VHSG- Tháng 12 đã là cuối năm, việc giỗ chạp cứ tất bật cả lên. Không biết có phải vì giỗ chạp hằng năm tập trung vào dịp này nên ông bà ta gắn luôn cho tháng 12 cái tên tháng Chạp. Riêng tôi từ lúc còn lon ton theo ba đốt hương để được ông giới thiệu gốc phần mồ mả đến tận bây giờ tôi vẫn tin tháng Chạp là vậy.
Cách đây khoảng hơn mười năm thôi, không như ở phố, miền quê phần lớn ông bà đều “an lạc” dưới những ngôi mộ đất. Nhiều gia đình tằn tiện lắm mới dựng được phần nào số bia cho người quá cố, nên những dịp giỗ chạp, đi đốt hương, dọn dẹp cỏ rác, tu bổ mồ mả mọi người phải nhận dạng bằng trí nhớ. Những nấm đất hoang sơ có lẽ nào lại gắn liền với những ý niệm tâm linh về tổ tông, dòng tộc, ông bà đến vậy. Tôi chợt hiểu vì sao, cuộc đời ba tôi bôn ba từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc trở về Nam, trong suốt những năm tháng chiến tranh loạn lạc, ngày đất nước thống nhất ông quyết định về lại quê cũ, mặc dù bạn bè đây đó ngõ lời đến một nơi khác sinh sống có điều kiện sung túc hơn. Cội nguồn quyết định của ba tôi biết có nguyên do từ những nấm đất mọc đầy cỏ tranh hoang liêu đến tột cùng khi tiếng vạc sành vang lên giữa một trưa thẳng đứng.

Ngày sức vượng, ba vẫn thường răn lẽ sống ở đời đại ý: “Có một thứ mà càng cho đi… càng nhiều, đó là lòng tốt. Có một loại năng lượng mà càng sử dụng, thậm chí càng hào phóng thì càng có nhiều, đó là lòng tốt. Có một thứ năng lượng có thể biến cải tâm hồn…đó là lòng tốt”. Lúc đó tôi cứ mơ hồ về ý nghĩa câu nói của ba, nhưng ít nhiều qua thực tế cuộc sống tôi cắt nghĩa được vì sao mỗi dịp giỗ chạp ngoài những phần mộ của ông bà, ba tôi còn phát dọn cỏ rác, sửa sang tu bổ, đốt nhang tất cả những ngôi mộ không tên tuổi trong vườn. Công việc này chiếm đến mấy ngày trời. Còn nhớ, những năm mới giải phóng, cảnh cũ vườn xưa hoang tàn đổ nát, sau những mùa lụt trôi đất lở, ba tôi lo công việc mồ mả những dịp giỗ chạp trưa sớm cả tháng trời.
Sau Đông chí tiết trời rét đậm, mưa lay phay rũ buồn. Đây đó tiếng chiêng, tiếng trống vọng đưa không ít cụ ông, cụ bà, làng trên xóm dưới đi xa khi chưa dịp đón thêm một cái tết nửa sắp sửa đến gần. Có năm làng tôi có đến ba đám quy tiên như thế. Người trong làng vừa lo giỗ chạp vừa phải lo ma chay cho những gia đình có người thân ra đi. Run rủi trở thành người trong cuộc tôi mới hiểu việc lễ lạt cũng khối chuyện mà một người quê chính gốc như tôi cũng rất mù mờ. (…) Hoá ra nơi yên nghỉ của một đời người, dù chỉ là nắm đất, cũng hết sức hệ trọng. Người kỹ lưỡng thường cân nhắc nào là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. (Huyền Vũ phải cuối thấp đầu, Chu Tước phải bay lên, Thanh Long lên xuống uyển chuyển, Bach Hổ phải thuần thục; nếu hình thế của sơn tương phản lại những điều trên thì phải đổi. Huyệt mộ cũng kỵ đền miếu…Long sợ đoản, huyệt sợ nông, sa triều sợ hẹp, thuỷ chảy sợ vòng vèo…Xem lại sách “Bình giải văn hoá thần chú” của Lưu Bá Ôn tôi cảm nhận được phần nào những điều huyền bí ấy.)
Tiếng trống tiếng chiêng hoà cùng đàn bát âm đồng vọng…Những năm trước đây, người mất từ đủ 60 tuổi trở lên mới có chiêng trống, nay quy định này cũng đã thoáng hơn. Lần chết lần mất, đưa tiễn nhau đi thôi có thêm tiếng chiêng, tiếng trống cho ấm cúng… rồi lo xây mồ xây mã tươm tất, không lớn thì nhỏ. Âu đây cũng nỗi lo của người sống. Song qua những biến cố ở đời trong mỗi gia đình mà người quê nặng thêm sợi dây ràng buột, sống có nghĩa có tình hơn, sống làm sao khi mất đi không phải sợ “khi lìa trần có mấy người đưa”. Tôi nhớ và suy nghĩ mãi về câu nói của một danh tăng, “Ai nghĩ khôn khéo về chính mình sẽ đối xử tốt với người khác, bởi vì cuối cùng và lâu dài chính người đó sẽ được nhiều lợi lạc”. Ông ta gọi đó là “ích kỷ một cách trí tuệ”, một lối nhìn tư lợi theo một khía cạnh lâu dài. Ngược lại ai chỉ nhìn cạn cợt về lợi ích của mình mà bỏ rơi những người khác thì cuối cùng sẽ không có bạn bè và người giúp đỡ, họ trở thành người thất bại.
Người ở quê luôn xem trọng tình làng nghĩa xóm. Mặc dù ngày thường mất con gà có thể chửi cả ba ngày nhưng sau đó tối lửa tắc đèn họ lại đến với nhau, xí xoá, bỏ qua những câu chuyện cũ. Càng về những ngày cuối năm cũ, người ta càng muốn giũ bỏ những muộn phiền, thanh lọc mình, mừng đón xuân mới. Và với tôi, mỗi tháng Chạp luôn gợi suy tư về những điều đã cũ.
VÕ VĂN TRƯỜNG