Tản văn Mai Hương: Xôn xao bến nước Tây Nguyên

Bến nước đã trở thành nét đặc trưng của các buôn làng Tây Nguyên. Vì vậy kí ức về bến nước luôn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân quê. Bến nước Ia Rmok là một kí ức đẹp như thế!

Sông Ba thơ mộng chảy qua địa bàn xã Ia Rmok của huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai. Cách đây 20 năm ở giữa hai bến đò là bến nước mà ngày ngày những người dân địa phương thường ra gùi nước và  tắm giặt. Người Jrai rất quý trọng nguồn nước nên họ phân chia rất rõ ràng, để hẳn một vùng bãi sông để lấy nước uống. Việc tắm, giặt thì ra tận mép nước, nơi con nước xuôi dòng. Cách lấy nước của người Jrai cũng hết sức đặc biệt. Họ chọn chỗ cát sạch, đào một hố cát sâu độ nửa mét, chờ cho nước ngầm rỉ ra. Phải là thứ nước trong vắt, không mùi mang vị ngọt thanh mát của nước sông. Sau đó họ dùng ca chắt từng ca nước đổ vào chai hoặc can có dung tích từ một đến năm lít. Nước phải được đổ qua một cái túi vải nhỏ (thường là họ tự may) để lọc cát. Thứ nước này đảm bảo sạch vì thời đó dòng sông Ba chưa bị ô nhiễm bởi các nhà máy. Từng chai nước lớn nhỏ được xếp vào gùi trở về làng. Chính vì sự vất vả của quá trình lấy nước di chuyển từ nhà ra bến sông có khi đến hàng vài cây số nên thứ nước này chỉ dùng để uống hoặc nấu ăn. Người Jarai hồn nhiên thật thà, khi tôi đến nhà học sinh, phụ huynh thường mang cả chai nước to đặt trước mặt cô để mời cô uống.

Nhà giáo Mai Hương ở Gia Lai

Vào mùa khô, các giếng trong làng hầu như đã cạn. Mực nước sông Ba xuống thấp, bãi cát trắng trải dài, nước sông chỉ còn quãng nhỏ giữa dòng. Bến nước đông vui tấp nập nhất là vào buổi chiều khi mọi người già trẻ lớn bé cùng tập trung, tiếng cười nói rộn ràng cả khúc sông. Lúc này nắng đã vơi, gió lay nhẹ bờ cỏ đem lại cho dòng sông vẻ yên bình và sự thảnh thơi. Các bà quấn váy đen dài thong thả gội đầu, các cô sơn nữ thì vùi mình trong làn nước sâu như muốn nước che đi một phần thân thể. Vui nhất vẫn là các em bé, mới năm sáu tuổi mà đã biết bơi những cũng không dám ra xa, quẫy nước tung tóe chọc nhau ồn ã cả bến sông. Giáo viên chúng tôi cũng hòa mình trong dòng nước mát rượi, lân la chuyện trò làm quen để tìm hiểu phong tục của bà con nơi đây. Tôi nhớ những gương mặt còn rụt rè, nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng nụ cười đầy thân thiện của các mẹ, các chị. Họ bày chúng tôi lấy nước về dùng. Có chị còn hào phóng cho luôn túi lọc cát khi chúng tôi chưa biết mà chuẩn bị. Cứ nghĩ lại cái thời ì ạch xách can nước vượt qua bãi cát, lên một con dốc cao lổn nhổn sỏi đá, áo quần sũng nước, mồ hôi đầm đìa mới thấy sự vất vả của hành trình đến với con nước. Nhưng bù lại, chúng tôi có những giây phút sảng khoái dưới bờ cát mịn màng, mặt sông đầy gió, thỏa sức lội nước hoặc vùng vẫy trong lòng sông mát rượi mà dạt dào niềm vui hòa mình cùng thiên nhiên trong mùa khô Tây Nguyên.

Bến nước Ia Rmok chỉ tồn tại vào mùa khô chứ vào mùa mưa, nước sông Ba dâng cao lút bãi cát, bà con không thể lấy nước theo cách cũ. Họ đành quay trở về bên những mạch nước giọt, suối cạn hoặc các giếng trong làng. Một sự thay đổi lớn khi thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) được đưa vào khai thác, khúc sông Ia Rmok trở thành khu vực chứa nước cho thủy điện. Nước sông vào mùa khô cũng lưng lửng giữa sông, không còn tình trạng sông trơ bãi cát vào mùa khô nữa nên mất hẳn bến nước. Đã nhiều năm trôi qua, cuộc sống của người dân cũng bớt khó khăn, hệ thống nước sạch nông thôn về tận buôn làng. Trường chúng tôi cũng dùng nước giếng khoan, thầy cô không phải khó nhọc ra sông lấy nước như trước. Bến nước Ia Rmok chỉ còn trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây.

Dù vậy, thảng hoặc trong lòng tôi vẫn thấp thoáng hình ảnh các mẹ, các em gùi nước, bàn chân nhẫn nại vượt dốc về làng. Yêu sao hình ảnh bình dị của quê hương một thời đã xa…

MAI HƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *