Điều lạ và cũng là điểm “khó đọc” đầu tiên của tiểu thuyết “Mùi hoàng kim” hiện ra ở từng chương, đây là điều tác giả cố tình thể hiện mỗi kiểu nhìn cuộc sống, cuộc đời, hoàn cảnh gia đình mình qua mỗi góc nhìn của từng nhân vật. Nhà văn như để cho họ tự kể về gia đình mình, phố xá mình, hoàn cảnh sống của mình bằng góc nhìn của chính họ và đều ở ngôi thứ nhất. Mỗi người có mỗi cái nhìn khác nhau vừa lạ vừa thú vị. Những cái nhìn ấy vừa có nét giống nhau lại vừa có những nét khác nhau, chính điều ấy đã tạo ra điểm nhấn độc đáo thú vị.
Thằng câm kể lại bằng giọng kể đẫm đặc bản năng, điều ấy phù hợp với cái nhìn của một nhân vật nhỏ tuổi, đang ngơ ngác trước cuộc sống. Nhưng đến thằng anh, nhân vật Khai, thì giọng kể câu chuyện ấy đã mang hơi hướng con người hơn chút ít rồi. Nên nó khác. Nó có chút suy nghĩ lo lắng bao bọc lấy câu chuyện: “Sự hi sinh cần phải một người gánh chịu. Nhưng sự hi sinh này, sẽ tổn thất đến tâm hồn tôi sau đó” (Mùi hoàng kim – MHK, trang 52). Nó có sự chia sẻ và hiểu biết mà ở thằng câm chưa hề có: “Lúc đó tôi biết ông nhớ mẹ tôi lạ lùng. Có bận tôi thấy ông khóc, khi thằng câm đã ngủ say trên tay ông…”(MHK, trang 54). Đến khi ông bố kể thì câu chuyện đã đi vào nhiều ngóc ngách cuộc đời khác nhau.
Cho nên, có cảm giác qua “Mùi hoàng kim”, tác giả đã mổ xẻ bản năng, tính người ở những góc độ và tầng bậc khác nhau để gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, về tình yêu, về tình người thời chiến và thời hậu chiến còn sặc sụa mùi đói khổ.

Khi đọc “Mùi hoàng kim”, nếu người đọc không đủ kiên nhẫn thì rất dễ dừng lại ở chương thứ hai. Bởi vì giọng kể ở hai chương đầu na ná nhau, chưa có gì hấp dẫn, dễ nhàm và mệt mỏi. Nhưng nếu cố, qua đến chương ba thì sự rắc rối và hấp dẫn mới bắt đầu hé lộ, nhiều cái oái oăm và cũng là sự lập ngôn của tác giả từ ở chương này mà ra. Cho nên, nói tiểu thuyết “Mùi hoàng kim” không hề dễ đọc là cũng có cái lí của nó.
“Mùi hoàng kim” còn là những giải tỏa ẩn ức nỗi niềm buồn vui cá nhân một thời người ta không dám sống riêng tư. Đoạn viết nhân vật Tính tâm sự về thơ của mình minh chứng rõ nét cho điều ấy. Đến thơ mình viết ra mà cũng không dám giữ, phải đốt bỏ, rồi khuyên nhân vật xưng “tôi” không nên đọc. Biết là đau đấy nhưng không thể, là bởi một thời nó như vậy, không thể khác được chỉ vì một nỗi “thơ anh vì thế cũng buồn miên man. Anh làm nhiều vần thơ mất mát” (MHK, trang 112). Cho nên, sau đó thấy xuất hiện đoạn lạc rừng. Đoạn này là cái cớ để tác giả lí giải tiếng nói của chủ nghĩa cá nhân quan trọng đến như nào trong cuộc đời. Hai anh lính lạc rừng ở hai phía gặp nhau trong hoàn cảnh lạc mất đơn vị. Sau giây phút ngỡ ngàng giữa họ, và rồi tác giả để cho họ không còn ranh giới ta – địch như thường thấy, dĩ nhiên sẽ kéo theo một sự thật là không tồn tại sự căm thù ở chính hai nhân vật đối địch… mà thay vào đó, điều duy nhất còn là sự chân thành, chân thành đến cùng cực. Hai con người giống hệt nhau về hoàn cảnh đã có thể hiểu nhau hơn, và dựa vào nhau để cùng vượt qua nghịch cảnh. Đoạn văn ấy là tiếng nói con người nhân văn đẫm đặc đã kéo họ lại gần nhau nhanh hơn cò súng, đủ để người đọc hiểu rằng tại sao anh lính giải phóng lại không thể bóp cò khi trong tay súng đã lên đạn lúc gặp “kẻ thù” là anh lính trẻ bên kia đang lạc rừng như mình! Cho nên, tính tự nhiên và sự đột phá đã tạo ra sức hấp dẫn cho phần này.
Tiểu thuyết “Mùi hoàng kim” ngả theo trường phái hiện sinh chủ nghĩa. Cuốn sách phải chăng là một thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm: Hãy tận hưởng những gì đang hiện hữu bằng khả năng có thể nhất? Tác giả như cố tình phủ bên ngoài một lớp vỏ nhục dục mà cất tiếng nói dõng dạc bên trong đẫm chất nhân văn lên để đề cao tính người, sự hiện hữu. Đó là cảm xúc, ý chí, quyết tâm bên cạnh sự cuồng say nam nữ. Chiến tranh có thể tàn phá mọi thứ nhưng không thể tàn phá sự say mê nam nữ của tình yêu: “Khải ơi, hôm trước người ta đào một dãy phố khi bị ném bom, có ba đôi trai gái, chẳng mặc gì, họ quấn lấy nhau, một đôi ở trên giường, đôi còn lại ở dưới hầm, còn đôi kia như đang vừa làm tình vừa nấu cơm. Khải ơi, thế đấy!” (MHK, trang 69). Câu chữ vì thế mà lấp lánh vẻ đẹp nhân văn, tình yêu và sự thăng hoa cao nhất của tình yêu là cái vượt lên trên, nó có thể kéo người ta bay lên khỏi sự sợ hãi và cái chết.

Sự nhập cuộc vào cuộc sống trong cuốn sách đôi khi cũng rất lạ. Cứ tồng tộc kể, hệt người ta lên xe là lao về phía trước mà chưa biết mình đi đâu. Từ nhân vật, vẫn ngôi thứ nhất, có khi không ăn nhập gì với những chương trước đó, nhưng thế rồi cuộc sống bày ra, cứ ngồn ngộn và đầy ắp những chi tiết: “Tôi nhớ về Nga…” (MHK, trang 61) sau đó Nga hiện ra qua lời kể lại của nhân vật đẫm chất phồn thực, hồn nhiên. Lời kể thả lỏng tự nhiên như cuộc sống vốn vậy. Chỗ ấy như là chỗ dựa cho nhân vật thây kệ bên ngoài “mặc bà béo liếc xéo ánh mắt dữ dằn về những kẻ bà cho tả khuynh, nhụt chí, và bác già trưởng khu điềm đạm uy tín đi vận động mọi người trong trạng thái từ tốn bình lặng và khuyến khích, bởi một người con bác ngoài mặt trận năm năm chưa có tin tức gì, bởi một người anh bác đã hi sinh ở chiến trường miền Đông Nam Bộ vào cuối năm 54.” (MHK, trang 79). Khi tạm dừng câu chuyện ấy, tác giả chỉ buông gọn một câu: “Câu chuyện của Du kể vẫn còn nguyên đó” mà người đọc thì chưa thể biết Du là ai. Tiếp sau là câu chuyện của anh Tính, rồi lời kể chêm xen câu chuyện của nhân vật “tôi” đan cài… Tất cả đều như bí mật! Bí mật là một điểm nhấn nhằm tạo ra sự hấp dẫn của câu chuyện vốn đã có nhiều cái rắc rối đan cài. Độc giả sẽ lại phải đi tìm tiếp câu trả lời trên trang sách mà thôi. Không thể khác.
“Mùi hoàng kim” có nhiều đoạn văn giàu chất trữ tình để rồi bật ra những ao ước rất người, người đến xa xót: “Thú thực mỗi lần nghe thứ nhạc du dương huyền hồ đó (nhạc vàng mê đắm của nhân vật Tính) hồn tôi trôi về những khúc sông hải hồ, có bến đợi, có dòng trôi lớn, có con thuyền xuôi đi cùng chiếc nón trắng, và người thiếu nữ áo tím mộng mơ mang nỗi buồn thời cuộc, vẫy vẫy mãi cánh tay về phía bờ xa, rồi thả thuyền trôi vào bến mơ, để người đàn ông nào suốt đời thương nhớ, dõi theo trên dòng trường giang mênh mông sóng nước, trên lớp hơi mờ của quá khứ và hiện tại, trên nỗi đau của tha nhân và lịch sử, trên nỗi buồn của thời tao loạn.”(MHK, trang 82)… “Và tôi hình dung, nếu cô được mặc vào người chiếc váy ôm bó sát, chiếc quần jean bó chẽn, thì sẽ đẹp biết bao, mà anh Tính sưu tầm rất nhiều từ những tờ họa báo hoặc những bích báo, đa phần của Liên Xô, được người bạn thân mỗi lần về nước mang theo”. (MHK, trang 83).
Nhạc vàng và giai điệu buồn thương được tác giả miêu tả như một giải pháp thanh lọc tâm hồn cực kì hiệu quả: “Cứ thế, lời ca anh cất lên điệu buồn và du dương nhất, âm thanh về đêm mới phê pha làm sao, làm phai tàn đi tất cả, những buồn đau, nhớ thương và ẩn tắc, những lo ấu của cuộc đời, vết thương của một miền hắc ám, và chuyện đồng loại chẳng còn tốt với nhau”. (MHK, trang 85)
Những mảng vỉa hiện thực rất đời thường phải giấu giếm vì bị cho là xấu xa, mang tư tưởng tiểu tư sản một thời úp mở giờ được tác giả bung mở hết cỡ rất thật: “Anh tỉ mẩn cắt ảnh từng cô gái, tóc vàng tóc đen đủ cả, mắt đen hoặc xanh, hoặc nâu và ngực ai cũng đẫy đà, mông tròn lẳn, trông phồn thực và đầy sức sống”(MHK, trang 83)
Cho nên có thể nói “Mùi hoàng kim” đâu chỉ mang ý nghĩa da thịt thể xác đẫm đặc phồn thực được tiểu thuyết phô diễn, mà “Mùi hoàng kim” còn là hình ảnh ẩn dụ cho một thời đẹp đẽ quá vãng chưa xa, nó làm cho người ta quay quắt nhớ và giàn giụa tiếc. Chi tiết nhân vật Nga khóc nức nở khi nghe anh Tính đàn là chi tiết khắc họa thành công cảm động ý nghĩa ấy. Chính nhân vật “tôi” từng thú nhận:“Điều gì khiến Nga vậy, tôi biết. Sau này Nga bảo Nga nhớ bố, một trí thức tư sản, người yêu âm nhạc và thích tự do”. (MHK, trang 87)
Một điều lạ, độc đáo đáng nhắc nữa của tác phẩm này là ở chỗ, diễn biến câu chuyện của tiểu thuyết cũng là diễn biến đan cài các mẩu diễn biến tâm lí nhân vật. Điều này làm cho câu chuyện giãn nở hết cỡ đường biên của trí tưởng tượng. Lúc so sánh (quá khứ của nhân vật Nga với quá khứ nhân vật xưng “tôi”), lúc hiện thực như quờ tay ra là có cảm giác đụng chiến tranh liền; có lúc lại mờ ảo mê muội thân xác mà thăng hoa hết mực… càng làm cho câu chuyện huyễn hoặc lung linh và kì quái hơn.
Nếu phải chỉ ra những hạt sạn của tác phẩm thì đó là tác giả đã sử dụng những câu văn quá dài, nhiều vế câu, có chỗ lê thê dễ khiến người đọc có cảm giác mệt mỏi. Có câu văn chiếm trọn cả trang tiểu thuyết (MHK, trang 65, 66). Có thể khi viết như vậy là tác giả đã cố ý, nhằm chuyển tải thông điệp qua sự dồn nén thông tin của mình, nhưng khi đọc người ta lại có cảm giác hụt hơi hệt như đang mang vác vật nặng rồi còn phải gồng mình lên để cố mà đi thêm một quãng đường xa nữa vậy.

Một sự mệt nhọc khác nữa có thể thấy rõ ở tác phẩm này là sự nặng kí của kiểu độc thoại nội tâm. Dạng độc thoại nặng kí ấy hầu như được tác giả tạo ra thành dòng chảy xuyên suốt tác phẩm. Nhân vật nào cũng có những trang độc thoại lê thê, điều ấy khiến độc giả có cảm giác nặng nề…
Qua “Mùi hoàng kim” bên cạnh tiếng nói nhân văn khát khao cuộc sống chúng ta còn bắt gặp ở tiểu thuyết này tiếng nói gián tiếp phản đối chiến tranh. Chiến tranh được nhìn qua góc độ phũ phàng và dư ba khốn khổ. Người lính trở về đời thường với những áp lực cuộc sống ghê gớm khi anh chỉ có hai bàn tay trắng. Sự hào hùng không đủ để cho anh vùng vẫy trong cuộc sống đời thường. Mọi thứ tưởng như vặt vãnh nó cứ trỗi dậy và quây lấy anh. Anh hành nghề xe ôm kiếm sống, anh muốn giữ gìn phẩm giá nhưng gánh nặng cuộc đời không cho phép anh gìn giữ. Sức mạnh ôm níu cứ tuột dần, tuột dần. Vợ bỏ anh đi, hai đứa con ngày một lớn… Cứ thế, áp lực gia tăng. Dần dà anh bị cuộc sống nó cuốn theo ánh kim tiền, anh hiểu nó và anh không chống cự lại nó. Sau cùng, anh buông xuôi, sự buông xuôi ấy là một cách thể hiện áp lực cuộc đời nó nặng nề lắm, nó không cho anh một sự chọn lựa theo như ý mình. Và, mùi hoàng kim, mùi của cuộc sống đủ các kiểu loại ham hố nó chiếm ngự xung quanh, anh là một thành viên của cái xã hội đói khổ ngột ngạt kia, anh không thể và rõ ràng không thể tách riêng mà đứng ra bên ngoài. Cứ thế, tiểu thuyết chớp nháy liên hồi những vũ điệu không khoan nhượng chèn ép con người, con người hoặc là lên tiếng phỉ nhổ nó rồi lặn chìm trong đói khát, hoặc im lặng chấp nhận trong sự chiêm nghiệm đánh đổi, cái nào có ích hơn, ý nghĩa hơn? Chỉ có thực trạng cuộc sống là có câu trả lời đầy đủ và rốt ráo nhất. Tác giả Bảo Thương đã để cho cuộc sống ấy quẫy đạp và lên tiếng bằng chính sự từng trải của mình. Hiện sinh phức tạp và hiện thực cay đắng cùng cất lên tiếng nói đồng hành. Cho nên, nhân vật chính của nhà văn Bảo Thương đủ sự từng trải và rộng lượng để mà mong mỏi cái điều tưởng như kì cục về người vợ đã bỏ mình và hai con trai ra đi: “Tôi nghĩ kĩ rồi, nó tội hơn tôi, tôi nghĩ rồi nó đáng thương hơn tôi, nên càng những năm tháng cuối cùng, tôi càng thương nó, chỉ mong gặp nó để bảo, tao không trách mày, nhớ con thì hãy về, đời sống đéo bao nhiêu, mở mắt, nhắm mắt đã hết nửa cuộc đời, nhắm cái nữa nửa kia hết hẳn thì cần chó gì phải sống cho ai, sống cho mình đã, có ích kỉ, nhưng cái ích kỉ chính đáng rất con người, còn ai không cho ta được cái đó mới đáng xấu hổ, còn ta chỉ là thằng người thì xấu với hổ cái đéo gì cơ chứ” (MHK – trang 142, 143). Lí sự có vẻ loằng ngoằng và bỗ bã thô tục của nhân vật nhưng lại rất thật, rất tự nhiên, và rất người. Trong cái kiểu lập luận ấy có cả sự cay đắng nhưng là cay đắng được chắt ra từ sự từng trải và hiểu đời, cứ trắng phớ ra như thế nhưng lại ẩn sâu cái nhìn rộng lượng vị tha cho dù có hơi chua chát và đắng đót.
Nói tóm lại, tác phẩm “Mùi hoàng kim” là một sự bứt phá vươn lên đáng ghi nhận ở một tác giả trẻ. Một cái nhìn khác lạ về cuộc chiến tranh và cuộc sống thời hậu chiến. Một cách lí giải cuộc đời rất giàu nhân văn qua cái nhìn hiện sinh chủ nghĩa. Một kiểu kể cho nhân vật hiện ra với đầy đủ sự cụp xòe đa nhân cách, đa giọng điệu mà vẫn rất gần gũi, nó khơi dậy bao nhiêu những thăm thẳm về tính người, tình người và lẽ sống mà con người có khi vì một lí do nào đó để vuột mất rồi lại phải ngơ ngẩn tiếc nuối đi tìm nó.
Sài Gòn 2021
KHANG QUỐC NGỌC