Nguyễn Thị Việt Nga & thế mạnh của nhà văn khi làm Đại biểu Quốc hội – Kỳ 1

Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga hiện là gương mặt quen thuộc, sáng giá của tỉnh Hải Dương. Từ giảng viên cao đẳng sư phạm chuyển sang hoạt động văn học chuyên nghiệp, bà đã sáng tác và nghiên cứu nên những tác phẩm có giá trị về văn, thơ, lý luận phê bình. Từng bước trải qua các chức trách quản lý như Phó Tổng biên tập – Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương, Phó Chủ tịch – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho thấy phẩm chất, bản lĩnh, khả năng tổ chức, lãnh đạo của Nguyễn Thị Việt Nga. Đó cũng là bệ phóng đưa bà bước vào chính trường, trở thành một trong những cán bộ hàng đầu của tỉnh: Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Dù bận rộn với nhiệm vụ của một Đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng Nguyễn Thị Việt Nga vẫn tranh thủ sáng tác, nghiên cứu văn học, không ngừng trình làng tác phẩm mới. Với những đóng góp quan trọng của mình, người phụ nữ có gương mặt hay cười dễ gần, nhiệt tình, thông minh, nhạy bén, sâu sắc xứng đáng được tín nhiệm tái ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Hải Dương.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga tâm sự: “Là một nhà văn, tôi thấy mình có thế mạnh nhất định khi làm Đại biểu Quốc hội. Sự nhạy cảm riêng của nhà văn khiến cho việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri được thuận lợi, chính xác hơn rất nhiều. Những trăn trở của nhà văn trước nhân sinh, trước thân phận con người, trước vận mệnh Tổ quốc đã giúp tôi thêm đồng cảm với nhân dân, với cử tri và suy ngẫm sâu hơn về những vấn đề trọng đại của đất nước trên diễn đàn Quốc hội. Là nhà văn, nên những bài phát biểu của tôi trên nghị trường thường được chuẩn bị khá nhanh và suôn sẻ. Khi tham gia ý kiến vào các dự án Luật, tư duy của một nhà văn cũng giúp tôi rất nhiều trong việc xem xét các lập luận, quy định của dự án Luật. Và ngược lại, trong quá trình hoạt động Quốc hội, tôi tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, làm phong phú hơn những trải nghiệm và thế giới văn chương của mình!”

Tiến sĩ – nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga

 “Nửa mừng nửa lo” khi được tín nhiệm tái cử Đại biểu Quốc hội

* Thưa nhà văn, là Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Hải Dương, nay bà được tín nhiệm tiếp tục tham gia tái ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV. Tâm trạng của bà trong việc tái cử Quốc hội lần này có gì khác biệt so với ứng cử lần trước?

– Tôi có vinh dự được cử tri tín nhiệm bầu là ĐBQH khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021, và tiếp tục được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tâm trạng của tôi khi tiếp tục được tham gia tái cử là “nửa mừng nửa lo”. Mừng bởi những nỗ lực của tôi trong một nhiệm kỳ làm ĐBQH đã được Quốc hội, được các cấp lãnh đạo và được cử tri ghi nhận, đánh giá tốt. Mừng bởi tôi ý thức được một cách sâu sắc những vinh quang cũng như những trách nhiệm lớn lao của người đại biểu dân cử đối với cuộc sống nhân dân và luôn muốn gắn bó với công việc rất đỗi thiêng liêng này. Nhưng lo là bởi tôi ngày càng ý thức được trọng trách của một ĐBQH trước cử tri. Nếu chỉ tham gia một nhiệm kỳ, kết thúc nhiệm kỳ là hết trách nhiệm của ĐBQH, nhưng khi tiếp tục được giới thiệu tái cử, những việc chưa làm được trong nhiệm kỳ vừa qua sẽ là nỗi trăn trở lớn, buộc mình phải tìm cách để thực hiện và thực hiện cho tốt. Và cử tri cũng sẽ đòi hỏi cao hơn đối với một ĐBQH tái cử.

