Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 – 2021) và hướng tới Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, xin giới thiệu bài viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà văn trẻ” của Phan Hoàng mà trong đó danh tướng đã chỉ bảo và gửi gắm nhiều điều tâm huyết đối với các cây bút trẻ: Sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ cũng chính là sức mạnh của nền văn hoá truyền thống đã giúp người Việt Nam làm được những kỳ tích lịch sử…

Một biểu tượng sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ Việt Nam
Một sáng đẹp trời mùa thu Hà Nội. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V tháng 9.1998 vừa kết thúc với nhiều kỷ niệm khó quên. Đây cũng là lần thứ 2 trong 5 lần liên tiếp tôi được tham dự ngày hội văn trẻ toàn quốc với tư cách đại biểu rồi khách mời. Hà Nội sang thu nắng vàng mật. Qua giới thiệu của nhà văn lão thành Hữu Mai, tôi cùng nhà thơ trẻ Hữu Việt đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 đường Hoàng Diệu.
Đúng giờ hẹn, danh tướng xuất hiện trong bộ quân phục màu xanh với quân hàm đại tướng chỉnh tề, bước ra phòng khách bắt tay từng người với nụ cười thân thiện quen thuộc trên gương mặt phúc hậu. Đại tướng ân cần hỏi thăm gia đình, quê hương tôi và hội nghị viết văn trẻ vừa diễn ra. Trước khi đi vào nội dung chính, ông còn hào hứng nói về trận bóng đá Tiger Cup’98 đêm qua mà đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan 3-0: “Thật đáng tự hào, phấn khởi. Chưa bao giờ khán giả lại hát Tiến quân ca mạnh mẽ, hào hứng như thế. Thắng lợi này còn chứng tỏ có những điều tưởng chừng không làm được mà lại làm được…”
Bấy giờ, tôi vừa bước qua tuổi 30, còn bạn thơ Hữu Việt hơn tôi vài tuổi. Theo đuổi nghề cầm bút, chúng tôi đã có chút đóng góp nhất định cho làng văn làng báo, được chọn làm đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ. Thế nhưng, khi đứng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghĩ về thời tuổi trẻ của ông, chúng tôi thấy mình nhỏ bé làm sao. Ngày 22.12.1944, khi mới 33 tuổi, ông đã tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bước sang tuổi 34, ông đã góp phần quan trọng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, rồi tả xung hữu đột trên khắp mặt trận nội trị, ngoại giao để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước.
Quân Pháp tái xâm lược, Võ Nguyên Giáp được cử làm tổng chỉ huy quân đội. Từ đội quân du kích với trang bị còn thô sơ, dưới sự chỉ huy tài tình của ông, quân đội nhanh chóng trưởng thành giành nhiều thắng lợi quan trọng trước kẻ thù chính quy mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Ông cũng là vị tướng trẻ liên tục đánh bại nhiều chiến tướng dày dạn kinh nghiệm của Pháp. Đó là những lý do mà ngày 02.01.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, khi ông mới 37 tuổi, trở thành tướng 4 sao đầu tiên của quân đội ta.
Sáu năm sau, đội quân du kích dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lớn mạnh thành 6 sư đoàn chủ lực, gây “chấn động địa cầu” bằng chiến thắng lừng lẫy, buộc quân Pháp phải đầu hàng vô điều kiện tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày 07.5.1954, dẫn đến việc ký kết Hiệp định đình chiến Geneva. Tư duy, trí tuệ, bản lĩnh quân sự lỗi lạc của vị tướng trẻ Võ Nguyên Giáp thể hiện qua tư tưởng “Đánh chắc, tiến chắc” và chiến thuật “Kéo pháo ra, kéo pháo vào” ở Điện Biên Phủ đã gây kinh ngạc, thán phục cho tướng lĩnh Pháp và cả những nhà bình luận quân sự quốc tế. Thiên tài của Võ Nguyên Giáp chinh phục thế giới từ ấy, lúc ông mới ở tuổi 43.
Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Trần Văn Trà cũng là một trong những danh tướng mà tôi may mắn được nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và hết sức kính trọng. Một người từng là Tổng tư lệnh cả nước. Một người là Tư lệnh nửa nước, đứng đầu Quân Giải phóng miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, mà trước đó mới 28 tuổi đã là Khu trưởng Khu 8, 32 tuổi làm Phó Tư lệnh Nam Bộ, 39 tuổi đã được phong quân hàm Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng. Mối quan hệ thủy chung, thân thiết giữa hai danh tướng cũng là mẫu mực của quân đội. Đối với ông Trần Văn Trà thì ông Võ Nguyên Giáp không chỉ Đại tướng mà là Tổng tư lệnh của các Tư lệnh, Tổng chính ủy của các Chính ủy, một thống soái tài ba và đức độ đã chỉ huy toàn quân lập nên những chiến công lịch sử.
Tôi cũng nhớ Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính uỷ đầu tiên Bộ Tư lệnh Không quân từng tâm sự rằng, ông rất tự hào về thời tuổi trẻ dấn thân cứu nước, được sự chỉ huy của một vị Tổng tư lệnh kiệt xuất cũng rất trẻ là Võ Nguyên Giáp. Mới ở độ tuổi 20-30 mà các ông đã được tín nhiệm giữ những trọng trách chỉ huy từ tỉnh đội, trung đoàn đến sư đoàn, quân binh chủng, góp cùng quân dân làm nên những chiến công lớn lao.
Nhìn lại hành trình của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng ta càng thấy rõ rằng ông chính là hiện thân sống động cho sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ Việt Nam. Trẻ không có nghĩa là thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm và khó đạt thành tựu. Ở thời nào cũng vậy, tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt, có những hành động táo bạo để xoay chuyển thời cuộc. Và đâu phải chỉ Võ Nguyên Giáp và những người cùng thế hệ ông mà tổ tiên ta ngày xưa làm nên sự nghiệp hiển hách cũng khi còn trẻ: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất thiên hạ, Lê Hoàn đại phá quân Tống, Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Nguyên, Nguyễn Trãi và Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược, Nguyễn Huệ chỉ huy đội quân thiện chiến Tây Sơn thần tốc đập tan bè lũ nhà Thanh cao ngạo và quân Xiêm La âm mưu xâm chiếm nước ta…

Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải là gì?
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, trước đó một tuần ông cũng tiếp chuyện một nhà báo trẻ từ nước Mỹ. Đó là John Fitzgerald Kennedy, Jr., Chủ bút tờ George Magazine và là con trai của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy. John trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai, lên hang Pác Bó ở lại trong hang một đêm, đi thuyền xuôi sông Bằng Giang đến gần thị xã Cao Bằng…
Về Hà Nội, John tìm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặt ra nhiều câu hỏi thú vị mà giới trẻ nước Mỹ đang quan tâm, chẳng hạn: Vì sao ở Điện Biên Phủ lúc quân Pháp mạnh nhất thì lại bị đánh bại? Vì sao sau này lúc quân Mỹ đông nhất, mạnh nhất thì lại bị thua?…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Tôi trả lời vắn tắt những suy nghĩ khá cơ bản của John và nói: Lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta không chỉ có chiến tranh. Vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, khi còn là công sứ Mỹ ở Pháp, ông mong tìm được những giống lúa của xứ “Cochinchine” để nhập vào nước Mỹ. Rồi năm 1832, đã có những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Tổng thống Andrew Jackson cử đi, với triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo rằng các nhà văn trẻ cần nhớ: Sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ cũng chính là sức mạnh của nền văn hoá truyền thống đã giúp người Việt Nam làm được những kỳ tích lịch sử, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần, và: “Trên cơ sở đó, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam. Và cũng chính nhờ biết cách giữ vững và phát huy sức mạnh nền văn hoá truyền thống mà trải qua một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hoá; ngược lại, còn tích trữ được lực lượng, chớp lấy thời cơ, vùng lên giành độc lập hoàn toàn cho nước nhà”.
Có một thực tế là càng về sau giới trẻ càng ít am hiểu lịch sử và văn hoá dân tộc. Đó cũng là lý do mà nhiều cây bút trẻ chỉ quẩn quanh trong cái tôi cá nhân hiện tại của mình, thiếu tư duy về số phận con người và số phận dân tộc, để rồi trang viết sớm bị tắc tị, không thể vươn xa trên con đường văn chương. Hơn nữa, các nhà văn trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, không sống một ngày trong chiến tranh. Trong khi đó, thành tựu văn học viết về hai cuộc kháng chiến vừa qua vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc lịch sử. Ngoài các tập hồi ký, hình tượng các tướng lĩnh ở “đầu sóng ngọn gió” vẫn chưa xuất hiện những nhân vật điển hình trong văn học.
Chia sẻ đề tài trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở: “Vấn đề cực kỳ quan trọng là làm sao cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, có sự hiểu biết sâu rộng nền văn hoá dân tộc mình, sống theo triết lý sống của dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam có thể coi là sự tổng hoà của nền văn hoá truyền thống, luôn luôn giữ vững và phát triển bản sắc, cốt cách dân tộc với sự tiếp thụ tinh hoa của các nền văn hoá lớn phương Đông và phương Tây, để hình thành một nền văn hoá có sức sống mãnh liệt, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước. Nhà thơ Xô viết Osiv Maldenstam, từ năm 1923, khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy ở Người sự báo hiệu một nền văn hoá tương lai… Nghị quyết Trung ương 5 mới đây đã nói rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát động phong trào yêu nước, coi trọng sống có lý tưởng, có đạo đức. Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ… Các nhà văn trẻ cần góp phần cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp văn hoá Việt Nam”.
Chẳng những là một nhà quân sự lỗi lạc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là con người tổng hoà nhiều tài năng và trí tuệ mang tầm chiến lược về tư tưởng, chính trị, văn hoá, khoa học, kinh tế… Ông là một trong những đỉnh cao của tinh hoa văn hoá Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp huyền thoại Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi là biểu tượng sinh động, nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong tương lai.
Trước khi cuộc trò chuyện với chúng tôi kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có lời khuyên sâu sắc, đáng để thế hệ trẻ – nhất là các nhà văn trẻ suy ngẫm: “Nước ta trước vốn là một nước không có tên trên bản đồ thế giới, đã trở thành một nước đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc. Khát vọng cứu nước thời trẻ của chúng tôi luôn cháy rừng rực như bó đuốc. Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải là gì? Việt Nam có thể trở thành một nước giàu như các nước tiên tiến trên thế giới hay không? Khó, nhưng tôi chắc không có thanh niên nào trả lời là không được. Tôi nghĩ thanh niên ngày nay cần phải thấy được nỗi nhục của một nước bị xếp vào hàng các nước chậm phát triển nghèo nhất thế giới. Từ đó mà có một mong muốn, mong muốn tột bậc là làm sao để đất nước thoát khỏi tụt hậu, phát triển thành một nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
PHAN HOÀNG