VHSG- Sau một quãng vắng để ổn định và làm mới mình, Tạp chí Sông Lam đã trở lại cùng bạn đọc, và có thể xem cuốn tạp chí dày 150 trang, khổ rộng này là lời cáo lỗi, cũng là lời tri ân với bạn đọc của Sông Lam hôm nay.
Sông Lam đã trở lại trong một hình thức mới nhưng là sự tiếp nối với dòng chảy mấy chục năm qua bền bỉ của Sông Lam do bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ chung tay tạo dựng thương hiệu.
Xin cúi đầu cảm tạ những thế hệ văn nghệ sĩ, những lãnh đạo tạp chí, những phóng viên, biên tập viên đã góp phần làm nên Sông Lam thời gian qua, cảm tạ những bạn đọc đã yêu mến, tin tưởng và cả những bạn đọc, bạn viết thời gian qua chưa biết đến, để bây giờ chúng ta gặp nhau trong một mối duyên mới khi cộng tác, khi đọc Sông Lam bắt đầu từ số 1 bộ mới này.

Ban biên tập Tạp chí Sông Lam, với tất cả mong mỏi, khát khao được mang lại cho bạn đọc niềm mến yêu, tin tưởng với một sản phẩm đọc xứng đáng là tiếng nói của đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà, nước nhà. Đồng thời cũng rất cần những nhận xét, góp ý để sản phẩm này đẹp đẽ hơn mỗi ngày.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, bạn viết, Tạp chí Sông Lam (bộ mới) số 1 với nhiều chuyên mục mới như: Thời luận, Đất Nghệ – người Nghệ, Chuyện làng văn, Ký sự nhân vật, Các em viết- viết cho các em, Văn học với nhà trường, Nhân vật và đối thoại…, bên cạnh các chuyên mục quen thuộc của Sông Lam như Ký, Truyện ngắn, Tản bút, Thơ, Sân khấu, Trào phúng, Mỹ thuật, Ảnh, Văn học nước ngoài…
Và trong sự trở lại này, bạn đọc sẽ thấy Sông Lam gần gũi hơn, bám với thời cuộc hơn với Thời luận bàn về các vấn đề chúng ta đang quan tâm; với cảnh sắc của quê hương qua chùm ảnh được in màu trên giấy bóng (trong chuyên mục Đất Nghệ, người Nghệ); với bài ký nóng hổi về vùng đất – con người xứ Nghệ; những vấn đề, sự kiện nổi cộm trong đời sống văn nghệ qua việc chuyện trò với các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, các nghệ sĩ có tên tuổi; và thiết thực hơn với những phần văn học được viết dành cho việc nghiên cứu, học tập trong các trường phổ thông…
Ở số mới này, bạn đọc sẽ được biết đến một nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của xứ Nghệ qua bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, sẽ gặp một nhạc sĩ Phan Thanh Chương (Phan Hồng Trường) không phải qua tác phẩm âm nhạc mà là một bài viết rất đặc sắc về món nhút Thanh Chương, sẽ thú vị với cảnh sắc tuyệt đẹp của biển Quỳnh qua tay máy Hồ Xuân Thành (Nhật Thanh).
Ở phần ký, tác giả Hồ Ngọc Quang sẽ đưa bạn đọc lên với Tương Dương cùng “Tình đất Tương Dương”, ngoài ra còn có những trang viết đầy xúc động của tác giả Phạm Ngọc Thể – kể lại về một thời lính trong “Ngày ấy ở Kỳ Bắc” hay tác giả Phan Văn Toàn với “Ga Quỳnh Hoa”.
Bạn có bất ngờ không, với sự trở lại của Hồ Thị Ngọc Hoài, người đàn bà của “Thung Lam” năm nào qua truyện ngắn “Rồi cũng đi qua”? Rồi một cây viết độc đáo khác người xứ Nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh – nhà văn Nguyễn Minh Ngọc với “Cuối Đông”, và cả một tác giả đang nổi trên văn đàn – một nhà văn ngồi xe lăn, vượt qua số phận Trần Hồng Giang với truyện ngắn chất chứa bao cay đắng lẽ đời “Con trai, con gái”; bên cạnh các hội viên Hội VHNT Nghệ An mảng văn xuôi quen thuộc như Cao Khoa (truyện ngắn: Bán thận), Lý Thu Thảo (truyện ngắn: Đò chiều). Các truyện ngắn đều có những phần tranh minh họa thú vị của các họa sĩ.
Bạn đọc sẽ gặp lại các nhà thơ, các tác giả thơ tên tuổi và quen thuộc như: Thạch Quỳ, Lê Quốc Hán, Tùng Bách, Bùi Sỹ Hoa, Vân Anh, Trần Thu Hà, Nguyễn Trường Thọ, Vũ Toàn, Đặng Phi Khanh, Ngô Đức Tiến, Vân Khánh, Trần Ngọc Khánh, Lăng Hồng Quag, Võ Ngọc Sơn, Võ Văn Vinh, Kha Thị Thường, Hoàng Quỳnh Anh, Võ Khánh Cừ, Vương Long, Cao Xuân Thưởng, Cao Khắc Tương, Dương Tiến Ngọc, Trần Văn Phong…
Các nhà thơ ở tỉnh bạn gửi bài cộng tác như: Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Hoa, Lê Thiếu Nhơn, Bình Nguyên Trang, Võ Thị Thúy Vân… Và có các tác giả mới hơn, là các hội viên mới kết nạp như Nguyễn Hùng Vỹ, Hữu Vi, Đinh Văn Nhật Minh, Nguyễn Hồng Cương…, đặc biệt là một cây viết chưa từng xuất hiện trước đây là linh mục Gerardo Nam Việt.
Chuyên mục Nghệ thuật sẽ giới thiệu các bản nhạc của nhạc sĩ Lê Hàm, nhạc sĩ Thanh Dũng (phổ thơ Hoàng Cẩm Thạch). Tranh của các họa sĩ Nguyễn Quang Thiều, Hồ Thiết Trinh, Nguyễn Đình Truyền, Trọng Hiệp, Tạ Tâm, Trần Hoàng Trung, Hoàng Hải Thọ, Trần Minh Châu, Hữu Tuấn. Ảnh của các nhiếp ảnh gia: Quang Dũng, Đức Quang, Cảnh Hùng, Cảnh Yên, Xuân Nhường, Trung Kiên, Cao Đông, Hải Vương, Mạnh Hùng, Hồ Hải Đăng… Có bài viết là nỗi trăn trở của nghệ sĩ múa xứ Nghệ do NSƯT Lâm Bích Nguyên chấp bút. Có phần kịch của nghệ nhân dân tộc Thái Sầm Văn Bình viết ngắn và vui về tục trộm vợ của bà con vùng cao.
Phần Văn học nước ngoài, bạn đọc sẽ hiểu vì sao nhà văn – dịch giả Nguyễn Bích Lan (nhà văn – dịch giả nổi tiếng, người đã tự học tiếng Anh từ khi mắc chứng loạn dưỡng cơ vô phương cứu chữa, người đã dịch “Triệu phú khu ổ chuột” ra tiếng Việt và được nhiều giải thưởng về sách dịch) đã chọn dịch “Rửa hận” của Tagore (một nhà văn- nhà thơ lớn Ấn Độ) qua lời tâm sự ngắn của chị gửi cho Sông Lam.
Ngoài ra, có những trang viết chộn rộn hương vị tháng Chạp (tác giả Thảo Thơm), có nỗi niềm của người con thành Vinh xa xứ (tác giả Minh Nguyệt hiện đang sống tại Vũng Tàu). Những bài thơ ngộ nghĩnh, yêu thương dành cho các em của tác giả Dương Huy, Văn Quyền. Đặc biệt là sự xuất hiện của cây bút trẻ học lớp 7 tại Đô Lương, là em Hương Lê với tản bút Nếu không có mùa đông. Tạp chí cũng sẽ đem lại tiếng cười vui vẻ và có phần chua chát nữa qua Tiểu phẩm của Quỳnh Thơ, bài thơ trào phúng của tác giả Vũ Ba Lan…
Phần Nghiên cứu – phê bình bạn đọc sẽ hiểu hơn về thể loại văn học mới được “làm mới” lại là du ký qua bài phân tích, đánh giá công phu của PGS.TS Đinh Trí Dũng và tác giả Xuân Quỳnh, cùng tìm hiểu về “Những mùa xuân của nàng Kiều” qua bài nghiên cứu của PGS, TS Lê Đình Cúc (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Tác phẩm mới sẽ giới thiệu cùng các bạn vở diễn Hừng Đông trong diện mạo mới của dân ca xứ Nghệ- một vở ca kịch được dàn dựng công phu chào mừng Đại hội Đảng và các ngày lễ lớn của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.
Bạn đọc sẽ cùng “nhìn ngắm” chân dung tác giả Vương Đình Trâm, một hội viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, một người con của làng quê Đông Bích, qua “nét vẽ” của cháu ông- nhà thơ Vương Cường (Hà Nội). Một Vương Đình Trâm quyết liệt sống, yêu đời, yêu quê và yêu thơ… Và biết thêm một câu chuyện làng văn thú vị, về bài thơ Tản mạn dọc đường Ba tám của tác giả thơ Ngô Đức Tiến, đã suýt thành một án văn chương thế nào nếu không có sự cứu nguy tài tình của nhà thơ Trần Hữu Thung.
Đặc biệt, cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thế Quang, do nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc thực hiện sẽ đầy thú vị. Nhà văn sẽ kể lại những cảm xúc khi đi nhận giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, về lý do để ông đến với tiểu thuyết lịch sử và những điều ông muốn nhắn nhủ khi đi trên con đường sáng tạo đầy nhọc nhằn, chông gai ấy…
Có thể nói, sự trở lại của Sông Lam còn rất khiêm nhường, nhưng là nỗ lực cố gắng của Ban biên tập Tạp chí để tri ân tới bạn đọc, bạn viết. Mong bạn hãy đón nhận Sông Lam như đã từng đón nhận, và có thể rộng lượng hơn thế với những gì mà Sông Lam chưa làm được như mong mỏi của bạn đọc, bạn viết. Sau số 1, chúng tôi cũng đang tập trung làm số thứ 2 chào Xuân 2020, là món quà Xuân dành tặng bạn đọc. Số 2 cũng hứa hẹn rất nhiều thú vị…
Giá bán của tạp chí 2 số đặc biệt là 39.000 đồng/ cuốn (150 trang, khổ rộng), với 10 trang in màu (chưa kể bìa). Để đăng ký mua báo hoặc đặt dài hạn, xin bạn đọc liên hệ với chị Nguyễn Thị Thơm (trị sự Tạp chí Sông Lam) qua sđt: 0915.489.996 hoặc qua các bưu điện trên toàn quốc.
Trân trọng!
BBT SÔNG LAM