VHSG- Có thể nhận thấy khi viết Miền hoang Sương Nguyệt Minh cũng đã khái quát hiện thực bằng cái nhìn của một người lính cộng đã từng có mặt trong trận chiến ở biên giới Tây Nam. Chính vì vậy cái khốc liệt và bi kịch từ cuộc chiến được mô tả ở đây rất chân thật. Hình như anh không sáng tác mà chỉ viết ra như một nhu cầu bộc bạch tự thân về những ám ảnh kinh hoàng mà anh cùng đồng đội đã trải qua…

Nơi rừng Miên đang mùa khô, các dòng suối đều cạn kiệt, nai con khát nước tan tác khản tiếng gọi mẹ…
Nơi ngọn lửa bập bùng giữa lòng hoang tháp…
Nơi hoang vu rồi thể nào cũng sẽ bị lãng quên
Nơi không thể tìm kiếm bất cứ dấu hiệu gì của sự sống
Nơi cô đơn nhất của lòng người, nơi tận cùng tuyệt vọng …
Nơi mà con người chỉ còn có bản năng ngự trự, chi phối….
Nơi đó là miền hoang!
… Và khi lạc lối vào miền hoang, cảm giác bấn loạn, tuyệt vọng đến cùng cực sẽ là cảm giác chi phối mạnh mẽ bạn đọc.
Chọn bối cảnh từ trận đánh đẫm máu giữa quân tình nguyện Việt Nam và tàn quân Pol Pot nơi một vùng rừng hoang sơ ở Tây Bắc Campuchia với câu chuyện diễn ra ở bốn người (có cả Ta và địch) đang trong tình trạng mất bản đồ quân sự và la bàn nên không thể định hướng để về đơn vị, đối mặt với đói, khát, thú dữ rình rập, mệt dỉu dả… , khuôn mặt hốc hác, thân hình tàn tạ, bước thấp bước cao thất thểu…, luôn đấu tranh, mưu mẹo, tìm đủ mọi cách kể cả những cách kinh hoàng nhất để mà sống – tồn tại, cuốn tiểu thuyết Miền hoang đã đạt được đến tận cùng khi diễn tả về hiện thực khốc liệt nhất của chiến tranh: tàn phá văn minh, hủy hoại nhân tính, bóp chết ước mơ, hy vọng và niềm tin vào cái Đẹp. Đành rằng, cuộc chiến nào mà không đau thương, không tàn khốc,… nhưng ở đây nó tàn khốc đến mức người đã phải thành thú, (hay nói chính xác theo cách diễn ngôn của nhà văn là dã nhân). Và càng phi lí hơn, bi đát hơn khi cuộc chiến nơi miền hoang này lại được nhân danh cho một lí tưởng, một mục đích cao đẹp !
Không chọn phương thức miêu tả, tiếp cận thông thường, hiện thực trong Miền hoang được phản ánh bởi rất nhiều điểm nhìn khác nhau nhưng dù ở điểm nhìn nào thì hiện thực chiến tranh cũng hiện ra với những khắc nghiệt đến đáng sợ. Ở đây, Sương Nguyệt Minh đã xử lý hiện thực này bằng tọa độ thẩm mĩ mới: Chiến tranh đã hắt bóng xuống nhiều cuộc đời, nhiều thân phận và chính bản thân những cuộc đời, số phận đó đã có những trải nghiệm kinh hoàng về chiến tranh. Nhà văn đã đứng trên lập trường triết học nhân bản, nhân danh kinh nghiệm cá nhân để diễn tả những chấn thương khốc liệt nhất mà con người phải gánh chịu, nó như là một bi kịch của loài người từ ngày đầu đến ngày chót, trong những ngày thất bại lẫn trong chiến thắng.
Miền hoang là đâu? Trước hết nơi đó là vùng rừng hoang vu đầy giết chóc, là nơi chịu dư chấn nặng nề của chiến tranh, là nơi tồn tại một cuộc chiến – một cuộc viễn chinh nhân danh chân lý “giúp bạn cũng là tự bảo vệ mình” nhưng….
Cuộc chiến ấy làm tan hoang cả ước mơ tuổi trẻ, khát vọng tình yêu và gây chấn thương dữ dội về mặt tâm lý cho một anh lính trẻ. Tùng đã bước vào cuộc chiến rồi lạc vào miền hoang trong tâm thế của một kẻ càng ngày không thể hình dung mức độ nghiệt ngã của cuộc chiến đến mức thế nào. Những điều lí giải được nhưng cũng có những điều Tùng không thể lí giải được. Tại sao cái đẹp lại bị hủy diệt thê thảm đến như vậy. Tại sao mình lại đến với chiến tranh và rồi lạc vào miền hoang vô định như vậy. Bản thân anh – người lính tình nguyện – nhân danh cái gì để chiến đấu !? Và rồi Tùng càng lúc càng hoang mang về thân phận chính mình – mình là ai ? người hùng hay là nạn nhân của chiến tranh?! Rách mướp, xác xơ, dị mọ… Và có thể Tùng mãi mãi là một người rừng, một dã nhân… Mẹ anh không biết điều này, bạn gái anh càng không biết điều này… Nói chung là hậu phương không thể biết điều này.
