Những trăn trở ưu tư đẫm chất thế sự trong thơ 1-2-3 Vũ Tuyết Nhung

Một đặc điểm dễ nhận ra trong thơ 1-2-3 của Vũ Tuyết Nhung là thơ chị rất giàu thi ảnh. Điều ấy đã làm cho thơ Tuyết Nhung thêm da diết và trữ tình hơn cho dù thơ của chị nghiêng hẳn về thơ tự sự. Mỗi một bài thơ của chị là một lời tâm tình thủ thỉ, nhẹ nhàng mà sâu lắng ưu tư. Tiếng nói tâm sự bằng ngôn ngữ thi ca tự sự cực kì sắc sảo, bởi thế tự thân nó có sức hút với người đọc. Chị sắp xếp con chữ theo ý đồ nhưng lại rất tự nhiên, không hề để lộ ra sự xếp đặt. Đây là cái hay, sự tinh tế và khéo léo khi chọn câu chữ của tác giả. Có cảm tưởng khi nhìn vào những bài thơ 1-2-3 của chị, ban đầu người ta có vẻ ngần ngại đọc, nhưng khi đọc rồi thì chính nội dung ý nghĩa và câu chữ ở từng bài nhỏm dậy cuốn lấy độc giả, khiến suy nghĩ ban đầu kia biến mất, thay vào là sự trân trọng ghi nhận, rồi sẻ chia và nâng niu như chính chị đang nâng niu Tiếng Việt.

Nhà phê bình Khang Quốc Ngọc

Mỗi một bài thơ của nữ sỹ như là một câu chuyện được kể lại bằng sự chắt lọc, tự câu chuyện nó bung ra ý nghĩa, có khi vài từ lồng ghép vừa có nghĩa gợi tả vừa có nghĩa đánh giá chuốt lại vấn đề, cái này ta thường bắt gặp ở câu thơ cuối bài, sự đóng kết cho dù có ý đồ nhưng lại cũng rất tự nhiên nên nó đã thuyết phục được người đọc. Bởi thế, chất tự sự trong thơ 1-2-3 của chị luôn ăm ắp. Bài nào cũng ngồn ngộn và đẫm đặc chất liệu cuộc sống.

Thơ 1-2-3 của Nhung để lại những dư âm rất đậm về lối sống, cách sống của con người hiện đại. Đây là phẩm chất tích góp hiện thực vốn cần có và đáng quý của người viết. Sự quan sát và chắt lọc một khi đã chất chứa đảm bảo dư thừa về số lượng thì tinh chất về chất lượng sẽ xòe ra thôi, điều ấy đã là quy luật trong cuộc sống rồi, dĩ nhiên thơ ca nghệ thuật cũng không khác.

Đa số thơ 1-2-3 của Nhung được dựng lên bởi những hình ảnh tương phản. Chính những hình ảnh trái chiều ấy nó ám ảnh và tạo ra sức gợi, sức vang. Sự “phù hoa” và sức nặng của đồng tiền đã làm cho nhân vật người mẹ trong bài thơ Bà nằm trên giường cười tươi đếm tiền con xa gửi che mất đi cái trân quý của tình thương hiện hữu. Nhân vật “Người con trai nghèo tối bóp chân ủ than cho mẹ khỏi buốt” và chi tiết“nạc để dành phần mẹ”, còn mình thì “vợ chồng chỉ ăn xương” là hình ảnh cảm động về lòng hiếu thảo, nhưng nó đã bị cái “phù hoa” kia đánh bật ra vì mẹ luôn khoe con gái thảo ngoan với hàng xóm. Sự thật đó có thể đã được xếp đặt và đưa vào bệ đỡ cho ý nghĩa phóng lên, tuy chưa phải cái gì đó ghê gớm đến cay đắng nhưng cũng là tiếng nói cần phải được thanh minh. Ai cũng ca ngợi “lời nói đi đôi với việc làm” mà đôi khi chính chúng ta, vì cái lợi xa “phù hoa” phù phiếm mà quên đi cái đáng trọng đang rất gần chỉ vì cái đáng trọng, đáng trân quý ấy nó bình thường quá, nó quen thuộc đến độ làm người ta dễ dàng quên mất nó. Cánh cửa thực tế mở ra để tạo cho dư âm của sự xa xót nhỏ lệ. Một sự thờ ơ với tình thương hiện hữu đáng được gióng một hồi chuông báo động bởi nó còn phảng phất cả nguy cơ tình thương đang bị đe dọa thay thế bởi giá trị đồng tiền ngay chính trong ngôi nhà thân yêu của mình nữa!

Bà nằm trên giường cười tươi đếm tiền con xa gửi

 

Khoe với cả làng con gái thảo ngoan thương mẹ nhất đời

Quên đã lâu chỉ gặp con qua face, dấu yêu gửi mẹ

 

Người con trai nghèo tối bóp chân ủ than cho mẹ khỏi buốt

Thịt con gà còi vợ chồng ăn xương nạc để dành phần mẹ

Bà vẫn thở dài, tình thương đôi khi mờ bởi ánh phù hoa

Sinh nhật mẹ là đáng để cho chúng ta nhớ, ở đây “người con trai” của mẹ mời bạn bè đến nhà để tổ chức “mừng sinh nhật mẹ” là cực kì quý và đáng trân trọng. Nhưng đọc hết bài thơ hóa ra không phải. Thủ pháp tương phản đã được tác giả sử dụng khá đạt hiệu quả. Hàng loạt từ ngữ sáng choang được gắn với người con trai: “mời bạn” (là trân trọng), “cỗ soạn ngon sang” (là sang trọng), “bao lời chúc bà khỏe vui trăm tuổi” (tuy xã giao nhưng là lễ nghĩa, đáng kính) để kích cho nhân vật người con trai ấy lên, lên càng cao càng tốt. Bởi càng hào nhoáng sang trọng bao nhiêu thì cái chất giả dối, bất hiếu được kích hoạt lên bấy nhiêu. Trong khi đó mẹ thì nằm liệt giường (là bệnh), lại “nằm phòng bếp” (là xem thường, bỏ rơi mẹ!?), “cửa sổ không khép giường đau chiếu mỏng” (là sơ sài, là có ý bỏ mặc đày đọa mẹ!?), rồi đến đỉnh điểm của sự tương phản ấy là hình ảnh người mẹ “run sốt rét mắt nhòa lệ” (là mẹ đang cố gắng trong đau đớn) bởi hiện thực đã được phủ một lớp sơn hào nhoáng dối trá, điêu ngoa khi ở phần sau dòng thơ cuối tác giả buông ra một chùm từ ngữ lột mặt nạ đứa con trai bất hiếu kia“nghe con hát bài mẹ yêu”. Bài thơ mang dáng dấp một kết cấu của truyện ngụ ngôn nhói buốt cuộc đời. Một hiện thực đã, đang và sẽ làm đau đớn rỉ máu xã hội.

Người con trai mời bạn đến nhà mừng sinh nhật mẹ

 

Cỗ soạn ngon sang, bao lời chúc bà khoẻ vui trăm tuổi

Hát mở loa thùng vang cuối xóm nghe: cho con gánh mẹ

 

Khách quan khen anh người con hiếu thảo mừng bà hưởng phúc

Cụ liệt nằm phòng bếp cửa sổ không khép giường đau chiếu mỏng

Người run sốt rét mắt nhoà lệ nghe con hát bài mẹ yêu

Đến bài Sao em lại đổ tội cho loài người trên bàn phím? thì cái chất thế sự quặn thắt kia bật ra thành những dằn vặt hỏi đáp truy vấn riết róng. Một câu hỏi tu từ thả ngay ra từ câu thơ thứ nhất và cũng là tên bài thơ để hiện thực hóa sự bầy đàn u vọng. Hỏi đáp truy vấn như là một thủ thuật nhằm giãi bày thực trạng. Một sự đổ lỗi không khoan nhượng của những thực tế mà cộng đồng mạng hay gọi là “tay nhanh hơn não”! Bao nhiêu suy tư đổ thừa vang lên mà không hề thấy xuất hiện một sự tự trách, tự hối cải, tự xuyên thấu cái tiếng nói thấu cảm kia phải chăng cũng là lời cảnh tỉnh? Ở đó, tiếng nói bản ngã đang lên ngôi. Tác giả đã rất khéo léo lồng ghép vào nội dung ý nghĩa của luật nhân quả mà đưa ra lời cảnh tỉnh chung. Điều ấy cho thấy nữ sỹ đã rất thẳng thắn trong việc xác quyết vấn đề. Bốn câu hỏi cho một bài thơ 6 dòng là mang nặng tư duy truy vấn đến kiệt cùng. Lời thơ chân thành và quyết liệt. Giọng thơ rắn chắc giàu lí trí. Có phải chúng ta thật sự không có lỗi gì trong cái lỗi mênh mông của loài người kia ư? Biệt nghiệp và cộng nghiệp le lói đan cài, thành thử câu chữ lại gồng mình mang vác thêm chất triết lí của phật pháp về con người. Tự mổ xẻ vì thế mà phơi ra đẫm chất suy tư!? Ý thơ buốt. Lời thơ rát.

Sao em lại đổ tội cho loài người trên bàn phím?

 

Loài người giết rừng, loài người tử hình biển, làm bạc đất?

Ngày khóc đau đêm mất ngủ vì loài người vô ý thức?

 

Những đứa trẻ ở nhà chơi game, chúng không thích nghe chim hót

Chúng bừa bãi bỏ rác, đánh bạn không biết quan tâm người khác

Sao em lại quên măng đắng đang bật rễ từ vườn nhà mình?

Nhà thơ Phan Hoàng trao Tặng thưởng Thơ 1-2-3 cho Vũ Tuyết Nhung ở Hà Nội tháng 11.2020

Chùm thơ ba bài phía dưới lại vẫn là một sự cố ý xếp đặt khi cả ba bài thơ tác giả đều xoáy sâu vào nhân vật trữ tình là người phụ nữ. Tuy mỗi bài chị tạc một chân dung nhưng chân dung đó là những người đàn bà ta bắt gặp đâu đó xung quanh mình. Tuy có sự ám thị khác nhau nhưng đều có sự ám ảnh. Ám ảnh bởi những chân dung phụ nữ sắc sảo thời bốn chấm đầy những ma lanh và thủ đoạn.

Bài Người đàn bà cõng chữ còng lưng leo núi đá toác chân là chị mượn hình ảnh “người đàn bà cõng chữ” để nói về chuyện lao động chữ nghĩa khi con người không làm chủ được mình, họ vội vã hùa theo hoàn cảnh mà đánh mất cái hay riêng. Ba câu đầu là sự cố gắng tự thân vươn lên, tuy vất vả “núi đá toác chân”, “gai cấu xước tay mồ hôi trộn máu nước mắt tắm người” nhưng nhân vật vẫn tràn đầy niềm tin ở đích đến, hy vọng tràn trề ở con chữ sáng tạo cố gắng của mình “chữ chỉ bà nơi có hoa quả thơm mát họa mi hót”. Thế thì “còng lưng leo núi đá toác chân” cũng không sao, có là gì! Thế nhưng, cuộc đời có lắm thứ tréo ngoe. Sự tự thân cố gắng biến mất khi “lên được nửa núi” vì người phụ nữ ấy có thể đã quên mất mình. “Thấy người đàn ông ngồi cáp treo đi tắt” là hình ảnh đã tác động ghê gớm đến tâm trí nhân vật người đàn bà. Đó là hoàn cảnh bủa vây xung quanh con người, có thể hỗ trợ và cũng có thể dập vùi nếu con người không đủ tỉnh táo sáng suốt mà nhìn ra vấn đề. Và thế là nhân vật người đàn bà bị cuốn vào cái “cáp treo đi tắt” kia bằng chính sự từ bỏ tất cả những cố gắng trước kia của mình, hình ảnh “bà trang điểm đẹp” đã nói lên điều đó. Nhưng rồi thì sao, cái gì đến nó sẽ đến. Tưởng vậy mà không phải vậy! “Cáp treo hóa đầm lầy, hồn không còn thơ, chữ vội bỏ đi” thì đích đến của người đàn bà vốn đam mê “cõng chữ” trên kia giờ chỉ còn là một con số không hư ảo. Ý nghĩa con chữ bài thơ bật ra: Sẽ mất hết không còn gì khi người ta đánh mất mình. Thi ca cũng thế, một khi anh không còn là anh nữa, thì những cái anh viết ra vô hồn, vô cảm sao có thể gọi là thơ mà anh mơ đến đích? Ý thơ gắt. Giọng thơ lạnh.

Người đàn bà cõng chữ còng lưng leo núi đá toác chân

 

Gai cấu xước tay mồ hôi trộn máu nước mắt tắm người

Chữ chỉ bà nơi có hoa quả thơm mát hoạ mi hót

 

Lên được nửa núi thấy người đàn ông ngồi cáp treo đi tắt

Bà trang điểm đẹp trèo lên tưởng thân nhàn mà vẫn đến đích

Cáp treo hoá đầm lầy, hồn không còn thơ, chữ vội bỏ đi

Bài Nàng ca sỹ lạc rừng được người ẩn sỹ cưu mang là tiếng nói thất bại trong đau khổ khi phải giã từ sự cưu mang ngay trong lúc sự tự thân nâng đỡ chưa đủ. Đây là bài thơ có ẩn ý khuyên người hãy luôn giữ trong lòng sự hồn nhiên trong trẻo thì mới mong có “tâm thanh tình thắm”, một khi chạy theo sự cuồng vọng bên ngoài thì chỉ chuốc lấy khổ đau khi mà ta còn non yếu mọi mặt. Sự vỗ tay khích lệ nào cũng đáng quý nhưng chạy theo sự vỗ tay, là chạy theo huyễn danh thì tránh sao khỏi hư danh, để rồi cuối cùng chỉ là sự gục ngã ê chề “Lòng khản tiếng rừng tìm người xưa bóng hút đường phù hoa đau”. Ý thơ ngân. Giọng kể pha chút tiếc nuối.

Nàng ca sỹ lạc rừng được người ẩn sỹ cưu mang

 

Tiếng cười suối ngàn, ngọt môi rau rừng tóc thơm hoa dại

Tâm thanh tình thắm nàng nghĩ về những đứa trẻ cười giòn

 

Gió bỗng ngân nhạc, nàng nhớ lại ánh đèn, lòng khát sân khấu

Giã từ suối ngàn quên tình ẩn sỹ về tìm tiếng vỗ tay

Lòng khản tiếng rừng tìm người xưa bóng hút đường phù hoa đau

Bài Người đàn bà dùng chữ nâng danh hồn ngọc rạng văn đã vẽ lên chân dung ghê gớm về một người đàn bà đam mê danh vọng chữ nghĩa với những thủ đoạn “lời dối xô bạn, mượn từ leo nấc công danh”, “trang phấn điểm son, câu từ luồn cúi, ghen kẻ viết hơn mình”. Một sự đố kỵ trong giới viết lách đã được tác giả định danh gọi tên trong thơ 1-2-3. Những hình ảnh thơ tanh tách bật ra kiểu thổi người vào chữ, nó không lạ, nhưng làm độc giả xao xác và rùng mình. Rùng mình vì chân tướng nhân vật trữ tình “cao tay” được dựng lên. Rõ ràng, nhân vật kia thuộc giới tinh hoa, nhưng lại tầm thường bởi nhân cách nhỏ nhen ích kỉ “mượn từ leo nấc công danh”, “câu từ luồn cúi”. Câu từ luồn cúi hay chính nhân vật kia luồn cúi thì cũng quẩn quanh con người vị kỉ, mượn câu chữ, mượn ngòi bút của người khác để đạt được mục đích riêng tư. Một sự giả dối trơ trẽn được bày ra trên một mâm câu chữ mời gọi, có hấp dẫn đó bởi ngay gần đó người phụ nữ đã biết cách “trang phấn điểm son” tô vẽ con chữ để con chữ đẹp lên rồi. Đây là một sự cả gan và đầy thách thức đối với tác giả. Chỉ sáu dòng thơ gói gọn trong một bài 1-2-3 thì đủ làm nổi bật một chân dung kia không? Điều này, tác giả đã hết sức gói ghém để cuối cùng sự co giãn cũng đã làm được như ý đồ người viết. Chân tướng ấy đã hiện hồn qua chân dung người đàn bà mê “leo nấc công danh” hơn là mê leo lên tận cùng với con chữ. Và rồi cuối cùng thì mọi sự cố gắng nhấp nhem vị kỉ của nhân vật trữ tình nữ kia cũng chẳng hạnh phúc gì, chỉ là một kết cục ê chề“Hồn đen chữ bẩn, hoa tàn hương bay, văn bẹp dưới vết bùn”. Con chữ như xao xác tả tơi mà gợn mà đau! Ý thơ chát. Giọng thơ vẫn lạnh.

Người đàn bà dùng chữ nâng danh hồn ngọc rạng văn

 

Nàng chân quê ươm lúa vào từ hương bưởi chanh trộn mực

Chữ ngát hương đưa nàng thơm hoa, lòng phố bỗng nhiều bụi khói

 

Trộn chữ vào lời dối xô bạn, mượn từ leo nấc công danh

Trang phấn điểm son, câu từ luồn cúi, ghen kẻ viết hơn mình

Hồn đen chữ bẩn, hoa tàn hương bay, văn bẹp dưới vết bùn

Có thể nói tác giả Vũ Tuyết Nhung đã lần đầu tiên dựng chân dung kiểu nhân vật Tào Thị cô nương rất đạt của thời đại bốn chấm không trong thơ 1-2-3 đẫm đặc thi ảnh.

Tóm lại, có thể nói những bài thơ 1-2-3 của Vũ Tuyết Nhung thường thẳng thớm và ngăn nắp. Ngăn nắp nhưng lại không lộ diện cầu kì gọt đẽo. Nó vẫn có cái tung tẩy tự do của con chữ trong giới hạn nhất định. Từng bài một tròn trịa, ngay hàng thẳng lối y như gạch vừa ra lò. Ấy là cái tuân thủ xét ở mặt hình thức yêu cầu, tuy không bắt buộc nhưng nó là cái khuôn định dạng mà ít khi người sáng tác chú trọng. Nhung thì khác. Chị đi đứng từ tốn và dè dặt trên khuôn hình ấy, chị đúc nặn theo kiểu rất riêng của chị nên na ná đấy mà vẫn rất riêng đấy. Bởi con chữ của chị có sức ghị níu và ám ảnh. Vì lẽ đó, thiết nghĩ câu chữ của Nhung chắc chắn đã được chị chưng cất nhiều lần qua sự chọn lựa, nên nó tỏa sáng ngay khi nó được xếp đặt yên vị ở từng bài thơ. Đây là điểm nổi trội hiện tại của Nhung trong thơ 1-2-3 và cũng chính là sự thách thức về sau với chị ở thể thơ này! Mong rằng sự thách thức ấy sẽ như là điều kiện để tạo chất xúc tác và điểm giậm nhảy cho chị sáng tạo hay hơn nữa, độc đáo hơn nữa ở giai đoạn sau!

Sài Gòn 27.11.2021

KHANG QUỐC NGỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *