GS Phương Lựu – Ngọn lửa sáng mãi…

VHSG- Thầy có tên riêng là Bùi Văn Ba, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi theo bút danh của thầy, thầy Phương Lựu. Mấy chục năm nay chúng tôi gắn bó với những cuốn sách có bút danh của thầy: GS Phương Lựu.

Còn nhớ vào năm 1977 vừa học năm thứ nhất ở Đại học Sư phạm Huế, chúng tôi được học với thầy, mừng thì ít mà lo thì nhiều. Lo vì môn lý luận văn học bao giờ cũng “khô, khó và khổ”, nhưng thầy dạy không khô khan chút nào; nhất là những dẫn chứng của thầy từ những tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc. Tôi nhớ những chi tiết trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, hay trong tác phẩm “A.Q chính truyện”, hay “Tam quốc diễn nghĩa” cũng từ những bài giảng của thầy. Lúc đó vì chưa biết Hán Nôm, chúng tôi rất ngại học văn học Trung đại, do khoảng cách ngôn ngữ quá lớn. Vậy mà những dẫn chứng trong bài dạy của thầy cứ thế ngấm vào chúng tôi từ khi nào không biết; để rồi học đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du sau này thì chúng tôi đã thuộc khá nhiều thơ của các tác giả đó. Bốn năm sau, khăn gói ra Hà Nội thi Cao học, tôi được xếp vào học lớp Lý luận văn học và được thầy hướng dẫn làm luận văn Cao học. Một thầy giáo có tên tuổi, có học hàm, học vị hướng dẫn nghiên cứu khoa học là niềm vinh hạnh với chúng tôi. Bài học đầu tiên mà thầy hướng dẫn cho tôi là đọc, tìm tài liệu để tìm hiểu lịch sử vấn đề mà mình nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu của tôi là về tập thơ “Đất ngoại ô và Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Thuận lợi thì nhiều mà khó khăn cũng không ít. Thuận lợi là vì nghiên cứu nhà thơ của quê hương mình, lại là nhà thơ trẻ và có tên tuổi lúc bấy giờ. Khó khăn là vì tôi mới ra trường, chưa giảng dạy một giờ nào; xưa nay lại chỉ mê truyện ít mê thơ, làm thế nào để cảm thụ hết cái hay cái đẹp trong thơ Nguyễn Khoa Điềm? Tôi được về Huế để gặp gỡ nhà thơ, tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, cảm xúc thơ trong mỗi tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình, tôi có cơ hội để hiểu thêm về quá trình sáng tác, cũng như những dấu ấn, những kỉ niệm trong mỗi tác phẩm. Với một nguồn tư liệu dồi dào như thế là quá thuận lợi, nhưng một sinh viên còn non nớt như tôi viết được không phải dễ; thầy Phương Lựu lại rất chú tâm đến phần đề cương chi tiết, nhất là phần lịch sử vấn đề, lời dẫn nhập trong luận văn… Mỗi lần thầy góp ý, thầy gợi ý sửa chữa là tôi lại thấy mình đang mới bắt đầu từ những dòng chữ đầu tiên. Thầy dạy cho tôi cách suy nghĩ, cách diễn đạt, cách hệ thống vấn đề, cách viết có xúc cảm trước điều mình đã nghiên cứu. Thời đó, chỉ viết tay không soạn thảo trên máy tính như bây giờ, mỗi lần đưa bài cho thầy, bút đỏ của thầy chữa đầy các trang giấy. Chữ thầy hơi khó đọc, tôi nhiều khi phải ngồi đoán mãi, đoán không ra phải đến hỏi thầy lần nữa. Cuốn “Tìm hiểu một nguyên lý văn chương” thầy tặng cho tôi có bút tích của thầy, sau mấy chục năm tôi vẫn giữ nó mới như in và đọc lại vẫn thấy chữ thầy rất giống chữ “bác sĩ”.

GS Phương Lựu

Còn nhớ, tôi đã rất nhiều lần đến nhà thầy ở khu tập thể Thành Công để đọc thêm tài liệu. Nhà thầy chỉ là một căn phòng tập thể vừa phải nhưng gọn gàng, ngăn nắp và đặc biệt là rất nhiều sách báo; tôi có cảm giác như được đến thư viện. Báo Văn nghệ hàng năm được thầy đóng từng tập, có những số báo từ những năm 1960. Sau này, tôi học được ở thầy cách tích lũy tư liệu, sách, báo, chỉ có điều tính tôi luộm thuộm không ngăn nắp, gọn gàng như thầy được. Bài học nghiên cứu đầu tiên tôi học được từ thầy tưởng là đơn giản mà không đơn giản chút nào. Nói là không đơn giản, vì chuyện “đạo văn” trong các luận văn, luận án thường xảy ra cũng do công việc nghiên cứu lịch sử vấn đề thiếu nghiêm túc, hoặc có làm mà vẫn cố ý phạm lỗi. Trong xu thế giao lưu hội nhập hiện nay, rất nhiều thông tin về các nền giáo dục nước ngoài đều nhấn mạnh đến việc học chủ động tìm tòi, thuyết trình vấn đề mình đã nghiên cứu, điều đầu tiên phải làm là nghiên cứu lịch sử vấn đề cẩn trọng. Hóa ra Giáo sư Phương Lựu đã dạy cho sinh viên từ cách đây hơn mấy chục năm, nghĩa là đối với lĩnh vực giáo dục đại học và sau đại học Giáo sư đã có tầm nhìn quốc tế từ rất lâu. Điều này cũng phần nào lý giải những thành tựu khoa học của thầy trong hơn 70 công trình của hơn mấy mươi năm qua. Phần là do sự lao động miệt mài, phần vì phương pháp nghiên cứu khoa học đúng đắn…

Khi nghiên cứu tập trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm tôi được nghe tác giả tâm sự rằng tác giả từng nghe nhiều lần bản Giao hưởng số 5 của Bettôven và từng chịu ám ảnh giai điệu của nó nên đã cấu trúc các chương trong bản trường ca theo kết cấu của bản giao hưởng, có cao trào, có điểm lặng… Do hiểu biết về âm nhạc của tôi còn hạn chế, nên tôi vào thư viện tìm đọc những bài viềt về nhạc Bettôven, mọi kiến thức còn lờ mờ như thế… thì trong một lần thầy giáo kể lại kỉ niệm của mình thời học ở Trung Quốc, trong một lần đi nhảy cùng một cô bạn gái người Trung Quốc, đến quãng lặng, đèn tắt, thầy tưởng là xong cuộc nhảy, vội chào cô bạn nhảy ra về, khiến cho cô gái  ngơ ngác, hụt hẩng. Sau đó thầy mới biết đó là cao trào, là điểm nhấn cho đêm nhảy thêm phần lãng mạn. Phần tiếc nuối còn in dấu trong giọng kể của thầy, và tôi bất chợt hiểu ra kết cấu bản trường ca “Mặt đường khát vọng”.

Sau này tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm nghiên cứu sinh, thú vị nhất là thầy cũng vào dạy chúng tôi. Không hiểu sao chúng tôi rất thích học với thầy, phải nói là “không hiểu sao”, vì chúng tôi cũng học với rất nhiều thầy cô giáo, vậy mà đến giờ của thầy bao giờ chúng tôi cũng đi đầy đủ và ngồi lắng nghe rất chăm chú, kiến thức thầy truyền đạt cứ ngấm dần vào chúng tôi một cách tự nhiên và lưu lại trong trí nhớ; có lẽ vì lối giảng giải rõ ràng, sâu sắc của thầy, cũng có lẽ vì trong thầy khối kiến thức vô cùng sâu sắc và phong phú… Sau hơn 10 năm gặp lại thầy, tóc thầy vẫn xanh như ngày nào. Thầy vẫn thế với giọng Quảng khá đặc trưng… Có những sinh viên học với thầy, khi vào Huế thầy thường gửi lời hỏi thăm tôi, tôi rất cảm động. Lúc còn học ở Hà Nội có lần tôi bị ốm, thầy đến tận phòng ở của chúng tôi hỏi thăm, động viên và cho quà. Tình cảm của thầy lúc nào cũng ấm áp, dịu dàng. Tính thầy vốn trầm tĩnh, ít nói; nên khi ra bảo vệ luận văn tôi hăng hái trả lời những câu hỏi của Hội đồng chấm luận văn, đến giờ liên hoan thầy mới nói nhẹ nhàng: vậy sao quá trình làm luận văn với tôi không thấy cô nói năng gì cả, thì ra người Huế cũng ghê thật. Nghe thầy nói xong tôi thấy thật xấu hổ. Giờ nghĩ lại mới thấy quý một thời “thầy ra thầy, trò ra trò”, “khoa học là khoa học” không vì tình cảm riêng tư cũng như mục đích cá nhân mà đánh mất mình. Thật đáng trân trọng những gì mà thầy đã truyền đạt, chỉ bảo và dạy dỗ chúng tôi. Đặc biệt trong tủ sách nhà tôi có rất nhiều giáo trình, nhiều sách của thầy, có những cuốn được thầy tặng, có những cuốn tôi mua… cuốn nào cũng cần thiết trong công tác giảng dạy và nghiên cứu của tôi. Những bài báo, những công trình khoa học, cả Luận án Tiến sĩ tôi đều trích dẫn và sử dụng những vấn đề lý thuyết từ sách của thầy. Khi viết bài báo “Câu thơ 6 tiếng trong Quốc âm thi tập”, tôi loay hoay tìm dẫn chứng về ý thức tạo “mô điển” của Nguyễn Trãi có từ trong truyền thống tự cường của dân tộc; tìm được dẫn chứng “Hảo bả văn chương tăng quốc thể”, trong cuốn “Tìm hiểu một nguyên lý văn chương” của thầy đúng là mừng hơn bắt được vàng. Quả là ngọn lửa kiến thức thầy thắp lên còn sáng mãi trong tim và sưởi ấm tâm hồn của biết bao thế hệ học trò của hôm qua, hôm nay và mai sau.

HOÀNG THỊ THU THỦY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *