VHSG- Có lẽ trong mỗi chúng ta ký ức tuổi thơ bao giờ cũng đẹp. Cái đẹp ấy trước hết nằm ở sự hồn nhiên của lứa tuổi, nằm ở những kỷ niệm buồn vui một đi không trở lại.
Với ai đó trên đường đời một khi trắc trở chợt bừng tỉnh giấc mơ phù hoa đã quay gót tìm về chút hơi ấm tình quê như một nơi trú ẩn cho tâm hồn trước những sóng gió của cuộc đời nhiều khi dửng dưng đến phủ phàng. Với tôi không phải là kẻ tha hương theo đúng nghĩa của nó nhưng cứ mỗi lần về lại làng quê, chòm xóm không biết sao lòng vẫn cứ nôn nao khó tả. Cảnh vật đã đổi thay, cuộc sống từng nếp nhà cũng không còn như trước, song duy chỉ mùi hương cỏ tranh ngày nắng vẫn cứ nồng nàn như bám víu lấy tôi.

Ơi cỏ tranh tuổi thơ tôi. Ơi ngôi làng nhỏ ven triền sông Tranh vẫn thấp thoáng hiện về trong ký ức. Ngôi làng bên con sông uốn lượn qua những quả đồi cỏ tranh miền trung du cằn cỗi, trảng trũng nhấp nhô. Sông không hiền hoà cung cấp phù sa màu mỡ như các vùng miền hạ lưu. Con nước dữ dằn về mùa lũ, khi cạn kiệt lúc mùa khô làm tôi liên tưởng đến tính cách những người dân quê tôi một đời không ra khỏi luỹ tre làng, ít màu mè, chỉ nhiều bộc trực, thô ráp mà tình thâm nghĩa trọng.
Sau chiến tranh làng mạc quê tôi bị tàn phá đến một ngôi nhà cũng không còn nguyên vẹn. Ba tôi từ nơi xa dìu dắt vợ con trở về quê cũ. Công việc đầu tiên của ông là tìm kiếm và tu bổ lại mồ mả ông bà. Phán đoán giữa sự xáo trộn và giành giật với cỏ tranh để tìm ra gần cả 100 ngôi mả lớn nhỏ, ba tôi mừng hơn người được của. Bởi theo ông đây là công việc đáng làm nhất của người còn sống sau mấy mươi năm thoát ly đi kháng chiến. Không biết đó có phải là lý do duy nhất để ba tôi từ chối các lời mời về sống chốn phố phường đông đúc.
Cả gia đình 5 con người lớn nhỏ hằng đêm phải ngủ trên hai tấm cửa ván ép đến đau nhói cả lưng. Căn nhà gỗ 5 gian ngày xưa của nội chỉ còn trơ những thân gỗ mít cháy trụi, cây dừa trước ngõ với chi chít vết thương như một chứng tích về sự tồn tại của làng qua lửa đạn. 13 cân gạo của một cán bộ về hưu tuy ý nghĩa nhưng không thể trang trãi đủ cho một gia đình.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những tháng ngày cùng ba mẹ đi khai hoang để trồng sắn khoai cho cái ăn đang thúc bách. Công việc vỡ đất khai hoang trước hết phải cắt xén cỏ tranh, cắt xén đến đâu đào rễ cỏ đến đó. Đặc biệt với loài cỏ này đào chỉ sót vài mấu rễ là ít hôm sau lập tức cỏ tranh mọc lên và sức lan của nó rất nhanh. Hai bàn tay tuổi thơ tôi ngày ấy phồng rộp, lá tranh sắc cắt cứa thân thể tôi rát bỏng, rễ tranh đâm vào chân tay đau buốt tứa máu. Duy chỉ có mẹ tôi vẫn cần mẫn dẫu mệt nhọc đến mấy sau mỗi buổi lao động lại ngồi nhặt nhạnh chọn những rễ cỏ tranh to bóng đem về phơi khô nấu nước uống giải nhiệt.
Rễ có tranh tính bình lại mát nên không riêng gia đình tôi mà chòm xóm nhiều người cũng dùng nước uống bằng rễ cỏ tranh. Nước cỏ tranh ngày ấy thấm sâu vào tâm thức tôi bởi cái hương vị ngòm ngọt hơi khay khay mùi nồi đất sao vàng khử thổ rất chi đặc thù. Tuổi thơ tôi gắn liền với cỏ tranh đến cả trong giấc ngủ nhiều lần tôi đã bật khóc vì rễ tranh đâm vào giấc mơ tôi đau buốt.
Hằn sâu trong ký ức tôi còn là nỗi khó nhọc ngày thơ chị em tôi đã phải vào rừng cắt tranh đem ra chợ bán. Lúc đó tôi cũng không biết mình yêu hay ghét cỏ tranh. Bởi cỏ tranh thật sự đã giúp tôi rất nhiều trên con đường học tập. Cỏ tranh phần nào cải thiện bữa ăn, mắm muối cho gia đình tôi những năm tháng dài thời bao cấp.
Ngày xa làng cỏ tranh níu chân tôi thì thầm những lời của gió. Những ngày giỗ chạp tôi lại quay về làng dẫy cỏ, tu bổ mồ mả ông bà cỏ tranh lại tỷ tê với tôi về câu chuyện muôn đời của đất, về gốc gác tổ tiên gia tộc. Tôi thích lời nhạc Trịnh, tôi yêu hình ảnh thật bình thường nhưng mang triết lý nhân sinh trong câu hát: “Như loài cỏ tranh yêu nhau ngoài đồng…”
Bao nhiêu năm xa quê trong tôi vẫn thoang thoảng đâu đây hương cỏ tranh, mùi vị nước rễ tranh mẹ tôi vẫn thường sắc uống giải nhiệt, hình ảnh ngôi nhà tranh mới lợp lại được ba tôi xén mái thẳng thớm đến đẹp mắt. Đó là một chiều muộn giữa tháng trăng lên, đồng quê xào xạt tiếng nói cười trong bữa cơm đãi công họ hàng chòm xóm. Và đã có lúc trên đường đời trắc trở tôi lại về với căn nhà xưa… nghe mưa dầm dã mái tranh mà thấm thía cuộc đời. Tôi thầm hỏi, mình có là cỏ tranh?
Làng Đồng Tranh, Phú Bình, Hiệp Đức
VÕ VĂN TRƯỜNG