Thế giới Tám phút mười chín giây

VHSG- Tám phút mười chín giây, tên một truyện ngắn trong tập được lấy làm tên cuốn sách, nhắc tôi ý thức về quỹ thời gian hữu hạn của mỗi cuộc đời. Tuy nhiên khi đọc truyện lại thấy tác giả đặt vấn đề không nghiêm trọng như vậy. Bắt đầu từ thông tin trên một phim khoa học. “Ánh sáng mặt trời cần tám phút mười chín giây mới đến được trái đất, vậy nếu quả cầu lửa vụt tắt thì tám phút mười chín giây sau trái đất sẽ ra sao?

Tập truyện ngắn “Tám phút mười chín giây” của Chế Diễm Trâm

Từ giả thiết “nếu” đó nhân vật Huê đã soạn một tin nhắn: “Mình cần làm gì nếu chỉ còn 8 phút 19 giây cuối cùng?” và gửi đến một số người thân quen. Các tin nhắn trả lời: 1- Chạy ngay đến H (Huê). 2- Em khỏe không hả? 3- Nam mô A Di Đà Phật. Và một số tin nhắn trả lời khác cũng hoặc bông đùa hoặc nhẹ tênh như vậy. Rồi sau đó mới làm người ta nghĩ ngợi. Và cuối cùng “Huê nhận ra rằng những người mình yêu quý sẽ đón nhận thật bình tĩnh lẽ huyền vi vô thường. Khi người ta không còn trẻ , mọi thứ đều nhẹ như mây, kể cả sự kêt thúc. Huê chui vô mền, bật cười một mình vì cái trò giả định của mình.”. Thì ra thông điệp của tác giả trong truyện ngắn này là mong người ta khi sống “thương mến” nhau hơn.

Đó cũng là tư tưởng chủ đạo trong cả tập truyện. Hãy nhìn cuộc đời bằng cái nhìn hồn hậu, tươi tắn, nhẹ nhàng trong mọi hoàn cảnh. Không trầm trọng, không gai góc hay oán hận. Có buồn cũng là nỗi buồn ấm áp, chân thật (Thiếu nữ lâu năm) hay nỗi buồn lãng mạn (Bìm bìm mãi tím), một chút ngậm ngùi (Ế). Cả sự thất vọng về người chồng cũng kèm theo niềm cảm thông yêu thương hơn với bà chị chồng khó tính (Hố sâu).

Ví dụ truyện “Cái cột điện”. Viết về những thân phận khốn cùng ở một xóm nghèo nhiều tệ nạn có lẽ không phải sở trường của tác giả, một cô giáo chuyên văn. Nhưng nhờ khóm hoa nguyệt quế, câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn, như một hơi thở phào.

Nhà văn Chế Diễm Trâm

“Dưới những cái hộp công tơ điện lủng lẳng là dây dợ cột chằng những tấm bạt che nắng che mưa cho mấy cái hàng quán èo ọp cà phê, phở bình dân, bún cá…”. “Lúc nào quanh cái chân trụ điện cũng ầm ĩ mấy bà hàng quán cãi nhau chỗ ngồi, lũ chó đực gầm gừ cắn xé tranh cái chỗ ghếch chân đái vô xác định lãnh địa”. “Nước đái chó khai rình”. Một căn nhà trong xóm đó của người đàn ông ngầm hiểu sống bằng nghề trai bao, được tác giả mô tả theo cảm quan của một cô gái bao nghèo: “bừa bộn, nhà trên luôn có mùi ẩm mốc xộc lên, còn nhà bếp lúc nào cũng có cảm giác tanh tanh”. Sau tất cả những thứ đó, xóm cột điện vẫn có “cái cửa sổ mở ra một vuông đất nhỏ có lùm nguyệt quế hoa nở trắng xóa thơm nồng nàn nửa đêm về sáng. Cái vuông vườn ấy đêm đêm còn có tiếng dế ri ri”. Tác giả không muốn một bức tranh tăm tối quá, tuyệt vọng quá? Trong môi trường tệ hại tanh tưởi như vậy vẫn tồn tại cái đẹp kín đáo trong tâm hồn một cô gái sa chân?

Tám phút mười chín giây là tập truyện để đọc, không phải để kể.

CAO DUY THẢO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *