Hội thảo “Làm thế nào để thơ Tây Ninh cất cánh” vào sáng ngày 31.3.2021, do bà Đặng Thị Phượng – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tây Ninh và nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên BCH Hội Nhà Văn Việt Nam chủ trì, qua gần một buổi làm việc tích cực, trách nhiệm và chất lượng, ngoài báo cáo đề dẫn còn có 4 bản tham luận được trình bày cùng 7 lượt ý kiến thảo luận.

4 tham luận là của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình: Phan Hoàng, Trần Nhã My, Thành Mai Tuyết, Đào Thái Sơn và 7 lượt ý kiến thảo luận, trao đổi của Vũ Thiên Khái, Nhất Phượng, Ngọc Tình, Lê Văn Hồng, Bùi Bảo Kỳ, Đào Phạm Thùy Trang,…
Trong báo cáo tổng kết hội thảo, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng ghi nhận đã nổi lên một số vấn đề sau.
Một là, thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện bằng nghệ thuật của ngôn từ. Muốn cho thơ Tây Ninh cất cánh trước hết phải có thơ hay và để có bài thơ hay người làm thơ phải có năng khiếu và cảm xúc.
Hai là, người làm thơ phải lao động không ngừng, luôn tìm tòi học hỏi và sáng tạo để có một kiến thức sâu rộng, am tường thi pháp và vốn sống phong phú từ thực tiễn cuộc sống.
Ba là, người làm thơ phải có bản lĩnh vượt lên chính mình, phải chiến thắng cái tôi, phải biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn về tác phẩm của mình.

Bên cạnh sự nỗ lực từ chính bản thân người làm thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với vai trò là bà đỡ, tiếp sức cho các nhà thơ trải nghiệm thực tế cuộc sống để tìm chất liệu và nguồn cảm hứng bằng những chuyến đi thực tế; hay tổ chức những lớp tập huấn, Trại sáng tác, giao lưu thơ để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm thơ.
Đồng thời Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng phải chú ý đến việc quảng bá thơ; đưa thơ vào nhà trường, các đơn vị lực lượng vũ trang qua việc quảng bá Tạp chí Văn Nghệ, nói chuyên đề về văn học, trong đó có thơ và thành lập các Câu lạc bộ thơ tại một số trường học cũng như một số đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh. Hay tổ chức cuộc thi thơ hàng năm nhân ngày thơ Việt Nam và trao giải, quảng bá các tác phẩm tại đêm thơ nguyên tiêu và vận động hội viên tham gia cuộc thi thơ miền Đông Nam bộ,… Điều cần lưu ý là Hội Văn học Nghệ thuật các cấp cũng chỉ là hỗ trợ, tạo môi trường lành mạnh, tạo động lực cho các nhà thơ, mà chủ yếu vẫn là sự nỗ lực tự thân của người làm thơ.

Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà thơ. Bởi đó là nơi để nhà thơ gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành về con người và về cuộc đời. Trách nhiệm công dân của nhà thơ trước Tổ quốc, trước nhân dân là sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, vì con người, vì phẩm giá con người!
Người làm thơ Tây Ninh đừng quên mình đang sở hữu một kho tàng quý giá để nuôi dưỡng hồn thơ, đó là không gian văn hoá và lịch sử đặc thù của vùng đất biên giới Tây Nam có hơn 300 năm và đơn vị hành chính hơn 180 năm hình thành và phát triển. Nhất là hiện nay, Tây Ninh đang là tỉnh phát triển rất mạnh của cả nước.
Hội thảo chủ đề “Làm thế nào để thơ Tây Ninh cất cánh” đã có kết quả đáng ghi nhận. Với khát vọng đổi mới và phát triển, nhiều tri thức, nhiều trăn trở chúng ta muốn tiếp tục trao đổi, chúng tôi xin hẹn quý vị ở Hội thảo lần sau.