Người giáp mặt tướng quân đội Sài Gòn sau cuộc tháo loạn

VHSG- Vẫn phong cách bình dị, cởi mở chân tình như thời đương nhiệm Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Nguyễn Thành Quang tiếp tôi tại nhà riêng bằng nụ cười hiền lành trong buổi sáng tháng tư ở TP Tuy Hòa đầy nắng gió. 45 năm trôi qua nhưng ký ức của ông vẫn sống mãi những kỷ niệm hào hùng trong cuộc chiến đã đi qua. Ấn tượng sâu sắc nhất là kỷ niệm về cuộc đối đầu viên tướng thất trận của chế độ Sài Gòn bị bắt trong cuộc tháo chạy tán loạn sau khi cuộc rút lui chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống đồng bằng đã bị đập tan.

Ông Nguyễn Thành Quang (bên phải) trả lời phỏng vấn của tác giả Phan Thế Hữu Toàn

Trầm tư trong giây phút, ông Ba Quang hồi tưởng: “Sau trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, thế phòng thủ chiến lược ở chiến trường Tây Nguyên của địch đã bị đập tan. Trong một cuộc họp trưa 14-3-1975 tại Cam Ranh, sau khi nghe Thiếu tướng Phạm Văn Phú – Tư lệnh Quân đoàn 2  báo cáo tình hình chiến sự ở Cao nguyên Trung phần đồng thời đề nghị tăng viện máy bay, xe tăng, bọc thép và binh lính để phản kích, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối vì không còn binh lực và cố nắn gân, gượng giọng ra lệnh cho Quân đoàn 2 mở cuộc rút lui chiến lược từ Tây Nguyên xuống Phú Yên theo đường liên tỉnh lộ 7 để xây dựng tuyến phòng thủ vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Phán đoán mưu đồ của địch nên Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và Quân khu 5 khẩn trương xác lập, triển khai kế hoạch đập tan cuộc rút lui chiến lược của địch. Với quyết tâm không để địch mò về tới đồng bằng, Tiểu đoàn 96 Phú Yên được lệnh hành quân khẩn cấp ngược lên thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa để đánh chặn đầu, trong khi đó Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 của ta truy kích địch quyết liệt từ Thuần Mẫn, Cheo Reo, Phú Bổn khiến cho binh lính địch hoang mang, dao động tinh thần.

Vào thời điểm đó tại núi Hương xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1, ông Nguyễn Duy Luân – Bí thư tỉnh ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy quân sự, Chính ủy mặt trận Phú Yên cùng Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu chủ trì cuộc họp Sở chỉ huy tiền phương, bàn phương án tác chiến. Các cứ điểm của địch ở Núi Tranh – huyện Tuy Hòa 2, Cầu Cháy, Hòn Kén, Hòn Sặc – huyện Tuy Hòa 1 lần lượt bị các đơn vị Đại đội đặc công 202, 203 và Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 13 Phú Yên phối hợp lực lượng du kích địa phương đánh tan tác, mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở đồng bằng Tuy Hòa, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang của ta chủ động hình thành thế trận sẵn sàng đánh chặn đường rút lui của địch.

Từ Cheo Reo, buổi trưa 19-3-1975, Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm – Phụ tá hành quân, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ huy hơn hai vạn binh lính với gần hai ngàn xe quân sự, trong đó có 1.450 xe tăng, bọc thép, chen lấn nhau tháo chạy hỗn loạn xuống đường 7. Bị Tiểu đoàn 96 Phú Yên chặn đường rút quân khi đến Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tướng Cẩm vội vã ra lệnh cho công binh bắt cầu phao dã chiến từ Thạnh Hội vượt qua sông Ba sang Trường Lạc, xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa 1 để tiếp tục cuộc rút quân xuống đường số 5. Thế nhưng mưu đồ của địch đã bị quân ta chặn đánh tan tác, từ Hòn Kén đến Gò Mầm hàng ngàn xe quân sự của địch chen nhau tháo chạy và đã bị ùn tắc ngổn ngang trên đường 5. Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 2 của địch tại Tuy Hòa huy động máy bay ném bom, phóng rốc két, pháo kích dội đạn để giải vây, nhưng bộ đội ta kiên cường bẻ gãy các cuộc phản kích, dập tắt tia hy vọng cố thủ đồng bằng của địch, sĩ quan binh lính vứt bỏ quân phục, súng đạn đầy rẫy trên mặt đường và dưới dòng kênh để tìm đường chạy trốn…”

Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ Tây Nguyên tháo chạy tán loạn về đồng bằng, bắt cầu phao vượt sông Ba từ đường 7 sang đường số 5 thuộc địa phận tỉnh Phú Yên.

Bằng niềm tự hào của người trong cuộc, ông Ba Quang tiếp tục câu chuyện: “Mờ sáng 1-4-1975, các cánh quân của Sư đoàn 320 cùng bộ đội địa phương tiến vào giải phóng thị xã Tuy Hòa. Tiếng đại bác, xe tăng của quân giải phóng tiến sát nội thị khiến quân địch tháo chạy tán loạn, nhiều binh lính, sĩ quan chết đuối khi chen nhau lên xe tăng ra cửa biển Đà Diễn và lội bộ vượt sông Đà Rằng. Chiếc máy bay trực thăng ở tỉnh đường Phú Yên bị trúng đạn pháo của bộ đội không thể cất cánh đưa đám sĩ quan cao cấp của địch trốn thoát, chiếc trực thăng còn lại ở sân bay Đông Tác cũng trong tình trạng hư hỏng, nhưng Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và Đại tá Vi Văn Bình vẫn vượt sông sang bên đó với hy vọng mong manh sẽ bay về Sài Gòn”.

Lúc đó quân ta đã làm chủ tình hình, Ủy ban quân quản huyện Tuy Hòa 1 đã được thành lập và tạm mượn nhà ông Nguyễn Đẽo ở bên đường QL1A – nay là đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa. Chỉ huy là ông Mười Hòa, tức Nguyễn Quyền – Bí thư huyện ủy và Huyện đội trưởng Trần Quang Tuyến, thư ký thường trực là ông Nguyễn Thành Quang. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy bộ đội và dân quân du kích địa phương truy kích tàn quân địch đang lẩn trốn, thu giữ vũ khí, chiến lợi phẩm, Ủy ban quân quản còn ghi tên họ, số quân binh lính địch ra trình diện và hướng dẫn họ về với gia đình chờ mệnh lệnh mới của chính quyền cách mạng.

Ông Quang nhớ lại: “Buổi sáng ngày 1-4-1975, trong lúc thực thi nhiệm vụ truy lùng binh lính địch, đội du kích do anh Trương Xuân Lập chỉ huy đã vây bắt một sĩ quan ngụy đang lẩn trốn trong rừng dương ven biển. Để lập công chuộc tội, viên đại uý này khai báo Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm – Phó tư lệnh Quân đoàn 2, Chỉ huy trưởng cuộc rút lui chiến lược từ Tây Nguyên đang ở sân bay Đông Tác. Lập tức mệnh lệnh truy lùng từ sân bay đến rừng dương đã được các mũi trinh sát Đại đội 377 huyện Tuy Hòa 1 cùng du kích thị trấn Phú Lâm, xã Hòa Hiệp triển khai và đã bắt giữ tướng Cẩm. Hơn 11 giờ trưa hôm đó, một người đàn ông trạc chừng bốn mươi lăm tuổi, dáng dấp cao to, mặc áo sọc caro, tóc cắt ngắn, đeo mắt kính trắng, chân mày rậm được du kích dẫn giải đến trụ sở Ủy ban quân quản huyện Tuy Hòa 1.

Khi nghe một cán bộ báo cáo đó là Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, tôi ra hiệu cho viên tướng này ngồi xuống ghế gỗ mượn từ tiệm hớt tóc của ông Đẽo, rồi tranh thủ thẩm vấn:

– Có phải ông là Trần Văn Cẩm?

– Thưa đúng, tôi là Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm – Viên tướng thất trận nói bằng giọng trầm buồn.

Chợt nghĩ, những nội dung thú nhận thất bại và kêu gọi binh lính, sĩ quan địch đầu hàng do chính tướng Cẩm phát ngôn sẽ góp phần tác động gây tan rã quân đội Sài Gòn nhanh hơn. Ông Ba Quang bước sang bàn kế bên lấy tờ giấy caro và cây bút bi trao cho tướng Cẩm rồi nói:

– Tôi là cán bộ của Ủy ban quân quản huyện Tuy Hoà 1, tôi yêu cầu ông viết lời thú nhận thất bại của Quân đoàn 2 nói riêng và Quân đội Sài Gòn nói chung. Trong thư ông phải kêu gọi binh lính, sĩ quan ngụy sớm đầu hàng quân giải phóng để tránh thương vong.

Đưa hai tay cầm giấy bút, nhưng tướng Cẩm do dự trong giây phút rồi gượng gạo cất tiếng:

– Tôi là sĩ quan cấp tướng, tôi muốn gặp cán bộ cao cấp của các ông.

Nghe Cẩm nói, ông Ba Quang bực tức vì một viên tướng thoát chết, phải cải trang thường dân trên đường tháo chạy đã được cán bộ cách mạng đối xử tử tế, nhưng vẫn tỏ ra là kẻ chỉ huy. Bằng giọng nghiêm khắc, anh nói với tướng Cẩm :

– Tôi thấy cần thiết phải thông báo cho ông biết, chúng tôi là du kích đang làm chủ mặt trận, ông là tù binh nên phải có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh của chúng tôi và những người chỉ huy ở đây.

Nghe nói đến du kích, tướng Cẩm chột dạ, vội vã thay đổi khẩu khí:

– Dạ thưa các ông, tôi đã hiểu, tôi xin chấp hành.

Khi tướng Cẩm ngồi viết lời thú nhận bại trận và kêu gọi binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn đầu hàng, mấy cán bộ Ủy ban quân quản huyện Tuy Hòa 1 tìm mượn được chiếc máy cassett hiệu Hitachi ở nhà dân gần đó, chuẩn bị ghi âm để loan báo rộng rãi. Sau một hồi cắm cúi viết, Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm trình tờ giấy caro cho ông Ba Quang. Sau khi đặt chiếc máy cassett lên bàn, Ba Quang yêu cầu tướng Cẩm đọc lại nội dung vừa viết. Viên tướng thất trận lặng lẽ đọc bằng âm giọng buồn tẻ, nhưng rất rõ ràng :

“Tôi tên là Trần Văn Cẩm, Chuẩn tướng Phó tư lệnh Quân đoàn 2, sanh ngày 15-1-1930, tại làng Quảng Lượng, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tôi bị quân giải phóng bắt giữ sáng ngày 1-4-1975 tại Làng Cát, xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tôi được đối xử tử tế và được đưa về tạm trú tại sở chỉ huy quân giải phóng…

…Tôi kêu gọi anh em sĩ quan, binh lính dưới quyền hãy hạ vũ khí, đầu hàng quân giải phóng và nhanh chóng ra trình diện các đơn vị quân đội cách mạng. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang tan rã nhanh chóng, chính quyền Sài Gòn chắc chắn sẽ sụp đổ trước sức mạnh không có gì ngăn cản nổi của quân đội cách mạng. Trở về với nhân dân, các anh em sẽ được đối xử tử tế, được hướng dẫn về quê nhà gặp lại vợ con và đoàn tụ gia đình…”

Cán bộ Sư đoàn 320 thẩm vấn Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (bên phải)

Tướng Cẩm đọc xong, cán bộ Ủy ban quân quản huyện Tuy Hòa 1 tranh thủ sao chép nhiều băng cassett khác rồi chuẩn bị thêm máy cassett, amply, loa phóng thanh, đưa lên xe ngựa, xe lam, xe honda cơ động trên tuyến QL1A vào tận đèo Cả tiếp giáp với địa phận Khánh Hòa, rồi lên đường số 5 để phát thanh lời của tướng Cẩm thú nhận bại trận và kêu gọi binh lính, sĩ quan đầu hàng.

Đêm hôm đó, tướng Cẩm nằm ngủ trên chiếc chiếu trải dưới chân cầu thang tại nơi Ủy ban quân quản huyện Tuy Hòa 1 tạm mượn nhà ông Nguyễn Đẽo, đến sáng hôm sau mới chuyển giao tướng Cẩm cho tổ công tác của Sư đoàn 320 tiếp nhận tù binh. Lúc đó, toàn tỉnh Phú Yên đã được giải phóng, trên đỉnh núi Nhạn Tháp và các cứ điểm của địch cùng những đường phố, làng quê, nhà dân rực rỡ màu cờ mặt trận giải phóng tung bay trước gió.

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *