VHSG- Tập truyện ngắn đầu tay “Quán thủy thần” của cô giáo Nguyễn Hải Yến, hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương vừa bất ngờ đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019. VHSG xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu lại bài viết của TS. Nguyễn Thị Minh Thái để giúp bạn đọc hiểu hơn về tập truyện thú vị này…

Nguyễn Hải Yến bất ngờ xuất hiện với tập truyện ngắn đầu tay “Quán thủy thần” (NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019), dày dặn, đậm đà thương cảm về cõi nhân gian của người Việt hiện đại. Như một cõi tình, tràn ngập cảm thương của người viết.
Nguyễn Hải Yến quả là một tài năng quan sát đời sống thôn quê và đời sống thị thành, không chỉ của vùng châu thổ Bắc Bộ, trong cơn cựa mình mạnh mẽ, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa” của xã hội Việt Nam hiện đại… Theo thiển nghĩ của tôi, có thể coi Nguyễn Hải Yến là một cây bút viết truyện ngắn trẻ trung, hiện đại, trên một căn cơ vững bền của lòng nhân ái, luôn rưng rưng thương cảm nhân vật, và truyền được sự rưng rưng sang người đọc. Tuy nhiên, nhà văn trẻ này cũng đủ tỉnh táo, không muốn ru người đọc lịm trong thú đau thương hoặc sự vô minh trong nhận thức. Cách hành xử khôn ngoan, lý tính của nhân vật cô con dâu, đã hóa giải âm mưu chiếm đoạt tài sản bố mẹ chồng của ông anh chồng tham lam độc đoán, bạo tàn trong truyện ngắn “Giếng Mắt Rồng”, đã minh chứng rằng tác giả đủ khả năng giải thoát nhân vật của mình khỏi mê lú của tư duy duy tình xưa cũ, vốn dĩ coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Nghiêng lệch nhân vật về tình cảm, nên, Yến ít thích cho nhân vật đối thoại, nhưng một khi đã cho, thì rất chát chúa, hoặc đẫm tình, giữa những nhân vật yêu đương hoặc tan vỡ hạnh phúc…

Và khi Yến đã “rắp tâm” tả cảnh, tả người, tả tình, trong những tình huống mà Yến thích thú chộp được, thì tất cả đều phải được Yến cẩn trọng thiết kế trên tâm trạng nền của chính mình – chủ thể viết, với đầy đặn nội lực văn chương, trên một điểm nhìn tinh tế, để từ đó sẽ tuôn trào như mưa những chi tiết văn xuôi truyện ngắn thật độc lạ. Vậy nên, Yến thường viết những câu văn dài hơi. Những câu văn ngắn, chỏng lỏn, gồm từ một đến hai ba từ, rất hiếm khi được xuất hiện trong truyện ngắn của Yến.
Tôi thích những đoạn văn ấm, lênh láng và chi chít chi tiết lạ, được xâu thành chuỗi óng ánh mầu riêng truyện ngắn Hải Yến, như đoạn văn, trong truyện hay nhất tập: “Quán thủy thần”. Sau đề từ đong đầy nghĩa khai mở: “Tháng ba ngủ trên triền sóng/ Khát hoa gạo lưng trời/ Xô bến cạn vỡ thành muôn mảnh/ Soi mảnh nào cũng thấy trùng khơi…”, Yến viết ngay ở phần một, miêu tả ngôi làng có quán thủy thần: “Từ làng tôi ra cửa sông phải đi qua một con đường đất gồ sống trâu xuyên cánh đồng, bốn mùa hun hút gió. Đến cuối đường, nếu quay đầu nhìn lại sẽ thấy làng mạc tan thành vệt xanh lơ, những hôm ẩm trời lẫn cả vào mầu mây đang sà xuống lan như khói, sẽ thấy mình cô đơn đến ngộp thở giữa sắc mầu đơn điệu không biết là đất hay là trời nếu như mắt không tìm thấy một điểm dừng – một cây cầu quán cũ, nền đất cao vượt hẳn lên, lặng thinh nằm bên gốc gạo già buông bóng sừng sững, mái ngói âm dương xô từng mảng, quanh năm gió đồng hút qua khe hở chiếc mõ dài hình con cá gỗ treo phía trong cột quán, nghe u u vang và lạnh như tiếng sáo thủy thần”.
Cách dẫn chuyện dễ thương này quả đã đạt đến giấc mơ mà tác giả mơ màng ngay trong đề từ “Quán thủy thần”.
NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Theo Nhân Dân