Linh ứng – Tìm về thế hệ lý tưởng

Linh ứng là cuốn sách người thật việc thật. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể lại câu chuyện chính mình đi tìm mộ người anh liệt sĩ, nhờ chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm chân chính.

Tác phẩm “Linh ứng – Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh” của Nguyễn Mạnh Tuấn, NXB Dân Trí 2021.

1. Rải rác đây đó ta vẫn thường nghe kể hoặc đọc những phóng sự ghi chép chuyện nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Đấy thường là bài viết của các phóng viên báo chí. Nhưng những gì được kể trong quyển Linh ứng thật đặc biệt: nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể lại chuyện chính mình đi tìm mộ người anh trai. Vì vậy Linh ứng thuộc loại sách về người thật việc thật.

Nguyễn Mạnh Tuấn tự nhận rằng vợ chồng ông thuộc loại “siêu vô thần”. Mà không chỉ có ông, nhiều thế hệ đã trải qua một thời đại mà những gì ta không lý giải được đều là mê tín dị đoan. Đọc sách này, rất nhiều người đọc bình đẳng với tác giả ở chỗ họ đều là những người vô thần vô thánh, hoặc bán tín bán nghi.

Nhưng hành trình tìm mộ mấy năm trời theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm chân chính khiến sự hoài nghi mất dần, rồi đến chỗ không tin không được. Người đọc cũng dõi theo câu chuyện để rồi không muốn cũng phải tin, để rồi bị cuốn vào và bị thuyết phục. Trên hành trình đó, không phải đã có thể gặp ngay người dẫn đường chân chính, nhưng sự nhầm lẫn và lừa dối lại dẫn đến những manh mối, rồi như có bàn tay định hướng vô hình, đưa tác giả đến được với nhà ngoại cảm thực sự. Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh đến khái niệm nhà ngoại cảm chân chính, bởi trong thế giới tâm linh, nơi vàng thau lẫn lộn, chỉ có gặp được họ thì mới đi đúng hướng như trường hợp của gia đình ông.

Bắt đầu việc tìm mộ qua lời giới thiệu và cả những lời đồn đại, cuộc tìm kiếm đầu tiên thoạt đầu mọi sự đều có vẻ đáng tin. Sau đó, tác giả từ Sài Gòn bay ra Hà Nội định tố cáo vụ lừa đảo, nhưng ông gặp được cơ duyên, được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người và Viện Khoa học Hình sự giới thiệu cho một nhà ngoại cảm. Một nhà nghiên cứu của cơ quan này nói rõ: “riêng vụ tìm hài cốt bằng ngoại cảm, Việt Nam có khoảng hai chục nhà ngoại cảm xuất sắc, nhưng tổng kết lại, sự chính xác trong việc tìm mộ mất tích chỉ đúng bảy mươi phần trăm. Ba mươi phần trăm sai số, thuộc về chủ quan nhà ngoại cảm chỉ năm phần trăm, còn lại là lý do khách quan” (trang 670).

Cuộc tìm kiếm kỳ lạ cứ thế kéo người đọc đi với nhiều hồi hộp thú vị. Nhưng với người trong cuộc như nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thì đấy là một hành trình đầy những hoang mang, thắc mắc, có khi thất vọng, khi tưởng như tuyệt vọng, khi đầy tràn nước mắt, khi đau đớn trong tim. Gọi hồn liệt sĩ lên, người đã mất cho biết những thông tin mà chỉ người nhà mới biết, điều ấy mang đến niềm tin. Nhưng có những điều tưởng như không đúng sự thật, chẳng hạn người anh khi mất không có vợ, nhưng hồn thiêng hiện về lại có cả người vợ. Không lẽ họ gặp nhau trong bệnh xá chiến trường, lấy nhau vội vàng, rồi lại cùng hy sinh một ngày? Rồi việc hai người bạn thân từ thời bé ở Hà Nội, về sau ở hai bên chiến tuyến, làm sao có thể đối đầu nhau một cách kỳ lạ để rồi cùng ngã xuống ở một địa điểm trong rừng Campuchia? Giấy báo tử ghi hy sinh ở miền Đông Nam bộ, nhưng cuộc tìm kiếm đầu tiên được chỉ ra Huế, cuộc thứ hai nhà ngoại cảm chỉ sang rừng Svay Rieng ở Campuchia, cuối cùng sự thật éo le lại dẫn về Phước Long? Rồi địa điểm khai quật ngôi mộ một người bạn được nhà ngoại cảm ở Hà Nam chỉ rõ là ở nghĩa trang cũ bên cạnh một ngôi miếu cổ, nhưng thực địa thì nghĩa trang đã biến thành rừng cao su và không thấy một ngôi miếu nào… Tất cả những điều tưởng như vô lý, về sau lại được chứng minh bằng sự thật.

Hành trình đi tìm mộ một người, rốt cuộc lại tìm được ba. Ba con người có liên quan trong quá khứ, rồi chia ra hai chiến tuyến, cuối cùng được phát lộ nhân thân nhờ có nhà ngoại cảm. Cuộc tìm kiếm tưởng bế tắc ở những trang cuối, lại thành một câu chuyện có hậu, ngập trong nước mắt và sự hoan hỉ.

2. Cuốn sách đặt trọng tâm ở hành trình đi tìm mộ. Nhưng xuyên qua hành trình này, hình ảnh người anh liệt sĩ hiện lên đậm nét. Nguyễn Minh Khôi thuộc về thế hệ thanh niên của thời đại mới, một chàng trai Hà Nội sau giải phóng thủ đô năm 1954. Nhanh chóng tiếp nhận lý tưởng lớn của thời đại, quyết tâm quăng mình vào cuộc thử thách theo kiểu “thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh” của người chiến sĩ Pavel Korchagin, sẵn sàng dâng hiến cá nhân mình cho tổ quốc và cho nhân dân. Do chủ nghĩa lý lịch, hiểu rõ sự bất lợi của hoàn cảnh gia đình mình, nhưng anh không mặc cảm, mà tự nguyện lao vào mọi thử thách với một tinh thần sáng suốt. Tự nguyện lên miền núi Lào Cai đi làm đường sắt, rồi chuyển qua nhiều tỉnh thành khó khăn, chỉ để phấn đấu trở thành giai cấp công nhân. Bản thân Nguyễn Mạnh Tuấn cũng trở thành công nhân sửa chữa ô tô ở vùng mỏ Quảng Ninh, không phải là không có sự định hướng của người anh theo chủ nghĩa lý tưởng. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Minh Khôi trong Linh ứng là điển hình của một thế hệ theo chủ nghĩa lý tưởng. Thế hệ anh vệ quốc quân thời chống Pháp “gặp nhau thời chưa biết chữ/ quen nhau từ buổi: Một! Hai!”, và anh bộ đội thời chiến tranh biên giới là những thế hệ tô đậm chủ nghĩa yêu nước. Ở giữa hai thế hệ đó, lớp thanh niên thời chống Mỹ như Nguyễn Minh Khôi mang chủ nghĩa lý tưởng đậm nét hơn.

Nhưng chính con người lý tưởng chủ nghĩa ấy lại dễ bị hiểu nhầm. Khi còn là học sinh bị hiểu nhầm vì hành động nghĩa hiệp và thẳng thắn chống lại những kẻ vi phạm trật tự công cộng, để rồi bị bắt oan vào đồn công an. Khi là công nhân lại một lần bị giam chỉ vì dạy võ cho học sinh địa phương… Tất cả những “tai tiếng” của anh ít nhiều đều xuất phát từ tinh thần lý tưởng ngây thơ. Bất kể ngày nay người ta có thể nhìn nhận lại thì thế hệ Nguyễn Minh Khôi vẫn không hề nhầm lẫn khi lựa chọn chủ nghĩa lý tưởng. Họ rất sáng suốt, và hồn nhiên kiên trì đi trọn con đường đó một cách thật cảm động.

3. Câu chuyện người thật việc thật, nhưng để đạt hiệu quả thật hấp dẫn, thật thuyết phục vẫn cần đến bàn tay nhà tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn. Tổng hợp tư liệu, sắp xếp tư liệu, dẫn dắt mạch lạc theo kiểu sử biên niên, đưa sự kiện đi theo thứ tự thời gian, đạt tới sự chân thực nhất chính là đạt tới sự lạ lùng nhất của đời sống. Chính vì vậy, ngay cả người đọc nghi ngại thì cầm quyển sách hơn 700 trang này lên, người ta vẫn bị hút vào để hồi hộp, để rưng rưng, để lau nước mắt khi thấy hành trình có hậu.

HỒ ANH THÁI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *