VHSG- Ngày 26.12, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã tổ chức giới thiệu, quảng bá các tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần 2 (tuyển chọn các tác phẩm từ năm 2012 đến 2017, vừa trao giải hồi tháng 4.2019) thuộc các lĩnh vực chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Lý luận phê bình, Múa.

Các tác phẩm đạt giải do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành thành 9 đầu sách, trong đó sách văn học gồm có: truyện ký Ở R – chuyện kể sau 50 năm (Lê Văn Thảo); tiểu thuyết Phượng hoàng (Văn Lê); tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương); tiểu thuyết Hoa Hướng Dương (Đồng Đen); thơ và trường ca Bước gió truyền kỳ, Giữa ngày và đêm, Âm thanh những giấc mơ (Phan Hoàng, Phạm Sỹ Sáu, Trần Hữu Dũng). Đồng thời còn có sách: Mỹ thuật và Nhiếp ảnh – các tác phẩm đoạt giải (nhiều tác giả); Mỹ thuật TP.HCM một thoáng hôm nay một chút xưa (Huỳnh Văn Mười); Phương pháp phê bình điện ảnh (Trần Luân Kim); tập thư pháp 40 năm huy hoàng (nhiều tác giả).
Nhà thơ Lê Tú Lệ – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM phát biểu rằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM “có truyền thống từ trên hai chục năm qua, do UBND thành phố tổ chức dành cho các tác phẩm xuất sắc nhằm tôn vinh những sáng tạo của văn nghệ sĩ thành phố”.

Trong số các tác phẩm đoạt giả lần này, Hội Nhà văn TP.HCM có nhiều tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao. Nhà văn Văn Lê tâm sự về quá trình sáng tác Phượng Hoàng, tiểu thuyết viết về giai đoạn chiến tranh khốc liệt thời chống Mỹ. Nhà văn Văn Lê đọc mấy câu thơ ông lấy làm đề từ cho tập sách, như một lời lưu ý về tính nhân nghĩa và tình người trong cuộc chiến:
Xin người về cho bớt sầu đau
Xin đừng gieo oán với nhau dài lâu
Đường trải rộng cầu nhân nghĩa bắc
Xin người đừng hờ hững trông nhau…
Còn nhà văn Trầm Hương bày tỏ cơ duyên và mối quan hệ đời thực đã trở thành chất liệu viết bộ tiểu thuyết 2 tập Trong cơn lốc xoáy. Cuộc đời ly kỳ của một Việt kiều Mỹ là bà Jeanne Anna Villarialle đã ám ảnh Trầm Hương đến mức cô cho rằng “không thể không viết lại”.

Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác trường ca Bước gió truyền kỳ trong 15 năm bằng một thi pháp khác biệt, khi anh lấy ngọn gió làm trung tâm để viết về hành trình mở cõi giữ nước của cha ông. Vốn sinh ra ở vùng đất Phú Yên một thời là vùng trấn biên của đất nước đã làm nên chất liệu khởi đầu cho trường ca của Phan Hoàng.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng nói về sự hình thành tập thơ Âm thanh những giấc mơ nhờ chuyến đi thực tế “tàu không số” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu tâm sự về đời lính khốc liệt ở chiến trường Campuchia đã giúp anh viết nên trường ca Giữ ngày và đêm để tri ân tưởng nhớ đồng đội.

Tất cả tác phẩm đoạt giải sau khi ra mắt sẽ được phát hành đến các hệ thống thư viện, trường đại học, trung học để lan tỏa giá trị văn học nghệ thuật đến với đông đảo công chúng của TP.HCM và cả nước
VHSG