* Bà thấy mình “nửa mừng nửa lo” khi tái cử ĐBQH cũng chứng tỏ ý thức trách nhiệm cao của một người đại diện cho nhân dân ở cơ quan lập pháp cao nhất…

– Quốc hội Việt Nam hoạt động ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả nên mỗi ĐBQH cũng phải nỗ lực không ngừng để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, những nỗi lo ấy chính là động lực để thúc đẩy tôi trong quá trình cố gắng hoàn thiện bản thân, sao cho xứng đáng với sự tin yêu mà cử tri gửi gắm! Nỗi lo cho rất nhiều công việc của một ĐBQH đương nhiệm vẫn còn dở dang chờ tiếp tục trong khóa mới chính là sự khác biệt trong tâm trạng của tôi lúc này. Thêm nữa, đã là một ĐBQH chuyên trách, tôi còn một nỗi lo rất “thật thà” nữa: lo vì một lý do rủi ro nào đó, lỡ mình không tiếp tục trúng cử thì sao?

TS Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại một cuộc họp của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, giúp dân hạ ngầm đường điện cứu người, được dân mời về “ăn liên hoan thịt chó”

* Hy vọng sự rủi ro sẽ không đến với với một ĐBQH có tài năng và trách nhiệm như Nguyễn Thị Việt Nga! Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, những việc gì cá nhân bà cảm thấy đã hoàn thành và chưa hoàn thành trong chương trình hành động?

– Hầu hết những nhiệm vụ tôi vạch ra trong chương trình hành động của cá nhân mình nhiệm kỳ vừa qua tôi đã nghiêm túc và nỗ lực thực hiện đúng, từ việc giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, lắng nghe tâm tư, tình cảm của cử tri để chuyển tải đến Quốc hội, đến các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật cho tới việc tham gia vào các công việc lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong các hoạt động chung của Quốc hội.

Trong đó, có những việc gì đã làm được cho dân mà bà cảm thấy tâm đắc, thưa bà?

– Việc làm tôi thấy tâm đắc nhất trong nhiệm kỳ làm ĐBQH vừa qua, nếu kể chi tiết sẽ hơi dài dòng. Chẳng hạn, tại thị trấn Gia Lộc của huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương có trục đường Nguyễn Chế Nghĩa là trục đường chính chạy qua, cư dân rất đông đúc. Do nhiều lý do thuộc về lịch sử, trục đường ấy không hề có vỉa hè, nghĩa là từ cửa nhà dân bước xuống ngay lòng đường. Có đường điện cao thế cung cấp điện cho toàn thị trấn chạy ngay sát nhà dân. Đường điện này được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đã xuống cấp trầm trọng, là mối nguy hiểm lớn cho cuộc sống nhân dân. Hằng năm đều có những vụ tai nạn điện hết sức thương tâm. Nhiều người đã bị chết do điện giật. Nhân dân ý kiến nhiều, các cấp chính quyền và ngành điện lực cùng các cơ quan liên quan cũng rất nỗ lực khảo sát, tìm cách giải quyết. Và phương án tối ưu duy nhất được đưa ra là hạ ngầm đường điện xuống lòng đường. Tuy nhiên, quy định của Chính phủ là các công trình như đường điện, nước, cáp quang… không được hạ ngầm xuống lòng đường, chỉ được hạ ngầm trên vỉa hè. Với một phố không có vỉa hè thì việc hạ ngầm đường điện trở nên bất khả thi. Nhiều công dân đã tìm đến tôi phản ánh nỗi khổ sở của họ khi phải sống sát cạnh “đường điện tử thần”.

Khi tổ chức cho đoàn ĐBQH đi khảo sát, tôi về mất ngủ hai đêm để nghĩ cách nào đó tháo gỡ cái “nút thắt” rất khó khăn này. Cuối cùng tôi chọn cách báo cáo trưởng đoàn ĐBQH, đề nghị được gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để trình bày. Vì tôi nghĩ, nếu chỉ qua văn bản, Bộ trưởng sẽ không thể cảm nhận hết sự cấp bách của việc hạ ngầm đường điện, sự nguy hiểm đối với cuộc sống người dân nếu như đường điện mất an toàn đó chưa được giải quyết. Các quy định chung mang tính phổ quát, nhưng cuộc sống lại luôn có những tình huống cụ thể phát sinh, cần phải có sự linh hoạt. Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã nhất trí với đề nghị của tỉnh Hải Dương, cho hạ ngầm đường điện xuống ven đường giao thông do đường không có vỉa hè.

Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại, thư cảm ơn của nhân dân khu phố đó. Có bác còn gọi điện mời về “ăn liên hoan thịt chó” trong ngày hạ ngầm đường điện, vì nỗi lo bao năm của nhân dân đã được giải tỏa. Bác nói, việc này đã cứu được bao mạng người đấy cháu ạ, vì thỉnh thoảng lại có người chết vì điện giật khi đường điện quá sát nhà dân, có nơi dây điện cao thế còn đi ngang hành lang, ngang cửa sổ nhà. Tôi cảm thấy rất vui, vì mình đã góp phần mang lại niềm vui, sự an toàn cho cuộc sống của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiếp xúc cử tri

Văn chương và chính trị có mối quan hệ rất mật thiết

* Giúp dân thị trấn Gia Lộc hạ ngầm đường điện là việc làm vô cùng thiết thực và ý nghĩa! Theo bà, đâu là thế mạnh của nhà văn khi làm Đại biểu Quốc hội?

– Là một nhà văn, tôi thấy mình có thế mạnh nhất định khi làm ĐBQH. Sự nhạy cảm riêng của nhà văn khiến cho việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri được thuận lợi, chính xác hơn rất nhiều. Những trăn trở của nhà văn trước nhân sinh, trước thân phận con người, trước vận mệnh Tổ quốc đã giúp tôi thêm đồng cảm với nhân dân, với cử tri và suy ngẫm sâu hơn về những vấn đề trọng đại của đất nước trên diễn đàn Quốc hội. Là nhà văn, nên những bài phát biểu của tôi trên nghị trường thường được chuẩn bị khá nhanh và suôn sẻ. Khi tham gia ý kiến vào các dự án Luật, tư duy của một nhà văn cũng giúp tôi rất nhiều trong việc xem xét các lập luận, quy định của dự án Luật. Và ngược lại, trong quá trình hoạt động Quốc hội, tôi tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm, làm phong phú hơn những trải nghiệm và thế giới văn chương của mình!

* Ngoài đại diện cho tỉnh Hải Dương, bà có quan tâm đến hoạt động văn học nghệ thuật trên bình diện cả nước và đã có tiếng nói trên diễn đàn Quốc hội?

– Khi cất lên tiếng nói ở diễn đàn Quốc hội, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11, tôi đã phát biểu, tha thiết đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ, tích cực và quyết liệt để củng cố, phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự thành nền tảng, thành động lực để phát triển kinh tế, phát triển đất nước nói chung.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga luôn gần gũi, thân thiện với văn nghệ sĩ để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các đồng nghiệp.

* Nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, trọng tâm trong chương trình hành động sắp tới của bà là gì, nhất là đối với lĩnh vực văn hóa?

– Nếu trúng cử ĐBQH khóa XV, trọng tâm trong chương trình hành động của tôi có hai nội dung chính. Thứ nhất tôi vẫn luôn đề cao viêc nỗ lực tự học hỏi, tự rèn luyện để mình có đầy đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, nhất là yêu cầu đối với một ĐBQH hoạt động chuyên trách. Thứ hai, tôi luôn đặt ra mục tiêu dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cũng phải nhớ mình là đại biểu của nhân dân, coi đó là trục chính xuyên suốt hoạt động của mình. Khi nhớ mình là đại biểu của nhân dân, sẽ nỗ lực hết mức vì nhân dân, vì những người mà mình đang là đại diện, sẽ chuyển tải đến Quốc hội những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống mà nhân dân đang cần giải quyết. Tôi vẫn luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa, bởi đó là lĩnh vực mà tôi có kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực chuyên môn sâu.

* Bằng kinh nghiệm của mình, bà thấy giữa chính trị và văn chương có mối quan hệ ra sao? Đối với nhà văn như bà, công tác chính trị có ảnh hưởng ra sao đến tư duy sáng tác, nghiên cứu văn học?

– Văn chương và chính trị, theo tôi có mối quan hệ rất mật thiết. Giá trị của văn chương là phản ánh hiện thực cuộc sống, khắc họa lịch sử, nâng cao nhận thức cho con người. Vì thế tiếng nói của văn chương góp phần giúp những người làm chính trị thấu hiểu hơn về các góc khuất của đời sống, về tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó có những quyết sách, những đề xuất chính sách phù hợp.

Văn chương có khả năng cổ vũ, khích lệ tinh thần người đọc nên trong lịch sử, văn chương đã góp phần động viên tinh thần chiến đấu trong chiến tranh. Văn chương tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước một cách mềm mại, uyển chuyển qua các hình tượng nghệ thuật, dễ đi vào lòng người.

Và ngược lại, các chính sách của chính quyền có tác dụng kích thích văn chương phát triển theo chiều hướng có lợi cho chế độ, thể hiện qua sự ưu đãi, tôn vinh các tác giả, các cuộc thi, giải thưởng dành cho người sáng tác…

HÙNG PHAN thực hiện

(Còn tiếp)

_______________________________

NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

Sinh ngày 29/9/1976

Quê quán: xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

1. Trình độ:

– Giáo dục phổ thông 12/12

– Chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học sư phạm, chuyên ngành Ngữ văn.

– Học vị: Tiến sỹ Lý luận văn học

– Lý luận chính trị: Cao cấp

– Ngoại ngữ: tiếng Anh B1 châu Âu.

2. Nghề nghiệp hiện nay: cán bộ

3. Nơi công tác: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

4. Chức vụ trong cơ quan: Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

5. Chức vụ trong Đảng: Tỉnh uỷ viên.

6. Tham gia làm thành viên của các tổ chức, đoàn thể: Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, Công đoàn Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

7. Tình trạng sức khoẻ: Tốt.

8. Khen thưởng: Bằng khen của Bộ Văn hoá Thể Thao Du lịch năm 2018

9. Kỷ luật: Không.

10. Là Đại biểu Quốc hội khoá XIV

11. Là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương khoá XV nhiệm kỳ 2012-2016 và khoá XVI nhiệm kỳ 2016-2021.

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC:

– Từ tháng 9/1998- 12/2002: Giảng viên Khoa Xã hội Trường CĐSP Hải Dương

– Từ tháng 1/2003-7/2003: Biên tập viên Tạp chí Côn Sơn (sau là Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.

– Từ tháng 8/2003-7/2005: Uỷ viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương, Trưởng ban Văn nghệ Thiếu nhi.

– Từ tháng 8/2005-8/2008: Uỷ viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương, Trưởng ban Văn nghệ Thiếu nhi, Thư ký Toà soạn Tạp chí Côn Sơn.

– Từ tháng 9/2008-12/2013: Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương (11/2008-9/2011); Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương (10/2011-12/2013)

– Từ tháng 1/2014-5/2016: Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Hải Dương (1/2014-12/2015).

– Từ tháng 6/2016-4/2020: Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Đại biểu Quốc hội khoá XIV (từ tháng 7/2016); Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2015-2020 (từ tháng 2/2020).

– Từ tháng 5/2020-10/2020: Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương; Đại biểu Quốc hội khoá XIV; Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2015-2020.

– Từ tháng 11/2020 đến nay: Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương; Đại biểu Quốc hội khoá XIV; Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *