Nguyễn Hữu Thông… “Kể chuyện ao làng” hay nhỉ

Tôi đọc cùng cô cháu tập thơ Kể chuyện ao làng của Nguyễn Hữu Thông chưa đến trăm trang nhưng gói trọn 60 bài tròn, thấy thích thú bởi cách tác giả đặc tả thế giới thiên nhiên sinh động xung quanh “vũ trụ” của một chiếc ao làng và hơn thế nữa.

Thường thì nhà văn nhà thơ “nhân cách hóa” những đồ vật vô tri vô giác, nhưng ở trường hợp Nguyễn Hữu Thông, tôi xin gọi đấy là tác giả hóa thân vào những con vật, những cây cối và bằng cách chấm phá ngắn gọn nhưng chuẩn xác (rất phù hợp với tuổi nhỏ!) đặc tả nên chân dung của chúng. Này nhé, ông kể cho bạn đọc nhỏ tuổi thấy được trạng thái động của các cư dân sinh sống trong ao làng:

Con Tôm búng nước…/ Mà bơi giật lùi/… Con Cua… Đi dọc không được/ Nên đành bò ngang/ Con Ốc cứng vỏ…/ Mò đi bằng mồm/ Lươn ti hí mắt…/ Chỉ quen chui luồn/ Ếch ngồi chồm chỗm…/ Bỗng nghe tiếng sấm/ Nhảy bùm xuống ao…

Tập thơ thiếu nhi “Kể chuyện ao làng” của Nguyễn Hữu Thông (NXB Hội Nhà văn 2021)

Và ông cũng không quên kể chuyện những loài cây Dưa, Dừa, Dứa trong trạng thái tương đối tĩnh:

Lá dừa chải ánh trăng non? Quả treo lủng lẳng quay tròn ngọn cây/ Dưa bò sát đất vươn dây/ Quả nằm lũn cũn như bầy lợn con/ Dứa xòe lá nhọn như gươm/ Quả rừng rực chín, gió thơm triền đồi.

Lời kể sinh động đã đành, Nguyễn Hữu Thông còn nắm bắt được cái “thần” của các loài vật sống ở ao làng đúng theo lẽ tự nhiên vốn có:

Cua thì Đi đứng nghênh ngang…/ Xa trông thấy Ếch/ Đã co rúm càng

Khỉ con thì Đào trộm củ gừng/ Đưa lên miệng nhai/ Mặt nhăn như bị

Thơ cho thiếu nhi rất cần đặc tả đặc tính, nhưng không dừng lại ở đấy, mà phải gợi lên trong người đọc nhỏ tuổi sức liên tưởng. đã thành công khi diễn tả lại những khái niệm quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Ví dụ: điểm 2 thường được gọi là “điểm ngỗng”, điểm kém đối với học trò, thì đây – ông tả Ngỗng đực được Võ sĩ Gà dạy mãi/ Ngỗng đực chẳng thuộc bài/ Ngẩn tò te đực mặt/ Cổ cong hình số hai. Còn câu cửa miệng của người đời “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” lại có một phiên bản riêng của Nguyễn Hữu Thông: Bầu và Bí Ngọn đan nhau vươn nắng/ Tay ôm chung một giàn…/ Quả non vừa mới đậu/ Rủ nhau cùng lớn lên.

Người đọc nhỏ tuổi rất thích được… cù, và thật là thú vị khi Nguyễn Hữu Thông nắm bắt được tâm lý đó nên biết khắc họa trong thơ mình những tình huống khiến người đọc bật cười:

Mèo con bên bờ thì Thả đuôi làm mồi câu…/ Có một con cá Trắm/ Quanh quẩn lượn sát bờ/ Ngỡ là ngọn rong tơ/ Đớp lôi bùm xuống nước

Lơn con đi học thì Dọc đường cứ ngu ngơ/ Ngắm trời xanh nắng biếc/ Ngồi học thì ụt ịt/ Cùm cụp đôi tai lười/ Đánh vần rất buồn cười/ Hờ… eo… heo… nặng… lợn

Gà Mái Ghẹ Đi qua chuồng Đà Điểu/ Thấy một quả trứng to…/ Thế rồi quang quác mỏ/ Chạy khoe khắp lung tung? Rằng: ta vừa mới đẻ/ Một quả trứng to đùng!

Chất ngụ ngôn được Nguyễn Hữu Thông vận dụng sáng tạo trong những bài Chim Bách Thanh (Hót được trăm giọng điệu…/ Khéo tài tình bắt chước/ Thế mà không hót được/ Cái giọng của riêng mình), Con bướm lười (Bướm diện bộ cánh trắng/ Mà quen thói biếng lười/ Không lo xây tổ ấm/ Chỉ điệu đà rong chơi./ Một hôm trời nổi gió/ Mưa tầm tã tuôn rơi/ Bướm không nơi trú ngụ/ Bộ cánh trắng tả tơi) và ở những bài Diều và dây, Đôi chân, Lịch treo tường)…

Từ phải sang, các nhà thơ nhà văn: Nguyễn Hữu Thông, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Trần Thu Hằng, Phan Hoàng, Nguyễn Đức Quang, Bảo Ngọc, Huỳnh Thạch Thảo giao lưu ở Hội Sách tỉnh Phú Yên 2023, nhân dịp tham dự Trại Sáng tác văn học thiếu nhi ở xứ sở hoa vàng cỏ xanh.

Không chỉ đặc tả những cư dân của ao làng, Nguyễn Hữu Thông còn mở ra cả một vũ trụ quanh ao nữa. Tác giả mở cả về không gian (ở những bài: Ngôi nhà của bé, Bầu trời của bé, Nắng, Gió, Mây, Khúc nhạc đồng quê, Trời sao…) và cũng mở cả về thời gian (Buổi sáng, Trưa hè, Đồng chiều, Mưa đêm)… Tất cả làm nên một tập thơ rất xứng đáng đến tay bạn đọc nhỏ tuổi và người yêu thơ, bởi vì phẩm chất thi ca toát lên từ ngôn ngữ của Nguyễn Hữu Thông quả là đậm đà. Giăng mắc đó đây trong tập Chuyện kể ao làng là những câu kết thăng hoa đầy thi vị:

Mặt đầm êm đềm lặng sóng/ Hương sen thơm ánh trăng vàng (Hội Đầm sen), Trưa về gió nặng trĩu chân/ Đàn Ong gom cả mùa thơm núi rừng (Ong mật), Bộn bề mùi rơm rạ/ Thả khói bay lên trời (Chim Cu Gáy), Tiếng chim chót vót/ Rót vào bình minh (Chim Sơn Ca), Tiếng chim da diết/ Cuốn chiều sang đêm (Chim Bìm Bịp), Ánh trăng óng ánh/ Rắc vàng thềm sân (Chập tối), Đồng làng vào vụ gặt/ Hương lúa thơm lưỡi liềm/ Mây chiều buông vạt gió/ Nâng cánh diều bay lên (Hè về).

Chừng thấy tôi khen tập thơ là chính, cô cháu chợt hỏi tôi: “Ông thân tác giả Nguyễn Hữu Thông à?”. Tôi ngẩn người đáp rằng: ông chỉ biết sơ sơ, đấy là một nhà giáo dạy ở miền núi, sinh năm 1952 và trước Kể chuyện ao làng đã in những tập thơ thiếu nhi Sao Thần NôngGà Trống Choai, Lợn con ủn ỉn, từng được tuyển chọn vào tập tuyển Thơ hay cho bé mầm non…

Hà Nội, 8.2022

ĐĂNG BẨY

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *