VHSG- Chiếc xe hơi dừng bánh, anh lái xe vội mở cửa bước xuống, vòng ra phía sau, tay mở cửa xe, miệng lễ phép: “Dạ đã về đến nhà, kính mời anh xuống ạ!”.
Người đàn ông béo lùn, da ngăm đen, mở mắt, ngoác miệng ngáp mấy cái liền, xách cặp da bước xuống xe, đi về phía cổng ngôi biệt thự của mình. Ông ngạc nhiên khi nhìn thấy người thiếu phụ đang tựa người vào gốc cây cổ thụ trước cổng ngôi biệt thự, gà gật ngủ trưa nhưng tay không quên nắm lấy khung chiếc xe đạp cũ kỹ có chằng một bao tải rách.

Chiếc khăn che mặt tuột xuống bờ vai để lộ khuôn mặt đẹp chân chất kiểu thôn quê, mái tóc dài đổ xõa, đen kín cả gốc cây. Hai ống quần nâu gụ bị kéo lên cao, thấy rõ đôi chân với nước da trắng muốt. Và trời ơi, chiếc cúc áo ngực bật ra để lộ một phần của đôi gò vú phập phồng theo nhịp thở, đôi mắt người đàn ông như bị hút hồn vào cái khoảng ngực ấy.
Là một người có quyền lực và giàu có, ông đã từng ăn nằm với hàng chục người đẹp, người mẫu, diễn viên, hoa khôi, có cô còn trẻ hơn cả tuổi con gái ông nhưng không hiểu sao đứng trước người thiếu phụ đang ngủ, ông thèm muốn, một sự thèm muốn không giống như tất cả những cuộc tình trước đây.
Ông đã nhàm với vẻ đẹp son phấn, thèm một vẻ đẹp thuần khiết, má đỏ môi hồng. Ông đã nhàm với những cặp chân dài cứng đơ vì ít vận động, thèm những đôi chân đôi tay rắn chắc của người lao động. Ông chép miệng thở dài, bước lại chiếc cổng sắt.
Người đàn ông mở cổng ngôi biệt thự, ông chần chừ nửa muốn bước vào nửa muốn quay ra, cuối cùng ông bước lại phía người thiếu phụ đang ngủ. Hẳn là một người phụ nữ nghèo ở quê lên Hà Nội đi đồng nát? Người đàn ông suy đoán. Quả là vậy, chị đồng nát sinh ra ở một làng quê ven sông Hồng, đất chật người đông, cấy ruộng không đủ ăn nên chị phải theo người làng lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề đồng nát.
– E, hèm!
Tiếng hắng giọng của người đàn ông làm chị đồng nát giật mình, chị luống cuống đứng lên, búi lại mái tóc, thấy cúc áo ngực bật ra, chị xấu hổ quay mặt, cài lại cúc áo rồi dắt chiếc xe đạp đi. Người đàn ông cuống quýt nói với theo, trong nhà ông có ít vỏ chai, chị có lấy không, ông cho.
Chị đồng nát vốn quen nghe những hách dịch: “Sao trả rẻ thế?”, nay nghe thấy tiếng “cho không” thì bụng mừng lắm nhưng chân thì e ngại. Người đàn ông danh giá thế, ngôi biệt thự của ông sang trọng thế mà mình thì dân quê, làm cái nghề nhếch nhác này đi vào, liệu có sao không? Thấy chị đồng nát cứ đứng thần mặt ra, người đàn ông lại giục, bấy giờ chị mới lấy hết can đảm để dắt chiếc xe đạp cà tàng đi vào ngôi biệt thự.
Ôi đẹp quá! Chị đồng nát thầm thốt lên khi thấy hiện lên trước mắt mình là con đường trải đầy sỏi trắng, hai bên là hai vườn hoa, những con bươm bướm đang chập chờn nhảy nhót từ bông hoa này sang bông hoa kia. Gió thoảng đưa cành trúc ở bên trái vườn lung lay, vài chiếc lá vàng nhè nhẹ đáp xuống mặt đất.
Lạo xạo, lạo xạo, tiếng sỏi lạo xạo dưới chân làm chị đồng nát rời mắt khỏi vườn hoa, chị cúi xuống, bước đi chầm chậm, khe khẽ để tránh gây khó chịu cho người đàn ông. Chị không biết dựng chiếc xe đạp ở chỗ nào, nó tàn tạ quá mà ở đây ngay cả đến cây cỏ, hòn sỏi cũng toát lên vẻ quý phái. Người đàn ông bảo chị cứ dựng xe ở cạnh cái hồ có mấy cái vòi đang thi nhau phun nước, chị làm theo như một cái máy.
Vợ người đàn ông đi du lịch Châu Âu cùng với hai con, chị giúp việc đi theo để phục dịch thành ra ông hoàn toàn được tự do. Người đàn ông mời chị đồng nát vào phòng khách, chị liếc nhìn, một căn phòng trang hoàng lộng lẫy làm chị choáng ngợp, chị ái ngại từ chối: “Thôi, cháu đứng ở đây cũng được”. Chị xưng cháu với người đàn ông, ông bảo gọi bằng anh cũng được nhưng cái sự tự ti về thân phận đồng nát của mình không cho phép chị gọi anh, xưng em.
Nhà người đàn ông không có vỏ chai. Vỏ chai là cái cớ để ông đưa người thiếu phụ đẹp vào nhà. Ông mở tủ đựng rượu, cầm mấy chai rượu ngoại được biếu, có chai trị giá bằng một năm tiền lãi đi đồng nát của chị, định đưa cho chị đem về cho chồng uống rồi vỏ thì đem bán nhưng sợ làm vậy sẽ lộ màn kịch của mình nên ông mở nút chai, đổ hết rượu vào bồn vệ sinh rồi đem vỏ chai ra cho chị đồng nát đang đứng ngây người ngắm chùm đèn treo ở giữa phòng khách. Chị đưa hai tay đỡ lấy những chiếc vỏ chai, cảm ơn ông bằng những lời thật lễ phép: “Cháu xin ông! Cháu xin ông!”.
Chị đi ra, cho mấy cái chai vào bao tải. Chị đang buộc lại miệng cái bao tải thì giật thót mình, bàn tay người đàn ông lành lạnh nắm lấy tay chị, bảo muốn thuê chị lau nhà, trả chị một triệu. Một triệu? Chị ngây cả người ra, tối qua chồng chị ở quê vừa mới gọi điện lên cho chủ nhà trọ xin được gặp chị thông báo không có tiền đóng học cho con, chị bảo cứ vay tạm hàng xóm rồi cuối tháng chị gửi về. Có được tiền đóng học cho con, chị quên cả sợ, nói với người đàn ông, chị sẽ lau nhà cho ông.
Theo sự chỉ dẫn của người đàn ông, chị đồng nát đi vào khu nhà kho, lấy chổi, giẻ lau, xô xách nước. Thật ra, trong nhà kho có máy hút bụi nhưng sợ chị không biết sử dụng làm hỏng máy nên người đàn ông không lấy ra hơn nữa lau nhà cũng chỉ là cái cớ để ông thực hiện mưu đồ của mình.
Chị đồng nát lau kỹ lưỡng, cẩn trọng từng ly từng tí, sợ sẽ làm sướt gỗ. Lau xong sàn gỗ, chị lau cửa sổ, lau cầu thang. Chỗ nào cảm thấy chưa thật sự ưng ý, chị giặt giẻ lau lại, người ta trả mình những một triệu cơ mà, lại còn cho không mấy cái vỏ chai, mình phải có trách nhiệm lau thật sạch.
Mà mấy cái vỏ chai sao mà đẹp thế, có lẽ mình chả bán, đem về nhà để cho bố con Hĩm đựng rượu hoặc đựng nước mắm. Hóa ra người thành phố cũng có người tốt, kẻ xấu, một triệu đủ để đứa con gái của mình đóng học được một năm, may mắn quá, may mắn quá!
Trong lúc chị đồng nát đang mải miết lau nhà thì người đàn ông cũng đang nghĩ cách làm sao chiếm đoạt được thân thể của chị; chị là gái một con, da chị trắng, dáng chị thắt đáy lưng ong, ông nuốt nước bọt, cố kìm một tiếng ho.
Tiền, nếu không mua được bằng tiền thì nhiều tiền sẽ mua được, đó là cách mà ông vẫn hay áp dụng để chinh phục người đẹp. Cái cô người mẫu chân dài, xinh như hoa hậu chả thế à, lúc đầu ông mời đi ăn tối thì cô ngúng nguẩy từ chối, sau ông tặng cô những món quà trị giá vài trăm đô thì cô nhận lời đi ăn tối với ông ở một nhà hàng đặc sản nổi tiếng nhất thành phố.
Ông đưa cô cái phong bao một ngàn đô, bảo muốn được qua đêm với cô ở khách sạn năm sao, cô lắc đầu bảo cô không phải là hạng cave chân dài nhưng đến lần ăn sau, khi ông nâng số đô la lên gấp đôi thì cô e thẹn nói rằng, nể ông quá nhiệt tình nên cô đồng ý!
Người đàn ông lấy ra bốn tờ năm trăm ngàn, hai tờ trả công lau nhà cho chị đồng nát còn hai tờ bồi dưỡng cho chị nếu chị chịu làm tình với ông. Cơn hưng phấn đang trào dâng trong người, ông không thể đợi đến lúc chị lau xong nhà. Ông đứng dậy, đi đến chỗ chị đồng nát đang lau cầu thang, định đưa tiền cho chị nhưng ngần ngại, sợ chị không đồng ý.
Chợt ông nghĩ ra được một cao kiến, ông cầm xô nước đi vào nhà tắm bảo là xách nước giúp chị. Chị đồng nát gần như van lơn ông cứ để chị làm, chị bảo ở nhà quê, gia đình chị có trồng rau nên công việc xách nước tưới rau quá quen thuộc đối với chị. Người đàn ông đáp, ông ngồi bàn giấy nhiều, xách nước giúp chị cũng là biện pháp thể thao. Ông lý luận thế thì chị sao đủ trình độ để bắt bẻ được, chị cúi xuống tiếp tục lau cầu thang.
– Ùm!
Cả một xô nước đầy đổ ụp xuống người chị đồng nát, người đàn ông rối rít xin lỗi chị vì ông “trượt chân” nên làm đổ nước vào người chị. Ông hấp tấp chạy lên phòng ngủ, lấy bộ quần áo của vợ đưa cho chị, bảo chị vào nhà tắm, tắm rửa rồi thay quần áo. Cả người chị đồng nát, từ đầu đến chân đều ướt sũng, mà quần áo lại bó sát cái cơ thân hình mềm mại của chị làm chị ngượng ngùng, chị đành cầm bộ quần áo của vợ người đàn ông đi vào nhà tắm.
Nhà chị ở quê nghèo, cái nhà tắm được tạo dựng bằng mấy tấm cót ép quây lại ở ngoài vườn nên mỗi khi tắm, chị phải tắm vào buổi tối cho kín đáo, mùa hè còn đỡ chứ mùa đông mặc dù tắm nước nóng nhưng gió lùa lạnh run cầm cập.
Còn cái nhà tắm này sang trọng quá, toàn những đồ ngoại của Nhật. Chị quen với kiểu tắm múc nước giếng vào xô, xách vào nhà tắm cót ép, lấy ca dội, còn ở đây tắm trong bồn tắm có vòi hoa sen, chị loay hoay mãi mà vòi hoa sen không phun nước, chỉ thấy nước chảy ra từ một cái vòi bên dưới.
Chị cởi quần áo, giật mình khi nhìn thấy thân thể trong gương, từ bé đến giờ chưa khi nào chị nhìn mình trần truồng qua gương, chị đỏ ran cả mặt, xoay người lại, cúi người vào dòng nước đang chảy từ vòi tắm, kỳ cọ.
Cửa phòng tắm có chốt bằng nắm đấm, trong bấm chốt, ngoài không mở được nếu không có chìa khóa nhưng chị đồng nát không biết sử dụng, chỉ sập cửa mà không bấm chốt. Người đàn ông mặc quần đùi, mình trần, tay cầm chìa khóa đứng chực sẵn bên ngoài, ông khe khẽ xoay nắm đấm cửa, thấy cửa không bị khóa trong, ông đã mừng thầm, tiếp tục xoay nắm đấm cửa, đẩy nhẹ nhàng từng tí từng tí một.
Ông há mồm nhìn người thiếu phụ khỏa thân. “Đẹp quá!”. Tiếng thốt thành lời của người đàn ông làm chị đồng nát giật bắn mình, chị vơ vội quần áo che lên cơ thể mình. Người đàn ông lao vào ôm lấy chị, chị đẩy ra, khóc, van xin:
– Cháu xin ông, cháu đã có chồng con rồi!
– Tôi thích em, một vẻ đẹp thuần khiết thôn quê, ngoài tiền lau nhà, tôi sẽ cho em thêm một triệu nữa.
– Không, cháu xin ông!
– Hai triệu?
– Không, cháu xin ông!
– Năm triệu?
– Không! Cháu xin ông!
– Mày là nhà quê, lại làm cái nghề đồng nát hạ đẳng mà cũng làm cao hả? Tao qua đêm với bọn chân dài cũng chỉ năm triệu, mày nghĩ mày là hoa hậu thế giới hả?
Người đàn ông quát lên giận dữ rồi không kịp để cho chị đồng nát van xin thêm một lần nữa, người đàn ông lao vào định sẽ dùng sức mạnh hãm hiếp, chị nhanh tay chụp được con dao Thái trên giá gương rửa mặt. Người đàn ông đứng nhìn chị bất lực, lúc sau rít lên:
– Cút ra khỏi nhà tao!
Người đàn ông đi ra, chị đồng nát sập cửa lại, tay vẫn cầm con dao, chị mặc lại bộ quần áo ướt của mình. Chị mở cửa đi ra, tay vẫn lăm lăm con dao, chị bước xuống cầu thang, qua phòng khách rồi đi ra phía hồ phun nước.
Chị run quá, làm đổ cả xe đạp, mấy cái vỏ chai văng ra sứt miệng. Chị cúi xuống dựng chiếc xe đạp lên, dắt xe đi ra phía cổng. Cổng chỉ chốt bên trong mà không khóa, chị lập cập mở chốt. Hồn vía lên mây, chị đồng nát quên cả món tiền lau nhà một triệu, lên xe đạp thục mạng về nhà trọ trong một con ngõ ở đường Kim Ngưu.
VŨ ĐẢM
- Nữ văn sĩ Elizabeth Gilbert và những tác phẩm về giá trị cuộc sống gia đình
- ‘Vỏ’ và ‘da’ trong tiếng Việt
- Sự thật về Thu trong “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển
- Truyện ngắn Nguyễn Hiếu: Bất động bên Đầm Vạc
- Nguyễn Minh Châu với việc góp phần khai mở hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới
Truyện ngắn là phải ngắn hơn phải là văn chương?
Thế nào là văn chương thì chúng ta đều đã biết. Đôi lúc tôi mù mờ về điều này nhưng cứ hòm hòm là đã hiểu về thế nào là văn chương để đặt tiền đề cho việc khảo sát truyện ngắn. Truyện ngắn là phải ngắn hay là phải là văn chương trước khi nó ngắn? Và vì thế tôi chỉ xem xét tính ngắn và sự lựa chọn viết truyện ngắn chỉ ngắn hơn là xem xét nó có phải là văn chương hay không!
Truyện ngắn này đúng là ngắn. Và có khi còn có thể rút ngắn hơn nữa. Có khi rút ngắn hơn một nửa. Hoặc hơn nữa thành một đoạn. Ấy mà truyện ngắn ngắn quá lại thành mi-ni và trở thành đoạn văn. Đoạn văn thì chính xác là văn chương, còn truyện ngắn mà ngắn thành đoạn văn có khi chỉ có đôi ba lợi thoại và thế là thành kịch mất rồi. Truyện ngắn không còn là truyện ngắn nữa.
Truyện ngắn phải truyền tại thông tin. Điều này thì là đương nhiên rồi. Tóm tắt truyện ngắn này rằng là một người thiếu phụ làm nghề đồng nát giữ thanh tiết của mình không để cho một người đàn ông có chức vị chiếm đoạt. Có lẽ một câu như thế có tạo thành truyện ngắn không nhỉ?
Một là: vì hám lợi (lợi lộc) hay vì tin người mà thân cô thế cô lại vẫn cứ tự nhiên đi vào ngôi nhà cửa rộng nhà cao của quan chức. Đôi mắt và thái độ của nhân vật nam tài tình hay là nhận thức và sự cảnh giác của thiếu phụ bị hạn chế. Có lẽ là cả hai.
Hai là: vì hám lợi (lợi dụng với mưu đồ chiếm đoạt) hay vì dễ dàng mà nảy sinh khi nhân vật nam thấy thiếu phụ hở ngực, hở mặt, hở thân hình khi lau nhà, và hở toàn bộ khi ở trong nhà tắm hay đó chính là suy nghĩ của thiếu phụ, chủ mưu của tình huống và cho đó là tự nhiên của tự nhiên. Giữa trưa trời nắng, thiếu phụ ngủ, thân hình trong trắng, ngoài cửa nắng, căn nhà vắng…vv tự nhiên tạo ra tình huống, và tình huống dẫn tới tự nhiên – lòng ham muốn – cả hai đều có. Người muốn tình, người muốn tiền. Chẳng ai muốn cả tình lẫn tiền! Hoặc chẳng ai không muôn một trong hai thứ đó!
Ba là: Ban đầu đã nảy sinh từ đâu? Từ nhân vật nam khi thấy ái tình, hay từ thiếu phụ lựa chọn đúng nơi, sau thời gian biết kẻ đi về mà chủ mưu? Tại sao truyện ngắn đi theo hướng điều tốt đẹp luôn thuộc về người có thân hình đẹp còn điều xấu xa luôn thuộc về người có thân hình mập béo? Phú quý sinh lễ nghĩa không đúng ở đây. Với cá nhân câu nói ấy có lẽ ngược lại nếu áp vào truyện ngắn này. Tại sao người có hành vi xấu lại là người giầu? Tại sao người có suy nghĩ xấu lại là người có học vị và hiểu biết, có nhận thức, hiểu đời hơn người kia? Nếu không có sự ngây thơ thì không có sự lừa dối. Phải chăng cái tư duy và nhận thức, tiền tài và sự giầu có chỉ dành cho những mục đích tốt đẹp? Mà tại sao không được bảo vệ để con người vươn lên để có được tiền tài, chức vị, và sự giầu có ấy? Mà ngược lại, tất cả điều ấy đã được sử dụng vào ý chợt nghĩ tới, mặt phía bên kia của lẽ phải nhưng vẫn không thành công.
Con mồi vẫn chạy thoát. Con thỏ rừng hay con nai vàng ngơ ngác khôn ngoan trước mưu mô của chúa sơn lâm hùng mạnh? Thật sai lầm hay không khi ví von và suy nghĩ đơn giản như thế? Cái đẹp đã thuộc về kẻ nghèo khó nhưng không hèn, không xấu xa. Còn nếu kẻ ấy vươn lên để giầu có, để có chức vị thì đương nhiên cái tốt, cái đẹp sẽ nhường chỗ cho cái xấu cái thô bỉ. Có phải đó là một quy luật?
Nhà văn Vũ Đảm giải thích cho việc này như sau: nhân vật nam đã nhiều lần đi ái tình ngoài hôn nhân. Tức yếu tố xã hội và môi trường đã tạo ra sự trái ngược đó. Còn thiếu phụ không có điều kiện để tham gia cái xã hội và môi trường ấy nên không bị nhiễm, không có tính cách, không có căn tính ấy. Giả sử trên bãi biển người ta cởi truồng hết mà chỉ có một mình mình mặc khố thì sao nhỉ? Cái khố là một nét văn hóa nhưng đặt ở bãi biển không chính xác tí nào cả. Mình sẽ cởi ngay cái khố ra và cặp vào lách. Văn hóa ấy đã trở thành văn hóa chung mất rồi, cái riêng luôn cô đơn.
Quay lại truyện ngắn này, sự thôi thúc, tác giả nếu ra lý do là của lạ phát ra từ thân thể người thiếu phụ. Người đàn ông lại là người cần tình mà không cần tiền mà nếu gặp người ngược lại cần tiền mà không cần tình hoặc cần cả tiền và tình thì đã hợp thành, thì đã hòa tan, hòa nhập hai bên cùng có lợi.
Điều gì ngắn cản khi đã quen đã tạo ra căn tính của con người. Đó là thói quen và tính cách trong lô gic suy nghĩ, trong tư duy và nhận thức của người đàn ông khác với người thiếu phụ. Đó là tư duy và đạo đức, là căn tính mà xác định bởi thói quen và môi trường sống, xã hội tác động vào người thiếu phụ mà trả lời rằng: tôi đã có chồng và có con. Nếu chưa chồng và chưa con thì sao? Nếu người thiếu phụ đã sống trong cái xã hội và sung quanh như người đàn ông thì sao? Căn tính của cô ấy có còn như thế. Yếu tố xã hội của truyện ngắn là ở chỗ này!
Tôi mường tượng ra rằng xã hội càng giầu có, con người càng có chức tước, danh vị thì ….phải chăng như truyện ngắn này? Tôi công bằng không yêu gét nhân vật nam cũng như nhân vật nữ, nhưng sau khi đọc truyện ngắn này tôi bị tác động, phải chăng một thông tin thì không sao, như một bài báo nếu là sự thật. Còn là truyện ngắn cứ lập đi lập lại một trường tư tưởng kiểu như thế này thì sao? Ra ngoài tôi nghĩ gì những người đang ngoi lên – những người đang cố gắng làm cho dân giầu, làm cho con người giầu có về vật chất, xã hội giầu về vật chất, mọi người có chức vị, có danh vọng…cái cơ bản là tinh thần, giầu về tinh thần đối chọi với giầu về vật chất, chức vụ…còn nhân phẩm thì đã thay đổi! Đương nhiên viết cái cho nhiều người thích như thế này thì có phải là xu thời, xu thế hay không? Ai không chồng, không con thì đừng như thế? Hoặc đừng có giầu có, đừng có chức có vị, xã hội đừng có giầu có để rồi căn tính con người bị mất đi. Một mắt xích mất đi không làm đổ vỡ cả dây truyền, mắt xích khác lại thế chỗ vào, đôi khi sau đó còn mạnh hơn. Cứ âm thầm ăn vào tâm trí, cứ từ từ ẩm đạo vào đầu óc con người, tạo thành tính cách và thói quen, tác động vào người đọc, vào số đông – nhà văn đã nghĩ tới khi viết tác phẩm?
Hòa Phong.