Trong chuyến công tác tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 4.2022, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn cùng một số nhà văn đã tới thăm tư gia, thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Văn Công (1926-2021) tại TP Tuy Hòa ngày 24.4.
Bà Cao Thị Hòa An – con gái nhà thơ Văn Công, hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đã thân mật tiếp đoàn. Tham dự buổi đón tiếp còn có ông Hồ Quang Đệ – Giám đốc Sở Tài chính, ông Trần Minh Trí – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên.

Nhà thơ Văn Công là một nhà cách mạng, tác giả trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông tên thật Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại Nghệ An trong một gia đình nho học, dòng tộc khoa bảng, nhiều trí thức lớn. Tháng 8.1945, ông tham gia hoạt động cách mạng, gia nhập đoàn quân Nam Tiến vào chiến đấu chống Pháp ở mặt trận Phú Yên. Từ đó ông gắn bó gần cả cuộc đời mình với vùng đất này.
Ông từng được tín nhiệm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên, cán bộ phụ trách Ban Chi viện chiến trường khu Trung Trung Bộ, Nhà thơ Văn Công còn là thành viên Ban Chấp hành Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung Bộ.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông tiếp tục giữ các trọng trách của tỉnh như: Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên, Phó Chủ tịch Thường trực, Quyền Chủ tịch tỉnh Phú Khánh.
Nhà thơ Văn Công đã xuất bản các tác phẩm: Bất khuất (tập thơ, 1964); Mảnh đất yêu thương (tập thơ, 1978); Khúc hát miền quê (tập thơ, 1985); Miền đất huyền thoại (tập ký, 1990); Vùng đất lửa (tập ký, 1990); Trước chiều gió (tập thơ, 1996); Hương đêm (tập thơ, 1996)…
Ông được nhận các giải thưởng văn học: Hai bài thơ Lòng em và Tiếng hát các em được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải nhất (1960); tập thơ Tiếng hát miền Nam (in chung) được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam (1965).

Sau khi ôn lại những kỷ niệm sinh thời và đóng góp quan trọng của nhà thơ Văn Công cho nền thi ca cách mạng, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho biết ông sẽ báo cáo lãnh đạo Trung ương về dự định Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh Phú Yên vào năm 2024.
Nếu ý định tốt đẹp này được thực hiện, thì đó sẽ là lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở tỉnh khác ngoài Hà Nội. Mục đích của việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam ở các tỉnh bên ngoài là để mở rộng và làm phong phú thêm đời sống thơ ca của nhiều địa phương khác. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ chuẩn bị thật kỹ nội dung cũng như hình thức để sự kiện còn có thể góp phần quảng bá đất và người Phú Yên với nhân dân cả nước và thế giới.
Nhà thơ Phan Hoàng – một người gốc Phú Yên bổ sung thêm: Ông đã từng bàn với lãnh đạo tỉnh Phú Yên lên kế hoạch về việc biến Hội Thơ truyền thống Nguyên tiêu núi Nhạn của Phú Yên vào rằm tháng giêng hàng năm thành một Festival Thơ với sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam. Sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế này sẽ có sự tham gia của các nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam và một số nhà thơ nổi tiếng của thế giới.

Sau khi cảm ơn đoàn nhà văn do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều dẫn đầu đến thăm gia đình và thắp hương cho nhà thơ Văn Công, bà Cao Thị Hòa An nhận định Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động văn hóa cần thiết và ý nghĩa. Năm 2024, Phú Yên có các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu HĐND tỉnh lần thứ 18, lãnh đạo tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ sự kiện Ngày Thơ Việt Nam tại Phú Yên một cách tốt nhất trong khả năng của tỉnh. Bên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên cần sớm đưa ra kế hoạch cụ thể để tỉnh sẽ sắp xếp nguồn lực thực hiện.
KBH-GTB/VANVN