Rong ruổi miệt Cà Mau – Trương Chí Hùng

VHSG- Trước khi đi Cà Mau tôi có nghe nhiều người nói cái xứ đó hoang vu lắm, nào là: “chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ xuống sông sợ đĩa lên rừng sợ ma”; nào là “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”. Người ta còn bảo cái tên “Cà Mau” nói theo tiếng Khmer là “Tưk Khmau”, nghĩa là xứ “nước đen”. Nghe tên gọi thôi đã hình dung ra một vùng đầm lầy xa xăm biệt dục, vừa thấy tò mò vừa như ngán ngại. Vậy mà tôi cũng đi, đi trong nỗi niềm háo hức khó tả.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đặt chân tới Cà Mau cách nay cũng hơn chục năm. Khi đó, từ thành phố Cà Mau đi về Đất Mũi chưa có đường nhựa, phải đi tàu. Đó là chuyến đi khá ấn tượng với tôi khi được ngồi trên chiếc tàu chạy xuyên qua mấy rặng dừa nước, mấy vạt rừng đước rừng tràm xanh mướt mắt. Có đoạn nước sông cạn quá, tàu bị mắc kẹt lại, người ta phải tắt máy và dùng sào chống. Tôi ra ngoài mũi tàu, nhìn thấy mấy con cá thòi lòi bò lúc nhúc trên bùn. Chúng giương hai mắt dòm chiếc tàu đang nhích từng chút một, rồi nhìn chúng tôi như muốn hỏi xem tại sao lại xâm phạm vào lãnh địa và quấy rối chúng. Nhìn chán rồi chúng lại thi nhau bò trên bùn như đang chơi trò cút bắt. Đó cũng là lần đầu tôi biết cái giống cá kỳ quặc đó. Thân hình nó khá giống cá bống, nhất là phần đầu, nhưng hai vây trước lại phát triển và linh hoạt giống như hai cái chân hải cẩu, nên nó bơi giỏi mà bò cũng nhanh, leo trèo cũng được. Đặc biệt, hai mắt nó to tròn như hai viên bi, nhô cao ngay đỉnh đầu, có lẽ chính vì thế mà nó có tên là “thòi lòi”. Mãi sau này tôi mới biết, loài cá trông hình thù quái dị ấy lại là đặc sản khoái khẩu của du khách khi đến miệt này. Chớ lúc đó, tôi chỉ thấy sao loài cá này giống tụi con nít xóm tôi trước đây quá. Hồi nhỏ, hễ nước ròng là chúng tôi xuống sông bắt cá chạch, bắt chình, mò hến. Thỉnh thoảng chia phe nhau móc đất chọi lộn, rồi trườn mình trên lớp bùn non đến nỗi nhìn mình mẩy đứa nào đứa nấy như cục sình khổng lồ, chỉ còn thấy hai con mắt. Trong tâm thức tôi, những người dân miệt sông nước cũng ngụp lặn như bầy cá thòi lòi kia, bám vào bùn vào đất để sinh tồn.

Nhà văn Trương Chí Hùng

Khi tôi miên man nghĩ về phận người phận cá miệt sông nước thì chiếc tàu đã qua chỗ cạn, tiếp tục nổ máy hướng về Đất Mũi. Lúc này bắt đầu lác đác hiện ra vài căn nhà cất dọc bờ sông. Điều lạ lùng đối với tôi là ở đây nhà nào cũng quay cửa xuống sông, chớ không phải quay cửa lên bờ như những khu vực khác. Mấy người đi chung tàu nói cho tôi biết, dân xứ đó đâu có đi lại bằng đường bộ, toàn đi bằng xuồng ghe thôi, nên cửa quay xuống sông mới là cửa chính, nếu có làm thêm cửa phía trên bờ thì cũng là cửa phụ. Tôi nhìn kỹ lại, thấy đúng là phía bờ hầu như không có đường sá gì hết. Đôi chỗ người ta đắp tạm mấy cục đất để di chuyển từ nhà này qua nhà khác. Có chỗ người ta bắc cầu khỉ dài dọc theo bờ sông chớ không làm đường. Chính đặc điểm đó đã khiến cho một nghề khá thịnh hành ở khu vực này, đó là nghề chạy đò dọc. Những chủ đò cứ chạy dọc theo các con sông hoặc kinh rạch, ai cần đi đò thì gọi hoặc dùng nón lá ngoắc đò vô rước. Đối với những chuyến đò đêm, nhà nào muốn đi đò thì để cái đèn dầu dưới bến, chủ đò sẽ biết mà ghé vào đón.

Tôi ngồi nhìn ngắm ghe tàu xuôi ngược mấy tiếng đồng hồ thì cũng tới được Đất Mũi. Tôi leo lên đài vọng cảnh, thu vào tầm mắt mênh mông biển trời cực Nam của Tổ quốc, lòng dậy lên bao xúc cảm thiêng liêng. Mãi sau này tôi mới có dịp sống lại cảm xúc ấy, khi chạm vào điểm cực Bắc của Tổ quốc ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tôi đã uống ngụm nước sông Nho Quế để cảm nhận vị ngọt mát cũng chẳng khác gì dòng Cửu Long quê tôi. Trong bất giác, tôi nhận ra núi sông quê mình đâu đâu cũng rất đỗi thân thương, như máu thịt của quê hương xứ sở. Những xúc cảm đặc biệt ấy xoáy sâu vào tâm khảm tôi, khiến suốt mấy tiếng ngồi tàu trở về thành phố, tôi hầu như không nói chuyện với ai, chỉ lặng yên nhìn ngắm rừng cây xanh điệp trùng và sông nước miên man trôi tuột lại phía sau.

Sau lần đó, tôi có trở lại Cà Mau thêm vài lần nữa. Dù những lần sau tôi không phải ngồi tàu mòn mỏi mà chỉ ngồi xe bon bon đến ngắm nhìn Đất Mũi. Cho đến một hôm, tôi quyết định đi Cà Mau theo cách riêng, là chạy xe gắn máy. Tôi cũng không muốn đi tới thành phố Cà Mau, mà muốn đi lân la các huyện vùng ven. Tôi chọn đi hướng về sông Trẹm miệt Thới Bình. Đã từ lâu, con sông Trẹm gợi cho tôi khá nhiều tò mò. Tra cứu tư liệu thì thấy ghi sông Trẹm còn gọi là sông Trèm Trẹm, con sông dài chừng bốn chục cây số chảy từ khu vực Chắc Băng – Cán Gáo qua rừng U Minh Hạ, huyện Thới Bình rồi đổ về sông Ông Đốc (Cà Mau). Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Hoa, chữ “trẹm” có tiền thân là “tlẹm”, chỉ một con sông có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như các con sông thông thường. Dân Miền Tây trước kia hầu như ai cũng mê tuồng cải lương “Bên dòng sông Trẹm”, nhưng cũng đâu có mấy người diện kiến được con sông này. Chính những ý nghĩ ấy khiến đoạn đường gần hai trăm cây số chẳng thể làm tôi ngán ngại.

Tôi chạy xe đường Minh Lương, qua Tắc Cậu, chạy dọc kinh Xẻo Rô về Miệt Thứ. Đến Thứ Mười Một, tôi mới hỏi người dân đường về sông Trẹm. Dân địa phương nói tôi cứ chạy theo đường Xuyên Á, đến đoạn huyện Thới Bình rẽ vô thì sẽ chạy dọc sông Trẹm được, chứ thượng nguồn sông Trẹm không có đường bộ, người ta chỉ đi bằng xuồng ghe, tắc ráng. Khi thấy tôi cương quyết đi cho biết thượng nguồn sông Trẹm thế nào, những người chỉ đường có vẻ không yên tâm, họ nói phải đi đường vòng, có thể tôi sẽ bị lạc đường. Tôi nói, lạc cũng không sao, biết đâu đi lạc tôi sẽ đến được những nơi thú vị hơn. Tôi chạy theo hướng người dân chỉ, và… lạc đường thật. Chạy tới trưa mà tôi vẫn không biết hướng nào ra bờ sông Trẹm, lâu lâu mới gặp được một người dân để hỏi đường thì mỗi người chỉ một hướng. Tôi bật điện thoại lên dò bản đồ thử thì điện thoại mất sóng. Cùng đường, tôi cứ theo cảm tính mà chạy. Gần 2 giờ chiều, thời may gặp được một chòm nhà lá cất bên mép rừng tràm, tôi dừng lại hỏi đường.

Chị chủ nhà tuổi trạc bốn mươi lăm nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên, cơ hồ như sự hiện diện của một người xa lạ ở cái xóm heo hút này là điều gì hi hữu lắm. Chị hỏi tôi từ đâu đến, sao lại lạc tới chỗ này, có biết đây là rừng U Minh Hạ không? Tôi nói với chị rằng mình đi tìm dòng sông Trẹm ở nơi khởi nguồn nguyên sơ nhất của nó, rằng tôi muốn đến thị trấn Thới Bình xem nhịp sống của bà con vùng giáp nước, tôi muốn diện kiến một Cà Mau hồn hậu xưa cũ, nên tôi đã lạc tới đây. Chị có vẻ khó hiểu trước cái cách tôi giải thích, nhưng vẫn nói với tôi bằng giọng của một người thân thuộc. Chị bảo tôi cứ nán lại, chị nấu cơm cho tôi ăn rồi hãy đi tiếp, vì từ nơi này ra thị trấn Thới Bình còn xa, riêng thượng nguồn sông Trẹm thì chỉ có thể đi bằng xuồng ghe chứ không có đường bộ. Tôi đã từng rong ruổi ở Miền Tây nhiều bận, nên không còn xa lạ gì với sự nhiệt tình mến khách của bà con. Đãi khách lỡ đường bữa cơm đạm bạc hay cho tá túc qua đêm cũng là chuyện thường tình nơi đây. Bởi vậy tôi không ngần ngại dựng xe vào sân, ngồi trò chuyện với vài người dân ở xóm trong khi chị chủ nhà bắc cơm sau bếp.

Tôi tranh thủ nhìn khắp gian chính căn nhà lá của chị. Vài bộ quần áo cũ treo trên vách. Chiếc chiếu bạc màu quấn mớ mùng mền đặt ở góc nhà. Cái bàn thờ kê bằng một miếng ván nhỏ trên bốn gốc tràm, trên đó có chiếc lư hương bằng lon sữa bò, vài cọng chân nhang cắm liêu xiêu. Mọi thứ trong căn nhà hầu như đã minh chứng cho gia cảnh khốn khó và đơn chiếc của chị. Nó cũng khiến tôi thấy áy náy vì biết đâu mấy lon gạo nấu bữa cơm ngẫu nhiên đãi tôi, chị cũng lén đi đằng cửa sau qua nhà bên mượn tạm. Thấy tôi có vẻ không tự nhiên, nên khi đặt mâm cơm xuống, chị phân trần. Chị bảo, chồng và con chị đi Bình Dương làm mướn hết rồi, chị ở nhà giữ đứa cháu thôi. Nhà có mấy người mà cả năm chỉ gặp mặt nhau dịp tết. Tôi nhìn vô mâm cơm, có dĩa trứng chiên với chén nước tương. Sợ tôi ngại chị lại nói, cưng cứ ăn tự nhiên, đột xuất quá chị không có gì đãi, chỉ có mấy cái hột vịt chiên cho cưng ăn đỡ. Tôi nhìn chị xới cơm, gương mặt đầy nỗi nhọc nhằn. Những nếp nhăn hằn lên trán và đuôi mắt chị khiến tôi nhớ da diết khuôn mặt tảo tần của mẹ tôi lúc sinh thời. Chị kêu tôi ăn cho no bụng, chớ đoạn đường phía trước còn dài lắm. Cứ như tôi là con em trong nhà, chứ không phải người chỉ vừa mới ghé qua đây mươi phút, và chắc rằng sẽ hiếm có khi nào quay trở lại.

Cơm nước xong, tôi xách ba lô lên, cảm ơn chị lần nữa, rồi từ biệt mọi người để tiếp tục hành trình. Xe vừa nổ máy thì có ông chú kêu giật ngược lại. Tắt máy xe rồi tôi mới biết chú kêu tôi kiểm tra xăng coi đủ chạy không, nếu không đủ thì chú chiết xăng trong cái máy ở dưới ghe của chú cho tôi. Chú nói đường dưới này vắng lắm, hết xăng dọc đường rất nguy hiểm. Tôi kiểm tra thấy xăng cũng còn gần đầy bình, nhưng cái quan trọng hơn là cảm thấy tình nghĩa của bà con nơi đây đong đầy trong tim tôi.

Đoạn đường tiếp theo đúng là vắng thật. Tôi chạy xuyên qua rừng tràm, mênh mông không đầu không cuối. Tôi từng đọc nhiều tác phẩm của Sơn Nam, nên có lúc cũng tưởng tượng cảnh đàn cá sấu há họng đỏ lòm nằm hai bên mép rừng tràm chực chờ phóng ra. Rất may là tôi chỉ tưởng tượng hão huyền. Suốt đoạn đường tôi chỉ gặp vài con rắn nước, rắn hổ ngựa thỉnh thoảng bò ngang, chứ tuyệt nhiên không thấy con cá sấu nào.

Trời sập tối cũng là lúc tôi tìm được đường về thị trấn Thới Bình. Tôi nằm bên bờ sông Trẹm, nghe đêm rơi chầm chậm ở thị trấn giáp nước, nghe tiếng ghe tàu rì rầm những thanh âm thổn thức như tiếng lòng của lưu dân thời khai hoang mở đất. Đó là chuyến đi ấn tượng nhất của tôi về miệt Cà Mau, dù phải trải qua đoạn đường hú vía. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi thấm thía được cái tình đất tình người nơi đây. Tôi nằm nghĩ miên man và chìm vào giấc ngủ yên bình trong dìu dặt câu hò loang trên dòng sông Trẹm, rằng “em yêu anh nên đành xa xứ/ xuôi ghe chèo Miệt Thứ, U Minh”. Bất giác, hình ảnh bà chị ở rừng U Minh Hạ hiện lên trong giấc mơ tôi rành rạnh, hiền từ như một bà tiên.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *