VHSG- Khi Ngôn ngữ học tri nhận xác tín rằng, ẩn dụ là phương thức của tư duy, chúng xuất hiện trong mọi lĩnh vực suy nghĩ, không kể là tư duy logic hay tư duy hình tượng thì một câu hỏi không dễ trả lời đặt ra, vậy ẩn dụ trong môi trường văn chương như thế nào? Chúng có gì khác với ẩn dụ thường quy? Chúng vẫn được hình thành trên cơ sơ ánh xạ hay được tạo lập theo một phương thức khác ?
Gần bốn mươi năm qua, giới học giả đã đi tìm câu trả lời theo nhiều cách khác nhau và nhiều tri thức của Ngôn ngữ học tri nhận đã được vận dung để nghiên cứu văn chương như lý thuyết ngữ nghĩa khung, hình và nền, tiền cảnh và hậu cảnh… Thành tựu là khá lớn, nhưng chủ yếu là trên cứ liệu của các ngôn ngữ biến hình. Riêng ẩn dụ trong tác phẩm văn chương đã được đúc kết thành 7 loại. Bài này chỉ giới thiệu một loại trong số đó.

Đại ẩn dụ (megametaphor) là ẩn dụ vĩ mô. Cấu trúc của nó gồm hai tầng: tầng nổi và tầng chìm. Tầng nổi chứa nghĩa nguyên thủy (nghĩa đen) của từ vựng và của văn bản. Ỏ đây có thể xuất hiện nhiều ẩn dụ ý niệm tức những ẩn dụ khái quát bậc trên kiểu như Tri thức là thực phẩm và ẩn dụ ngôn ngữ, tức ẩn dụ bậc dưới dựa vào lớp từ ngữ đa nghĩa hệ thống, kiểu như Nuốt không trôi bài tập này, Chưa tiêu hóa hết tri thức, Học nhiều quá rồi cũng có ngày bội thực, Thầy cô giáo mớm bài cho học sinh trước mắt giám thị… Đây là miền ý niệm nguồn.Tầng chìm chứa nghĩa hàm ẩn (nghĩa bóng) tức miền đích, người đọc phải thông qua suy luận, đoán định để thực hiện một phép ánh xạ. Không kể là thơ hay văn xuôi nghệ thuật, các thuộc tính của miền nguồn phải được lựa chọn để sao cho tương thích với miền đích.
Tuy mối quan hệ giữa nguồn- đích và đặc trưng ánh xạ đơn giản/ phức tạp có khác nhau tùy theo thể loại, nhưng đây là một hiện tượng không xa lạ trong truyền thống ngữ văn Việt Nam. Nhiều bài thơ trong dòng văn học yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX của Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Học Lạc…, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Lê Thánh Tông và cả Ngụ ngôn… đều được tạo lập theo phương thức đại ẩn dụ .
Đại ẩn dụ xuất hiện trong trường hợp: dùng để biểu đạt các chủ đề tế nhị, lồng ghép một bài học luân lý, ngầm giải thích về một hàm ý nào đó; hoặc, không muốn chuốc lấy rắc rối, hay không chịu trách nhiệm về hành động ngôn từ của mình. Đây là hiện tượng một thời được gán cho là hiện tượng biểu tượng hai mặt, đã khiến cho nhiều người lao đao vì chữ nghĩa.
Xin được minh họa một vài chi tiết trong thơ thơ Phan Văn Trị.
Thông qua những sự vật hiện tượng cụ thể từ miền nguồn như con cóc, con rận…hoặc hát bội, quán nước, chùa hư…nghĩa là hiện thực vốn có thật trong đời sống, Phan Văn Trị nhắm đến miền đích là phê phán kẻ xấu, bằng đại ẩn dụ. Nói cách khác, để sáng tạo loại thơ này, tác giả phải vận dụng ngôn từ thế nào để đạt được yêu cầu: Chỉ bằng một hình thức biểu đạt duy nhất, laị phải chuyên chở nhiều tầng nghĩa. Ở đây, xảy ra một sự lựa chọn khá gay gắt, vừa phải bảo đảm theo trật tự của lô gích nổi, tức là phải phục vụ cho một đề tài nhất định (chủ đề nổi) nhưng lại vừa phải tuân thủ theo một nội dung khác dưới dạng tiềm ẩn (chủ đề chìm). Để đạt được mục đích ấy, trước hết, cùng một lúc, tác giả phải xây dụng hai hệ thống đề tài. Tuy chúng có những liên hệ mật thiết với nhau, nhưng vẫn là những hệ thống riêng. Trên bề mặt chữ nghĩa, ta tri giác được hệ thống chìm là nhờ vào liên tưởng (ánh xạ). Chẳng hạn: Trên trính có nhà còn lợp lọng, Dưới chân không ngựa lại giơ roi. Liên hệ với đề vịnh của bài thơ Hát bội, ta biết hai câu thơ đề cập đến tính chất ước lệ của nghệ thuật tuồng, nhưng rõ ràng nội dung của nó không chỉ dừng lại ở đó. Cũng vậy, trong bài Con trâu, ta nhận thức được sở chỉ bằng những chi tiết mô tả trực tiếp như: sừng, bụng, lá sách, cằm, râu, đít, nghé ngọ. Và những thuộc tính được nhân hoá như: “chàng va… lớn đầu”, “lơ thơ ba lá sách”, “lèm bèm một chòm râu”… lại gợi mở cho ta một hướng tri nhận khác với chủ đề nổi. Cái hay ở đây, cả hai hệ thống đề tài ấy đều hoàn chỉnh, hoàn chỉnh đến mức chỉ cần thay đổi một vài từ ngữ, lập tức tính chất lưỡng nghĩa của chúng bị phá vỡ ngay. Và có không ít trường hợp, các câu thơ vốn nằm trong hệ thống, do chi phối bởi các mối quan hệ trên trục đối vị và trục ngữ đoạn, tầng nghĩa nổi của nó hầu như chiếm lĩnh toàn bộ. Nhưng một khi tách khỏi ngữ cảnh, tầng nghĩa chìm lại trội hẳn lên. Đây là những tín hiệu gởi mở, cũng chính là căn cứ, làm cơ sở cho sự kiểm tra ánh xạ: Giường ngà chiếu ngọc từng nương dựa, Má phấn môi son cũng ấp yêu (Con muỗi). Hay: Mấy trận chi sờn cơn gió bụi, Trăm vòng nào nại sức lung lay (Cái cối xay).
Rõ ràng, cái chi phối tâm trí ta khi đọc mấy câu thơ vừa dẫn chính ở những thuộc tính rất người, chứ không phải ở đối tượng trực tiếp được nêu ra. Chính điều này cũng giải thích vì sao, tầng nghĩa thứ hai, nghĩa chìm lại bao trùm và chi phối toàn bộ văn bản, còn tầng nghĩa nổi thực chất chỉ là cái cớ, nghĩa vẫn cứ sờ sờ ra đó, lại còn được miêu tả, gọi tên hẳn hoi, ấy vậy mà vẫn là thứ yếu.
Điều quan trọng, các ẩn dụ vi mô như ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ ngôn ngữ ở miền nguồn phải là những chỉ dấu định hướng để nhận hiểu các thuộc tính ánh xạ, làm nên một chỉnh thể mà đại ẩn dụ biểu hiện ở miền đích .
TRỊNH SÂM