Hai phía chân dung – một đóng góp mới của Lê Quốc Hán

Sau các tác phẩm Lời khấn nguyện, Bến vô cùng, Mạc khải, Bất biến, May (thơ), Thơ trong ký ức, Giao cảm (bình thơ); đầu năm 2021 Nhà xuất bản Nghệ An đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm thứ 8 của PGS-TS toán học – nhà thơ Lê Quốc Hán đó là tập tản văn“Hai phía chân dung”. Tập tản văn dày trên 350 trang, với 70 bài viết. Có lẽ  theo tôi nghĩ khi nhà thơ bước sang tuổi 70, tuy nhà thơ không nói ra nhưng việc xuất bản một tác phẩm có 70 bài viết, chắc hẳn sẽ có một ý nghĩa dặc biệt nào đó rất riêng tư mà tác giả muốn gửi gắm vào trang viết của mình.

Hai phía chân dung – tập tản văn của Lê Quốc Hán

Tập tản văn “Hai  phía chân dung” có thể được hiểu như sau: Phải chăng phía thứ nhất của chân dung tác giả chính là sự nhìn nhận lại những ký ức về cuộc đời mình trong khoảng thời gian từ thời niên thiếu với tuổi học trò đầy bươn chải không ít cam go với cuộc đời, từ lúc tới trường học hành cho tới lúc trở thành người thành đạt và phía thứ hai của chân dung tác giả chính là  những lời giải bày về sự nhìn nhận cuộc đời của tác giả với góc nhìn của một nhà khoa học và một nhà thơ đã thành danh đối với những vấn đề về truyền thống lịch sử, về văn hóa xã hội, về văn học nghệ thuật, về triết học, về kiến trúc, về đời tư của cá nhân nhà thơ. Đọc Hai phía chân dung chúng tôi cảm nhận được rằng: Dù ở góc nhìn về phía nào về quá khứ hay về sự nhìn nhận đối với thực tại thì Hai phía chân dung cũng  đã có những bài viết khá xúc động có sự nhìn nhận đầy đủ về mọi giá trị của cuộc sống và phác họa  được những nét chính về trí tuệ, nhân cách của tác giả. Một trong những điều đáng ghi nhận về con người nhà thơ: Mặc dù gia đình nhà thơ Lê Quốc Hán theo đạo Công giáo nhưng anh có sự tiếp nhận rất công bằng  khách quan khoa học với tất cả các tôn giáo. Nhà thơ tiếp nhận tất cả mặt tốt vốn có của các tôn giáo. Nhãn quan này không chỉ đến Hai phía chân dung mới thấy mà  quan niệm sống đó đã được thể hiện ở nhiều tác phẩm trước đó của nhà thơ.

