Những buổi chiều cứ từ từ chậm lại ghì vào lòng hai ba nốt nhạc kết thúc một ngày, vào những thơ ngây không quá vội của những đứa trẻ đùa nghịch rồi rượt bắt nhau ngoài cánh đồng màu mỡ gà phủ bóng hoàng hôn lên những đống rơm cao gầm 3 gấp 4 chúng. Tôi đã từng thấy hình ảnh đó, nhiều lần, nhưng mỗi lần với một tâm thế khác nhau, lần thì bằng tuổi bọn chúng đứng từ chái bếp nhìn ra, lần thì lớn hơn một chút qua cái độ tuổi chạy nhảy chơi đùa, lần thì trong tâm thế là một thế hệ đi trước, nghe xa vời nhưng cũng chẳng ngoa, phải chăng chúng ta đã quá vội vàng để có thể nhận ra trẻ con mới là điều tuyệt vời nhất.

Đường quê cũng đã được đổ xi măng phẳng lì. Đoạn đường về nhà dù khuya cũng không còn tối mà trái lại sáng vằng vặc một nỗi niềm tuổi thơ. Hai bên vẫn là những đồng những ruộng, xen kẽ đôi ba căn nhà, đôi ba mảnh vườn nhỏ để trồng trọt, chăn nuôi. Có nhà vẫn còn giữ cây cau, trước nhà vẫn là bàn thờ tổ tiên, nền gạch vuông màu cam và một bộ ghế đá, không quên có thêm một ấm trà và vài chiếc tách trong một cái dừa khô. Mọi thứ tưởng chừng im ắng chậm rãi nhưng lại ngầm vận hành những hoạt động riêng, nhỏ lẻ nhưng bình dị, im lặng nhưng khoan thai, tách biệt tưởng chừng như những sự vô kết nối mà lại uyển chuyển trong buổi chiều nhá nhem.
Thắm thì đang luộc củ khoai ở dưới sân sau, mùi lá dứa như mùi của cả một cánh đồng chứ thanh thoát, day dưa mãi nơi cánh mũi, những con gà con chó cũng vui cái niềm vui bận rộn của ngôi nhà. Chú Ba và Thím vẫn đang loay hoay cào lúa, lùa lúa rồi cân đếm, rồi lọc rồi sàng đổ vào cái thúng nọ để mang lên xe máy cày chở lên huyện đóng gói. Mùa trung thu năm nay buồn hơn mọi khi, bình thường cuộc sống vội vã làm cho việc đoàn tụ vốn đã xa cách, nay dịch bệnh, còn trở nên khó khăn hơn…Chiều nay khá đứng gió nhưng xa xa vẫn nghe tiếng bò kêu, tiếng chổi xào xạc quét sân, tiếng la í ời của những đứa nhỏ đang chạy đua với Mặt Trời để xoay quanh mâm cơm nhà đang đợi
Ở đây là vậy, họ vẫn cứ lao động, cứ làm lụng, quanh năm khác với không khí không như Sài Gòn những người và xe đông đúc khói bụi, công trình, nhịp sống ở đây từ tốn, đủ để họ tận hưởng một ngày lao động và cũng đủ đê nuôi dưỡng những sự gắn bó trong đời sống tình cảm một cách khiêm nhường, chậm rãi. Buổi tối Thắm rủ tôi ra ghe chơi, trên ghe có sẵn đèn cầy đặt trên một cái chén úp ngược, ánh mắt của nó như có điều gì rối ren lắm, mà cũng vì ba má nó hay lo, mà lo hơi quá, đành rằng ba má nào chẳng lo cho con, nhưng cái lo này đôi lúc làm nó ngộp, nó từng bảo : “Ba má bắt năm sau lấy chồng”, chuyện thường tình ở đây thôi, con gái 18,19 tuổi bị giục là đúng rồi, huống hồ gì năm nay 21,21 như con Thắm, nó vòng tay ôm lấy hai bàn chân gập lại, ngồi run chân nhìn ra phía lòng sông, trong con mắt của nó, tôi như cố gắng vùng vẫy bơi ra khỏi biển trời vắng lặng, Thắm như một thế giới khác, nó không buồn, không lo nghĩ nhiều, trước đây nó vẫn hay kể cho tôi những gì sẽ đến với nó giống vậy, và bản thân nó cũng sẽ như vậy mỗi khi tôi về, vì nó muốn kể tôi nghe một phần vì nó chịu cho tôi ẵm lúc 1-2 tuổi đầu, điều mà khó ai làm được.

Mỗi thời mỗi khác, dưới quê có cái khác của dưới quê, thành phố có cái khác của thành phố, mỗi con người sinh ra như đã được lập trình sẵn một số phận “khó đỡ” nào đấy, để thực hiện một bài học nhận thức có ý nghĩa quan trọng với cuộc đời mỗi người. Tôi không khyên, chỉ lắng nghe, hết lần này đến lần khác, cả những sự phong phú trong nội tâm của Thắm cũng nhường chỗ cho những sự suy nghĩ xa xôi. Đơn cử là Thắm không biết mình sẽ làm gì cho tương lai sau khi lấy chồng, chắc sẽ giống má của nó, lấy chồng, sinh con, lo cho chồng, cho con, ngày mùa thì ra đồng, quanh quẩn ở làng xã, lâu lâu có dịp gặp lại bạn bè cũ, đứa nào cũng ẵm đứa con trên tay, cười nói về chuyện chồng con,… có thể trong đầu nó đã có những hình dung sẵn. Nói một lúc lâu nó vào trong sửa cây đèn dầu, sắp xếp lại mấy thúng bánh ít, bánh lá dứa… Đôi lần tôi nghĩ nếu số phận cho tôi một cuộc đời gắn liền với mảnh đất dưới đây, tôi sẽ làm gì, sẽ nhận thức ra sao, liệu tôi có ngồi đây để viết những dòng này hay sẽ thức thời trong một tâm hồn liêu trai phong trần nào chẳng hạn, trong một tâm thế khác, có lẽ vì tôi may mắn hơn, được sinh ra ở một nơi mà mình có những bước đi chắc trong tương lai, được lựa chọn cách sống, con đường mình đi, và có nhiều cơ hội đến với mình hơn,gặp gỡ nhiều hơn và tôi luôn biết ơn điều đó.
Con sông Vàm Cỏ này đã nghe được bao nhiêu câu chuyện của Thắm, lâu lâu những đám lục bình kéo tới mạn ghe, mạn thuyền, cũng ngộ, lúc nhỏ tôi hay bảo đám lục bình là “Sao ở trên thì đẹp nhưng ở dưới thấy ghê quá vậy?”. Ghê hơn tôi còn nghĩ tới cánh lúc mình kéo đám lục bình lên sẽ là một gương mặt của một con thủy quái nào đó đang hăm he kéo chân những đứa trẻ hay chạy nhảy, khiếp! Những buổi trưa nằm nghỉ trên ghe sau một buổi sáng ra đồng, Thắm không nói gì, chỉ nhìn lên cành cây rũ bóng, tôi biết lòng nó hơi chao. Nhưng đêm nay thì khác, chắc tùy tâm trạng, hay nó biết cuộc đời của nó sẽ êm đềm như má của nó, nó bắt đầu chấp nhận như con nít tập đi từng bước một, rồi nó cũng tự tay vun vén gia đình, chở che hạnh phúc mà nó muốn.
Chiều hôm sau nó mang diều ra đồng thả với cu Hưng với cu Thuận, Thắm nó làm cho hai đứa cái nón từ cái lá dừa dài đội lên. Bọn trẻ dưới quê bây giờ dinh dưỡng cũng khác ngày xưa nên nhìn tụi nó ú nu, cưng lắm, khác với cái thời đói khổ sáng đi học chẳng có gì bỏ vào bụng, nó thả mãi con diều nó mới lên được, tụi nó giành nhau nới hết dây cho diều bay xa ra một lúc cũng mệt và ngồi thở dốc, xa xa Mặt trời cũng lui xuống những rặng dừa, hết ngày… Có hôm tôi lên thành phố, Thắm nó mang cho tôi quá trời đồ ăn, kêu anh Hai lên đó ăn quán đường phố không có sạch, mang ở dưới quê những hủ dưa món, dưa cà, đồ chua vào một cái bịch treo lên xe. Nó là vậy. Tôi cũng vậy. Lâu lâu về đây chẳng có gì ngoài việc đưa tôi đi chơi khắp xung quanh, mấy đứa trẻ trong xóm cũng quen thuộc kêu tôi bằng “cậu”, tôi chẳng có gì cho tụi nó, nhưng mỗi lần thấy tôi về, tụi nó lại vui, chắc do tôi ít nói, hoặc do tôi có duyên với con nít chẳng hạn, mà con nít dưới đây không có xa lạ, hay dè chừng gì tôi cả, đó là điều tôi thích, tôi quý tụi nó.
Tuổi thơ là vậy, nhưng lớn lên rồi, nếu sống ở dưới quê thì sẽ không khá nổi nếu ba má không có của ăn của để, họ kì vọng ở con cái họ nhiều hơn, trên Sài Thành, những đứa trẻ khi ấy cũng sẽ trưởng thành, lớn lên và bước đi trên con đường tụi nó chọn, để thoát khỏi những buổi chiều lo toan ghì lên đôi vai của ba má nó. Rồi cái văn minh, hiện đại sẽ từ thành phố về đây, cuộc sống sẽ đổi mới, mọi thứ sẽ hiện đại hơn, tụi nhỏ sinh ra cũng sẽ có những niềm vui khác, những buổi chiều im lặng sẽ thay bằng những buổi tối phố thị nhộn nhịp những hàng quán đông vui, cái đó là xu thế vốn có, thật ra nó cũng là điều nên xảy ra, vốn dĩ nên như thế trong tiến trình phát triển và hiện đại ở nông thôn. Tôi cũng chờ đợi bộ mặt khác ở nơi đây, dù những ký ức tuổi thơ luôn sống mãi, nhưng dù hiện đại hay quê mùa cũng sẽ có những niềm vui riêng của thuở ấy, đó là minh chứng cho việc dù có tiền thì những khoảnh khắc thả diều, rượt đuổi hay cái bận rộn ngày mùa cũng không thể mua lại được. Và hãy để những ký ức tuổi thơ của mỗi người nguyên vẹn ở đó để nó có thể lớn lên và nuôi dưỡng bản thân, họa lên những nét chấm phá mới, phong phú hơn trong tâm hồn điểm xuyết xen kẽ trên cái nền nhận thức trong tâm thức của thời đại mới.
Rồi cái thời tụi nó chơi mạng xã hội, tụi nó kết bạn với tôi, khoảng cách của chúng tôi gần nhau hơn, nhưng mà tôi vẫn muốn về quê để thấy tụi nó lớn lên từng ngày, sẽ có một tương lai nào đó cho tụi nó. Nếu tụi nó ráng học và lên Sài Gòn, chắc chắn tụi nó sẽ được sống một cuộc sống chủ động và linh hoạt hơn, tôi vẫn luôn tin và mong như thế. Còn mỗi lúc về, tôi muốn được trở lại là mình của ngày xưa, khi tay chân còn chưa biết mỏi, khi cái đầu còn nhạy cảm trước mọi thứ, khi tình cảm của bọn tôi xoay quanh những đồng năm nghìn, mười nghìn má cho, cuộc sống cứ như vậy thì buổi chiều về cũng đủ nhớ, đủ thương…
NGUYỄN TIẾN NGHĨA