“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi… Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử, ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng…”
Ai còn nhớ câu văn nổi tiếng này không? Câu văn nói lên quy luật của muôn đời. Quy luật ấy được nhà văn người Gruzia Nodar Vladimirovich Dumbadze (1928 – 1984) tìm ra. Cuốn tiểu thuyết của ông nói lên quy luật đó có tên “Quy luật của muôn đời” đã được dịch giả Phạm Mạnh Hùng dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và xuất bản năm 1984.

Hôm 14.7 là 95 năm ngày sinh của Nodar Dumbadze.
Tôi lược dịch ra đây bài viết của tác giả Tatyana Shipilova tưởng nhớ ông đăng hôm nay trên báo Nga để ta biết thêm và cùng nhớ về một nhà văn hồi còn Liên Xô là thuộc về một nước cộng hoà dân tộc nhỏ bé, nhưng tầm vóc văn chương của ông thì vượt ra ngoài biên giới nước mình, quốc gia mình.
Bài viết của Tatyana Shipilova có tên “Ông mãi nhìn thấy mặt trời” (phỏng theo tên một tác phẩm của Dumbadze “Tôi nhìn thấy mặt trời”) và mở đầu bằng một câu của chính nhà văn: “Con người sống bằng hy vọng.”
Tatyana Shipilova viết.
“Ông đã trải qua một con đường lớn – từ một đứa bé có cha bị đàn áp và bị bắn, đến chức Chủ tịch Hội Nhà văn Gruzia và ở đỉnh cao sự nghiệp sáng tác của mình được nhận Giải thưởng Lenin cho cuốn tiểu thuyết viết về niềm tin Chúa (tức là cuốn “Quy luật của muôn đời” – ND). Nhưng đấy cũng là sự trớ trêu số phận của ông: kẻ ra lệnh bắn cha ông là người bạn thân cận của Lenin – Lavrentiy Beria.
“Nodar Dumbadze tin rằng mỗi nhà văn suốt cả đời mình chỉ viết một cuốn sách duy nhất. Và đúng như vậy. Trong tất cả các tác phẩm của ông có rất nhiều yếu tố tự truyện. Ông hiện diện hữu hình và vô hình trong tất cả các cuốn sách của mình, ông là nhân vật chính của chúng, chỉ với những cái tên khác nhau. Từ các tác phẩm của ông người đọc có thể dễ dàng biết được tiểu sử cuộc đời ông.”

“Các tác phẩm của ông kết hợp trong mình chất trữ tình của chủ nghĩa hiện đại và triết học thời hậu hiện đại. Nhưng cái chính là chúng đầy sự hài hước. Trong số các nhà văn yêu thích của ông không chỉ có Gogol, Chekhov, Zoshchenko mà còn có cả Cervantes. Đối với ông, cũng như đối với cha đẻ của Don Kihote, tiếng cười là phương tiện quan trọng để thanh lọc và nâng cao tâm hồn.”
“Nhà văn Grigory Baklanov đã nói về “tính chung nhân loại” trong văn xuôi của Dumbadze, và điều đó rất đúng. Chỉ mô tả những gì tự mình biết và thấy, không bao giờ đi ra ngoài biên giới Gruzia, yêu đất đai và con người quê hương bằng tất cả bản thể của mình, Dumbadze đã phản ánh một cách kỳ diệu thái độ mang tính phi quốc gia và thậm chí phi thời gian đối với thế giới xung quanh, nếu con người tràn ngập ánh sáng và tình yêu.”
“Nodar Dumbadze nói: “Văn học nghệ thuật không tạo ra bất cứ điều gì siêu nhiên và chưa từng có. Nó tìm kiếm kho báu trong lòng dân gian, tìm thấy chúng rồi đem trả lại cho nhân dân lòng tốt và sự thông thái của họ dưới hình thức nghệ thuật.”
Tatyana Shipilova dẫn một số nhận xét của các nhà thơ về Dumbadze.
“Ông đã đến để gây niềm vui cho mọi người…” (Bella Akhmadulina)
“Ông đã trở thành một khái niệm đặc biệt, một ngôi nhà đặc biệt, một aul đặc biệt của văn xuôi chúng ta.” (Rasul Gamzatov).
“Ông là một người tốt đáng kinh ngạc, những sự đau khổ mà cuộc đời bắt ông phải chịu đã được ông hoá giải, chưng cất thành lòng tốt để đem lại cho mọi người.” (Andrei Voznesensky).
“Nodar Dumbadze thuộc loại người hiếm hoi mà nỗi đau cá nhân trong tâm hồn lại khơi dậy khát khao mang lại sự nhẹ nhõm cho người khác.” (Giorgi Asatiani).
Tatyana Shipilov kết thúc bài viết.
“Tôi chưa bao giờ đến Gruzia, nhưng tôi yêu nó biết bao. Tôi yêu vì ông đã yêu nó. Một cách tươi sáng và nhẹ nhàng, nâng niu và cởi mở. Và không có những thế lực chính trị nào, những cuộc bạo loạn đám đông nào, những hoàn cảnh hiện đại nào thay đổi được điều đó. Tôi tin rằng có thể yêu một đất nước và con người ở đó chỉ là cho họ và vì chính họ. Bởi vì, như Nodar Vladimirovich Dumbadze đã nói, “lòng tốt sẽ cứu thế giới.”
NGÂN XUYÊN dịch từ tiếng Nga