VHSG- Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai anh em tôi đều can trường sống sót, trở về. Đó là hạnh phúc lớn nhất đối với cha mẹ và gia đình tôi. Ở Xã Bình Hòa Phước hiếm có nhà nào mà vinh quang và niềm tự hào lại chảy tràn vào cả bữa ăn, giấc ngủ suốt mấy tháng liền sau ngày Giải phóng như nhà tôi. Một bầy heo, bầy bò, và cả những bầy gà vịt nữa, đều được người mẹ rộng rãi hiếu khách và vô cùng tốt bụng của anh em tôi dốc vào những bữa trọng tiệc triền miên để mừng cho sự hiện diện quá ư to tát của niềm vinh quang mà theo lời cha tôi là phải mất mấy đời người mới có được trong nhà nầy.
Đúng như vậy. Cả làng đều tán tụng. Nhà tôi là nhà duy nhất ở xã kềm trắng sát nách Thị xã có được hai cán bộ còn nguyên lành từ đầu đến chân, lại làm to nữa, súng lục giắt kè kè bên lưng, tươm tất, oai vệ, ăn nói thì nhã nhặn, lịch lãm có thừa, lại sở hữu trình độ học vấn tú tài, am hiểu đường lối chính sách, nói về Cách Mạng thì đến bùi tai, nghe hết ngày nầy đến ngày khác không chán. Với hoàn cảnh thiếu cán bộ nghiêm trọng, anh Hai tôi lập tức được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tài Thị xã, quyền uy và đường tiến thân thì “thênh thang tám thước ”. Anh tôi hay gật gù mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói về hoạn lộ của mình như vậy. Tôi lúc đó được nâng đỡ chuyển từ chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh xuống Thị xã nhằm tăng cường cho công tác giáo dục với chức vụ Quyền Trưởng ban, sau đó đổi thành Phòng thì được làm Trưởng phòng.
Suốt cuộc chiến tranh, không biết vô tình hay cố ý mà tôi chưa hề trông thấy một tên Mỹ, lính Sài Gòn nào, chỉ thấy được chúng qua hình vẽ, hoặc hình ảnh từ báo ngoài thành gởi vô. Đó là nói những thằng giặc bằng xương bằng thịt có súng ống trong chiến tranh-chứ hồi ở nhà đi học thì tôi đã tận mặt nhìn thấy không biết bao nhiêu lần, và còn được ăn cả kẹo socola của bọn Mỹ phát cho con nít. Anh tôi cũng vậy, cũng chỉ chiến đấu chống kẻ thù mà anh biết rằng nó có đấy, có thật trên đời, ở đâu cũng có, nhưng chẳng một lần tận mắt được nhìn. Điều ấy tưởng như khôi hài, nhưng quả thật là rất hợp lý, hợp lẽ. Biết thế, nhưng cả hai anh em tôi đều nhất trí giấu kín chuyện thật như đùa nầy trước công chúng, bởi nói ra nó chẳng có lợi ích gì, lại nghe trong người áy náy thế nào ấy khi nhận mình là người thoát ly theo Cách Mạng suốt những năm dài khói lửa. Chúng tôi phải chịu khó đi “xin”, hoặc cop-py từng mẩu nhỏ những câu chuyện và hình ảnh lũ ác ôn ác bá tề ngụy, ghi lòng tạc dạ từng chút sự hung hăng, xảo quyệt, thói hóng hách, côn đồ, mị dân từ bọn lính Mỹ cho đến lính Biệt Động Quân, lính Sư Đoàn, thám báo, đến mánh khóe thâm độc bôi đen gia đình Cách Mạng của bọn bình định nông thôn, bọn cảnh sát, bọn phượng hoàng, hoặc xa hơn, trừu tượng hơn nữa là bọn CIA … để có thêm phần chất liệu sinh động phục vụ những cuộc thuyết trình, những buổi lên lớp cho thành phần công chức cũ lưu dụng, thanh niên học sinh ngoài thành, tạo điều kiện chính trị tinh thần cho họ đứng vào hàng trận của Nhân Dân để tiến lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, bỏ qua thời kỳ quá độ Tư Bản Chủ Nghĩa, hướng thẳng tới thiên đàng.
Vậy mà hay ra phết, nói chuyện đến đâu tiếng vỗ tay tán dương rầm rộ đến đó, nghe mà sướng, tưởng như bay trên không khí vậy. Anh em tôi thường bổ túc kinh nghiệm, kiến thức mới thu lượm được cho nhau dưới cái nhìn đằm thắm như tiên ông của Cha tôi .
– Các con như thế là tốt. Đó là tấm gương để các em học tập ở hai anh. Phải làm Cách Mạng phục vụ người đời bằng tri thức các con à. Cha sẽ cho các em của hai con vào Đại Học hết. Nhà ta có đức hơn người, ráng mà giữ cái phúc trời cho.

Một hôm, để tôi được chứng kiến tài ăn nói uyên bác, anh tôi mời tôi đi nghe anh nói chuyện với toàn thể cán bộ các hộ, phường, ngành ban Thị Xã về những vấn đề kinh tế tài chánh của đất nước, vấn đề phải “ thủ tiêu ngay Chủ Nghĩa Tư Bản xấu xa ” đang sinh sôi nẩy nở hàng ngày trong đời sống con người, tôi về nằm gác tay lên trán, thắc mắc không hiểu anh tôi lĩnh hội được ở đâu cái tinh thần “ triệt để Cách Mạng ” tối tân quá thể như vậy. Khi mọi người đang nín thở thì anh tôi nghiêm giọng nói rằng:
– Sẽ là tội ác nếu chúng ta không làm cho người dân thành thị, dân vùng ven quanh Thị Xã thay đổi cách sống. Tôi đơn cử một ví dụ thôi. Ví dụ tại sao ta cứ nuông chiều thói quen ăn bánh, ăn quà của người Việt Nam. Hơn lúc nào hết, bây giờ nước ta đang thiếu lương thực trầm trọng. Mà bánh, cả hũ-tíu lẫn phở và các loại bánh khác hàng ngày làm mất đi bao nhiêu tấn lương thực. Phải chấm dứt tình trang vô nguyên tắc, vô chính phủ trong sử dụng lương thực để bảo đảm cái hầu bao cho đất nước.
Nghe xa nghe gần, Mẹ tôi sợ ảnh hưởng tới uy tín của con trai cả nên đã lén lút đưa cái cối xay bột xuống ao, giấu. ( Lẽ ra phải đập bể trước mặt giới chức trách theo tinh thần phổ biến của cán bộ địa phương-chứ làm như Mẹ tôi thì vẫn còn vi phạm công lệnh quản lý) Phải đến hôm bọn em gái nhà tôi-bảy đứa tất cả-đòi ăn bánh xèo, tìm mãi không thấy cái cối xay bột ở đâu, Mẹ tôi lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau một lượt rồi mới nháy mắt, đưa tay ra hiệu cái cối đang nằm im dưới lớp bùn dày. Bà kiên quyết không cho mấy đứa em tôi ăn bánh với giọng thật nghiêm trọng của một người luôn giác ngộ Cách Mạng ở mức cao nhất-lại trong tư cách là Mẹ của một cán bộ đương quyền của Thị Xã-rằng :
– Cán bộ ở đây phổ biến mệnh lệnh của anh Hai con và căn dặn mọi người, nhất là gia đình cán bộ phải gương mẫu chấp hành, cho lệnh nó nghiêm, mọi người trông nhau mà thực hiện, các con à. Nhịn thèm chút chẳng sao, để anh Hai con còn chỉ huy được Cách Mạng. Mình làm bánh mà không cho dân người ta làm thì đâu có được, họ sẽ kèo nài, phân bì phân lõm mà thành ra chuyện.
Phải đợi đến tôi can thiệp, lén mò cối đem lên, mang vô buồng, đóng cửa, phân công một người gác chừng anh Hai và Cha tôi vế bất tử, hì hục mãi, mấy đứa em tôi mới có một bữa bánh xèo-ăn một lần nhớ đến suốt đời, muốn quên cũng không thể nào quên được. Cũng từ đây, từ cái bữa bánh xèo phạm pháp nầy, bảy đứa em gái nhà tôi bắt đầu nghi ngờ cái “chân lý Cách Mạng” quái gở của anh Hai tôi. Các em than:
– Cách Mạng riết rồi không còn mặc áo dài, áo kiểu, không cho uốn tóc, để móng tay, lúc nào cũng thủy lợi, cũng đào kinh, không được ăn bánh, không được đi cắm trại… Làm sao tụi em và mọi người chịu nổi hở anh Tư?
– Cố mà chịu. Chắc một lúc nào đó tàn dư xã hội cũ được quét sạch, nợ nần với chế độ thực dân mới-tư bản, đế quốc chủ nghĩa được thanh toán triệt để, mọi cái lại bình thường.
Tôi cố tưởng tượng ra những điều hợp nhĩ, những viễn cảnh khả biến nhất về một cuộc Cách Mạng lúc nào cũng đề cập đến tính cao cả nhân văn cho các em vui, chứ thực lòng tôi cũng bắt đầu ngao ngán khi nhìn mấy đứa nhỏ cắt tháo hết các chiếc áo dài, áo kiểu để chữa lại thành các chiếc áo bà-ba bà-tư cho hợp với trào lưu quét dọn cái cũ, cái xấu-vệ sinh đường phố, đồng ruộng, tâm hồn-mà công cuộc bão táp Cách Mạng cuồn cuộn kéo về từ suốt năm qua đang cuốn phăng đi cho bằng sạch tất cả mọi thứ có liên hệ máu thịt với chế độ cũ tồn tại suốt trăm năm. Sách tiếng Anh, tiếng Pháp phải đốt thành tro. Ai bạo gan giữ lại các cuốn từ điển thì phải giấu biệt, muốn tra cứu phải đợi đêm về, đốt nến mà đọc. Nghe chó sủa, sợ cán bộ, du kích đi tuần thì phải thổi đèn, im thin thít. Guốc cao gót phải đem chụm lửa. Quần áo hầu như không cần ủi nữa, để cho nó có vẻ cần lao, giai cấp. Dẫu hà khắc và quái lạ đến bất nhẫn như vậy, nhưng không hiểu sao mấy đứa em tôi vẫn hăng hái vào Đoàn với một tinh thần Bôn-sơ-vích của Cách Mạng Tháng Mười Nga. Vì thế nó phải luôn luôn gương mẫu đi đầu. Nhìn tóc chúng nó cháy, mặt mày đầy mụn trứng cá, cả năm trời không một bận thoa kem lên mặt hay một chút son phấn vào má môi cho xinh con gái, tôi thấy buồn như mối cắn trong lòng. Một không khí oi nồng, bức bối, ngột ngạt khiến đầu óc tôi cảm thấy bất an với nhiều linh cảm xấu, nhiều giấc mơ quái dị. Muốn hỏi, không hỏi được ; muốn nói, không biết nói cùng ai. Rồi kể từ cái hôm tôi cãi tay đôi với ông anh về chuyện “ quan điểm ” đến giờ, nhà tôi bắt đầu phân hóa thành hai phe. Hôm ấy, sau khi anh Hai tôi đụng độ với một Cô giáo “đầu quăn môi trớt”, về đến nhà mặt hầm hầm như vừa bị chó táp, gọi tôi đến để tảo thanh về sự “hữu khuynh” của ngành giáo dục.
– Chú lãnh đạo giáo dục à?
– Dạ, em tưởng anh đã biết?
– Hừ, biết ! Tại sao chú để Cô giáo tự do ăn mặc, sơn phết móng tay, móng chân, tự do đầu quăn môi trớt, coi thường thuần phong mỹ tục và những quy định của chính quyền mới?
– Phải từ từ chờ đợi ở họ anh hai à. Nếu người nông dân cần có thời gian suy nghĩ trên mảnh đất của mình thì anh cũng phải để cho người thị dân họ đứng trước gương mà soi lại họ. Từ cũ chuyễn qua mới, phải có thời gian tối thiểu cho sự chuyển hóa. Với lại, bây giờ cũng không còn mấy người ương ngạnh đâu. Uy vũ Cách Mạng đang che phủ cả bầu trời, một hai người thì có uống mật cóc, gan công họ cũng không dám chống lại. Cô giáo ấy chắc là có vấn đề về tâm thần. Để em kiểm tra lại xem.
– Chú có biết nếu như bữa nay không phải gặp tôi mà gặp đồng chí Bí Thư Thị Ủy thì hậu quả sẽ còn tồi tệ đến chừng nào ? Chú phải coi lại cái lối giáo dục tư tưởng, đạo đức đối với bọn giáo viên tiểu tư sản bấp bênh, chế độ cũ ấy. Phải Quân quản cả tư tưởng, đạo đức, chú biết không ? Đầu quăn môi trớt, móng tay móng chân xanh đỏ là hạng người nào chú biết chứ ? Một lũ ăn không ngồi rồi, một lũ đĩ thõa ! Tôi đề nghị chú tống cổ ngay lập tức Cô giáo mất tư cách tôi gặp bữa nay ra khỏi ngành giáo dục, coi lại thành phần, lập hồ sơ cho đi kinh tế mới, hoặc đưa đi trại phục hồi nhân phẩm ! Chú phải biết, đất nước nầy ( nhất định là ) của người lao động, chứ không bao giờ của những kẻ ăn không ngồi rồi ấy ! Hiểu chưa !?
Tôi nghe lỗ tai lùng bùng, nhưng không tiện tranh cãi vì Cha tôi đã về tới nhà với cái sắt-cốt và cây súng lục vừa lột ra bỏ lên kệ, cùng chiếc nón cối ông xin được của ai nhằm trang bị bổ sung cho mình để tướng dạng có thêm vẻ cán bộ chính thống nhà nòi. Với Cha tôi, việc anh em trong nhà cãi nhau là không thể chấp nhận được. Cái gia giáo ấy có từ thời Ông Nội, được lưu truyền lại qua sự tiếp thu tròn vẹn của Cha tôi. Hơn nữa, sau Giải Phóng, nhà tôi nghiễm nhiên là gia đình Cách Mạng gương mẫu, nên càng không thể có chuyện bất nhất trong bất kỳ vấn đề gì có liên quan đến Cách Mạng. Tôi lặng lẽ tìm đến trường của nữ giáo viên vừa mạo phạm với anh tôi và tất nhiên là phải đề nghị Ban Giám Hiệu tổ chức kiểm điểm, có bản tự kiểm của đương sự kèm theo gởi về Phòng. Trong khi tôi cố tình che chắn cho cô giáo lưu dung tội nghiệp mới lỡ điệu đàng lần đầu trong tác phong sinh hoạt ấy, ( có thể cô ta cố sặc sỡ thêm lên hơn bình thường tí chút để đón tiếp một cán bộ uy danh khắp vùng, được mọi người ngưỡng mộ như anh Hai tôi mà đã chưng dọn thân thể mình cho nó lung linh ra thế ) thì anh Hai tôi lại truy kích đến cùng. Và Cô giáo xấu số kia bị đuổi việc. Tôi, vì liên đới nhận chịu hậu quả của việc lãnh đạo không tốt hoạt động giáo dục Thị Xã, liền được thuyên chuyển và bị giáng chức về Thị Đoàn, phụ trách công tác Thanh Niên trong học sinh, sau đó thêm một lượt chuyển, tôi ôm quần áo về Tổng Đội Thanh Niên Xung Phong vừa được xây dựng lại, trong diện mạo của một kẻ bơ phờ vì thất sủng.
Đã bị còn lụy đến thân. Trong khi tôi long đong chuyển hết cơ quan nầy tới đơn vị khác thì không ngờ Cha tôi được kết nạp vảo Đảng và được cử làm Phó Chủ Tịch Xã. Tôi bị anh Hai lấy tấm gương cầu tiến của Cha tôi mà chê trách đến buồn lòng:
– Chú là thanh niên mà còn thua Cha mình đã 60 tuổi. Chú hãy học Ông Già nhà mình mà phấn đấu để còn tiến thân.
– Em thấy Cha ở nhà tốt hơn là đi làm việc, tốt hơn vào Đảng .
– Chú nói sao ? Cả xã nầy có tới 95 phần trăm là Ngụy, gia đình Cách Mạng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chi Bộ mới thành lập có 4 đảng viên, Cha vào Đảng là tốt, là có ích, là để làm cho Đảng ở đây nó mạnh lên, đảm đương, cầm chịch được phong trào. Chẳng lẽ để cho mấy thằng ngụy tề nó vào Đảng?
– Không phải Cha không vào để tề ngụy nó vào. Em muốn nói mình phải có quan điểm phát triển, phải chiếu cố đến lực lượng trẻ, và phải có cái nhìn hòa hợp, cởi mở hơn.
– Về chính trị ta không có mơ hồ, chú biết chứ ? Hãy nghiên cứu lại để có cách tẩy trừ cái chất “tiểu tư sản ”, “mơ hồ” trong chú và hãy cảnh giác với thằng giặc không hình thù đó!
Ôi ! Giá như ngày trước hai anh em đừng ở trong “ hang ”, giá như ngày trước anh em tôi dám bồng súng chiến đấu, dám nhìn thấy mặt thằng Mỹ, thằng Ngụy thì giờ nầy tâm tính chúng tôi chắc cũng đã khác hơn. Chúng tôi chống Mỹ và làm Cách Mạng chủ yếu bằng truyền thuyết-chỉ nghe kể về Cách Mạng để biết Cách Mạng tốt, vĩ đại, mà làm thôi. Có lẽ vì thế nên ông anh tôi luôn nhìn thấy kẻ thù nhiều hơn (bởi tưởng tượng thì bao giờ cũng dễ hơn phài qua trải nghiệm thực tiễn) những kẻ từng lăn lộn chiến trường nhìn tận mặt kẻ thù, để biết thế nào là thực dân mới, biết thế nào là Việt Nam hóa chiến tranh, thế nào là đoàn kết Dân Tộc, liên hiệp các thành phần. Cái sự bé nhỏ, khô héo về tình cảm cũng như sự hiểu biết do cuộc sống ở trong “ hang ” (lúc nào cũng chui rúc vào cứ sâu với lãnh đạo cùng hàng hàng lớp lớp các tầng bảo vệ từ xa đến gần, và sẵn sàng giở nấp hầm bí mật để tọt xuống khi giặc còn ở ngoài tiền duyên, không hề nhìn thấy dạng hình) đã biến hai anh em tôi thành hai dơn vị thực vật, hai cây kiểng trong “ buồng kín ” Cách Mạng. Bọn tôi-những người chẳng bao giờ đánh giặc, chẳng bao giờ đột vô vùng kềm-nơi của sống chết. Xung quanh chúng tôi lúc nào cũng có tài liệu, sách vở, chủ trương đường lối để đọc, để học. Chúng tôi trộn lẫn chúng tôi với nhau để làm ra những trải nghiệm tinh tấn về Cách Mạng. Chúng tôi nói hay như những bậc Thầy. Chúng tôi được nuôi như con vẹt, con nhồng lột lưỡi được nuôi giấu tận thâm cung bí hiểm-một nơi cách biệt với sinh hoạt của xã hội nhân quần. Da thịt chúng tôi trắng còn hơn da thịt con gà mái bị vặt trụi lông. Sau Giải Phóng, khi được thả ra vùng trời tự do lồng lộng cao xa, vinh hưởng phúc nhàn, không còn chết chóc, khổ đau, đạn bom, bắn giết, chúng tôi mặc sức tung hoành. Để rồi có một ngày nào đó tôi chợt nhận ra tính chất, bản chất thật của chúng tôi : một lũ quan liêu, giáo điều và cực kỳ thiếu đạo lý với cuộc sống thực của mọi người. Và bây giờ, tôi cùng mấy đứa em gái của tôi-những đồng minh hữu khuynh trên con đường xây dựng một xã hội ngàn lần tươi đẹp, đang dần dần tách ra khỏi những quy tắc đáng e sợ mà tính cách và sự lịch lãm trong chúng tôi vừa mách bảo rằng : nó có cái gì đó bất hoàn, so le, kệch cởm và cả thô bạo, dường như còn bao gồm cả sự ám ảnh khủng khiếp của cuộc Cách Mạng văn hóa tàn bạo từ Trung Quốc thổi sang. Anh tôi, Cha tôi là hình ảnh của sự tàn khốc chưa rõ ràng ấy. Chỉ thương Mẹ tôi (vinh quang cũng không còn mãi cho Bà) vì Bà vừa phải tạo ra thế giới tình cảm để nuôi dưỡng gia đình chúng tôi, vừa phải là người đàn bà thực tế trước đời sống của mười hai con người phải ăn, phải uống, phải tiêu vặt mỗi ngày, mỗi tháng, với bao nhiêu nhu cầu từ trong nhà dài ra tới chợ. Bò, heo, gà vịt đã hết sau bao nhiêu lượt gây đàn. Đã bắt đầu lén bán lúa chợ đen để mua từng hộp kem đánh răng, xà phòng tắm và chút ít hàng nhu yếu phẩm thiết thân mà dùng. Cây trái trong vườn lúc có lúc không. Mẹ tôi cùng các đứa con gái chia nhau gánh nặng để ba người đàn ông trong nhà được ưu tiên lo cho Cách Mạng. Mẹ tôi và các em gái tôi trở thành hậu phương trực tiếp cho tiền tuyến lớn chôn vùi Chủ Nghĩa Tư Bản của ba Cha con chúng tôi. Trồng rau cải, bẻ mận, hái chanh, xạ lúa … đã đương nhiên là việc của Mẹ và mấy cô em gái-cả cô Út năm nay mới vào năm cuối cấp một. Tôi bắt đầu cảm thấy vô lý cho cái tinh thần đạo đức kỳ quặc nầy. Mấy đứa em gái tôi phải mặc tới quần đùi đi ruộng, chân tụi nó đen mốc chẳng khác mấy cu chàng mục tử ngoài đồng. Trong khi đó thì Cha tôi trắng, anh Hai tôi trắng (da) hơn cả đám con gái nhà tôi. Ô hay! Có một cuộc đổi đời tinh vi và lạ lùng đến mức khó hiểu. Tôi lắc đầu và xin nghỉ phép năm về phụ Mẹ tôi, chia sẻ chút mệt nhọc cùng các em yêu quý của tôi. Trời hỡi ! Nó cực hơn biết bao nhiêu lần những tháng năm tôi đi làm Cách Mạng.
Rồi tất cả vào Tập đoàn. Tiếng loa phóng thanh, tiếng chó sủa mèo kêu, bò róng, trâu nghé ngọ làm tròng trành cả mặt đất quê làng. Chỉ có những người không có cục đất liệng chim thì họ vui mừng ra mặt, họ nhảy múa hát ca trước cuộc cào bằng đại trà mang lại sự bình đẳng tối ưu cho họ. Mẹ tôi lo mà không dám nói ra, cứ nhắm mắt đánh liều ai sao mình vậy. Như một linh thần cứu rỗi, anh Hai tôi xử trí kịp thời tình huống bi tráng nầy, bằng cách bí mật cho đào mương, lên líp 15 công đất ruộng, biến nó thành vườn-bởi vườn chưa có chủ trương vô Tập đoàn. Năm công đất còn lại không đủ định suất để chia cho 6 lao động chính trong nhà theo tiêu chuẩn bình quân. Là gia đình cán bộ, đương nhiên tôi, ông anh tôi, và cả Cha tôi cũng phải được các đồng chí địa phương quan tâm chiếu cố cho thêm ba suất đất nữa. Đấy rồi chẳng bao lâu Tập đoàn tan vỡ, gia đình tôi lại được trời và Nhân Dân cùng thương. Khi vào Tập đoàn, gia đình tôi mang theo 5 công đất. Lúc Tập đoàn rã, gia đình tôi lời thêm một mẫu Tây đất nữa-thành ra sau trước giờ cộng lại tới 35 công-chưa tính những công vườn có trước. Anh tôi quả là một thiên tài về việc tính toán, xứng đáng với vị trí Trưởng Ban Kinh Tài Thị Xã. Cứ thế nhà tôi như ba-gong tàu được kéo êm ái lên Chủ Nghĩa Xã Hội, không có gì phải than van ta thán cả. Một chiến thắng quá ư ngoạn mục. Anh Hai tôi được bổ sung Ban Thường Vụ Thị Xã Ủy sau khi X-I, X-II vừa kịp hoàn thành. Còn bây giờ thì anh như đầu đạn tên lửa được gắn thêm liều thuốc tống vậy, sẵn sàng rời bệ phóng bay cao và bay xa tới những mục tiêu cần đến trong vòm trời nầy. Còn tôi, tôi trở thành cán bộ trong Ban chỉ huy Tiểu Đoàn Thanh Niên Xung Phong-phụ trách hậu cần-hồi nào không biết, khi cùng 500 thanh niên vác ba lô, leng vá, cuốc xuổng hành quân xuống biển-thuộc miền duyên hải Trà Vinh với rừng chà là, rừng giá, mắm bạt ngàn-để làm công việc của các lưu dân ngày xưa nhì đâm hà bá, nhất phá sơn lâm. Con đường công danh của tôi tiếp tục “ ăn xuống ”. Mấy đứa em gái thì động viên ông anh khốn khó của nó bằng một câu của người theo đạo Phật “Ở hiền gặp lành” không dính dáng gì đến những khẩu hiệu Cách Mạng đang bừng bừng khí thế lấp biển vá trời của Tỉnh Cửu Long-Vĩnh Trà anh hùng suốt hai cuộc chiến.
Trong khi đó thì ông anh cả của tôi cưới một Thị Xã Ủy Viên trẻ làm vợ. Cuộc tân hôn được tổ chức đúng mức Cách Mạng : lễ Tuyên Bố tại Văn Phòng Thị Xã Ủy với 3 con chó nấu kiểu Nam lẫn Bắc để thể hiện tinh thần đoàn kết Băc Nam, cùng mấy chục gà vịt dành cho người không xơi được thịt cầy bảy món. Anh tôi lại đi đầu trong việc cưới xin nếp sống mới giữa phố phường đầy tàng tích thực dân xa hoa cách biệt, tràn ngập thán khí của ngày hôm qua. Anh nhận thêm một điểm cộng về phẩm hạnh cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong mắt các đồng chí lãnh đạo. Anh được đánh giá là đỏ từ đầu đến chân, đỏ từ trong tới ngoài. Sau đó ít lâu, anh tôi lại trở thành một trong mấy cán bộ đầu tiên của Tình lấy được bằng Đại Học hạng ưu. Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi thăm mới biết việc học của anh chủ yếu bằng việc nhậu và cho quà các ông Thầy từ Trung ương, hoặc Sài Gòn xuống tỉnh dạy tại chức. Chẳng mấy chốc sau khi có bằng Đại Học, anh tôi được cử đi học kinh tế ở Liên Xô và được đề bạt chức vụ Trưởng Ty Tài Chính khi tốt nghiệp khóa cấp tốc trở về từ xứ sở Nga La Tư Cách Mạng.
Còn tôi, tôi đang cặm cụi cùng đồng đội chặt rừng chà là làm nông trường trồng dừa cuối biển. Tôi đang tận tụy với cuộc sống gã tiều phu để được làm chàng An Tiêm của thời hiện đại hào hùng-chỉ khác là trồng dừa chứ không phải trồng dưa .
Giật mình nhớ lại thì mình đã sắp bước vào tuổi “băm” , tôi quyết định lấy vợ sau mấy đếm nằm chiêm bao thấy đàn bà trẻ đẹp nhào vô mùng ngủ với mình liên tục. Anh hai tôi sốt sắng làm mai cho tôi cô con gái của đồng chí Phó Chủ Tịch Tỉnh-từng là Khu ủy viên Khu 9 trước Giải Phóng cho đến ngày cấp Khu được giải thể. Cha tôi ủng hộ hết mình. Hào quang sẽ mãi mãi tỏa sáng mái nhà của chúng tôi-một “ đẳng cấp đỏ ” theo cách gọi mai mỉa của Đài BBC đòn xóc đâm bị thóc chọc bị gạo. Tôi xin phép Ban chỉ huy về nhà đi coi vợ theo mệnh lệnh của anh và Cha. Và tôi đã xẻ dọc rừng chà là đầy gai góc có đến 20 cây số để ra bến xe huyện, rồi từ huyện sẽ lại nối xe, ngồi lên mui, gập ghềnh đến nửa đêm gà gáy mới kịp về đến Thị Xã thương nhớ của minh. Nhưng tôi nào có ra được tới bến xe của huyện Duyên Hải tại Thị Trấn Long Toàn. Một câu chuyện không đâu đã cản trở hành trình quan trọng của đời tôi. Cũng từ đây tôi bắt đầu ngoặt trái cuộc đời về hướng khác làm mất đi vĩnh viễn ánh hào quang sắp chiếu vào mình mà anh và Cha tôi đã sắp đặt sau khi chấm điểm tọa độ cho tôi đỗ quân.
Đêm ấy, mệt quá tôi tấp mình lên bờ trảng có trồng mấy cây đào lộn hột để ngủ một chút lấy sức. Khi giật mình thức dậy thì người tôi nóng như cục than hầm. Tôi lê từng bước đi vào xóm kinh tế mới lụp sụp một dãy nhà lợp lá, vá tol, leo lét những bấc đèn dầu lúc sáng lúc tối như những ngọn đèn ma. Cơn rét lại ập tới bất thần, nó tinh ranh luồn lốc vào đến tận xương tủy, cứ giật bắn lấy người tôi quây mòng vật vụa. Tôi cố đi, nhưng chưa được mấy bước thì lại đổ kềnh ra, nằm vắt lên bờ đất. Một con chó cứ sủa vố lấy tôi. Có tiếng quát thét. Mấy người gác kho báo động trộm. Chờ mãi không bắt được trộm, một cô gái rẫy đã bắt được tôi mang về. Cả nhà, rồi cả xóm xúm nhau lấy thuốc rừng trị bệnh cho tôi. Nắng lửa, mưa dầu, gai góc và những gương mặt người đen sạm, khắc khổ, những cánh tay không quen lao động phải tự cải tạo mình bằng cuốc xuổng đã làm tê dại lòng tôi sau mấy ngày chung sống. Nhất là hai Mẹ con người thiếu phụ đã trực tiếp chăm sóc tôi trong lúc bệnh. Bà Mẹ cứ khóc và nói với tôi, kể cho tôi nghe những điều hãi hùng xảy đến với gia đình Bà sau chiến dịch X-I mở màn. Chồng Bà đã chết vì không chịu nổi cảnh thống khổ của vùng kinh tế mới và cơn bệnh trầm uất đeo nặng bên mình. Còn Bà và cô gái chưa tròn hai mươi tuổi của mình thì thối hết cả móng chân, móng tay, tóc vàng cháy như râu bắp khô, da mặt nám khô, đôi mắt đen chìm khuất những giọt mồ hôi mặn chảy tràn cả giấc ngủ. Họ đã đốt khét đời họ bên những rọc rừng mà vẫn chưa biến đổi được bản thân mình thành những nông dân, ngư dân, viêm dân như bao nhiêu người khác có lai lịch khai phá từ mấy thuở Ông Cha. Họ vẫn không thích nghi được với cuộc sống quá ư xa lạ nầy. Họ kinh khủng trước cuộc đổi đời do Cách Mạng mang lại cho một số ít người trong bọn họ. Họ đang thoái hóa dần bàn chất NGƯỜI sinh động với một lịch sử gấm hoa trưởng giả của kẻ lắm của nhiều tiền. Họ đau đớn triền miên khi thấy mình vô lý bị tước đoạt sạch sành sanh. Họ không hề nhận ra sự bóc lột xấu xa mà Cách Mạng đã cố tình dán, nhét vào tai họ và số phận oan nghiệt của giai cấp họ. Họ thấy bất công. Và họ đã chết dần chết mòn khi ngồi bên nắng biển mưa rừng, vắt từng giọt mồ hôi, nước mắt mà nuốt vào lòng để nhớ tiếc về quá khứ vàng son, nhung lụa của mình. Rồi tự dưng tôi thấy thông cảm với họ, buồn lây với họ cái nỗi buồn của một thằng người. Khi hết bệnh, hơn một chục nam nữ đòi theo tôi để gia nhập Thanh Niên Xung Phong với hai lý do : làm sạch lại lý lịch gia đình, sau đó là để có cái ăn cái mặc, không rách rưới lang thang thành kẻ ăn mày. Trong đó không ngờ có cả cô gái mà tôi đã chịu ơn đi ra từ gia đình Bà góa phụ. Tôi trở lại rừng và hoản chuyến đi phép cho tháng sau khi sức khỏe hồi phục.
Lại những bức thư và những cuốc điện thoại nhắn tin qua nhiều đơn vị của Cha và anh tôi. Tôi sốt ruột lên đường lần thứ hai về nhà coi vợ. Về đến nhà, Mẹ và mấy em tôi khóc sướt mướt vì không nhận ra con người khốn khổ tiều tụy, trông như ma đói vừa trở về từ cõi âm của tôi. Để nguyên thân xác ngạ quỷ, tôi theo anh và Cha đến chào gia đình đồng chí Phó Chủ Tịch. Họ sang trọng và uy nghiêm như bậc vương tước hiện triều. Tôi được phép đi theo người nhà ra nhà sau trò chuyện với mấy ông em, bà chị và những người chưa một lần quen. Không ngờ người tôi coi mắt lại là chị Cửa hàng Trưởng phân phối lương thực-thực phẩm từng duyệt chi cho tôi mua 4 cái đầu heo đem về đơn vị tổ chức liên hoan ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 hồi tôi còn đương chức Trưởng Phòng. Chị Cửa hàng Trưởng-ái nữ của Ngài Phó Chủ Tịch chỉ học mới hết chương trình lớp ba bổ túc, lớn hơn tôi 2 tuổi, mặt trái trâm, mỗi lần cười thì đưa hết lợi, lưỡi ra ngoài.
– Anh đó hả ? Tui nhớ ra rồi. Tui có lần duyệt bán cho cơ quan anh 4 cái đầu heo về làm tiệc. Tôi tưởng ai chớ đâu dè là anh ? Không ngờ mình có duyên dữ hén. Anh không biết tui là con của Ba tui sao ?
– Bữa nay mới biết. Nhưng chị …
– Sao lại kêu tui bằng chị, người ta cười chết. Kêu lại bằng em thôi. Tui tên là Hường-bông hường đó. Bông hường mà trồng trong chiến tranh, phải mạng số lắm mới còn mà ra tới thành thị để khoe sắc khoe hương. Anh bao nhiêu tuổi rồi?
– Hăm chín …
– Chết cha hông ? (Cô gái bịt miệng nhìn lên nhà trên). Vậy anh nhỏ hơn tui tới hai tuổi lận. Không lẽ…?
Có người điền vào chỗ trống của câu nói bỏ lửng :
– Nhất gái lớn hai, nhì trai lớn một, lo gì .
Mấy mâm tiệc đã được dọn sẵn. Mọi người được mời ra. Tôi phản ứng bằng cách ai đưa bao nhiêu rượu là ực hết bấy nhiêu. Vì gốc bị bệnh sốt rét, người xanh xao vàng vọt, chẳng mấy chốc tôi lờ đờ như cá trúng thuốc, rồi ngả nghiêng, lịch sự, dịu dàng xin phép kiếu từ.
– Con thấy thế nào ?
Tôi lắc đầu khi Cha tôi hỏi sau lúc về nhà.
– Mẫu người của con không hợp với gia đình người ta đâu. Với lại…
– Cha thấy chỗ nầy thật xứng vợ xứng chồng, xứng sui xứng gia lắm, con à.
– Cô ấy lớn hơn con tới hai tuổi .
– Cha và anh Hai con có đắn đo một chút chỗ tuổi tác, nhưng bù lại là thân thế của người ta sẽ rất có lợi cho con và gia đình mình. Thời đại Cách Mạng mà con. Phải chọn cho đúng dòng, đúng giống.
– Cô ta chỉ mới học lớp ba, chữ viết như cua bò. Con đã từng thấy chữ viết của cô ấy. Chẳng lẽ con phải lấy một người phụ nữ mà học hành chỉ có vậy ? Đó là chưa nói họ nhìn mình thấp tè dưới con mắt của họ. Họ đã và che miệng cười khùn khục đến văng nước bọt khi nhìn thấy bộ dạng rừng rú như chồn rái của con. Họ là quý tộc đỏ. Nhà đó chỉ có thể hợp với anh Hai con thôi.
– Nhưng anh Hai mầy có vợ rồi … Còn họ cười là vì thấy cái dáng người miệt biển của con. Dù gì thì mình cũng đến nhà người ta rồi. Còn phải tính đến cái duyên của con gái người ta .
– Nếu có duyên thì để cho người khác họ cưới, lo gì ế. Hôn nhân chứ có phải công việc từ thiện .
– Cha thấy tiếc cho gia đình mình. Một đời, chẳng mấy lần được may vậy đâu con .
– Vậy là Cha với anh Hai muốn “ cưới ” cái chức Phó Chủ Tịch cho nhà mình chứ nào phải cưới vợ cho con .
– Mầy nói bậy, nói bạ …
Còn anh Hai thì sau khi về đến nhà bèn nổi trận lôi đình tụng cho tôi một trận ra trò. Cuối cùng anh bảo tôi là thằng ngu, thằng ba trợn, khi bỏ lỡ một cơ hội để rắn trun đen có mạng hóa thành rồng .
Tôi trở về rừng khi được Mẹ và các em khao cho một bữa bánh xèo ( cũng phải mang cái cối xay bột từ dưới ao bùn lên ) và trang bị thêm ít thuốc men, dao kéo, kim chỉ. Khi tôi về đến rừng thì cô gái tôi chịu ơn đã bỏ đi mất. Tôi phải ra mãi tận thảm rừng già sát vàm biển mới tìm được cô em về. Hỏi ra thì cô bảo : “ Em buồn vì anh bỏ em về nhà lấy vợ ”. Tôi trố mắt buồn cười và thấy mình lẩm cẩm như một cụ già trước cô gái xinh đẹp nhỏ bé-người khách oan khiên của rừng kia .
– Em còn trẻ, thậm chí còn nhỏ quá, mà theo Thanh Niên Xung Phong chi cho cực. Nên ở nhà với Mẹ, em nhỏ à .
– Không, em chỉ theo Thanh Niên Xung Phong một nửa, còn một nửa là … đi theo anh!
– Trời đất, sao lại vậy. Em là con nít, còn nhỏ xíu so với anh…
– Nhưng em tự thấy mình có duyên nợ. Em nhất định đi theo anh, rồi mai kia tới đâu thì tới …
– Sao lại vậy ..? Anh … Anh sao dám…
– Có gì mà dám với không dám. Anh lớn, anh làm lãnh đạo mà không biết gì hết.
– Ừ thì… Để anh xem lại coi có kỳ không đã. Anh chỉ ngại em còn con nít, trong khi anh đã thành một cụ già …
– Già cũng được … Còn hơn em phải sống bơ vơ một mình…
Tôi vẫn chưa tin cô gái ấy yêu tôi, nên hỏi lại một cách ngây ngô đến ngớ ngẩn:
– Bộ em thương anh thật à. Mà em không thấy kỳ sao: một đôi đũa lệch, đũa so le đó. Anh lớn hơn em đến hơn 10 tuổi … Anh lại bệnh hoạn, già như ông cụ rồi, lấy làm gì cho uổng đời thiếu nữ.
– Cụ cũng được. Mẹ em bảo em yêu anh, lấy anh, còn Mẹ thì về Sài Gòn tá túc với người Dì trên ấy, chờ cơ hội đi ra nước ngoài … Giờ em chỉ còn một mình. Anh chê em thì em sẽ không sống trên đời nầy nữa…
Nhìn vào mắt cô gái, nhớ đến sự ra đi tức tưởi của người chị theo lời cô kể, tôi biết cô gái đang nói rất thật lòng mình. Như được hồi sinh từ ánh mắt dịu hiền và có chút dạy khờ của con gái mới lớn ở môi trường sống không quen thuộc trong hoàn cảnh nghịch nghiệt của gia đình, lại gặp lúc cùng đường do cuộc đời đưa đẩy, tôi bước đến bên cô gái, đưa tay ra ngoéo với cô như hai người bạn nhỏ chơi nhau cách đây từ xa xưa lắm:
– Được, mình ngoéo tay nhau. Anh sẽ cho em cái quyền có thể chán anh và bỏ anh để lấy người khác xứng đáng hơn bất cứ lúc nào.
– Ngoéo..! Em cũng cho anh cái quyền bỏ em bất cứ lúc nào …
Từ đó tôi xem như mình đã có hôn ước. Thật lạ kỳ, không giông ai hết, lại càng khác anh Hai. “Một thằng người vô tổ chức, vô kỷ luật, bỏ hết mọi khuôn phép ”. Anh Hai đã nói nhắn với tôi như vậy. Và tôi lại cười cho cái cuộc sống không giống ai của mình. Đấy mới đích thực là tự do-vì nó cứ tuần tự mà vượt khỏi mọi cái tất yếu một cách khả dĩ nhất, lại đầy tính khôi hài. Khi tôi sắp đưa cô gái về làm quen với những người thân trong gia đình, thì … bất ngờ chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ. Mọi dự định về tương lai lấy vợ, có con của tôi dừng lại. Tất cả bọn tôi được lệnh ra tiền tuyến phục vụ chiến trường. Chúng tôi lên đường không một chút vướng bận. Chào biển, chào rừng, tạm biệt những kỷ niệm giầm trong đất của Thanh Niên Xung Phong. Rồi quảy lên vai, quấn lên thân súng đạn, leng, vá, cuốc xuổng, xoong chảo, nồi niu, đàn và những chiếc ba lô sờn rách, bọn tôi vừa đi vừa hát vang những bài ca ra trận. Lời bài hát ngày nào giục giả bước chân : “ Đồng chí ơi người chiến sĩ Giải Phóng Quân miền Nam anh hùng thành đồng Tổ Quốc. Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa về Phước Long xây chiến thắng…” Đoàn xe lao vun vút với bài hát Chào em cô gái Lam Hồng làm bọn tôi sống lại với những giờ phút hào hùng của Dân Tộc ngày xưa . “Xe ta bon trên những dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương mà xe ta bon ra chiến trường. Chào em cô gái Lam Hồng, giữa tiếng bom gào đạn dội, vẫn nghe vang vang câu hò trên đường … Tiền phương tay lái mang tình em đảm đang … Hỡi la hơi là, hơi là…”. Cảm ơn Tổ Quốc đã dành cho tôi dịp cuối cùng của thời trai trẻ. Lần nầy thì nhất định tôi phải nhìn cho được khuôn mặt đáng ghét của kẻ thù.
Trận tấn công đầu tiên quá quyết liệt, tôi bị thương và chạy lạc đơn vị. Pônpôt đặc đất-theo lời kể của anh em-nhưng tôi vẫn buồn cho mình là không hề trông thấy tận mắt một thằng kẻ thù tàn ác, man rợ nào. Có lẽ tại cái số của tôi vậy, chứ chẳng lẽ lại một lần nữa tôi hèn nhát ? Ơi ! Kẻ thù ngồi ngay trên ụ pháo, nó ăn và tiêu tiểu lên cả công sự, chỗ tôi trốn, vậy mà tôi vẫn không nhìn thấy chúng. Thật qoái gỡ, bực mình. Tuần lễ sau tôi được mang về đơn vị thì cô gái bé nhỏ vì yêu tôi mà tập hát bài ca Cách Mạng “ Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương…” con chim sẽ, con chim câu, cái vầng mây ấm bồn chồn thương nhớ mỗi lần xa vắng của tôi, thật buồn là đã bị thương cụt cả hai cánh tay nhỏ nhắn xinh đẹp của mình ! Trơi ơi, có lẽ nào ..!? Hai cánh tay với hai bàn tay từng đi hái lá mảng cầu, bình bát đâm nát để chận cữ sốt rét cho tôi, từng đào mì, mót khoai lang nấu cho tôi ăn. Cả mấy ngón tay hay vén tóc, có một ngón đã ngoéo với ngón tay tôi thề sống trọn đời, lỡ có bỏ nhau nàng cũng không hờn không giận … Một buổi sáng rừng yên, tôi cố lê thân hình còn đầy thương tích đến với cô gái ở quân y dã chiến. Tôi chỉ còn biết nuốt ngược những tiếng khóc vào lòng. Ôi ! Con chim sẻ, con chim câu hoạn nạn của tôi ! Cô gái đau khổ nhìn tôi rưng nước mắt. Chúng tôi ngồi với nhau, lặng lẽ nuốt từng giọt nước mắt mặn đắng và chát ngầm vào lòng.” Em đã là đàng mình, là Cách Mạng chưa anh … Có phải em bị thương là vì Tổ Quốc ? Mẹ em biết được chắc là Mẹ em vui lắm … Nhà em bây giờ gần gủi với Cách Mạng rồi, phải không anh ? ” Mẹ sẽ buồn chứ làm sao mà vui được. Con gái của Mẹ đã …” Tôi kịp dừng lại trước những từ không vui đã trào ra tới miệng. Bị thương cụt cả hai tay mà cô gái lại mừng vì được xem là Cách Mạng, không là thực dân mới, tư bản chủ nghĩa, ngụy quân, ngụy quyền nữa. Ôi, sao em ngây thơ thế, sao em hồn nhiên như lá như hoa giữa chiến trường khét khói và đầy chết chóc thế nầy ..? Tôi hiểu đời cô gái ấy chẳng còn gì ngoài tinh yêu trong trắng em đã dành cho tôi. Cũng chính trong những ngày u ám của chiến tranh, cô gái mới kể cho tôi nghe chuyện mất mát của gia đình cô. Tôi chỉ nhớ được một đoạn mà bất kỳ ai được nghe cũng nhớ.
– Hôm ấy, khi mấy ông Cách Mạng lục soát khắp nhà, không lấy được gì hơn những thứ trong tủ, trong két sắt, Ông cán bộ đưa tai vào tường, gõ mạnh, quả như thần ! Lập tức Ông trừng mắt ra lệnh cho Mẹ Ba em lên lầu nói chuyện. Ba Mẹ em trao đổi gì đó với Ông chỉ huy. Ông ấy lắc đầu, mãi mới chịu gật đầu. Hai bên cuối cùng đã thỏa thuận với nhau về một giao dịch bí mật. Ông chỉ huy đình ngay công việc đục tường mà Ông và đám thuộc hạ đã chuẩn bị. Đến giữa khuya, Ông chỉ huy đi xe Honda trở lại một mình, chui vào cửa sau, không làm mất giấc ngủ của các Du kích, Dân quân đang ngủ canh dưới tầng nhà trệt. Ông ấy cùng Mẹ và Ba em lấy từ trong tường ra một bao nilon đựng 127 lượng vàng. Theo thỏa thuận mà ông đã gật đầu là chia hai mỗi bên một nửa. Gia đình em sẽ cầm một nửa số vàng, giao nhà, giao xưởng, ra đi tìm đường mưu sinh ở vùng đất khác. Vậy rồi, Ông chỉ huy không hiểu sao lại đổi ý, không chịu. Ba Mẹ nài nỉ thêm mấy lần, không được, đành cố hạ mình, nhẹ lời không đòi chia hai, chia ba nữa, chỉ xin lại 20 cây, rồi 10 cây để làm lộ phí cho cuộc đào thoát, cũng không được. Cuối cùng, thấy Mẹ em khóc lóc, van xin, Ông chỉ huy động lòng cho lại 2 lượng, còn bao nhiêu mang đi hết bằng con đường cửa sau. Ba em đòi có giấy tờ, biên bản của chính quyền, Ông cán bộ chỉ cho một tờ giấy viết tay. Ba em không chịu thì Ông ấy móc súng ra, dọa bắt vô tù vì tội man trá. Sáng lại, cả nhà em bị tống lên xe đi kinh tế mới với mấy gia đình tư sản bóc lột vừa bị tịch biên tất cả gia nghiệp bao đời. Về đến biển với mấy tháng gạo cấp, mấy cái rựa phát rừng, vài tháng sau gia đình em kiệt quệ, chị Tư em tự vận chết … Chị kế em, cùng đứa em 15 tuổi thì bỏ rừng đi biệt. Còn em … Tới bây giờ em mới thấy chị Tư và chị Năm em có lý …
Tôi chìm lỉm trong nỗi kinh hoàng mà cô gái bé nhỏ kia và gia đình phải chịu. Tôi sợ em lại quẩn trí mà liều mình theo chị Tư của em cho được yên đời. Tôi nhìn thân thể em, nhìn hai cánh tay, một cụt sát nách, một còn được cẳng tay phía trên mà như nhìn em từ chân trời xa, nhìn hoài không ra cô gái ngoéo tay tôi mấy ngày chiến tranh chưa đến. Từ xa xăm nghĩ ngợi, bỗng tôi giật mình khi thấy hai giọt nước mắt phản chiếu với bóng nắng đỏ như máu vừa rơi xuống má em. Tôi cố vỗ về em, hứa sẽ yêu em, cưới em làm vợ như đã ngoéo tay hôm nào. Tôi thấy cô gái đưa cánh tay ngắn ngủn còn lại quẹt lên mắt và cười khô héo với tôi như đứa trẻ vừa được dỗ bằng món quà không cầm tay được.
– Nhưng em tàn phế rồi, anh lấy em làm gì nữa cho khổ thân?
– Anh lấy em làm vợ… Em sẽ làm vợ của anh …
Bất chợt tôi đưa tay về phía em như để ngoéo tay em thêm một lần cho em tin vào lời nói của tôi, nhưng em chỉ đưa cái cùi tay, chứ không con đưa ngón tay để ngoéo nữa . Rồi thay vì ngoéo tay, tôi đã cầm lấy khúc tay yêu thương còn lại trên cơ thể em mà lặng im, không nói lời nào. Hai cánh tay em, bộ ngực con gái hôm nào xối nước giếng trong trăng, giờ như một đám mây trắng loang lỗ, sần sùi bởi những bệt máu và nước vàng rịn ra từ các vết thương do một quả đạn 105 ly của bọn diệt chủng nổ gần .
Khi cầm giấy xuất viện, trở về đơn vị, tôi đến thăm em và từ giã:
– Chỉ còn vài trận nữa thôi, tụi nó sắp thua rồi. Anh đi chiến dịch mấy hôm lại về…
Cô gái gật đầu nhìn tôi, mắt long lanh như muốn nói điều gì. Tôi định hôn cô gái từ biệt, nhưng mấy cô y tá đã bước vào yêu cầu cô gái thay băng. Tôi đành gởi cái hôn lên tay vẫy về phía con chim sẻ, con chim câu thương đến trào nước mắt của tôi .
– Hãy đi nhanh rồi trở về với em nghen…
– Sẽ trở về. Ngoéo tay…
Em ở lại phía sau cái vẫy tay của tôi. Từ đó cho đến lúc tôi trở về đơn vị để cùng anh em theo bộ đội vượt phà Niết Lương để tiến về Phnompênh, tôi lại luôn nghĩ đến cô gái đòi làm vợ tôi không khác trò chơi chòi của trẻ thơ xưa. Khói lửa ngút trời. Tôi quyết tâm cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ và trở về với em ngay. Bọn Pônpôt cuống cuồng tháo chạy. Các hướng tiến quân của ta như bão cuộn, thác gầm. Trên đường hành quân thần tốc, chỉ đụng vài trận nhỏ với đám tàn quân chạy lạc đường, cách chừng 10 km là đến Thủ Đô Phnompênh, lợi dụng lúc đoàn xe dừng lại vì gặp chướng ngại, tôi đột ngột vỗ vai và nhắn nhỏ với thằng bạn “ Tao đào ngũ. Mầy báo cáo chỉ huy giùm tao. Thà tao không bước qua được lời nguyền nhìn tận mặt kẻ thù, chứ tao không thể để nàng cu ky một mình trên đời nầy được. Tao là cứu tinh của nàng. Hãy hát giùm tao bài ca mừng chiến thắng .” Thằng bạn nhìn tôi một lúc, gật đầu, rồi tháo đưa cho tôi trái lựu đạn phòng thân. Người ta lũ lượt kéo nhau ra chiến trường với vinh quang đang chờ sẵn, có cả sự hy sinh nữa, còn tôi đang đi ngược đường. Tôi cam phận làm một thằng hèn đớn sau hai cuộc chiến tranh không hề nhìn thấy mặt kẻ thù. Tôi vừa đi, vừa chạy về phía hậu phương yên bình còn nghi ngút khói.
– Thắng rồi à ? Nhanh thật. Chúc mừng!
– Tới Phnompênh rồi à. Bọn Pônpôt chạy hết rồi à ? Bọn nó thua rồi à?
– Chưa, chỉ có mình tôi về… Giặc sắp thua. Còn tôi thì đã thua trước khi giặc đầu hàng. Một mình tôi thua thôi …
Những người đi đường trố mắt nhìn tôi như nhìn một thằng tâm thần ngớ ngẩn. Tôi ngượng, muốn chạy nhanh, hay kiếm chỗ để trốn, nhưng chỉ có con đường thẳng : hoặc đi tới vinh quang, hoặc trở về nhục nhả. Tôi thẳng hướng trở về.
Tiếng pháo vẫn nổ. Khi về đến biên giới thì tôi bị giữ lại, sau đó là bị dẫn đi theo lệnh khi biết tôi là thằng đào ngũ mang theo bao nhiêu bí mật quân sự. Tôi được đưa về trại kỹ luật. Ở đây tôi bị lên án như là phần tử xấu xa phản bội Tổ Quốc, phản lại tinh thần quốc tế vô sản cao cả của người Việt Nam. Không ai hiểu được lòng tôi. Tôi cúi mặt như một kẻ hèn nhát để mong giữ được tôi cho cuộc đời vốn đã tan nát của cô gái yêu tôi. Chiến tranh ! Nó là cơ hội cuối cùng để tôi thử thách mình, và tôi đã chọn cho tôi lối thoát xấu xa nhất. Bởi với cuộc đời của cô gái đáng thương kia tôi lại là cơ hội cuối cùng cho một đời người. Sau nửa tháng bị giam lỏng, tôi quyết tâm trốn trại, băng rừng đến Quân y dã chiến tiền phương để được thăm cô gái. Khi bước vào dãy phòng điều trị bên lán trại, gọi lớn tên em, và chỉ kịp ôm em vào lòng, chưa nói với em lời nào, thì lực lượng an ninh ập đến. Tôi bị bắt. Em nhìn theo tôi mà không biết chuyện gì. Tôi cũng chưa tiện nói với em tôi là thằng đào ngũ. Cũng chưa kịp nói với em rằng tôi trở về là vì để em vui, vì tôi muốn còn được sống mà thực hiện cái ngoéo tay cho suốt cuộc đời với người con gái tật nguyền-tàn dư còn lại mang hình hài của giai cấp tư sản bóc lột. Tôi không thể để em lại địa ngục. Tôi phải cùng em lên thiên đàng. Và những ngày khủng khiếp ấy chậm chạp qua đi…
Chiến tranh kết thúc. Tôi ra khỏi trại kỷ luật và trở về nhà với con số không đen đúa làm u ám cả vòm sáng trong nhà của Cha Mẹ tôi. Người làng nhạy cảm đã sớm mang đến tặng Cha Mẹ, anh em tôi những lời dè bĩu cay độc. Tôi thành hình ảnh hèn mạt đáng ghê tởm trong mắt Cha và hai con ngươi của anh tôi. Chỉ có Mẹ tôi, và chừng mực nào đó trong tấm lòng trong trắng của mấy đứa em, tôi còn có được chỗ đứng vị tha bên tình yêu thương của họ. Tôi đến Trạm điều dưỡng gần biên giới đưa cô gái của tôi về quê và ra phường nhờ họ làm hộ tôi tờ giấy kết hôn. Phải có bao nhiêu bạn bè anh em quen biết đến phường xác nhận, hai chúng tôi mới thành vợ thành chồng. Hai chúng tôi không làm đám cưới. Đơn vị Thanh Niên Xung Phong cho vợ chồng tôi xây tổ uyên ương tạm trong cái nhà xe không còn xe để đậu của Trung Đoàn. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì ở đây-ở cái đơn vị bán quân-bán chánh-bán công-bán dân nầy vẫn còn có vài thằng bạn hiểu tôi và ủng hộ cuộc hôn nhân ngọt ngào, quái dị như cóc nhái của tôi. Ngày ngày tôi đi chạy xe đạp ôm để kiếm tiền sinh sống. Một hôm, được sự giới thiệu của Tổng Đội Thanh Niên Xung Phong về trường hợp cần cứu đói, cứu khổ, Trưởng đoàn bảo trợ-từ thiện của Thị Xã cho người mang đến chỗ cư trú của vợ chồng tôi một giạ gạo, mấy ký khô, mấy chai nước mắm, một bịt bột ngọt và một chiếc phong bì. Vợ tôi cảm động đến ra nước mắt. Còn tôi, khi vừa dắt xe đạp vào trong nhà, quây trở ra định nói lời cảm ơn vị Trưởng đoàn và mấy người đi chung, cùng anh xích lô, thì … người phụ nữ Trưởng đoàn nhìn tôi, trố mắt, tưởng như trên đời nầy không còn trường hợp nào có thể ngạc nhiên hơn khi thấy tôi lễ phép cúi đầu chào … Đó là con gái của ông Phó Chủ Tịch, người phụ nữ bẽ bàng duyên phận cùng tôi hồi năm trước cùng trân lôi đình mà tôi nhận được.
– Ồ, anh đấy à, rễ hụt của Ba tôi đấy à. Nhiệt liệt hoan nghênh anh!
Rồi bọn họ lắc người đi một mạch như chạy ra đường, không biết để lẩn trốn cái cảnh đời chật hẹp khốn nạn của tôi, hay họ chạy nhanh ra ngoài để có khoảng không gian thoáng đãng cho một trận cười đẳng cấp. Tôi quay lại nhìn vợ. Vợ tôi nhìn tôi thỏa mãn, hai con mắt bồ câu ngân ngấn lệ .
– Họ tốt với mình quá. Họ thật có tình .
– Ừ, họ rất có tình…
– Có người quen với anh à ?
– Họ quen với Cha và anh Hai nhiều hơn…
– Hèn gì. Cảm ơn Cha và anh Hai của mình.
Tôi nghỉ chạy xe ôm nguyên buổi chiều hôm ấy để ở nhà cho vợ thưởng công. Bài hát “ Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao ” từ loa phóng thanh đầu ngõ cứ rả rích hát vào hạnh phúc bé mọn của vợ chồng tôi cùng cơn mưa cuối hạ, khi ngoài kia thành phố đã lên đèn.
Trong khi đó-bất kể tôi có làm kỳ đà cản mũi, có gây ra sự nhơ nhớp ít nhiều cho danh giá của anh tôi-anh vẫn được cất nhắc lên đến chức Phó Chủ Tịch Tỉnh bởi công lao và tài năng đích thực của mình. Anh còn được cấp riêng cho một ngôi biệt thự sang trọng bên bờ sông Tiền thơ mộng. Cha tôi lên tới chức Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Xã. Em tôi bốn đứa vào Đại Học, hai đứa học Phổ Thông, một đứa ở nhà làm nông dân với Mẹ. Thỉnh thoảng Mẹ say mấy đứa em mang gạo, nước mắm, khô cá lù đù, tiêu tỏi, bột ngọt và một tấm vải cho hai vợ chồng tôi. Bà thương tôi và cô dâu tật nguyền mà hay khóc thầm. Cha tôi thì giận thằng con hại đời phá đạo mà chẳng màng trông ngó tới cuộc sống của tôi. Anh Hai tôi thì coi tôi như người không còn biên chế trong gia đình Cách Mạng có đẳng cấp nhất nhì quận Long Hồ của ông cò nổi danh trong tuồng hát cải lương ngày nào. Anh còn chỉ vào mặt tôi, mắng tôi là vật chướng ngại cho con đường công danh của anh. Anh xạc thẳng vào tôi mỗi lần không may mắn phải gặp : “ Chú là một kẻ thoái hóa, biến chất, xấu xa, lạc lõng trong vận trình Cách Mạng. Chú đã bị luật tiến hóa đào thải. Chú có biết là chú đã làm hại tới tôi không ? Lẽ ra tôi phải lên đến tận Trung ương để làm …” Tôi chỉ cười và quạt cái nón tai bèo vải mốc vào mặt, vào cổ mình cho mát, để không phải phật lòng Cha tôi .
Sau đó tôi còn phải nhận lệnh của anh tôi là không được đạp xe ôm hay xích lô trong cái Thị Xã nầy để không phải gây phiền nhiễu cho vị thế của anh. Cái hôm có chiến dịch ổn định trật tự trị an, tôi bị Công An bắt, tịch thu xe và tạm giam vì tôi chở đúng tên ăn trộm-được xem là đồng lõa với bọn xấu. Anh hai tôi nghe tin, điện thoại cho Trại giam, và không quên căn dặn những người có trách nhiệm phải bí mật thông tin. Tôi hiểu ra một điều : uy quyền, danh vọng và sự khôn lõi chính trị đã làm biến dạng đi con người của anh tôi, đã làm cho đứa con gia giáo nhất nhà của Cha tôi mọc vuốt trong bóng tối .
Tôi được ra tù để đưa vợ vào Bệnh Viện sinh con. May mắn đến với tôi : Mẹ tròn con vuông ! Người Mẹ bị cụt hai tay lại sinh ra cho tôi một thằng con nguyên vẹn, kháu khỉnh ! Thật biết ơn thiên nhiên lành thiện. Hôm rước vợ con về nhà, tình cờ tôi lục trong xấp giấy tờ cũ của vợ tôi và nhặt ra từ bụi bặm thời gian một mảnh giấy biên nhận và một cái băng ghi âm nhỏ gói trong bọc cao su. Tôi cầm tờ biên nhận lên, đọc kỹ và run bần bật khi vợ tôi quẹt nước mắt bảo : “ Đừng anh … Chuyện cũ … Chuyện đã qua rồi … Lại nữa nó dính đến gia đình mình… Cái băng ghi âm là của chị Tư em-người tự vận chết, dùng máy cassette trong nhà ghi được đêm trước khi phải rời nhà. Cái máy cassette đã bi tịch thu, chỉ còn có cuộn băng. Em nhớ chị, chỉ giữ lại làm kỷ niệm thôi, không phải để trả thù…”
– Có lẽ nào… Trời Phật ơi… Bác Hồ ơi! Đảng ơi..! Nước ơi..! Làng ơi … Đoàn thể Nông Thanh Phụ ơi ..! Có lẽ nào chính anh tôi … Chữ ký của anh ấy … Chữ ký tên ngày trước của anh … Bây giờ chữ ký anh đã khác … Người ta có thể có nhiều chữ ký cùng được sử dụng trong một đời … lúc thì ký thế nầy, lúc thì ký thế khác. Hèn nào..?
Tôi không nói không rằng, đạp xe ra chợ phô tô mấy tờ biên nhận, chép băng ghi âm ra mấy bản, và chạy ngay đến Ngân Hàng để hỏi xem có phải số vàng ấy đã vào kho Nhà Nước, hay chạy đi đâu ? Chả ai đếm xỉa gì đến những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi. Tôi hộc tốc đạp xe đến Ủy Ban Tỉnh xin phép vào gặp anh tôi, nhưng anh đã từ chối. Cuối cùng tôi cũng vào được đến phòng làm việc của ông Phó Chủ Tịch phụ trách Tài Mậu. Anh tôi hậm hực, hầm hứ một lúc rồi miễn cưỡng ngồi xuống tiếp tôi.
– Muốn gì thì nói. Chỉ hai phút thôi. Cần giấy giới thiệu mua cám heo phải không?
– Cái đó anh hãy kêu vợ anh, hay những người giúp việc nhà anh làm, tôi không cần cám. Nhà tôi không có heo .
– Vậy chớ chú cần cái gì ?
– Cần hỏi anh. Hồi X-I diễn ra trong Thị Xã, có phải anh đã làm biên nhận để nhận 125 cây vàng của một nhà tư sản bị đánh ?
– Cái đó thì mắc gì tới chú. Chú đang lên cơn điên hay sao vậy ? Không biên nhận, chứng nhận gì hết. Đồ vớ vẩn !-Mắt anh tôi thoáng nhấp nháy, rồi nhìn tôi giận dữ-hai con mắt đen lạnh, sắc như dao mới mài, cái màu mắt chỉ riêng những kẻ chuyên chính hung tợn thời nầy mới có .
– Anh bình tỉnh mà nhớ kỹ lại xem …
– Không việc gì tôi phải báo bẩm với chú. Chú về đi!
Tôi chậm chạp móc tờ giấy ra đưa tới trước mặt anh và không kiềm chế được nữa :
– Cái nầy không phải của anh thì của thằng phản động nào ? Tôi phải truy cho ra thằng phản động đê hèn nầy. Nó là thằng ăn cướp !
Anh tôi thoáng run rẫy, mặt biến sắc xanh tái, thở hốc ra, mồm ấp a ấp úng. Nhưng với bản lĩnh của một người đã từng uống phân khô của người và súc vật vào bụng để được nôn thốc nôn tháo, khỏi phải đi theo những chuyến công tác vùng kềm có thể nguy hiểm đến tính mạng, nuốt đến độc dược vô bụng cho nám phổi, nám gan để được vào viện, trốn đi Campuchia theo sự phân công mà vẫn không bị phê bình kiểm điểm, không cần học vẫn có được bằng cấp đỏ, tư hữu hóa ruộng đất nhà mình mà vẫn được khen, anh gườm gườm nhìn tôi-cái nhìn phân nửa của thánh hiền, phân nửa của kẻ cướp ngày .
– Chú nên nhớ anh của chú là một cán bộ có chức trách … Chú không nên đem chuyện gia đình, anh em đùa cợt ở đây-giữa chốn công đường nầy được. Chú cần gì thì để tôi nói lại với chị Hai chú … Chú không được làm càn … Đưa miếng giấy cho tôi xem ..!
Anh tôi chụp lấy tờ biên nhận trong tay tôi, đưa lên, liếc đôi mắt bồ cắt xem qua rồi xé vụn .
Tôi rung lên như bị cơn sốt rét đột ngột. Tôi ném cái nhìn ghê tởm vào anh cùng với bãi nước bọt dành cho kẻ tiểu nhân đê tiện đang khoác áo thánh hiền đức trọng đạo cao .
– Còn cái giọng nói của thằng quan đốn mạt nầy, có phải của anh không ?
Tôi kéo cái túi zết lại gần, lấy chiếc máy cassette mượn của người quen, cầm lên tay, ấn nút cho nó phát lại cuộn băng có giọng nói của ông quan X-I cùng tiếng mặc cả trả treo qua lại của mấy người .
“- Tôi lạy Ông ! Nếu Ông không chia hai như đã hứa, thì chia ba cũng được. Hãy cho vợ chồng và mấy đứa con tôi còn được sống. Tôi xin Ông chỉ huy hãy thương tình .
– Tôi tha mạng, không bắt giam ngay Ông Bà là đã nhân đạo, khoan hồng lắm rồi. Phải giao hết 127 lượng cho tôi!
– Sao lúc đầu ông hứa với vợ chồng tôi ?
– Đó là thủ đoạn nghiệp vụ. Không như vậy thì Ông Bà đâu có chịu lôi số vàng đó ra.
– Thôi thì Ông cho nhà tôi xin lại 20 lượng để làm lộ phí. Hay ít ra thì cũng 10 lượng. Dẫu gì thì nó cũng là mồ hôi nước mắt của vợ chồng tôi …
– Mồ hôi nước mắt nào của Ông Bà. Cái nầy là giá trị thặng dư, là bóc lột giá trị thặng dư mà có, biết không !? Chỉ 2 lượng. Ở đây không phải ngoài chợ mà trả giá. Đây là mệnh lệnh. Ông Bà rõ chưa ?
– Nếu Ông thất tín thì thà để sáng mai, mời mọi cán bộ đến làm biên bản bàn giao trước mặt chính quyền, chứ tôi không giao riêng cho một mình ông. Ông về đi ! Không thì tôi sẽ gọi mấy chú Dân quân, Du kích thức dậy làm chứng .
– Hai Ông Bà không được lớn tiếng. Tự tôi nhận rồi tôi nạp cho Nhà Nước Quân Quản. Tôi có đủ tư cách để làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Tôi có quyền trừng trị tất cả những kẻ chống lại việc thực thi nhiệm vụ của tôi, nghe chưa !?
Sau đó là im lặng. Rồi một giọng nói cất lên mạnh mẽ, uy quyền:
– Cầm lấy 2 lượng nầy. Đây là biên nhận có chữ ký tên của tôi. Giữ lấy để làm bằng. Muốn được yên ổn thì phải biết điều, phải biết tôn trọng người đại diện cho Cách Mạng. Rõ chưa!?
Anh tôi đanh mặt lại lắng nghe, vẻ mặt cứ trở màu theo từng câu đối đáp trong băng. Sau đó, anh tôi hạ giọng, đổi cả cách xưng hô, cười gượng, rồi khéo léo kéo câu chuyện về phía khác, mặc dù đã quá hai phút anh hẹn giờ đến mấy lần :
– Chú uống trà. Cái băng nầy ở đâu chú có. Tụi xấu nó dàn cảnh, dựng chuyện đó chú à. Dạo nầy bọn Khme tự do, bọn Khme xấu cấu kết với Pônpôt, đế quốc, và cả bọn bành trướng bá quyền hay tìm cách phá hoại, xuyên tạc sự nghiệp Cách Mạng của Nhân Dân ta. Tôi nghe giọng nói ấy có giống giọng nói của tôi đâu. Chú đưa cái băng ấy cho anh để anh còn nghe kỹ lại, hoặc nhờ bên kỹ thuật của Công an nó phân tích, nó giải mã hầu tìm ra thủ phạm giùm. Tụi nó cũng ghê gớm thật. (Anh tôi đột ngột chuyển hướng câu chuyện qua một cái ngoặt khác nữa) À, rốt rồi … À, như vậy là chú có hơn anh tới một cuộc chiến tranh đó nhen. Kể ra thì chú cũng đáng được tôn trọng, thậm chí tôn vinh. Anh sẽ có ý kiến xét thành tích của chú mà khen thưởng để chú có được chút gì. Cứ về nhà và ăn yên ở ổ tạm thời chỗ trụ sở Tổng Đội Thanh Niên Xung Phong, mai mốt anh sẽ lo cho chú một chỗ ở khác tương đối đàng hoàng. Mà nè, ngày xuất quân sang Campuchia nghe anh em họ nói chú cũng dũng cảm lắm mà, sao sắp đến Phnompênh rồi lại quay về cho uổng phí công lao vậy. Như vậy là chú cũng khá hơn anh Hai của chú, ít nhất chắc cũng nhìn thấy được mặt thằng kẻ thù bằng xương bằng thịt rồi chứ?
Tôi trả lời cộc lốc:
– Vẫn chưa thấy…
– Chưa thấy là sao? Muốn làm bản thành tích để được khen với thứ hạng cao, thì chú phải ghi là nhìn thấy rõ kẻ thù, nó ném lựu đạn, nó bắn, nó đánh mìn thế nào mới được chứ. Nhất định là phải thấy, nhớ như vậy …
– Chưa thấy là chưa thấy. Tới hôm nay mới thấy …
– Hôm nay chú thấy gì ..?
– Kẻ thù. Hôm nay tôi mới nhìn ra khuôn mặt kẻ thù đáng sợ nhất của Dân Tộc. Nó đáng sợ hơn Mỹ Ngụy, đáng sợ hơn Pônpôt, bá quyền… Nó đang đứng ngay trước mặt tôi..!
– Chú… Chú..!? Tôi sẽ cho chú vô tù vì tội vu khống, phỉ báng cán bộ cao cấp của Nhà Nước Cách Mạng…
Tôi đứng dậy, không cần chào anh, bước thẳng ra cửa, đóng mạnh cánh cửa cái “rầm”! Vừa ra đến cổng thì anh tôi chạy theo, la ơi ới “Giữ nó lại! Nó…” Nhưng tôi đã nhanh chân chạy thoát. Nhờ có mấy anh bảo vệ quen, quá biết tôi là em ruột của anh Hai tôi nên cứ tưởng anh muốn dặn thằng em thêm điều gì, mà không kịp, nên thôi, không đuổi theo tôi nữa.
Tôi về gặp Cha tôi với một tờ biên nhận khác đã được sao từ trước. Anh Hai tôi có lẽ đã lòa nên không nhận ra tờ biên nhận anh xé chỉ là một bản phô tô. Tôi mở cả máy cassette cho cha tôi nghe lại giọng nói quen thương từ đứa con yêu quý của mình.
Cha tôi tự tin và điềm tỉnh như trụ đá để cố nhầm lẫn về người con cả-viên ngọc trai của dòng họ, xóm làng, với cái lung linh, lấp lánh được làm nên từ vết xước trong bụng của một loài nhuyễn thể ăn tạp bùn cặn-vi sinh, nhưng rất cao thượng của biển dã, nhận chịu sự đau đớn, nguyền tật vào mình để tạo ra cái đẹp cho hạnh phúc con người.
– Anh Hai con là trí thức Cách Mạng, nó làm việc và học hành đến nơi đến chốn. Nó là người có giáo dục với phương chấm: có công mài sắt có ngày nên kim. Cha đã nuôi dạy nó từ nhỏ, Cha biết tính nết nó. Nó không thể là hạng người xấu xa như thế được. Đây có thể là chữ giống chữ, lời giống lời. Với lại cái biên nhận tay thì ai viết không được, nó đâu có giá trị pháp lý gì. Cả cái đoạn băng ghi âm cũng vậy. Ba cái thứ vu vơ ấy trẻ con chơi chòi cũng làm được. Bọn phản động thì thiếu gì thủ đoạn để ly gián, bôi nhọ cán bộ cốt cán, rường cột của chúng ta. Coi chừng bọn địch đang tìm cách tấn công anh con khi thấy nó tiến bộ nhanh và triệt để Cách Mạng. ( Rồi Ông quay sang tôi ) Cha vẫn buồn vì con … Có lẽ con nên bình tâm lại mà học cách làm người, cách sống của anh con. Vẫn còn chưa muộn con à. Còn chuyện tờ giấy bá vơ, cái băng ghi âm bá vơ thiếu căn cứ nầy, con hãy vứt nó đi. Con hãy nhớ rằng : Anh con là cây cao bóng cả của xã hội, của gia đình ta, và của cả chế độ nầy. Tài năng, trí tuệ, công lao của nó còn quý hơn vàng. Một trăm lượng, hay năm trăm, một ngàn lượng cũng không cân, không sánh được với nó, con hiểu không ? Hãy để yên cho nó làm việc phục vụ Nhân Dân, phục vụ Cách Mạng. Cha lệnh cho con, nghe chửa!?
Tôi nhìn Cha tôi như nhìn một người xa lạ-một người mà trong đời, tôi chưa từng trông thấy bao giờ. Tôi cắn răng, nghiến răng, tụt lại từng bước. Tôi nói mà không biết mình đã nói gì, và nói với những ai.
– Vợ tôi… Trời ơi ! Vợ tôi như vậy. Bao nhiêu người Việt Nam như vậy… Các người còn chưa nhận ra sao… Các người là … Phải, tới bây giờ tôi mới được nhìn thấy tân mặt kẻ thù-những kẻ thù đáng sợ đang ở ngay trong ngôi nhà ấm áp của mình..!
Tôi chạy riết về với vợ con tôi trong cơn mưa Nồm Nam trái mùa tầm tã đầy sấm giăng, chớp giật .
Ngày mai, ôi! Ngày mai của tôi, của những người dân lương thiện, hay của anh tôi và Cha tôi…?
Cửu Long – 1983
- Nhà báo, nhà sưu tập Trần Thanh Phương mãi mãi ra đi
- Thơ 1-2-3 Phạm Thị Kim Khánh: Biết Sài Gòn bất chợt mà vẫn ngỡ ngàng nhau
- Thơ 1-2-3 Vũ Lam Hiền: Hạnh phúc đâu và sống ý nghĩa gì không?
- Thơ 1-2-3 Đỗ Thu Hằng: Khi sáo rỗng ngôn từ vung tơi tả
- Thơ 1-2-3 Vũ Kim Liên: Tờ lịch có số phận như nhân gian có tình