Tản văn Đặng Thùy Tiên: Mùa dệt lá thêu hoa

“Pạch pạch pạch”. Tiếng con “minsk khờ” của chồng Ka mỗi lần khởi động đều khiến Ka phải giật mình. Nhà Ka ở lưng chừng núi, cuối bản Chu Va 6, mỗi lần xuống chợ Ka đều phải nhờ chồng chở đi bằng con ngựa sắt này. Tiếng nổ to, hình dáng thô kệch nhưng được cái đi đường khỏe. Cái dốc cao, cái đường hẹp, đất chỗ thì toàn là đá nhọn, chỗ thì cái ống nước bục ra bị sình lầy cũng không làm khó được nó.

Bây giờ đã qua mùa ruộng, thóc gặt về để đầy nhà, ngô cũng đã thu hoạch xong, từng túm từng túm vắt vẻo bên hiên nhà, vụ mùa năm nay bội thu. Ka cũng kịp tranh thủ những ngày mưa gió thêu xong một phần chiếc váy. Nay thiếu chỉ, phải đi chợ để lựa, nhờ chồng tìm cho thì không được đúng như ý mình. Sinh – chồng Ka thì giỏi việc nương, thạo việc cày bừa, những chiếc bẫy chuột phá nương của Sinh làm rất khéo và chắc chắn, thế nên vụ mùa năm nao ruộng của vợ chồng Ka cũng đạt năng suất cao. Thế nhưng việc chọn chỉ, chuyện thêu thùa Sinh không thể biết được như Ka, ông trời sinh ra như vậy rồi, mỗi người khéo một việc.

Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên ở Lai Châu

Cứ mải nghĩ, chồng Ka đã chạy xe tới cây cầu ở đầu bản, bắc qua dòng suối nước trong văn vắt, những tảng đá trắng to lô nhô xếp dưới dòng suối im lìm phản chiếu những vệt nắng sớm vàng ươm, trong lành và mát mẻ. Những hàng cây bên đường chạy lùi dần. Từ cây long não to hai người ôm chỗ đoạn đối diện trường trung học cơ sở Sơn Bình ở trung tâm xã đến những hàng cây thông cao vút lên ở Ngã ba Liên Ngành, hàng sấu trước cổng động Tiên Sơn và rồi cây gạo xù xì ngay chỗ cây cầu trắng Tùng Pẳn. Từ chỗ đoạn đường nhiều những nhà cửa mọc san sát nhau là Ka biết rằng sắp đến chợ huyện rồi đây.

Vào chợ, Ka đi ngay vào nhà đình chính để tìm chỉ. Sinh đi theo vợ, yên lặng và kiên nhẫn chờ đợi. Ka cầm những sợi chỉ đủ màu sắc được người bán hàng buộc theo từng túm treo trên cây sào tre của sạp hàng bán những đồ làm váy, có cúc, khóa, đăng ten và nhiều thứ đồ lặt vặt khác. Những sợi chỉ óng mượt, đủ mọi màu sắc bày xen kẽ vào nhau, thẳng thớm, gọn gàng, bắt mắt. Ka tha hồ tìm chọn những màu chỉ phù hợp với ý tưởng thiết kế của mình. Màu xanh để thêu lá, màu tím, đỏ, hồng để thêu hoa… Không chỉ có Ka mà có nhiều phụ nữ khác, cùng người dân tộc Mông, có cả người Dao, người Lự, người Lào,… cũng đang tìm chỉ thêu váy. Chọn xong rồi, Ka vui mừng đi cùng Sinh ra quán để “nàu phính” (ăn phở) rồi cùng nhau đi tham quan chợ. Thế là hết buổi sáng chợ phiên.

Nơi bản cao Ka ở, mặc váy áo truyền thống không chỉ để làm đẹp ngoại hình mà còn là nét văn hóa độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác của người Mông. Bây giờ, có khác đôi chút là ở việc cách tân, trang trí thêm đăng ten hoặc đính thêm vào chiếc áo một vài hạt cườm đủ màu sắc, còn các hoạ tiết truyền thống vẫn được thêu trên váy. Một mảnh vải thêu để làm váy bình thường dài từ 5 – 7 mét. Sau khi hoàn thành, người ta đem tới phố huyện để dập ly váy, rồi may cạp là khâu cuối cùng để có chiếc váy đẹp mặc chơi tết. Để thêu hoàn thiện phải mất từ vài tháng đến nửa năm. Các bà, các cô và cả những thiếu nữ chưa chồng thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi, khi nông nhàn, khi trời mưa gió không làm việc ngoài trời để thêu váy.

Ngày trước, để làm ra một chiếc váy rất kỳ công. Phụ nữ Mông phải trồng lanh, xe lanh, dệt vải. Ngày nay, nếu quá bận có thể bỏ qua công đoạn này vì vải lanh đã được dệt sẵn, người Thái mang từ Than Uyên lên bán rất nhiều ở chợ. Sáp ong sẽ được đun chảy ra, người phụ nữ dùng cây bút truyền thống với cách cầm xoay ngược vào trong người để vẽ lên tấm vải những hoa văn truyền thống. Vải sau đó sẽ được nhuộm chàm và đem phơi. Khi khô sẽ hiện lên các đường nét được vẽ ra trước đó, người làm chỉ việc thêu theo, rất đều đẹp và tổng thể lại hài hòa.

Ka ôm bọc đồ mua từ chợ về, có cả kim chỉ, cả thực phẩm dùng hàng ngày như mắm, muối, cá khô; có bánh rán cho con trai; có đôi giày vải cho Sinh đi nương thảo quả. Ánh nắng chiếu vào khuôn mặt Ka ánh hồng lên như quả đào sắp chín, rạng rỡ và phơi phới những niềm vui.

ĐẶNG THÙY TIÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *