Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cả đời học cách để… nói thật

VHSG- Khi còn đương chức Tổng biên tập báo Tiền phong kiêm Trưởng ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tiền phong… (có nghĩa là quyền cao chức trọng) cho tới tận khi đã nghỉ hưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh có một sở thích không thay đổi, đó là thú điền viên.

Sau những giờ khắc ở chính trường hay ở nơi mà cái đẹp ngự trị trên bục vinh quang của những sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, trở về khu vườn của mình, ông cởi bỏ tất cả để làm một Người Thơ.

Bởi vậy mà tại căn nhà rộng rãi của ông ở trung tâm thủ đô Hà Nội, lẫn khu vườn ở ngoại thành, mùa nào cũng có hoa nở, từng khóm hoa đẹp dịu dàng và thanh khiết. Nhà thơ Dương Kỳ Anh bảo rằng, ông yêu thiên nhiên vì trước thiên nhiên, người ta không thể dối lòng mình. Bởi cả cuộc đời đã qua của ông dường như là một hành trình sống để lựa lời… nói thật!

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Bây giờ, muốn gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh phải hẹn trước, không phải ông bận những công to việc lớn như thuở còn làm Tổng biên tập báo Tiền phong hay Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Người đẹp, mà khó gặp vì ông đi ở ẩn. Ông khép mình trong căn nhà sàn ở ngoại thành để viết tiểu thuyết.

Sau bao nhiêu vinh quang, thăng trầm ở cuộc đời, đối với ông, giờ đây điều có ý nghĩa quan trọng nhất chỉ đơn giản là những trang viết, những dòng chữ ông gõ lên bàn phím. Ông viết về làng quê Kỳ Anh nơi ông sinh ra và lớn lên, chứng kiến và chịu đựng bao nhiêu cay đắng của tuổi ấu thơ nhọc nhằn và điên đảo! Cả quãng đời gian nan trên con đường của công danh, sự nghiệp…

Đó như là những thước phim quay chậm ông đang tua lại để sống thêm một lần nữa những cảm giác đã qua, để biết mình vẫn còn những cảm xúc bồi hồi dù giờ đây đầu đã hai thứ tóc, đã lên chức ông nội và kịp giũ bỏ mọi ham muốn, đua chen trên con đường hoạn lộ với những vinh quang, cay đắng… Để nhận ra được những giá trị thật giả ở đời, để nhận diện cái yêu, cái ghét, để làm đôi câu thơ tình với một bóng hồng đã đi qua chóng vánh trong cuộc đời và đọng lại với nỗi đau của nhân tình thế thái.

Dương Kỳ Anh xuất thân trong một gia đình trí thức nông thôn. Cố nội là Dương Xuân Ôn, bỏ con đường làm quan, theo cụ Phan Đình Phùng, lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông nội cũng đi theo Việt Minh, chống thực dân Pháp, vào Đảng Cộng sản từ năm 1930, bị thực dân Pháp bắt đi đày, là lão thành cách mạng…

Bố đẻ đậu tú tài nhưng cũng không ra làm quan mà đi theo cách mạng từ sớm. Hai mươi tuổi đã làm Bí thư Huyện đoàn huyện Kỳ Anh… Dù là thế, nhưng tuổi thơ Dương Kỳ Anh có nhiều nỗi xót xa. Mẹ ông chết đói cùng hai đứa em sinh đôi chưa đầy tháng. Lúc đó Dương Kỳ Anh lên tám tuổi phải đi ăn xin nuôi cả nhà, có lúc ông phải ra ngủ ngoài chuồng trâu, khổ cực không kể đâu cho xiết!

Rồi ông xung phong đi bộ đội, lúc ấy Dương Kỳ Anh có cậu em ruột, cậu em rể đã đi bộ đội, bố là thương binh, nhưng ông vẫn xung phong ra tiền tuyến. Ngoài ý thức của một người con muốn chiến đấu vì quê hương đất nước, ông muốn đi vào nơi đầy đạn bom, máu lửa lấy thực tế để sau này viết văn. Suốt mấy năm, ông phải giấu tấm bằng đại học để được xông vào cuộc chiến, để có thực tế…

Sau ngày trở về, Dương Kỳ Anh thú nhận rằng, đối với ông, quân đội là một trường đại học lớn. Nơi đó ông học được tính kỷ luật và kỷ cương của một người lính, học tính cương quyết của một người đàn ông, học được cách chiến đấu dù phải trả giá bằng cả sự sống còn của bản thân mình.

Trong một bài viết gần đây về Dương Kỳ Anh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ: “Những người yêu quý ông vì ông là một nhà báo uy tín và là một nhà thơ đầy lòng trắc ẩn chứ đâu phải vì ông trao vượng miện hoa hậu cho cô này hay cô nọ… Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông đã mười lần đặt vương miện hoa hậu lên đầu mười cô gái đẹp của xứ này. Chín cô gái đẹp trước đó cũng chẳng làm nên tên tuổi ông nhưng cô thứ mười lại làm ông phải phiền muộn”.

Tôi hỏi nhà thơ Dương Kỳ Anh, trong 10 cô hoa hậu ông đã trao vương miện, nếu được chọn một cô làm ông hài lòng nhất, thì đó là cô nào? Không chút do dự, nhà thơ Dương Kỳ Anh trả lời rằng, đó là cô đầu tiên, hoa hậu Bùi Bích Phương. Cô là người được cả người cả nết.

Cô xứng đáng là người đẹp của Việt Nam, bởi trong mấy chục năm qua, cô luôn có ý thức sống không chỉ cho riêng mình, mà còn vì ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ khi được gắn trên đầu một chiếc vương miện của cái đẹp đại diện cho những người phụ nữ trên đất nước Việt Nam. Điều mà không mấy người đẹp đương đại khó có thể làm được. Tôi cũng hỏi ông về “sự phiền muộn” mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ trên đây, thì nhà thơ Dương Kỳ Anh chỉ cười.

Ông bảo rằng, nếu bây giờ được bắt đầu lại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, ông sẽ vẫn chọn thí sinh Thùy Dung là Hoa hậu, dù phải chịu búa rìu dư luận. Bởi đó là cách ông vinh danh cái đẹp. Và ông sẽ không thể làm khác khi đã tìm được cái đẹp hiện hữu trước mắt mình.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh vốn là người thẳng thắn, quyết đoán và bản lĩnh. Bởi thế, trên 30 năm gắn bó tên tuổi của mình cùng sự phát triển của tờ báo Tiền phong, ông đã làm được nhiều điều cho tờ báo đó nói riêng và cho nền báo chí nói chung. Nhưng rồi, chính những ngày tháng cuối cùng của con đường vinh quang ấy, ông lại va vào một cái “vạ” không đâu vào đâu cả.

Cho đến bây giờ, ông vẫn nhất nhất quan điểm cho rằng, thí sinh dự thi hoa hậu không cần phải có cái bằng tốt nghiệp THPT, vì họ có đi thi đại học đâu! Và điều đó đối với ông dường như không có gì là to tát cả, thiên hạ cứ làm cho nó to tát mà thôi. Cuộc đời ông đã trải qua nhiều biến động lớn hơn nhiều nhưng ông đã tìm cách vượt qua để tiếp tục sải bước trên con đường ông cho là đúng đắn và có ích cho xã hội.

Bởi vì thế, ông được nhiều sự tôn vinh trên bục vinh quang nhưng cũng bởi thế ông cũng phải gánh chịu sự ghen ghét của người đời. Dù ông là người đối ngoại cực giỏi, có thể có hàng triệu người biết đến ông, hàng trăm người chơi với ông, thậm chí yêu quý ông, vinh danh ông, nhưng ông không có nhiều người cùng “cánh”,  sẵn sàng xả thân  sống chết vì mình, dù ông đã từng sở hữu một đội quân đủ tiềm lực và tài năng để “mang chuông đi đánh đất người”…

Ngẫm lại, ông không mấy nuôi tiếc, bời vì nhà thơ Dương Kỳ Anh quan niệm rằng, cuộc đời này ngoài sự phấn đấu của mỗi cá nhân con người, còn là sự neo giữ công bằng của tạo hóa. Ông sống và làm việc bằng cái tâm của mình, thì ông sẽ gặt hái được sự đồng cảm của những trái tim chân thành và biết sẻ chia.

Dù ông nói vậy, nhưng tôi biết ông buồn. Nỗi buồn khó tả thành lời và khó sẻ chia. Ông bảo rằng, ở đời ông gặp nhiều sự bất ngờ, nhưng quả thật, điều bất ngờ lớn nhất là vào thời điểm ông phải nghỉ hưu và phải quyết định trao lại danh phận cho người kế cận ở tờ báo một thời nức tiếng.

Ông biết có những người ở tại tờ báo có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề đó, để có thể đưa tờ báo mà cả đời ông đã phấn đấu cho nó đi lên như mong muốn, nhưng khi đề cử lên cấp trên thì ông lại gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía một vài người mà lâu nay ông vẫn tin người ta đang dõi theo ủng hộ mình.  Ông buồn là buồn cho nhân tình thế thái. Dù nỗi buồn ấy trong trái tim thi nhân, nó đã luôn ngự trị như một huyết mạch chỉ cần chạm vào là dâng trào cảm xúc.

Bao nhiêu tâm sự, ông trút hết cả vào văn thơ nhưng những khoảnh khắc đối diện với chính mình: “Mảnh vườn ta chim bay về ngày một đông/ Khoảng không gian xanh trở nên chật chội/ Những ngọn trúc, bụi tre oằn mình vì lũ chim chen chúc/ Ta có ngờ đâu/ Lũ chim đã nhiễm phải thói xấu của con người/ Chen đậu, chen ăn, chen thải phân xuống đất/ Chúng hỗn chiến đêm đêm/ Gào lên quang quác/ Phả mùi tanh tưởi vào căn phòng của ta/ Ôi lũ chim phản trắc!/ Ta muốn đuổi chúng đi/  nhưng chúng biết đi đâu?/ Bốn phía trời xanh, đùng đục ngả màu!/ Ta thương lũ chim di trú như thương ta/ Tìm một chỗ trú thân đã khó/ Tìm một chỗ bình yên càng khó hơn/ Trời cao lồng lộng/ Mà đàn chim di trú không biết bay về đâu…?!”.

Có ai đó từng mô tả hình ảnh của nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Trong con người đó luôn tồn tại song song một sói non và một cừu già?”. Cũng có thể. Nhưng tôi đồ rằng, chẳng có con sói hay con cừu già riêng rẽ nào cả. Chúng cứ nhập vào nhau, thật khó nhận ra… Con sói non mạnh mẽ, dám làm tất cả mọi chuyện, nhưng con cừu già lắm kinh nghiệm cũng chẳng kém cạnh. Đó vừa là sở trường, vừa là sở đoản của Dương Kỳ Anh. Sở trường giúp ông luôn đứng vững để có mọi thứ, sở đoản bởi chính vì thế mà ông ít có được thứ gì cho riêng mình…”.

Hỏi về điều này, ông chỉ cười: “Tôi cảm ơn trời đất đã cho tôi những gì tôi có. Dù cuộc đời, như Trịnh Công Sơn đã nói, chỉ là quán trọ”.Bây giờ, nhà thơ Dương Kỳ Anh đang làm Chủ tịch Hội đồng biên tập của một tờ báo điện tử sau khi từ chối rất nhiều lời mời của những tờ báo giấy lớn nhỏ khác. Ông chỉ muốn có một chỗ để có thể lựa lời… nói thật.

Còn thực sự với ông bây giờ, mọi thứ dường như là phù phiếm trước cái vô tận của thời gian và không gian. Ông bảo rằng, ông rất tâm đắc với câu thơ của ai đó: Đi vào trong láo nháo của cuộc đời, mới biết chúng ta nhầm lẫn cả! Có những cái bây giờ mình mới nghiệm ra, có những điều mình không hiểu được, sẽ phải khác chăng?

Có lúc muốn quên đi thế sự, nhân tình mà chẳng được… đành trút hết cả vào thơ: “Ta muốn trốn vào yên tĩnh/ Trốn vào cô đơn/ Trốn vào nỗi buồn/ Trốn vào năm tháng/ Trốn vào cõi lặng/ Bậc của nhà ta không vướng chút bụi trần…/ Giờ có người đến mời ta/ Làm giám đốc trung tâm/ Đến mời ta/ Làm tổng biên tập báo/ Mời ta đi/ Hội thảo…/ Ta biết trốn vào đâu?/ Hạt bụi trắng thời gian, đã lốm đốm trên đầu!”

TRẦN HOÀNG THIÊN KIM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *