Sống cùng thơ giữa thế giới thơ – Quỳnh Iris de Prelle

VHSG- Sau những ngày phong toả vắng vẻ, từ Biển Bắc xa xôi tôi nhận được tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tuyển chọn và giới thiệu vừa ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 5.2020.

108 tác giả xuất hiện trong tập sách này thuộc nhiều thế hệ, bạn sẽ nhìn thấy những người đi trước lại muốn bật phá và khác đi, những người trẻ chúng tôi còn ít, có khi thiếu. Làn sóng thế hệ 3x: 1 người; thế hệ 4x: 20 người; thế hệ 5x: 34; thế hệ 6x: 26; thế hệ 7x: 16; thế hệ 8x: 11; thế hệ 9x: 1… (có 4 tác giả đã mất).  Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thuộc thế hệ 5x nên sự xuất hiện của các cây bút lão khá nhiều, bởi lẽ anh hiểu họ và đọc họ nhiều hơn… Thế hệ 4x, 5x, 6x như một thời đại. Thế hệ 7x, 8x và sau đó như đang bắt đầu thời đại của mình. Chắc sẽ còn lâu nữa, không chỉ thơ mà rất nhiều thứ khác, thế hệ sau sẽ vẫn còn loay hoay, còn thụ động hay khó khăn để làm điều gì đó cho chính mình một cách tự lập… bởi n các triệu chứng, nguyên do… chứ không phải vì họ không vận động, không tài năng, ngược lại các tài năng ấy phải chững lại, phải chờ đợi, bị thu xếp bởi những chủ quan duy ý chí, bởi những cuộc kiếm tìm trong vô vọng… Thơ khó để trở thành chuyên nghiệp, như một công việc chuyên nghiệp.

Nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle

Bởi thế, sự kết nối này trong tuyển tập như một lịch sử nhìn rõ nhất những tồn tại, những đan xen, những mạnh mẽ hay yếu đuối và cả những bối rối… trong những xuất hiện, trình diễn, và trong cả thi pháp thơ.

108 tác giả xuất hiện trong tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng sống ở Việt Nam và một số nước như Bỉ, Đức, Hoa Kỳ và Canada. Họ không phải là những làn sóng mới hay những nổi bật nhất nhưng họ trong quá trình chuyển dịch và chuyển động bản thể với thi ca và con đường viết như những đồng hành sống dù công việc khác nhau, vị trí xã hội khác nhau… Tác giả tuyển chọn làm một công việc không hề dễ dàng cho mọi sự hài hoà của vẻ đẹp thi ca trước những bộn bề cuộc sống hay những thị phi thế nào là thơ, thế nào là thơ hay, thơ giả… Trong tập sách có rất nhiều nhà thơ là hội viên của các hội nghề nghiệp về viết; họ có một không gian, một sở trường, để sáng tác. Thơ đến với họ từ mọi cảm xúc từ vu vơ, vô nghĩa, vô nghĩa, trong những vô thức, vô thức của danh vọng, vô thức của những khát vọng chữ. Chữ hay văn chương là một cuộc kiếm tìm ảo ảnh, một thú vui chơi trang trí không thể nào sánh được của họ.

Đọc tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng, tôi nhận ra các bài thơ về quê hương, tình yêu phong cảnh đất nước như những thực hành sống, như những câu hỏi thường ngày, chủ đề sống còn của thơ, dù thế nào tình yêu ấy vẫn là cội nguồn gốc rễ. Các bài thơ viết ra ở mọi cảm xúc, mọi điểm nhìn đều dễ được chấp nhận, dễ được yêu thương dù sáo mòn, dù không thể khác hơn những bến đò hay người mẹ, những cánh cò, những êm ả trong cả khắc khoải… Song ngẫu nhiên đọc và tình cờ tôi nhận ra, những giọng thơ ở đây, không gian này, xứ sở này, nhưng những ảo ảnh ngoài kia, ở một thế giới khác, không phải siêu thực, mà đầy khát vọng. Đó là Trần Bạch Diệp, người thơ xứ Huế thấm đẫm mông mơ sầu:

          Em nhớ khuôn mặt anh

          trong bàn tay em

          đôi mắt từ bóng đêm

          rất xa

          như cánh rừng mùa đông

          mưa và tuyết

(Một ngày trôi không từ biệt)

Tôi bất ngờ với Hồ Đăng Thanh Ngọc và Phan Hoàng trong những lát cắt của thời đại trong một ngày mùa đông hay ngày vẩn vơ mùa hè. Thanh Ngọc thành công với Tân hình thức và cách tiếp cận những bài thơ mới và lạ đã lâu, lần nào đọc anh tôi cũng ngạc nhiên… những vỉa từ trong từng lớp chữ dù rất hiện sinh hay thực tại, thơ của anh mang đến những hơi thở và tự do trong ý nghĩa của đời sống có thực và như thực của con người giữa những tầng đan xen và giao nhau:

          Hãy lên facebook như kẻ rỗi hơi

          Post lên đó nụ cười của em hay một hình ảnh cũ

          Hình ảnh tôi cõng em đi qua con phố ngập nước

          Và khi đó nét mặt em vênh váo trong mưa

(Ngày vẩn vơ mùa hè)

Và “Em nóng dần lên” của Phan Hoàng với những câu hỏi thực tại:

          Những đàn chim di cư tìm bầu trời mới

          hay chờ chết?

          Những đàn cá di cư tìm nguồn nước mới

          hay chờ chết?

          Những đàn thú di cư tìm cánh rừng mới

          hay chờ chết?

Phan Hoàng luôn đặt ra nhiều chất vấn trong thơ của anh cũng như những dằn vặt, anh biết đặt nỗi đau của bản thể trong những nhạy cảm chung của thời đại, thơ Phan Hoàng cần đi xa hơn với chiều kích mạnh mẽ hơn…

Tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên

Tình yêu, dục vọng hay những ẩn ức cũng chiếm tỷ lệ trong tuyển tập ở các tác giả khác nhau, khác lứa tuổi, khác giới tính… Và dường như thơ tình luôn là điểm dừng an toàn nhất của mọi sự hiện hữu về cái đẹp đầy hấp dẫn. Tác giả là bạn thơ duy nhất cùng thế hệ, mà tôi biết ở ngoài thực tại, đó là Nguyệt Phạm. Chị quay lại với thơ sau nhiều năm vắng bóng bởi những chấn thương của cuộc sống, những cuộc va chạm tinh thần. Nguyệt Phạm luôn điềm đạm trong cả những cơn mơ chạy trốn hay những ước mơ và nỗi nhớ:

          Em thuộc về một nơi nào khác

          khác mình

          khác người

          Chỉ còn là một khái niệm

          Em đang nói gì

          Đôi khi còn không hiểu

(Chia ly nỗi nhớ)

Lần đầu tiên, đọc “Ngậm em trong miệng” của Mai Văn Phấn sau khi đọc gần như các tác phẩm của anh bằng các văn bản online hay bản mềm trong nhiều năm qua, tôi phát hiện Mai Văn Phấn đang trở lại tìm chính mình, ngôn ngữ của mình và trạng thái tự nhiên nhất của mình:

Bình yên trong miệng anh

Em thúc nhẹ b vai

Vòm ngực, ngón chân vào má

Huyên thuyên và hát thầm

Hồn nhiên cho lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể

Thơ Mai Văn Phấn đi xa hơn cái cảm giác mạnh mẽ khoáng đạt hay sự ẩn dụ sâu sắc, nó chạm đến tầng sâu của hư cấu và những tưởng tượng.

Những gương mặt thơ khác của 7x và 8x quá quen thuộc hay những tác giả lẫy lừng, tôi không nhắc ở đây bởi tôi biết rằng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đang cố gắng làm một công việc khác, đó là công việc tìm kiếm những người mới, những khác lạ trong những khuôn khổ của một tờ báo hay trong những phạm vi có thể…

Một cách sống cùng thơ trong thế giới hôm nay ở tuyển tập gồm 108 các tác giả khác nhau. Với trên 500 trang, chân phương, cẩn thận, đầy đủ thông tin và ý nghĩ về thơ với tranh bìa đẹp, ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và những phụ bản của hoạ sỹ Lê Thiết Cương, tuyển thơ Biển bắt đầu từ sóng nên có trong tủ sách của mỗi gia đình hay những người yêu thơ tiếng Việt.  Đến với tập sách, bạn và tôi sẽ nhìn thấy một diện mạo và không khí quen thuộc theo điểm nhìn ở một góc hẹp nào đó; nhưng sẽ bất ngờ bởi cách trình diễn đã thoát khỏi những motip, thoát khỏi những dấu ấn. Thơ là thơ, cứ viết ra thôi, dù là ai, với bất cứ ai, thơ dành cho những trái tim và sự kết nối của bên trong hay những tâm hồn chạm vào nhau, từ chữ.

Brussels, Vương quốc Bỉ, 6.2020

QUỲNH IRIS DE PRELLE

Bài thơ tặng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ biên Biển bắt đầu từ sóng:

 

Biển bắc tháng 5

vắng như sa mạc

thuỷ triểu xuống

gió căng lên những cánh buồm

hải âu áp đôi cánh nhung mịn trên những làn sóng

những dải lụa nắng trong tinh khiết

 

Biển bắc tháng 5

hết mùa phong toả

những gương mặt khẩu trang

thơ có cần khẩu trang

hay cần khoảng cách

 

thơ cần những trái tim

có khi là những trái tim mang hình khẩu trang

những mặt nạ trốn tìm

những vaccine phòng chống

 

những làn sóng thơ

từ nhiều thế hệ của 2 thế kỷ giao nhau

những gập gềnh những bất trắc

những lênh đênh

thơ chạm đến điểm an toàn

yên lặng

 

những loay hoay

đánh đập

bỏ lại sau tất cả

còn lại tình và chữ ái ân

còn lại tình yêu tiếng việt

 

đừng nói làm chi những nỗi buồn

đừng nói làm chi những giọt nước mắt

đừng nói làm chi những hình hài mang sẹo

đừng nói làm chi

đừng nói nhiều

 

thơ là thơ

thơ là thơ

thơ là thơ

 

cứ vậy đi

khỏi phải nghĩ nhiều

tranh luận lắm

 

giữa nghìn trùng chữ

thơ hiện ra

sóng biển

sóng từ

sóng wifi

hay những virus cảm xúc

virus bệnh tật

virus tiêu diệt hàng loạt các hệ thống internet toàn cầu

 

thơ hiện ra

giữa tất cả chia rẽ

giữa tất cả rối rắm

bon chen

hận thù

đau đớn

 

thơ là thơ

thơ là thơ

 

QUỲNH IRIS DE PRELLE

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *