Bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng bởi câu thơ mở đầu lặp lại ở khổ thơ cuối: “Những thành phố lại bắt đầu phong tỏa”, nhưng tứ thơ vượt thoát khỏi cái sự “dịch bệnh” để đến với cái tình: “Nếu sống sót qua được mùa dịch bệnh/ Anh có còn ngần ngại nói: Yêu em?”. 2 câu thơ cuối chính là điểm sáng của bài thơ, là nơi nhà thơ gửi gắm cảm xúc trữ tình và nâng tầm bài thơ để chất thơ lan tỏa.

Thơ tình thời giãn cách
Những thành phố lại bắt đầu phong tỏa
Trên cành xanh, xuân tách hạt nảy mầm
Chốt kiểm soát chặn lối ra các ngả
Khoảng cách mỗi người ngày một giãn xa
Người rơi lệ khi cái ôm trở thành hiểm họa
Bắt tay nhau cũng cẩn thận sát trùng
Nụ hôn ngủ trong khẩu trang kín mít
Cánh mai đầu mùa nở giữa khu cách li
Con Covid chẳng thể nhìn bằng mắt
Chia cắt lứa đôi, hủy hoại cả vương triều
Nặng trĩu âu lo trên bờ vai thế kỉ
Cô độc bao trùm, hoài niệm đóng băng
Những thành phố lại bắt đầu phong tỏa
Xuân vẫn ùa vào cánh cửa cài then
Nếu sống sót qua được mùa dịch bệnh
Anh có còn ngần ngại nói: Yêu em?
VŨ THANH HOA
“Thơ tình thời giãn cách” của nhà thơ Vũ Thanh Hoa là 1 trong 10 bài thơ được bình chọn là thơ hay nhân dịp Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh và Quỹ Tình thơ trao giải thơ hay Nguyên tiêu 2021. Bài thơ có 12 câu, mà hết 10 câu là “sự”, 2 câu cuối là tình, nhưng cái tình ở 2 câu cuối đã làm nổi bật cái sự tuy không mới mà mới bởi nó là thơ. Không mới, bởi từ khi có đại dịch Covid-19 thì dường như những cụm từ quen thuộc cứ lặp đi lặp lại: phong tỏa, giãn cách, hiểm họa, sát trùng, khẩu trang, cách li, cô độc… Nhưng lại mới bởi tứ thơ nhẹ nhàng hòa quyện giữa cái âu lo với cái háo hức; âu lo trong mùa xuân, háo hức trong mùa xuân; và hi vọng cũng bừng lên sau những âu lo, ngóng đợi, hi vọng… Hình ảnh thơ dịch chuyển giữa hai điểm nhìn: mùa xuân và đại dịch Covid-19.

“Những thành phố lại bắt đầu phong tỏa/ Trên cành xanh, xuân tách hạt nảy mầm/ Chốt kiểm soát chặn lối ra các ngả/ Khoảng cách mỗi người ngày một giãn xa” – lối vào đề nhẹ nhàng như thể hứng trong ca dao, dù nội dung là “phong tỏa, giãn cách”. Cảm giác nhẹ nhàng bởi hình ảnh thơ không nặng nề đến mức ám ảnh như những thông báo, bởi người thơ nhận ra: “Trên cành xanh, xuân tách hạt nảy mầm” – câu thơ vừa có không gian, vừa có thời gian và tâm tưởng. Vẫn chọn lối xen giữa sự và tình, lời thơ như giảm nhẹ đi sự căng thẳng, tăng thêm hi vọng: “Người rơi lệ khi cái ôm trở thành hiểm họa/ Bắt tay nhau cũng cẩn thận sát trùng/ Nụ hôn ngủ trong khẩu trang kín mít/ Cánh mai đầu mùa nở giữa khu cách li”. Cánh mai đầu mùa giờ không chỉ là điểm nhấn của mùa xuân mà còn là hi vọng giữa những hiểm nguy rình rập, bởi “cái ôm, nụ hôn, bắt tay…” cũng phải dè dặt, sát trùng. Chắc sau này, khi thế giới vượt qua đại dịch, con người sẽ có cái giật mình thảng thốt khi nhớ về những tháng ngày “hiểm họa” và những câu thơ này sẽ là kỉ niệm nhắc nhở về một thời âu lo. Tính thời sự giờ không còn là của các thể loại báo chí và kí mà đã ám ảnh trong cảm xúc thơ. Chất thơ thể hiện rõ trong sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ.
Bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng bởi câu thơ mở đầu lặp lại ở khổ thơ cuối: “Những thành phố lại bắt đầu phong tỏa”, nhưng tứ thơ vượt thoát khỏi cái sự “dịch bệnh” để đến với cái tình: “Nếu sống sót qua được mùa dịch bệnh/ Anh có còn ngần ngại nói: Yêu em?”. 2 câu thơ cuối chính là điểm sáng của bài thơ, là nơi nhà thơ gửi gắm cảm xúc trữ tình và nâng tầm bài thơ để chất thơ lan tỏa. Câu hỏi tu từ cuối bài thơ “Anh có còn ngần ngại nói: Yêu em?” như tự hỏi, tự khẳng định và rồi hi vọng. Có lẽ vì câu thơ này mà khi đọc xong bài thơ, độc giả sẽ giật mình ngoái lại và cảm giác lãng mạn dâng tràn bởi cái nhìn của thi nhân đã thức tỉnh trong chúng ta những ước mơ và hi vọng.
Huế ngày 2.4.2021
TS HOÀNG THỊ THU THỦY