Về phía thứ nhất của chân dung tác giả là những hồi  ức về  tuổi thơ của mình, về phía này nhà thơ đã có nhiều trang viết xúc động về cuộc sống gian khổ của bản thân của gia đình cũng như của đất nước trong  trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Đó là những tháng ngày gian khổ nhưng đầy ân nghĩa đối với  quê hương  Kỳ Anh nơi chôn  rau cắt rốn của  tác giả. Nơi đó  nhà thơ  được sống trong một gia đình Công giáo mà ở đó cha mẹ và những người thân  của anh giàu tình bác ái và lòng nhân hậu, có triết lý sống  bao dung và lòng say mê văn chương. Nơi đó anh có những người yêu đầu đời và những người bạn thân chí cốt  giàu sự cảm thông chia sẻ, có người sau này là bạn văn chương tri kỷ của anh như nhà thơ Dương  Kỳ  Anh. Nơi đó tuy có những ngày khá oái ăm  của một cậu học trò ham học, học giỏi và sự gập ghềnh rên chặng đường đầu của việc học hành nhưng nhà thơ cũng không thể  không tự hào về vùng đất Kỳ Anh “Địa linh, nhân kiệt”, tự hào về nếp sống đạo đức của gia đình và dòng họ của mình ( Điều bí ẩn thứ ba, Thung lũng nàng tiên, Cố hương, Một vùng địa linh nhân kiệt, Trọn đời yêu cái đẹp, Ba mối tình của chàng Đông Ki Rét…). Đặc biệt trong dòng ký ức của mình, Lê Quốc Hán đã bày tỏ lòng quý mến kính trọng, yêu mến, biết ơn  đối với những người thầy,  đối với những nhà  quản lý giáo dục tâm huyết yêu thương, trân trọng dìu dắt học trò của mình: Nhà giáo Hà Quảng, nhà giáo Lê Đức Định giáo viên dạy văn THPT của nhà thơ hồi phổ thông, nhà giáo Trần Đình Tiêu – Hiệu trưởng Trường Sư phạm Hà Tĩnh sau này là Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tỉnh, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Thi từng là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh người đã hướng dẫn anh làm luận văn tiến sỹ toán học và người đã đem đến cho anh một triết lý làm người mà anh không bao giờ quên được: “Nếu anh là một người trí thức chân chính và có bản lĩnh, không một khó khăn nào cản bước được anh,” (Lời mùa thu). Đó là ông Nguyễn Tiến Chương một lãnh đạo của tỉnh Nghệ Tỉnh có cách nhìn người độ lượng và nhân văn đã cưu mang và đưa Lê Quốc Hán thoát khỏi mọi định kiến  để bước vào giảng đường Đại học. Đó là Trần Hữu Huỳnh người bạn  học giỏi, thành đạt đã chân tình thương yêu và hỗ trợ anh  từ thời niên thiếu cho mãi  đến khi anh đã trở thành người thành đạt (Người thi vào đại học điểm mười văn).  Đặc biệt có tờ tạp chí “Toán học tuổi trẻ ” và  người phụ trách tờ tạp chí là Giáo sư Lê Văn Thiêm  đã trở thành người tri âm và ân nhân sốt đời của anh. Tạp chí “Toán học và tuổi trẻ” đã góp phần  tạo thêm động lực yêu mê toán học, làm thay đổi cả cuộc đời anh, từ một câu học sinh Công giáo nghèo, học giỏi trở thành một nhà toán học có học vị  Phó giáo sư – Tiến sỹ (Tri âm). Không chỉ là PGS – TS Toán học mà Lê Quốc  Hán còn được nhà thơ Trinh Đường có con mắt của “Người đi tìm trầm” đã phát hiện ra tài thơ của Lê Quốc Hán nên đã thúc dục Lê Quốc Hán  làm đơn vào Hội nhà văn Việt Nam và năm  2002 Lê Quốc Hán với những thành tựu về văn chương của mình, anh đã chính thức trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Con người có đầy đủ tài năng của cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Lê Quốc Hán không phải là số nhiều.

Nhà phê bình Nguyễn Đình Anh

Phía chân dung thứ hai của Lê Quốc Hán là cách cảm nhận và đánh giá  hiện thực cuộc đời từ góc nhìn của một nhà khoa học, một nhà thơ có vị thế  được thể hiện trong một loạt bài viết của tập tản văn.

Bằng hiểu biết sâu rộng của mình về các lĩnh vực tôn giáo, văn học nghệ thuật, toán học; PGS- TS toán học – Nhà thơ Lê Quốc Hán cho rằng Tôn giáo chân chính cũng như Văn học Nghệ thuật chân chính  là tình yêu.  Trong “Điều bí ẩn thứ ba” (Hay tôn giáo tình Yêu), nhà thơ biện luận như sau:

“Hơn ba ngàn năm trước qua ông Moén một thủ lĩnh dân tộc Do Thái – Đức jechovanh (Thiên Chúa giao ước với loài người rằng: muốn đạt hạnh phúc vĩnh hằng cần tuân giữ nghiêm mười điều giới răn của Chúa; sách kinh ghi rõ Mười điều răn tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến một  đức Chúa trời  trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy A men).

Hai ngàn sáu trăm măm trước Phật dạy: “Hãy yêu nhau đi yêu lấy tất  cả”.

Trong nền văn học nước nhà, ca daoViệt cổ có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương /người trong một nước phải thương nhau cùng”.  Câu ca dao cũng như rất nhiều tác phẩm văn học của dân tộc ta đều  có tính nhân đạo cao, tạo dựng được lòng tin yêu  vào con người cho bạn đọc. Khi tình yêu khoa học, tình yêu Văn học Nghệ thuật… đẩy tận  cùng thành lòng say mê, biến đổi đối  tượng được yêu thành một tín ngưỡng một tôn giáo.

Người cha kính yêu của Nhà thơ Lê Quốc Hán là một trí thức rất yêu văn học đặc biệt là văn học Pháp. Người cha đó theo lời Lê Quốc Hán  là:  Người  đã  tryền cho ta biết bao câu thơ đẹp. Ngay từ nhỏ Lê Quốc Hán đã nghe cha mình đọc những câu thơ nổi tiếng thế giới như câu thơ sau: “Lòng ta chôn một khối tình/ tình trong giây lát mà thành thiên thu” (Thơ pháp). Từ cách biện giải như trên Lê Quốc Hán đi đến kết luận: Do vì   khi trong bào thai, ta đã cảm nhận được tình yêu vô bờ của cha mẹ: “Cha cho máu  đỏ mẹ cho hình hài”; Bởi vậy lòng kính yêu cha mẹ của con người  cũng như lòng tin yêu của con người vào tôn giáo,  lòng kính yêu cha mẹ, sự tôn trọng giá trị gia đình cũng là một tín ngưỡng, một tôn giáo và đó là tôn giáo thứ ba của con người.

Đốivới nhà thơ Lê Quốc Hán chúng ta cũng cần phải dành thời gian để tìm hiểu thêm. Sức mạnh nào đã làm cho Lê Quốc Hán là nhà toán học mà lại trở thành nhà thơ và lại là người được sớm kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Đến đây cũng nói thêm về tôn giáo thứ hai của  Lê Quốc Hán là lòng yêu thơ ca. Yêu thơ ca và sáng tạo nên thơ ca đã làm rõ nét hơn phía chân dung thứ hai của Lê Quốc  Hán. Một trong những   tác động để Lê Quốc Hán trở thành nhà thơ là ltình yêu thơ ca đã nảy nở  rất sớm  trong tâm hồn anh. Ngay từ hồi còn học cấp 1, cấp 2 Lê Quốc Hán đã biết đến những bài thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận (Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm), với những câu thơ: Một chiếc linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu, Hàn Mạc Tử (Hành hương theo dấu chân Hàn Mạc Tử), Nguyễn Bính (Hậu tương tư), với những câu thơ: Người đi xây dựng cơ đồ / Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân /Người đi khoác áo phong trần /Chị về may áo lượm dần nhớ  thương  (Lỡ bước sang ngang) và các nhà thơ nổi tiếng của Pháp qua các bài thơ do cha mình thường đọc cho anh nghe…

Trong Hai phía chân dung sau các bài viết luận bàn về Văn học Nghệ thuật và tôn giáo, Lê Quốc Hán còn có các bài viêt về mối liên hệ giữa Toán học và Triết học: “Có một nhà toán học thiên tài  đã khẳng định: Không có toán học chúng ta không thể đi sâu vào triết học. Không có triết học chúng ta không thể đi sâu vào toán học. Không có cả hai chúng ta không thể đi sâu vào bất cứ  thứ gì” (Toán học và triết học), Toán học và thi ca (Toán học và Thi ca). Tôn giáo và kiến trúc (Du lịch và tâm linh).

Khi đã trở thành một nhà khoa học và một nhà thơ danh tiếng thì sự nhận thức về hiện thực đời sống của người cầm bút sẽ chuẩn xác hơn. Bởi vậy, mỗi khi hành hương về quê hương đi qua những vùng đất của Hà Tĩnh và  đi tham quan các vùng đất nên thơ của Nghệ An, với  tầm nhìn của một nhà thơ và của một nhà khoa học  vẻ đẹp và giá trị  văn hóa và lịch sử của những vùng đất đó đã được Lê Quốc Hán cảm nhận  và có niềm ngưỡng mộ  một cách sâu sắc, đầy đủ hơn.

Trên đường từ Vinh về Kỳ Anh đi qua  cầu Nghèn gặp thị trấn Can Lộc nhà thơ “Bồi hồi ngắm tượng đài  Đồng Lộc anh hùng, buâng khâng vọng khu tưởng niệm thi sỹ Xuân Diệu – Ông hoàng thơ tình Việt Nam. Thân sinh của thi sỹ là cụ Ngô Xuân Thọ người làng Trảo Nha đại Lộc Can Lộc” (Đường về). Hoặc khi cùng đoàn nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An ngược lên huyện Quế  Phong  một huyện thuộc vùng cao của Nghệ An nhà thơ  có sự cảm nhận sâu  sắc về  các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sứ của các danh lam thắng cảnh của miền quê này: “Dẫu theo ý nghĩa nào đền Chín Gian vẩn là một ngọn lửa thiêng đã ngót 600 năm lịch sứ sưởi ấm tâm hồn người Thái, là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật và những phong tục tập quán cổ truyền rất đặc biệt(Quế Phong du ký). Cùng với  tầm nhìn có sự kết hợp giữa tư duy khoa học và cảm xúc thẩm mỹ  tương tự như thế “Hai phía chân dung” đã có những đánh giá thỏa đáng về giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của  thành phố Vinh nơi gia đình nhà thơ đang sinh sống (Một góc thành Vinh), của  Quỳnh Lưu quê hương của  nữ sỹ Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm) cũng như các vùng đát khác trong cả nước mà nhà thơ đã  đặt chân tới (Ấn tượng Cửu Long Giang, Ký ức Đồng Nai). Trong hàng loạt bài viết về các vùng đất mà nhà thơ đã  có mặt, người đọc khó mà quên được cuộc gặp lại người yêu cũ của nhà thơ tại bến Ninh Kiều  Cần Thơ, với những câu thơ gây xúc động làm ứa nước mắt đối với bao bạn đọc: “Giật mình chưa kịp cầm tay/ Ngước lên sông Hậu rót đầy mắt em” Hoặc khi viết về  địa danh  Bến Tre: “Bến tre sao chẳng thấy tre /Chỉ  hàng dừa lửa so le bên đường”.

Điều nổi bật trong phía thứ hai của chân dung nhà thơ, nhà toán học Lê Quốc Hán là niềm tự hào khi tác giả dành những bài viết dể ngợi ca dân tộc, ngợi ca tổ quốc Việt Nam. Trong mắt nhà thơ Việt Nam là “Đất nước đẹp dáng Rồng bay” là “Đất nước ngàn hoa”…

Như chúng tôi đã trình bày ở trên. Cảm quan nghệ thuật của tác giả Hai phía chân dung  là cảm quan được kết hợp giữa tư duy  lô gíc, chính xác của nhà  toán học và mỹ cảm nghệ thuật của một nhà thơ do đó ngôn ngữ biểu hiện của các bài  viết trong tập tản văn Hai phía chân dung  cũng có những nét khác biệt so với tản văn của các tác giả khác. Nét riêng biết đó được biểu hiện rõ nét ở việc: Hầu như tác phẩm nào Lê Quốc Hán cũng chọn những câu thơ, đoạn thơ, đoạn văn hay nhất của các tác giả nổi tiếng và những câu ca dao  hay của văn hoc dân gian để  dẫn dắt làm nền cho việc miêu tả các sự kiện, các nhân vật được đề cập tới trong các bài viết. Chẳng hạn khi luận  bàn về  thời gian, để làm cho bài tạp văn “Ngẫm về thời gian” thêm sức hấp dẫn lôi cuốn người đọc  về chủ đề trên, tác giả đã trích dẫn một số câu thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng đề lam cho bài tản văn giàu thêm sắc thái biểu cảm, giàu chất thơ hơn:“Từ xưa đến nay, không biết bao nhiêu cách ví von về sự ngắn ngủi của thòi gian: Thời gian như vó câu qua cửa sổ, như nước chảy qua cầu, như cánh chim vút ngang bầu trời, như tia chớp lóe lên trong cơn mưa gió; “Thời gian ngọn gió vèo qua / Bao triều vua cũng chỉ là hư không” (Dương Kỳ Anh), “Đã nghe sợi tóc bạc  trên tay mình” (Nguyễn Duy); “Thời gian như chuyến tốc hành / Mang theo lá đỏ và anh trở về” ( Lê Quốc Hán)… “Hương thời gian thanh thanh, Màu thời gian tím ngắt” (Đoàn Phú Tứ). Hoặc  ngay trong các bài tản văn, Lê Quốc Hán còn đưa thêm một số đoạn thơ của ngay chính mình  để làm rõ hơn cái thông điệp mà mình đã công bố trong bài viết. Cuối bài viết “Du lịch tâm linh” ghi lại chuyến du lịch tới nhà thờ Phát Diệm  tác giả đã thêm vào đoạn thơ sau: “Sáng xem lễ Phát Diệm/ Đá nhìn ta nhân từ /Chiều vãn chùa Bái Đính/Đá xếp hàng trầm tư/ Đêm giữ hồn thanh tĩnh / Đá  lát vàng trăng thu”.

Nói cụ thể hơn, tập tản văn “Hai phiá chân  dung” của Lê Quốc Hán  ra mắt bạn đọc trong bối  cảnh Công nghệ Thông tin ngày càng phát triển, sẽ góp phần khẳng định lại  vai trò của tản văn một dạng thể  của Văn xuôi  trong hoàn  mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cách tiếp cận văn học  trong bối cảnh người đọc có rất ít thời gian dành cho văn học. Bởi lẽ Tản văn là một loại hình của văn xuôi từ lâu đã được các nhà  Nghiên cứu – Lý luận văn học cho rằng: “Tản văn là một loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất khám phá, không nhất thiết đòi hỏi cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh  nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu cốt cách cá nhân. Điểm cốt yếu là tản văn  tái hiện được nét chính  của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bôc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm tính chất cá tính của tác giả”(*).

NGUYỄN ĐÌNH ANH

_________

(*) Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội, trang 293 của Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *