Bình Địa Mộc cước làm vợ trả sau

VHSG- Cả ngôi làng chết lặng/ Như tàn cuộc binh đao/ Anh ngày xưa tóc bạc/ Giờ lẫn lộn thuê bao/ Cước làm tình trả trước/ Cước làm vợ trả sau

NHÀ CÓ CON CHUỘT CHẾT

 

Sau bữa cơm bố ngồi đọc báo

Mẹ lên lầu khóa cửa xem ti vi

 

Anh học xong mở iPhone lướt web

Em chẳng biết làm gì bật máy chơi game

 

Một mình nội loay hoay dưới bếp

Tìm con chuột chết bốc mùi

 

Mùi chuột chết lẫn mùi nước hoa Chanel

Dành cho quý ông lịch lãm bố thường dùng

 

Lẫn mùi dầu gội Pantene sang trọng

Mẹ đặt mua từ lúc mới chào hàng

 

Lẫn mùi chewing gum cam dâu Trident

Anh nhai cho thơm miệng

 

Lẫn mùi coffee Trung Nguyên hòa tan 2 in 1

Mỗi lần pha nhắm mắt hít hà

 

Nội không có mùi đặc trưng thành phố

Nên cố tìm con chuột chết hôm qua

 

Chai dầu Miên để dành xoa muỗi cắn

Bỗng cay xè khóe mắt garde-manger

 

GIẢ SỬ

 

Em khoe uống ly coffee hai mươi ngàn

Nhưng coffee chưa chắc coffee

 

Em khoe ăn tô phở năm mươi ngàn

Nhưng phở chưa chắc đã phở

 

Em khen chương trình gameshow

Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh hay

Nhưng format mua lại của Mỹ

 

Em phục đội tuyển bóng đá Việt Nam giỏi

Nhưng huấn luyện viên là người Hàn Quốc

 

Em chạy xe máy Honda vi vu

Nhưng sản xuất tại Hà Nam

 

Em dùng điện thoại Samsung Galaxy

Nhưng Bắc Ninh là nơi sản xuất

 

Em tốt nghiệp cử nhân kinh tế

Nhưng ra trường chạy Grab

 

Em tốt nghiệp đại học sư phạm

Nhưng ra trường bán hàng online

 

Em ở biệt thự triệu đô

Nhưng mua bằng tiền tham nhũng

 

Em yêu anh bất chấp

Nhưng anh đã có gia đình

 

Em biết đó

Cái gì không thuộc về mình

Thì trước sau gì cũng mất

Nhà thơ Bình Địa Mộc

ĐẤU GIÁ

 

Em bán em một đồng

Anh mua về giúp việc

 

Em bán em hai đồng

Anh mua về làm vợ

 

Em bán em ba đồng

Anh mua về hoàng hậu

 

Em bán em bốn đồng

Anh kì kèo trả giá

 

Cuộc thương lượng bất thành

Em cô đơn trăm tuổi

 

Ngày mai mừng sinh nhật

Lại bắt đầu loa loa

 

Lần này đại hạ giá

Em bán em không đồng

 

Cả ngôi làng chết lặng

Như tàn cuộc binh đao

 

Anh ngày xưa tóc bạc

Giờ lẫn lộn thuê bao

 

Cước làm tình trả trước

Cước làm vợ trả sau

 

ĐI NHẬU

 

Chạm ly rượu đỏ chập chờn

Mới hay thoắt đã run hơn mọi lần

 

Chạm đôi đũa lệch mười phần

Hóa ra mồi cũng dần dần hết thôi

 

Chạm chân đối diện bạn ngồi

Mở lời xin lỗi

Say rồi nhầm nha!

 

Chạm đôi mắt biếc đồng xa

Giã vờ cúi xuống gắp ba sợi mì

 

Chạm môi em cắn xuân thì

Nghe sau lưng quạt rù rì cánh quay

 

Chạm vai tiếp thị loay hoay

Rót bia như nước mắt cay xế chiều

 

Chạm hồn lữ khách liêu xiêu

Đời buồn quá thể

Uống nhiều rượu chăng?

 

Chạm ca bảo vệ dùng dằng

Cơ man thịt cá người ăn uống thừa

 

Chạm hoá đơn tính tiền vừa

Năm trăm ngàn chẳn

Xin thưa

Rẽ à!

 

Chạm tay tiễn bạn về nhà

Dắt xe khỏi quán

Tôi quà quạng

Tôi

 

Đường đời vạn nẻo xa xôi

Chạm cơn bỉ cực hạ hồi thái lai!

Sài Gòn, 2019

BÌNH ĐỊA MỘC

 

3 thoughts on “Bình Địa Mộc cước làm vợ trả sau

  1. Nguyễn Hồng Minh says:

    Tôi chia sẻ suy nghĩ này mà chưa nghĩ ra cái tiêu đề phù hợp, đành viết và để không tiêu đề.
    Quảng cáo là một phần của truyền thông, tôi hiểu thế chắc không sai, nhưng khai thác được mới là quan trọng của truyền thông! Chúng ta bắt gặp hàng loạt quảng cáo, công nghệ Nhật Bản, công nghệ Hàn Quốc, nhãn hiểu Mỹ, tiêu chuẩn Pháp, Úc, chất lượng EU…vv hầu như tất cả các nội dung quảng cáo ấy, tức là các nội dung truyền thông ấy luôn nói tốt, luôn nói Việt Nam sử dụng và trưng cầu những điều đó cho sản phẩm của Việt Nam. Con người sẽ tự hỏi lại bản thân rằng, thế Việt Nam có cái gì? Tất cả các sản phẩm của Việt Nam từ trước đây cho đến nay đều bị công nghệ nước ngoài cướp mất, Việt Nam sống trên ngọn, tinh thần Việt Nam mất đi khi càng nhiều truyền thông kiểu này, …đâu là chất sám Việt Nam? Đâu là công nghệ Việt Nam? Đâu là hồn cốt Việt Nam khi mà hiện đại cuộc sống toàn dựa vào, toàn dùng ở trên ngọn cả, sợ quá, thế này thì hỏng mất, sẽ phá hỏng tinh thần Việt mất thôi, lâu dài con cháu không vững vàng sẽ mông mông lung lung mà hãnh diện rằng sẽ là nằm trong chuỗi bị dẫn dắt bởi nước ngoài mất thôi!!!
    Đọc các câu thơ của tác giả tôi chợt liên tưởng tới vấn đề này của xã hội. Các câu thơ, có câu đúng, có câu nhắc sự thật, có câu cảm giác …vv đã bộc phát trong tôi nghĩ về suy nghĩ của mình và hiện tại của xã hội. Thơ lúc này không còn là để vui đùa, không còn là năng lượng của cảm xúc bên trong nữa mà đã thành vấn đề, vấn đề xã hội, thơ mang tải điều đó giống như là một phóng sự, ký sự về sự thật.
    Hoa Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *