Cuốn sách giễu cợt sâu cay thói phù phiếm, lừa lọc, phơi bày thực trạng bạo lực và nhiều góc khuất trong xã hội hiện đại.
Chiếc xe bị một xe khác đâm sầm vào từ đằng sau. Không biết rằng đó là một vụ đâm xe được dàn dựng, nạn nhân ra khỏi xe để giải quyết và thấy người vừa lao vào đuôi xe mình là một cô gái xinh đẹp gợi tình, tự xưng tên là Merry. Thế là nạn nhân bị bắt cóc, nhưng hóa ra là bị bắt cóc nhầm.
Để sửa sai, Merry và đồng bọn phải tổ chức một vụ đâm xe lần thứ hai mới bắt được đúng người. Đó là Trebeaux, một kẻ làm ăn dối trá gây thiệt hại cho ông trùm.

Còn Coolman, anh chàng bị bắt nhầm là quản lý của một nhân vật truyền hình thực tế tên là Buck Nance. Buck là một nông dân nuôi gà, có bốn anh em trai cùng nhau lập ban nhạc chơi accordion. Cả bốn người đang xuất hiện trong một chương trình truyền hình thực tế nhiều kỳ.
Trong chương trình truyền trực tiếp mới nhất, Buck gây ra thảm họa: vì vắng người quản lý, không có người nhắc vở, hắn đã nhỡ mồm giễu cợt người da đen và người đồng tính. Dư luận nổi sóng phẫn nộ, khiến hắn phải bỏ trốn ngay khi đang phát sóng trực tiếp. Cùng lúc tay quản lý Coolman của hắn cũng đang phải chạy thoát thân khỏi nhóm bắt cóc và phải đi tìm kiếm nhân vật Buck vừa bỏ trốn.
Công việc đi tìm ngôi sao thực tế mất tích thuộc về thanh tra Yancy, vốn phải làm một việc tẻ nhạt là đi giám sát mức độ vệ sinh của các quán ăn. Yancy đang có nguy cơ bị bồ bỏ, quan hệ ngổn ngang trăm mối, lại còn bị cô hàng xóm lẳng lơ và chồng sắp cưới của cô ta gây thêm phiền phức.
Rất nhiều ngã rẽ bất ngờ: sự tình đưa đẩy dẫn đến việc thanh tra Yancy lại hợp tác với cô Merry, hai người thành một cặp đi điều tra để tìm ra manh mối. Còn ngôi sao thực tế Buck trong khi đi trốn lại gặp được người hâm mộ mình là một tên lưu manh mê truyền hình thực tế. Câu chuyện cứ thế diễn tiến phức tạp, có lúc hơi rắc rối, các chi tiết và các tuyến nhân vật chồng chéo hỗn độn. Các nhân vật bị đem ra giễu cợt và châm chọc sâu cay. Các xu thế thời đại bị đem ra chế giễu chua chát: sự mê mẩn bệnh hoạn truyền hình thực tế, thói phù phiếm tiêu dùng, sự lừa lọc và tàn ác của con người, thậm chí là tình trạng vệ sinh thực phẩm…
Cùng tác giả Carl Hiaasen của tiểu thuyết Vẫy vùng giữa vũng lầy (Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2021), lần này Lưỡi lam lẳng lơ vẫn cùng người dịch Bình Bồng Bột. Người dịch đã sử dụng phương ngữ Nam Bộ với liều lượng dày đặc hơn quyển trước. Suồng sã, dân dã và khá thú vị. Câu chuyện xảy ra ở bang Florida, miền Đông Nam nước Mỹ, cho nên sử dụng phương ngữ Nam Bộ cũng có thể gây được ấn tượng một câu chuyện phương Nam. Tuy nhiên, sự kiên trì sử dụng phương ngữ lấn át cả tiếng Việt phổ thông đã không duy trì được sự thú vị trong suốt chiều dài cuốn sách. Nếu chủ ý tạo dựng không khí phương Nam thì chỉ cần một liều lượng phương ngữ vừa phải đã đủ gây ấn tượng.
Một số điểm mà người dịch và biên tập viên nên lưu ý:
– Chữ viết tắt LA có thể với người Mỹ thì hiểu ngay, nhưng không phải người đọc Việt Nam nào cũng biết đó là viết tắt của thành phố Los Angeles.
– “Tuýp người” – tuýp là phiên âm từ chữ “tube”, nghĩa là cái ống, ống tuýp… Còn từ phiên âm chính xác phải là “típ người”, chữ “típ” phiên âm từ “type”, tức là kiểu người, loại người…
– “Quanh cái mũi dài thì ria mọc rậm rạp” (trang 159) – đang miêu tả một con chuột thì tiếng Việt không gọi là “mũi” mà là “mõm”.
– “Đến thẳng châu Mỹ cách đây từ 16.500 đến 40.000 năm trước” (chú thích của trang 186) – nên dùng “Đến thẳng châu Mỹ cách đây từ… năm” hoặc “Đến thẳng châu Mỹ từ… năm trước”.
– “Giờ này ngoài Bắc là bốn mươi bảy độ đó” (trang 348) – chỗ này người dịch nên kiểm tra lại bản gốc. Nhân vật đang ở phương Nam, “rất khoái khí hậu ở Nam Florida này” thì nhắc đến thời tiết ở phương Bắc “bốn mươi bảy độ”, có thể là độ F, tức là khá lạnh. Viết như vậy mà không chú thích có thể khiến người đọc Việt Nam hiểu là bốn mươi bảy độ C.
HỒ ANH THÁI
______________
* Lưỡi lam lẳng lơ, tiểu thuyết của Carl Hiaasen, Bình Bồng Bột dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn 2022.