồi sọ”. Cũng có thể do ông nghĩ tôi còn nhỏ dại nên luôn tránh gieo rắc chuyện ma quỷ, mê tín dị đoan vào tâm hồn của đứa cháu.

Nhân sự việc đêm “dậy âm” còn rung động, tôi lại tranh thủ hỏi ông:

– Chuyện “dậy âm” là có thật vậy có hồn ma không ông?

– Ờ… thì… ngày xưa thì có ma, nhiều ma lắm. Chính ông cũng nhiều lần gặp ma rồi nhưng từ khi “cướp chính quyền” năm 1945 ma giảm hẳn. Dương thịnh âm suy, đến bây giờ thì làm gì có ma nữa.

– Vậy thì chuyện “dậy âm” ngoài sông có phải là hồn ma không ông?

– À… ờ… ông Cửu Lê nói ma chỉ giỏi nhát người, còn “dậy âm” là… là… oan hồn kéo lên phù hộ dương thế.

Tôi cười cười thầm nghĩ bụng cứ mỗi lần đuối lý thì ông lại nhờ đến sự hỗ trợ của người thân là ông Cửu Lê. Lần này chắc ông muốn phân biệt loại “ma tiêu cực” với “ma tích cực, ma truyền thống cách mạng”! Tiếc là ông Cửu Lê đã thành người cổ chứ nếu còn thì thế nào tôi cũng hỏi cho ra những tiếng kêu gào trong đêm “dậy âm” trên dòng sông Ngàn Phố là tiếng kêu oan ức khổ đau hay là tiếng hô cỗ vũ cho cuộc tranh đấu chống lại áp bức bất công trên cõi trần thế.

Sau lần ông kể về những gì liên quan đến “sự kiện dậy âm” tâm trạng ông khác hẳn. Ông thoải mái vì dường như cái nút chặn vô hình nào đó đã được đẩy văng khỏi tiềm thức. Trước đó ông tự đặt cho mình một niềm tin tuyệt đối vào cách mạng. Mọi thứ thuộc về cách mạng đều đúng đắn, mọi hoạt động của cách mạng đều thắng lợi. Nếu ai nghĩ khác là phản động. Tuy nhiên từ sâu thẳm trong ký ức thì tự ông lại cảm nhận ra có cái gì đó ngờ ngợ. Vụ biểu tình bao vây huyện đường đồn Phố, ông thấy chẳng bắt được thằng lính thằng quan nào cả, chẳng phá chẳng đòi được cái gì cho dân mà bà con ta phải chịu thương vong nhiều quá. Phải chăng đó có phải là thắng lợi của phong trào cách mạng Xô Viết? Cuối cùng thì ông cũng đã cân bằng được điểm tựa giá trị của ông Cửu Lê với thế giới tâm linh và nhận thức chính trị của một người đảng viên trong chính con người thật của ông.

Tôi sống xa quê đã lâu nhưng chuyện về cái đêm “dậy âm” chưa bao giờ phai nhạt. Cứ mỗi khi đến gần tháng Tám âm lịch tôi lại mong muốn giá mà đến giờ Tý ngày mùng một tháng Tám được về ngồi bên dòng sông Ngàn Phố để chứng kiến lại đêm “dậy âm” bi hùng của lịch sử và có thể còn ngộ ra được những điều kỳ lạ khác.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

CHỌN NGƯỜI VUỐT MẮT

 

Thời chiến tranh, làng tôi không hề bị bom đạn đánh phá nhưng lại điêu đứng, tan nát bởi nạn tản cư. Làng ở bên đường 8, gần cây cầu Phố bắc qua con lạch nhỏ. Lãnh đạo xã nhận định cây cầu đó sẽ là mục tiêu đánh phá của địch nên đã lệnh cho dân phải sơ tán khỏi vùng cầu Phố. Xã đã quyết là không thể làm khác được. Đa số người già, trẻ em dắt díu nhau tản cư. Đàn ông, thanh niên trụ lại.

Ông nội và chú tôi ở lại bám trụ. Chú tôi có khiếu hài hước lúc nào cũng có thể làm cho mọi người xung quanh cười không ngậm được miệng. Riêng khoản siêng năng chịu khó thì chú ăn đứt lớp thanh niên trong làng. Cưỡi chiếc đạp xe Thống Nhất, chú chạy đi chạy lại như con thoi, mỗi ngày vài lần vận chuyển rau củ, củi đuốc, cơm nước giữa nhà cũ với chỗ tản cư. Mẹ tôi phải lăn xả vào phong trào “tay cày tay súng”. Đó không chỉ nhiệm vụ mà còn là thực hiện lời hứa với cha tôi. Mẹ phải phấn đấu trở thành đảng viên khi đón cha tôi đánh giặc trở về.

Hai em gái, đứa 4 tuổi, đứa 7 tuổi ốm đau quặt quẹo. Chỉ còn mỗi bà nội tôi phải vật lộn bươn chải cơm nước ở chỗ tản cư. Hằng ngày bà tôi đi lùng mua chuối xanh khắp làng. Chuối xanh luộc lên, cắt nhỏ như hạt lựu, trộn với nửa lon gạo rồi nấu tiếp là có một nồi to nhìn giống như cơm cho cả nhà. Ba anh em tôi mỗi lần nhìn thấy nồi chuối lẫn cơm là muốn khóc nhưng cứ phải nhai và nuốt.

Cha tôi đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào. Năm đó tuy tôi chưa hiểu Lệnh tổng động viên ghê rợn đến đâu nhưng tôi đã phải chịu nỗi đau của sự chia li và sụp đổ. Ngày cha tôi lên đường nhập ngũ, chính quyền đoàn thể, bà con kéo đến chia tay. Không khí rộn ràng, tràn ngập những lời chúc, lời hứa. Riêng tôi chẳng hiểu sao chỉ có cảm giác sắp bị cướp mất người cha. Thế là tôi khóc, khóc như mưa, bà con xúm vào dỗ dành nhưng tôi vẫn khóc. Có lẽ không ai hiểu được nỗi đau ứa máu của một thằng bé. Tiếng khóc nức nở của tôi thật lạc lõng giữa không khí của những ngày cả dân tộc đang hừng hực khí thế ra trận.

Càng thương nhớ cha tôi càng cảm thấy bơ vơ lo sợ rồi như bị rơi vào trầm cảm. Vì vậy mà tôi chẳng muốn rời xa ông nội. Cứ vài ngày tôi lại lò mò lội qua quãng đồng về nhà cũ để được sà vào lòng ông. Tôi liên tục tự ý lội đồng như vậy nên ông đành cho tôi ở lại cùng ngủ ổ rơm với ông luôn.

Công việc mà tôi thích nhất là cùng ông và chú trồng rau. Khu vườn ông tôi toàn đất cát pha nên trồng rau rất tốt. Nhất là mấy luống rau cải “trăm lá” nhìn cứ phơi phới mượt mà. Giống cải này thời đó còn khá hiếm, lá hơi xoăn, bẹ trắng trông thật ngon mắt. Ai cũng tin giống cải “trăm lá” thì nó sẽ ra đủ một trăm lá nên mỗi lần thu hoạch chỉ hái những lá phía dưới trước, không nhổ cả cây như mấy giống cải khác. Chẳng biết do đói khát hay do giống cải quý mà nấu canh, luộc hay xào đều ngon tuyệt, ăn mãi không chán. Đặc biệt nhất là món rau cải sống chấm nước lạc hoặc nước mắm cua đồng thì vừa mềm vừa ngọt, dù bữa ăn cơm ít rau nhiều nhưng không xót ruột.

Những luống rau đẹp mơn mởn nên càng được ông tôi nưng niu. Một sáng ngủ dậy, chú tôi vừa chui ra khỏi ổ rơm bỗng kêu toáng lên:

– Trời ơi! Trộm… trộm nhổ hết cải rồi…Ông tôi cũng bật dậy, bước nhanh đến luống rau bị nhổ mất hơn chục gốc cải “trăm lá”. Ông chặc lưỡi tiếc nuối:

– Cải trăm lá mà nó nhổ ngang thế này thì uổng quá!

Chú tôi cầm lấy cái dao quắm, miệng rít lên: “Tao mà biết thằng nào trộm cải, tao chặt chân”.

Một lúc sau ông tôi mới thở dài nói với chú:

– Người ta có đói khát mới phải đi trộm rau. Không phải kẻ ác hay phá hoại đâu. Đi ăn trộm thì ai mà dám ngồi hái từng lá cải nên phải nhổ cả cây thôi…

Sáng hôm sau, ngủ dậy cảnh tượng mất rau lặp lại đúng y như đêm hôm trước. Ông tôi vội bước đến luống rau, cúi xuống nhìn kỹ chỗ mấy gốc cải bị nhổ trộm. Ông nhíu mày như hiểu ra điều gì rồi dặn chú và tôi im lặng coi như không có việc gì xảy ra. Sau đó ông chặt mấy cây tre và bảo:

– Giờ hai chú cháu vác tre về sửa cái hầm chỗ tản cư, mai lên đây để làm đất trồng đậu.

Hôm sau sửa xong hầm trú ẩn hai chú cháu quay lại, vườn rau cải không bị mất thêm gốc nào. Từ đó cũng không ai nhớ đến vụ mất trộm rau nữa.

Kết thúc chiến tranh phá hoại, người dân ở nơi tản cư như bầy chim sổ lồng ùa về làng. Ai cũng tươi cười rạng rỡ, cuộc sống thật sự hồi sinh. Mọi người đều có sẵn nụ cười và những giấc mơ đẹp khi được sống trong hoà bình. Tưởng vậy mà không ngờ cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Phong trào hợp tác xã cứ đuối dần. Nhiều khi chỉ vì củ khoai, nắm thóc mà bà con xã viên sẵn sàng tranh giành, thậm chí coi nhau như kẻ thù.

Trong khó khăn thiếu thốn cùng cực, gia đình tôi vẫn sinh tồn như cỏ cây và bản năng muôn loài. Năm 1978 tôi vào học trường ĐHSP Vinh. Quê tôi cách trường đại học hơn 50km nên cứ một vài tháng tôi lại về thăm nhà. Cả làng tôi đang đói queo đói quắt nhưng dù sao con cháu về cũng gắng cho được bữa no. Sinh viên mà không về nhà kiếm bữa no thì có khi cái dạ dày nó teo mất. Một lần tôi về thăm nhà, hai ông cháu đang ngồi trước sân uống nước bỗng thấy bà hàng xóm đi từ ngoài đồng về, vừa đi bà ta vừa tru tréo:

– Mẹ cha chúng nó, toàn là quân ăn cướp. Có mấy luống khoai lang, bà đã rảy vôi trắng xoá rồi mà nó cũng không tha. Chúng mày ăn lá khoai của bà thì già chết đằng già, trẻ chết đằng trẻ…

Ông lắc đầu ngán ngẩm. Tôi bỗng nhớ chuyện xưa liền nói với ông:

– Ngày xưa ông cháu ta mất trộm rau cải mà có chửi câu nào đâu ông nhỉ. Chẳng biết kẻ nào lại nhổ trộm rau kiểu đó.

Nghe vậy ông cười nói:

– Ông biết chứ. Nhìn dấu guốc mộc trên luống rau là ông biết ngay. Nghĩ cũng tội, dâu con bỏ mặc cụ ấy. Tục ngữ nói cấm có sai, “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Ông biết đêm đó thế nào cụ ấy cũng trộm rau tiếp nên bảo hai chú cháu về chỗ tản cư sửa hầm để khỏi phải thấy cái việc bắt trộm chẳng hay ho gì. Bắt trộm cũng là cách để cứu người, nếu không biết cách là thành ra hại người. Ngày xưa ông rình bắt được nhiều trộm lắm nhưng tha hết. Chẳng có đứa nào “ngựa quen đường cũ”. Có đứa còn được bầu vào Ban quản trị Hợp tác xã nữa đấy.

Thì ra vậy, việc đã qua hàng chục năm rồi, có lẽ thấy tôi đã đủ chín chắn nên ông mới kể lại phần kết của câu chuyện bắt kẻ trộm rau, đó cũng là cách ông dạy tôi đối nhân xử thế. Ông kể, đêm ấy một mình ông ngồi chờ trộm trong cái chòi giữa vườn. Nửa đêm, dưới ánh trăng mờ, một bóng người mặc đồ bà ba trắng rón rén đi vào vườn rau. Chờ đến khi bóng người mặc đồ trắng cúi xuống nhổ rau ông mới nhẹ nhàng bước đến nắm lấy tay kẻ trộm. Kẻ trộm hoảng hốt quỳ xuống, hai tay vái lia lịa, miệng lắp bắp:

– Tui xin ông, tui lạy ông, tui lỡ dại… ông mà ko tha thì tui chỉ có nước nhảy xuống sông thôi… hu hu…

Ông tôi đỡ kẻ trộm đứng dậy rồi an ủi:

– Cụ đồ Lưu, cụ biết vậy là được rồi. Chuyện này chỉ có cụ biết, tui biết thôi. Từ ngày mai, cụ muốn ăn rau thì cứ qua đây tui hái cho. Cụ đã tin tui thì cụ đừng ngại.
Ngồi nghe ông kể chuyện bắt trộm mà tôi lại thương kẻ trộm hơn. Cụ đồ Lưu ở cách nhà ông tôi một khoảnh vườn, cụ từng có thời dạy chữ Nho. Về sau không ai học chữ Nho nữa nhưng người làng vẫn coi cụ như bậc tiên chỉ. Thi thoảng có người còn nhờ cụ xem ngày dựng nhà, cưới hỏi. Những năm cuối đời cụ đồ bị xã hội lãng quên. Con cháu cũng bỏ rơi cụ ngay trong căn nhà còn chất đầy sách thánh hiền.

Tôi chợt hiểu ra một chuyện bí ẩn khác mà ông chưa từng kể. Đó là năm 1975, khi cả nước đang tưng bừng niềm vui chiến thắng thì cụ đồ Lưu ốm nặng. Lúc hấp hối cụ vẫn tỉnh táo. Thằng cháu đích tôn hỏi cụ có muốn trăng trối gì không. Cụ đồ nói thều thào muốn gặp ông tôi. Con cháu của cụ đều bất ngờ. Lạ thật! Một người như cụ đồ, chân đi guốc mộc, miệng chỉ quen nói “chi hồ giả dã” thì làm sao lại có mối thâm tình với một người luôn hô hào chủ trương, nghị quyết như ông tôi được? Nghĩ vậy nhưng con cháu vẫn phải chiều theo ý cụ đi mời bằng được ông tôi. Khi ông tôi chạy đến, cụ đồ lại thều thào xua mọi người ra ngoài. Từ ngoài sân nhìn vào mọi người đều thấy cụ đồ nắm tay ông tôi và nói những điều gì đó. Được một lúc thì cụ đồ trút hơi thở cuối cùng. Ông tôi vuốt mắt cho cụ đồ, gương mặt cụ đồ bỗng trở nên thanh thản lạ thường, chòm râu bạc phất phơ như đang chìm vào giấc ngủ.

Đúng giờ tốt, con cháu cụ đồ bắt đầu khâm liệm. Tục lệ quê tôi khi đó cũng rất đơn giản, đơn giản đến như vô cảm. Tài sản của cụ đồ gồm một bộ đồ đang mặc trên người và một bộ đồ để đầu giường; một cái gậy làm bằng cây hèo cuốn hình con rồng; một đôi guốc mộc; một đống sách toàn chữ Nho còn sót lại sau những lần thằng cháu mang cho trẻ con trong làng phết diều giấy. Ngoài ra còn có cái áo “ba đờ xuy” mà ông đồ dùng thay bộ áo dài khăn đóng để tự đổi sang làm ông giáo dạy chữ quốc ngữ nhưng không thành công. Tất cả tài sản đó vừa đủ nhét gọn vào quan tài.

Trong đám tang, một lần nữa người ta lại quên mất cụ đồ. Không khí thật rộn ràng, mọi câu chuyện chỉ xoay quanh việc quân ta giải phóng Sài Gòn. Nào là trận đánh ở Xuân Lộc quân giặc thất thủ, chuyện xe tăng lao vào dinh Độc Lập cho đến cảnh ông Dương Văn Minh đầu hàng… Tất cả mọi người đều hào hứng như chính mình đang phất cờ giữa Sài Gòn. Trong khi đó cái đèn dầu và mấy cây hương trên quan tài cụ đồ đã tắt lụi từ khi nào cũng chẳng ai nhìn thấy.

Lúc đó lão Vị người làng ngất ngưỡng ghé vào thắp hương tiễn biệt. Bà con đang ngồi chuyện trò giữa sân đều bị bất ngờ. Ai cũng biết lão Vị vốn không ưa cụ đồ nên ra đường hễ gặp nhau là móc máy sinh sự mà cụ đồ thì chẳng bao giờ nói lại một tiếng.

Lão Vị đã nhiều lần khoe bị thương khi đánh trận ở Điện Biên nhưng mất hết giấy tờ nên không được công nhận thương binh. Về làng, lão dựng cái nhà nhỏ trên cồn đất cuối làng. Lão sống một mình, người làng xì xầm chuyện lão từng theo nghề “đào ngạch khoét vách” nhưng không biết vì sao mà lão lại hoàn lương. Rất lạ là trong làng không ai qua mặt được lão, chuyện gì lão cũng biết nên mọi người gọi lão là “ma làng”. Cũng có người tỏ ra hiểu biết kể rằng ngày trước lão Vị vốn là chàng trai hiền lành, cục mịch như củ khoai. Đến khi đi bộ đội rồi bị thương vào đầu nên lão ta bỗng biến thành kẻ tinh quái như ma xó.

Thắp hương xong, lão Vị nói oang oang, chẳng biết lão nói với hương linh cụ đồ hay nói với bà con đang say sưa chiến thắng:

– Ở đời mà hận con hận cháu thì chết không nhắm mắt được. Chết mà không nhắm mắt thì có mà xuống địa ngục. Phải nói cụ đồ tâm ngẩm mà ghê gớm thật. Cụ qua mặt cả làng nhưng không qua mặt được thằng này đâu nhé. Thì ra cụ cũng biết chọn người vuốt mắt cho mình. Thôi thì được nhắm mắt xuôi tay như cụ là thanh thản lắm rồi.

Sau đám tang, ai cũng muốn biết cụ đồ đã trăng trối điều gì nhưng ông tôi lắc đầu không nói. Có lẽ chỉ mỗi tôi là người đã hiểu được những lời trăng trối đó.

Một năm sau, gần ngày giỗ đầu cụ đồ, lão Vị bỗng lăn ra ốm nặng. Ông tôi mấy lần mang cháo đến cho lão Vị ăn. Được một tuần thì lão Vị không chịu nuốt cháo nữa rồi trút hơi thở cuối cùng. Ông tôi kịp vuốt mắt cho lão trước khi bà con trong làng kéo đến. Thi thể lão đặt trên cái giường tre, vẻ mặt thanh thản hiền lành như thời còn là chàng trai của làng.

Hai ông cháu ngồi kể chuyện xưa, tôi nhìn ra cánh đồng bàng bạc nước. Vùng đất Cồn Thau, nơi cụ đồ Lưu và lão Vị đang yên nghỉ nổi lên như một hòn đảo. Tôi thầm nói: “Con cầu mong cho cụ đồ và lão Vị siêu thoát! Có mấy ai làm được như cụ và lão đâu, đã chọn được người vuốt mắt cho mình để trút bỏ phiền muộn, khổ đau ở chốn trần gian. Cụ đồ ơi, lão Vị ơi, hãy yên lòng cùng nhau về miền cực lạc”.

TRẦN VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *