2 truyện ngắn của Leonid Andreev – Nguyễn Văn Chiến dịch

Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện Nga, Leonid Andreev, với phong cách đặc biệt của mình, đã chiếm một vị trí xứng đáng trong thiên hà tài năng vào đầu thế kỷ 19 và 20.

Leonid Andreev sinh ngày 21 tháng 8 năm 1871 tại Oryol trong gia đình một nhân viên trắc địa. Khi ông còn trẻ, sự say mê các nhà triết học người Đức A. Schopenhauer và E. Hartmann đã xác định các phẩm chất của bản chất hay thay đổi của Andreev, hướng đến những thái cực cảm xúc: sự bất hòa và bi quan của thế giới quan, mối quan tâm đôi khi bệnh hoàn đối với ý tưởng về cái chết và cái khủng khiếp trong cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Moskva năm 1897, ông đã làm trợ lý cho một luật sư vài năm, đồng thời ông đăng các báo cáo của tòa án và các tiểu phẩm v.v. trên tờ báo Courier.

Ông coi việc xuất bản truyện ngắn “Bargamot và Garaska” (1898) là khởi đầu cho hoạt động văn học của mình. S M. Gorky, người sau này là bạn thân của Andreev, đã giúp ông gia nhập hiệp hội các nhà văn hiện thực Sreda.

Ông nổi tiếng với công chúng và giới phê bình sau khi xuất bản tập “Truyện ngắn” năm 1901. Bằng cách đặt các nhân vật vào tình huống trải nghiệm trực tiếp và đau đớn về các vấn đề vĩnh cửu. Andreev đi tìm kiếm các phương tiện biểu đạt mới giúp tăng cường tác động đến người đọc.

Những tin tức xúc động về Chiến tranh Nga – Nhật là động lực cho việc tạo ra câu chuyện “Tiếng cười đỏ” (1905). Ở đây, sự điên rồ của những gì đang xảy ra được truyền tải bằng những phương tiện mạnh mẽ cực đoan (một hình tượng phi lý về tiếng cười màu đỏ; một mô tả về Trái đất đã phát điên, trông giống như một cái đầu bị lột da và não đỏ như cháo máu, v.v. .).

Tâm trạng bi quan ngày càng tăng của Andreev có thể cảm nhận được trong vở kịch “Savva” (1906) và câtruyện vừa “Judas Iscariot và những người khác” (1907), trong đó các sự kiện phúc âm được suy tưởng lại. Hình ảnh một người đàn ông – hạt cát trong vũ trụ vô tận, cam chịu sự cô đơn từ khi sinh ra, song tuy nhiênlà kẻ nổi loạn, hết lần này đến lần khác thách thức số phận, đã trở thành trung tâm trong các vở kịch của Andreev (“Tới các vì sao”, 1906; “Cuộc đời một con người”, 1907; “Sa hoàng – Đói”, 1908).

Một đặc điểm trong tác phẩm của Leonid Andreev theo quan điểm của các nhà phê bình văn học là không thể quy các tác phẩm của nhà văn theo một hướng nhất định trong văn học. Các biện pháp nghệ thuật mà nhà văn sử dụng quá khác biệt, phong cách quá khác thường.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, ông chuyển sang làm báo, viết các bài báo chống Đức, kêu gọi chiến đấu cho đến kết thúc thắng lợi. Ông nhiệt tình hưởng ứng Cách mạng tháng Hai, nhưng ông có thái độ tiêu cực với các sự kiện tháng 10 năm 1917. Nhà văn đột ngột qua đời vì suy tim vào tháng Chín năm 1919 tại làng Neivala, Phần Lan.

Hai nhà văn Nga Leonid Andreev và Maxim Gorky

Khúc hát Marseilles

 

Tất cả chúng tôi đều ở trong buồng bệnh khi anh ấy đang hấp hối. Ý thức trở lại với anh ấy trước lúc chết, anh nằm im lìm, thật nhỏ bé, yếu ớt, còn chúng tôi, các đồng chí của anh ấy, đứng lặng lẽ.

Đó là một thứ quá ư tầm thường: ấy là linh hồn của một con thỏ rừng và sự kiên nhẫn trơ trẽn của một con gia súc cày kéo. Khi số phận thật giễu cợt và ác ý ném anh ấy vào hàng ngũ lao tù đen tối của chúng tôi, tất cả bọn chúng tôi cất tiếng cười như những kẻ điên dại: chính nhiều khi ở đời cũng xảy ra những lỗi lầm nực cười như thế, ngớ ngẩn như  thế. Và anh ấy – chính anh ấy, tất nhiên, đã khóc. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào trong đời có nhiều nước mắt như vậy, ấy nước mắt sẵn lòng tuôn chảy dào dạt – nào từ mắt, nào từ mũi, nào từ miệng. Giống hệt một miếng bọt biển thấm đẫm nước và được nắm tay vắt  mạnh. Nhưng tôi đã từng thấy những người đàn ông khóc  ròng trong hàng ngũ bọn chúng tôi, nhưng nước mắt của họ là lửa, thứ nước mắt- lửa  ấy khiến  những con thú hoang phải chạy trốn. Vì những giọt nước mắt dũng cảm này mà  khuôn mặt trở nên già xọm đi, còn đôi mắt trở nên trẻ trung hơn: nước mắt ấy giống như dòng dung nham trào ra từ lòng sâu cháy đỏ của trái đất, bằng lửa nóng chúng khắc trên mặt đất bao dấu vết không thể xóa nhòa và chôn vùi dưới chúng vẹn nguyên những thành phố đầy rặt ham muốn tầm thường và lo lắng nhỏ nhặt. Thế nhưng khi con người này khóc thì chỉ thấy mặt anh ấy đỏ lựng và cái mũi nhỏ xíu xổ nước ướt đẫm khăn tay.

Có lẽ sau đó anh ấy phải đem phơi chiếc khăn tay ấy cho khô trên dây, nếu không thì anh ấy phải lấy ở đâu ra ngần ấy khăn tay cơ chứ?

Và suốt những ngày bị đày ải, anh ấy lê lết đến gặp các chỉ huy, đến tất cả các ông sếp mọi cấp cho dù họ là ai và là thế nào theo như anh ấy tưởng tượng, cúi đầu, khóc lóc, thề thốt mình vô tội, cầu xin sự thương hại cho tuổi trẻ bồng bột của anh ấy, hứa hẹn cả đời sẽ không mở miệng, ngoại trừ lên tiếng cho những lời thỉnh cầu và tán dương, ca ngợi. Và những người ấy cười nhạo anh ấy, rồi cũng giống như bọn chúng tôi, lũ họ gọi anh ấy là “Chú heo bé con bất hạnh”, thế là họ lớn tiếng:

– Này cậu kia, chú heo bé con!

Và thế là anh ấy ngoan ngoãn chạy ra chỗ bọn người kia gọi: anh ấy nghĩ rằng cứ mỗi khi như thế thì thể nào cũng được nghe tin tức về việc sẽ trở về quê hương, nhưng họ chỉ nói đùa thôi. Cũng như bọn chúng tôi, họ biết là anh ấy chẳng có tội gì, nhưng bằng những đớn đau, khổ sở anh ấy phải chịu mà họ định  khiến những chú heo con khác sợ hãi, – như thể họ chưa đủ độ nhát ấy!

Nỗi kinh hoàng trước cảnh cô đơn đã thúc đẩy anh ấy bước đến cả với bọn chúng tôi, nhưng mọi cái bản mặt của chúng tôi sao mà khắc nghiệt và lỳ lợm như đóng đinh thế, cho nên anh ấy đành vô vọng không tài nào tìm được cách nào để tiếp xúc, gần gũi được. Vì quá bối rối mà anh ấy gọi bọn chúng tôi các đồng chí và các bạn thân mến, nhưng chúng tôi lắc đầu và nói:

– Này, hãy liệu hồn! Bọn chúng sẽ nghe thấy anh nói gì đấy.   Nhưng thế mà anh ấy dám cả gan bước lại chỗ cánh cửa, cái anh chàng heo bé con kia. Chà, chẳng lẽ thế này mà vẫn có thể giữ được nghiêm túc, đạo mạo làm sao!

Thế là chúng tôi cười với thứ giọng đã mất thói quen cười từ lâu, còn anh ấy cảm nhận được khuyến khích và được an ủi bèn ngồi xuống gần hơn và vừa kể vừa khóc về những cuốn sách thân thuộc phải để lại trên bàn, về bà mẹ mình và các anh trai của anh ấy, những người mà giờ đây anh ấy không biết họ còn sống hay đã chết vì sợ hãi và đau buồn.

Lúc anh ấy nói vẫn chưa xong thì chúng tôi đã xua đuổi anh ấy ra ngoài.

Khi cuộc tuyệt thực bắt đầu, một nỗi kinh hoàng choán ngợp lấy anh ấy, – cái nỗi kinh hoàng hài hước không thể diễn tả được.

Bởi lẽ anh ấy lúc nào cũng thèm ăn, chú heo con tội nghiệp, mà anh ấy lại rất sợ những người đồng đội thân yêu của mình và cũng rất sợ các ông sếp: anh ấy lang thang giữa chúng tôi trong tâm trạng bối rối và thường lấy khăn tay lau trán mà trên đó cứ lấm thấm thứ gì đó – nước mắt hoặc mồ hôi. Và ngập ngừng hỏi tôi:

– Anh sẽ nhịn đói có lâu không?

– Lâu đấy, tôi nghiêm nghị đáp.

– Anh có định bí mật ăn gì không?

– Có, các bà mẹ sẽ gửi bánh nướng cho chúng tôi, –  tôi trả lời thuận theo câu hỏi với vẻ nghiêm túc.

Anh ấy nhìn tôi với vẻ hoài nghi, lắc đầu và thở dài bỏ đi. Nhưng ngày hôm sau anh ấy đến, người tái xanh vì sợ hãi, anh ấy cất tiếng tuyên bố giống như một con vẹt:

– Thưa các đồng chí! Tôi cũng sẽ tuyệt thực cùng với các đồng chí.

Vang lên câu trả lời đồng thanh của mọi người:

– Cứ tuyệt thực một mình đi.

Và thế là anh ấy tuyệt thực! Chúng tôi đã không tin, như bạn không tin, chúng tôi nghĩ, thể nào anh ấy cũng sẽ bí mật ăn cái gì đó, và cả đám cai ngục cũng nghĩ như thế.

Đến đoạn cuối cuộc tuyệt thực, anh đổ bệnh sốt phát ban, chúng tôi chỉ nhún vai:

“Chú heo nhỏ tội nghiệp!” Và một người trong chúng tôi, người vốn chẳng bao giờ cười cợt, chê mắng anh ấy, nói vẻ bực bội:

– Anh ta là đồng đội của chúng ta. Chúng ta hãy đến chỗ anh ta đi.

Anh ấy mê sảng, và lúc này nom anh ấy thật đáng thương, giống như cả cuộc đời anh ấy vậy, đấy là cơn mê sảng chẳng chút mạch lạc gì. Anh ấy nói mê lẫn về những cuốn sách nhỏ yêu thích của mình, về mẹ và các anh trai của anh ấy; anh ấy đã ăn bánh nướng và thề rằng mình không có tội, và xin được tha thứ. Và anh ấy gọi quê hương, anh ấy gọi nước Pháp thân thương, – Ôi, thật đáng giận con tim yếu đuối của con người! Anh ấy đã vò xé tâm hồn bằng tiếng gọi: “Nước Pháp thân yêu ơi!”.

Tất cả chúng tôi đều ở trong buồng bệnh khi anh ấy đang hấp hối. Ý thức trở lại với anh ấy trước lúc chết, anh nằm im lìm, thật nhỏ bé, yếu ớt, còn chúng tôi, các đồng chí của anh ấy, đứng lặng lẽ. Rồi bọn chúng tôi, tất cả, đều nghe anh ấy nói:

– Khi tôi chết, hãy hát bài Marseillaise cho tôi.

– Cậu nói gì vậy! – chúng tôi đều thốt lên, người run lên vì sung sướng và cơn cuồng nộ sôi sục.

Thế rồi anh ấy nhắc lại:

– Khi tôi chết, hãy hát bài Marseillaise cho tôi nhé.

Và lần đầu tiên giọng nói của anh ấy khô khốc, còn chúng tôi – chúng tôi đã khóc, tất cả, từng người một đều khóc, và những giọt nước mắt của chúng tôi cháy bỏng giống như ngọn lửa khiến đàn thú hoang chạy trốn.

Anh ấy tắt thở và chúng tôi đã hát bài Marseillaise dành cho anh ấy. Với giọng ca trẻ khỏe chúng tôi đã hát vang bài ca vĩ đại về tự do, rồi đại dương hùng tráng hòa tiếng vọng với chúng tôi và mang theo nỗi phẫn nộ lợt lạt và niềm hy vọng đỏ máu trên những triền sóng bạc đầu tới nước Pháp thân yêu. Và anh ấy mãi mãi trở thành ngọn cờ của chúng tôi – ấy một thứ quá ư tầm thường với cơ thể của một con thỏ rừng và của một con gia súc cầy kéo, nhưng có tâm hồn vĩ đại của con người. Hãy quỳ trước người anh hùng, hỡi các đồng chí và những người bạn!

Chúng tôi đã hát. Chĩa về phía chúng tôi là những khẩu súng, khóa  nòng của chúng kêu lách cách đầy giận dữ, những thanh lưỡi lê như ngòi độc nhọn sắc đang chọc thẳng đầy đe dọa về phía trái tim chúng tôi – nhưng tiếng hát sang sảng vang vọng càng to hơn, càng vui vẻ hơn; cỗ quan tài đen khẽ đung đưa trên những bàn tay dịu dàng của những người chiến sĩ.

Chúng tôi đã hát khúc ca Marseillaise!

Nhà văn Nga Leonid Andreev (1871 – 1919)

Tháng 8 năm 1903

 

Năm phút sau, bác sĩ thăm khám người tiếp theo, còn nhà văn bước dọc theo con phố, nheo mắt vì nắng xuân và nghĩ: tại sao tất cả những người tóc hung đỏ vào mùa xuân thì đi bên có bóng râm, còn vào mùa hè, khi trời nóng, lại đi bên có nắng? Ông bác sĩ cũng tóc màu hung đỏ. Giá như ông ấy nói năm hay mười năm thôi,  chứ nói hai mươi năm thì có nghĩa là mình sẽ sớm chết thôi. Ông cảm thấy hơi sợ. Thậm chí rất sợ đằng khác, nhưng…

Bác sĩ đặt ống lên ngực trần của bệnh nhân và bắt đầu lắng nghe: trái tim to, phát triển quá mức đang đập không đều và âm ỉ vào xương sườn, nó nức nở, như thể đang khóc và kêu trèo trẹo. Và đó chính là bức tranh thật đầy đủ và nham hiểm về cái chết sắp xảy ra đến độ mà bác sĩ nghĩ: “Tuy nhiên!”, song ông nói to:

– Ông phải tránh mọi xúc động. Có lẽ ông đang phải làm công việc gì đấy nặng nhọc lắm phải không?

– Tôi là nhà văn, – bệnh nhân trả lời và mỉm cười. – Bác sĩ làm ơn nói cho tôi biết, nó có nguy hiểm không?

Bác sĩ nhún vai và dang rộng hai tay.

– Nguy hiểm, thì cũng như mọi thứ bệnh tật ấy… Ông sẽ còn sống chừng mười lăm, hai mươi năm nữa. Ngần ấy có đủ cho ông không? – bác sĩ nói đùa và, với sự  thành kính đối với văn học, ông giúp bệnh nhân mặc áo. Khi chiếc áo khoác lên rồi, khuôn mặt của nhà văn trở nên hơi nhợt nhạt và không thể hiểu liệu ông ấy còn trẻ hay đã hoàn toàn là một ông già. Đôi môi ông tiếp tục nở nụ cười trìu mến và hoài nghi.

“Cảm ơn vì những lời tốt đẹp của bác sĩ ạ, – ông đáp.

Ngoảnh mặt đi khỏi bác sĩ với vẻ tội lỗi, ông đưa mắt tìm kiếm rất lâu nơi đặt tiền cho chuyến khám bệnh, và cuối cùng cũng tìm thấy: trên bàn, giữa một lọ mực và một hộp bút, đó là một chỗ nho nhỏ ấm cúng và giản dị. Và ông đặt vào đó  một tờ ba rúp màu xanh lá cây, một tờ bạc đã cũ, bạc màu, bị vò nhầu.

“Có lẽ bây giờ người ta không  sản xuất những tờ bạc mới nữa”, – ông bác sĩ nghĩ về tờ tiền màu xanh lá cây nhạt và vì lý do nào đó mà lắc đầu buồn bã.

Năm phút sau, bác sĩ thăm khám người tiếp theo, còn nhà văn bước dọc theo con phố, nheo mắt vì nắng xuân và nghĩ: tại sao tất cả những người tóc hung đỏ vào mùa xuân thì đi bên có bóng râm, còn vào mùa hè, khi trời nóng, lại đi bên có nắng? Ông bác sĩ cũng tóc màu hung đỏ. Giá như ông ấy nói năm hay mười năm thôi,  chứ nói hai mươi năm thì có nghĩa là mình sẽ sớm chết thôi. Ông cảm thấy hơi sợ. Thậm chí rất sợ đằng khác, nhưng…

Ông đưa mắt nhìn xuống trái tim mình và mỉm cười.  Mặt trời đang tỏa nắng rực rỡ. Như thể mặt trời còn trẻ trung, và mặt trời muốn mỉm cười và hạ xuống trái đất.

***

Bản thảo dày; có nhiều tờ trong đó, trên mỗi tờ có những dòng chữ nhỏ gọn gàng, và mỗi dòng là một phần linh hồn của nhà văn. Bằng bàn tay xương xẩu, ông cung kính lật từng trang, và ánh hồi quang màu trắng từ tờ giấy đọng trên khuôn mặt ông ấy như một vầng hào quang, còn bà vợ ông đang quỳ bên cạnh, lặng lẽ hôn lên bàn tay gầy guộc xương xẩu kia mà khóc.

– Đừng khóc, em yêu, – ông cất tiếng bảo, – em không cần phải khóc, không có gì phải khóc cả.

– Trái tim của anh… Rồi em sẽ bị bỏ lại một mình trên thế gian mênh mang này. Một mình võ võ, ôi chao!

Nhà văn đưa tay vuốt mái đầu đang đổ gục xuống hai đầu gối ông và nói:

– Em nhìn này.

Những giọt nước mắt khiến bà không thể nhìn được, và những dòng chữ liên tục của bản thảo di chuyển theo từng đợt sóng, tan vỡ và nhòe đi trong mắt bà.

– Em nhìn này! – ông nhắc lại. – Đây là trái tim anh. Và nó sẽ mãi mãi ở lại bên em

Khi một người sắp chết tưởng sẽ sống mãi trong cuốn sách của mình thì thật là tội nghiệp đến nỗi nước mắt người vợ trào ra càng nhiều và nhiều hơn. Bà vợ cần một trái tim sống, chứ  không phải là một cuốn sách chết cứng mà tất cả mọi người đều đọc: họ – những kẻ xa lạ, thờ ơ và chẳng chút yêu thương.

***

Cuốn sách bắt đầu được in, có tiêu đề “Bênh vực những kẻ lầm than”.

Những người sắp chữ xé bản thảo thành từng mảnh, và mỗi người chỉ sắp chữ cho mảnh của riêng mình mà đôi khi bắt đầu bằng nửa từ chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng hạn, trong từ “yêu” thì “y” thuộc về một người, còn “êu” thì được giao cho thợ khác, nhưng sự tình này không thành vấn đề gì, bởi lẽ họ chẳng bao giờ đọc những gì trong văn bản họ đang sắp chữ.

– Thế là ông ta trống rỗng rồi nhé, cái gã viết nguệch ngoạc này! Đây đúng là một lối viết tay của kẻ bị rút phép thông công! – một người thợ sắp chữ vừa nói vừa nhăn nhó vì tức giận và mất kiên nhẫn, rồi anh ta đưa tay che mắt. Các ngón tay đã đen bóng lên vì bụi chì, trên khuôn mặt trẻ trung hằn rõ các vệt bóng chì đen sì, và khi người thợ khạc và nhổ thì nước bọt cũng nhuốm thứ màu đen kịt và màu chết ấy.

Dịch giả Nguyễn Văn Chiến

Một người thợ sắp chữ khác, cũng còn trẻ – ở đây làm gì có người già – vơ hết vào tay những chữ cái cần thiết với tốc độ và sự khéo léo của một con khỉ, rồi cất tiếng hát khe khẽ:

Ôi, số phận của tôi là màu đen,

Số phận ơi, em giống như một gánh nặng bằng gang đối đè nặng lên anh…

Chỉ thế thôi, anh ấy không biết những lời lẽ tiếp theo của bài hát, nhưng làn điệu anh ấy hát là của chính mình: đơn điệu và buồn chất phác, man mác như tiếng gió xào xạc trong tán lá mùa thu.

Những người còn lại im lặng, ho và khạc ra thứ nước bọt sẫm màu. Trên đầu mỗi người thợ sáng một bóng đèn điện, còn phía xa hơn nữa, đằng sau một bức tường kết bằng một tấm lưới dây điện hiện ra lờ mờ hình bóng của những chiếc cỗ máy đang đứng nghỉ ngơi không chạy. Chúng duỗi thẳng những cánh tay đen sì sần sùi với vẻ mong chờ và đang đè lên sàn nhựa đường bằng những khối u ám nặng nề. Những cỗ máy như thế có nhiều ở chỗ này, và bóng tối im lặng đầy năng lượng tiềm ẩn, đầy tiếng ì ầm và sức mạnh ẩn giấu đang rụt rè xiết chặt lấy chúng.

***

Những cuốn sách xếp thành hàng đầy màu sắc trên giá, và đằng sau chúng, người ta không thể nhìn thấy những bức tường; sách chất thành những đống cao trên sàn nhà; và đằng sau cửa hàng, trong hai căn phòng tối thui đầy những sách là sách. Rồi dường như suy nghĩ của con người vốn bị bao cuốn sách đó kìm hãm, đè nén bỗng âm thầm rùng mình và lao vọt ra bên ngoài,  thế là trong vương quốc của sách chẳng bao giờ có sự im lặng thực sự và bình yên thực sự.

Quý ông râu bạc với vẻ mặt cao quý kính cẩn đang nói chuyện với ai đó trên điện thoại, thì thầm nguyền rủa: “đồ ngốc”, và hét lớn:

– Mishka!- rồi khi thằng bé bước vào, mặt ông ta trở nên không còn cao quý nữa mà hèn hạ và hung dữ, rồi ông dứ ngón tay ra đe dọa. – Thế còn phải quát gọi mày bao nhiêu lần nữa hả? Đồ lưu manh!

Cậu bé chớp mắt sợ hãi, và quý ông râu bạc đã bình tĩnh lại. Cậu dùng chân và tay đẩy ra một bọc sách nặng trịch, cậu muốn nhấc nó lên bằng một tay – nhưng ngay lập tức cậu không thể và liền thả nó xuống sàn.

– Mang nó đến cho ông Yegor Ivanovich.

Cậu bé cầm cái bọc bằng cả hai tay, nhưng chưa nhấc nó lên.

– Mau lên! – quý ông hét lên.

Cậu bé bê bọc sách lên và mang đi.

***

Trên vỉa hè, Mishka đẩy người qua đường, thế là người ta xua đuổi cậu ra giữa đường, nơi tuyết có màu nâu và dính như cát vậy. Một đống nặng đang đè lên lưng cậu, và cậu loạng choạng; gã xà ích đánh xe ngựa hét vào mặt cậu, và khi cậu nhớ ra mình còn phải đi bao nhiêu đường đất nữa thì cậu hoảng sợ và nghĩ rằng mình sắp chết. Cậu bèn bỏ cái bọc xuống khỏi vai, đứng nhìn  nó rồi khóc.

– Sao cháu lại khóc thế? – một người qua đường hỏi.

Mishka vẫn khóc. Ngay sau đó, người ta xúm lại thành đám đông, một viên cảnh sát tức giận đeo kiếm và súng lục đi tới, ông ta đưa cả Mishka lẫn sách lên một chiếc xe ngựa chạy về đồn.

– Có gì trong đó vậy? – viên cảnh sát trực ban hỏi, mắt không rời khỏi tờ biên bản ông ta đang viết

– Một gánh nặng quá sức, thưa ngài, – viên cảnh sát giận dữ trả lời và đẩy Mishka về phía trước.

Viên cảnh sát trực ban duỗi một cánh tay ra khiến khớp kêu lắc rắc, rồi ông ta duỗi nốt cánh tay kia; sau đó ông lần lượt duỗi chân đang xỏ trong đôi ủng da rộng rãi bóng loáng. Ông nhìn sang bên, từ trên xuống dưới, nhìn vào cậu bé, rồi tương ra một loạt câu hỏi:

-Tên gì? Từ đâu đến? Cấp bậc? Đang làm công việc gì?

Còn Mishka đã thì cất tiếng đưa ra một loạt câu trả lời.

– Cháu tên Mishka. Nông dân ạ. Mười hai tuổi ạ. Ông chủ sai cháu đi ạ.

Viên cảnh sát trực ban tiến lại gần cái bọc, vẫn duỗi dài chân tay khi bước đi, đẩy hai chân hơi dịch ra sau, ưỡn ngực, ông thở sâu và khẽ khàng bê các quyển sách lên.

– Ồ! – ông ta thốt lên với vẻ thích thú.

Giấy gói hàng bị rách mép, viên cảnh sát trực ban gấp lại và đọc tiêu đề: “Bênh vực những kẻ lầm than”.

– Chà, cậu bé, – ông ta ngoắc ngón tay gọi Mishka – Đọc đi.

Mishka chớp mắt và trả lời:

– Cháu không biết chữ.

Tay cảnh sát trực ban cả cười:

– Ha-ha-ha!

Một nhân viên cảnh sát chuyên phụ trách căn cước để râu lởm chởm không cạo phả vào mặt vào Mishka mùi vodka và hành, rồi ông ta cũng cười lớn:

– Ha-ha-ha!

Và sau đó họ soạn thảo một tờ biên bản, còn Mishka xem việc ấy là một thắng lợi nho nhỏ.

LEONID ANDREEV

NGUYỄN VĂN CHIẾN dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *