VHSG- Cùng mùa thu lên đường làm nghĩa vụ đất nước, nhưng thời của con bây giờ khác thời của ba ngày xưa “trán thẳng tóc xanh bên lưng có thép”. Nhà thơ Trần Thế Vinh cũng nghiệm ra “Cây tầm vông như một phận đời”, luật nhân quả của cảm xúc và con chữ, nỗi buồn trước một nền văn hóa “Chơ vơ giữa chốn ầm ào hậu sinh/ Đớn đau Óc Eo chìm nổi/ Biết ta mai cũng sẽ thành phế nhân”.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.
Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn, Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam.
Đến nay, VHSG đã nhận gần 430 chùm thơ 1-2-3 của hơn 160 tác giả trong và ngoài nước gửi về, đăng tải hơn 330 chùm thơ và đang tuyển chọn giới thiệu dần. Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Cứ nhớ mỗi mùa thu đưa tiễn…
Với con khi chia tay người vợ trẻ
Một phút nắm chặt bàn tay thon. Rồi lên đường.
Mùa thu trước ba cũng ra đi vào mặt trận
Nghe nói trán thẳng tóc xanh bên lưng có thép
Hỏi ngọn lửa thường tình nào đã tắt ở buồng tim!
Cây tầm vông như một phận đời
Mưa xuống. Đất ấm măng tầm vông mọc thẳng
Trồi theo ánh nắng vót ngọn tìm trời…
Khi già còm thấp tìm nơi nguồn cội
Người chặt kẻ đốn tan hoang
Núi còn đó, gọi mùa măng nữa cho vườn ta xanh!
Khi gieo nhân ắt sẽ có quả
Em đừng hỏi anh
Khái niệm “nhân tai” là gì?
Thơ ca khản vọng cảm xúc
Trước siêu bão dữ dằn đêm qua quét ngọn
Chủ nghĩa ứng nghiệm sẽ hình thành mòn rạp lối đi.
Nghiệm trước một Óc Eo phương Nam
Xa xăm chúa tôi khuất dấu
Trong lâu đài gạch cõi người ngàn năm
Chơ vơ giữa chốn ầm ào hậu sinh
Đớn đau Óc Eo chìm nổi
Biết ta mai cũng sẽ thành phế nhân.
Đê tràn, lưỡi nước liếm sân
Lụt lên… Nước nhảy từng phân
Lụt lên… Thấm ướt mộ phần tổ tiên.
Lụt lên… Cắt mặt chái hiên
Cao hơn mắt mẹ ưu phiền chân chim
Lụt lên… Mất dấu tị hiềm!
TRẦN THẾ VINH (AN GIANG)
- Truyện ngắn Nguyễn Hiếu: Bất động bên Đầm Vạc
- Chùm thơ Phan Thảo Hạnh: Cũng lên chốt như những ngày đánh giặc
- Tiểu luận Hà Tùng Sơn: “Bước gió truyền kỳ” một đỉnh cao thơ ca của Phan Hoàng
- Nhấm nháp hương vị Sài Gòn qua danh tác nhiều thế hệ
- Thơ 1-2-3 Huỳnh Thị Quỳnh Nga: Ký âm mùa xuân bằng nốt xanh