Cuộc chiến ấy làm “rách nát” cuộc đời một cô gái đẹp. Tận tụy với công việc và giàu lòng trắc ẩn nhưng Saly – cô Y tá đã bị chiến tranh lôi lên dập xuống đến bầm dập, tơi tả từ thể xác đến tâm hồn. Cô là biểu tượng của cái Đẹp bị hủy diệt vì chiến tranh. Saly đã từng đau đớn nhận thức rằng: “người ta bảo không biết bơi, cứ ném xuống nước là vẫy vùng, bấu bíu vào cái gì đó, chân loạn xạ rồi cũng biết bơi. Con người bị quẳng vào chỗ chết, cũng sẽ biết cách tồn tại. Ai đó bị ném một lần vào chỗ sinh tử đã thừa bất hạnh rồi… nhưng nỗi khốn khổ bị ném vào vào giữa đám đàn ông như một bầy lang sói đói khát là nỗi đau bẽ bàng, ê chề… ” nhưng cả khi vùng vẫy trong nỗi khốn khổ kinh hoàng này cô vẫn cứ phải tồn tại, tồn tại trong những ám ảnh. Cũng có lúc cô muốn chết nhưng bản năng sinh tồn không cho cô chết, bắt cô phải tiếp tục sống. Gặp Tùng, anh chàng tù binh đáng thương như thân quen từ đâu đó, những xúc cảm trong cô lại trở về. Những xúc cảm này như những con mưa hiếm hoi nơi miền hoang và thể hiện một cái nhìn chan chứa cảm xúc, dằng dặc xót xa về thân phận con người, thân phận tình yêu trong chiến tranh của nhà văn.
Cuộc chiến ấy còn làm yếu đuối và liệt bại những kẻ ngay từ đầu hiếu sát, cuồng tín vào mớ giáo điều phi nhân tính: phải xây dựng chủ nghĩa xã hội cho bằng mọi cách kể cả phải diệt chủng. Ông lớn Lục Thum và tên lính áo đen, một thầy một tớ… thâm độc, tàn bạo, khát máu, hiếu sát… nhưng nơi miền hoang rốt cuộc càng lúc càng rệu rã, thê thảm và hơn ai hết cũng cay đắng nhận ra rằng trong cuộc viễn hành miên man này không còn lí tưởng, không còn mục tiêu nào lớn hơn là đi tìm sự sống. Vậy tại sao ngay từ đầu con người lại không biết trân trọng sự sống ? Rõ ràng cuộc chiến ấy còn khiến cho người ăn thịt người, biến người thành vật. Chỉ để bảo vệ bản thân ai cũng toan tính riêng, rắp tâm với thủ đoạn riêng rồi xâu xé nhau như thú hoang.
Cuộc chiến ấy đã kéo lùi lịch sử, hủy diệt văn minh nhân loại. Rồi sẽ còn đâu dưới đống hoang tàn nền văn minh Angkor rực rỡ ! Rồi sẽ còn đâu những cánh rừng xanh hùng vĩ thơ mộng dưới đống xương trắng hếu! Rồi sẽ còn đâu những bài trường ca bất tận, vũ điệu đắm say…. Tất cả sẽ bị hủy diệt, tất cả sẽ chìm ngập vào bóng tối của giết chóc, của man rợ! Vì sao? vì đâu? Đơn giản vì đó là chiến tranh!
Trước khi lạc vào miền hoang, nghĩa là trước khi bước vào cuộc chiến không có lỗi thoát chắc có lẽ cả Tùng, cả cô Y Tá, cả Lục Thum, cả tên lính áo đen… không nghĩ rằng cuộc đời mình lại rơi vào bi kịch lớn đến như vậy. Ai cũng nghĩ mình sẽ thực hiện đến cùng nhiệm vụ, phụ sự cho một mục tiêu, lí tưởng đẹp đẽ nào đó… nhưng rốt cuộc họ không được gì mà ngược lại đánh mất tất cả; họ đánh mất luôn chính bản thân, đánh mất luôn cả cuộc đời mình và vĩnh viễn không bao giờ trở lại như trước kia được nữa. Dư chấn từ Miền hoang sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh, sẽ là vết thương không bao giờ lành cho bất kỳ ai, cả người chiến thắng lẫn kẻ thất bại.
Miền hoang còn là đâu ? là nơi nào đó bất kỳ mà con người lạc vào đó sẽ đánh mất tất cả : cuộc sống bình yên, thân phận bình yên, cuộc đời bình yên ; còn là nơi Người sẽ thành thú, còn là nơi tăm tối nhất và ám ảnh không lối thoát…
Có thể nhận thấy khi viết Miền hoang Sương Nguyệt Minh cũng đã khái quát hiện thực bằng cái nhìn của một người lính cộng đã từng có mặt trong trận chiến ở biên giới Tây Nam. Chính vì vậy cái khốc liệt và bi kịch từ cuộc chiến được mô tả ở đây rất chân thật. Hình như anh không sáng tác mà chỉ viết ra như một nhu cầu bộc bạch tự thân về những ám ảnh kinh hoàng mà anh cùng đồng đội đã trải qua, về những kí ức, thậm chí ẩn ức khủng khiếp của một người lính đầy trải nghiệm với chiến tranh.
Khép trang sách lại, nhưng cảm xúc của người đọc chắc chắn vẫn còn đầy những ám ảnh. Phải làm gì để không bao giờ có chiến tranh?! Giá mà không bao giờ có chiến tranh! Khát vọng ấy của Sương Nguyệt Minh gửi gắm ở Miền hoang cũng là khát vọng là chính đáng của con người. Và chỉ có con người mới có thể cứu lấy con người!
TS. HOÀNG HƯỜNG
- Chuyện Ông Lãnh và năm bà vợ nức tiếng Sài Gòn
- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Nếu có kiếp sau, vẫn chọn nghề báo
- Kỳ 1: Đã thấy những đốm lửa lóe sáng trong thơ 1-2-3
- Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa – vị khách nhiệt thành của Văn Học Sài Gòn
- Chùm thơ 1-2-3 Đặng Ngọc Tam Giang: Tôi rạc phím, mất gene ký tự chữ