Cần căn cơ trong quy hoạch hệ thống trường phổ thông

Một trong những điều tạo nên áp lực chọn trường cho học sinh trong mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp mà ngành giáo dục có thể khắc phục được, đó là chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục ở các trường trong hệ thống trường công phải tiến tới ngang bằng, đồng đều, không tạo ra những cơn sốt, những hiện tượng ồ ạt tìm trường cho con em của người lao động. Làm được việc này, vị thế của hệ thống trường công chắc chắn sẽ được nâng cao, không có các tiêu cực trong mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp.

Nhà văn – nhà giáo Đào Quốc Vịnh

Từ sau Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII năm 1996 đến nay, một loạt các trường ngoài công lập từ bậc mầm non tới đại học được mở ra, phần nào giải quyết được gánh nặng của sự quá tải trong các trường học, nhất là các trường học ở bậc mầm non và bậc phổ thông. Tuy nhiên, thiếu hụt hệ thống trường công lập, nhất là ở các thành phố lớn, đang tạo nên những bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục.

Với mức độ phát triển đô thị quá nhanh, việc tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, tạo ra áp lực rất lớn cho ngành giáo dục ở các địa phương. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc tiểu học mỗi lớp chỉ là 35 học sinh. Theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020-GDĐT thì mỗi lớp chỉ được bố trí không vượt quá 45 học sinh.

Tuy nhiên, việc thiếu lớp học, thiếu trường học công, khiến ngành giáo dục phải áp dụng biện pháp tạm thời là tăng số lớp trong một trường, tăng sĩ số học sinh trong mỗi lớp học, vô hình trung đã làm mất đi quyền lợi được học tập của học sinh trong mỗi giờ trên lớp mà Chương trình giáo dục 2018 đã mang lại cho các em. Các giải pháp trong đổi mới toàn diện của “một nền giáo dục mở” sẽ khó có thể được thực hiện.

Tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh hằng năm vào các trường công lập, thể hiện rõ, hệ thống trường ngoài công lập dù có hùng hậu thế nào vẫn không thể thay thế được các trường công lập trên mỗi địa bàn dân cư. Cũng qua thực tiễn này, mới thấy rõ, nếu chỉ một ngành giáo dục vào cuộc lo trường lo lớp cho học sinh, thì bài toán thiếu trường công vẫn không thể có lời giải.

Điều gì đã hạn chế ngành giáo dục mở thêm các trường công ở các thành phố lớn đông dân như Hà Nội?

Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, khu chung cư đều có những quy định bắt buộc mang tính đồng bộ về đất giao thông, đất công viên, khu vui chơi giải trí, khu dành cho trường học. Tuy nhiên, khái niệm về đất dành cho trường học hiện nay không trùng khớp với đất dành cho trường học của những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, thật hiếm thấy một khu chung cư nào được xây dựng lại mọc lên một ngôi trường công lập trong đó. Trong khi phần lớn cư dân ở các chung cư ấy vẫn cần cho con em mình được vào học ở trường công theo tuyến. Điều này dồn lên các trường công ở khu vực đó một áp lực rất lớn.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để sao cho mỗi một khu chung cư, một tổ hợp đô thị mọc lên, bắt buộc phải có hệ thống các trường công được xây dựng trong đó, tránh được một phần cơ bản áp lực đối với các trường công vốn đã có trên địa bàn dân cư do yếu tố di dân cơ học đến khu đô thị mới ấy gây nên.

Một trong những điều tạo nên áp lực chọn trường cho học sinh trong mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp mà ngành giáo dục có thể khắc phục được, đó là chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục ở các trường trong hệ thống trường công phải tiến tới ngang bằng, đồng đều, không tạo ra những cơn sốt, những hiện tượng ồ ạt tìm trường cho con em của người lao động. Làm được việc này, vị thế của hệ thống trường công chắc chắn sẽ được nâng cao, không có các tiêu cực trong mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp.

Một trong những vấn đề ngành giáo dục còn cần phải quan tâm, đó là cần cân nhắc một cách thấu đáo việc biến các cơ sở trường công thành loại hình trường chất lượng cao. Việc chuyển thêm các trường công sang trường chất lượng cao dành cho con em những gia đình có thu nhập cao vào học một lần nữa tác động không tích cực đến việc cung cấp dịch vụ giáo dục công. Đó cũng là một nguyên nhân của việc làm căng thẳng thêm đến vấn đề thiếu trường học như hiện nay. Điều cần thiết hiện nay là làm sao để hệ thống trường tư thục thật sự là nơi gia đình và học sinh lựa chọn để học, chứ không phải vì thiếu trường, thiếu lớp mà các em buộc phải vào học, tăng gánh nặng chi phí cho các bậc phụ huynh.

Tất cả những vấn đề trên không thể một sớm một chiều khắc phục được. Nó đòi hỏi sự quyết liệt tháo gỡ đồng bộ từ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, xây dựng và giáo dục. Sắp tới đây, một số huyện ngoại thành sẽ được trở thành quận. Nếu không kịp thời có một sự thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật thì căn bệnh trầm kha thiếu trường lớp cho học sinh sẽ không thể chấm dứt. Điều đó đồng nghĩa với những kỳ vọng của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện đầy đủ các quy định về đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không được bảo đảm về độ khả thi.

Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ xác định, đến năm 2025 tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập là 2,7%, tỷ lệ học sinh theo học ngoài công lập là 3%. Số trường, số học sinh ngoài công lập ở Hà Nội đã vượt quy định của Chính phủ hàng chục lần như hiện nay đòi hỏi các cấp quản lý cần có giải pháp để học sinh được vào các trường công lập, thụ hưởng những phúc lợi mà xã hội mang lại cho các em một cách công bằng.

ĐÀO QUỐC VỊNH

Báo Nhân Dân 8.2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *