
VHSG- Đoàn Thị Diễm Thuyên là gương mặt thơ trẻ quen thuộc của Sài Gòn và Nam Bộ những năm gần đây. Từ sở trường lục bát mang đậm tính dân ca, chị đã chuyển sang thử sức mình với thơ 1-2-3 tự do trong khuôn khổ câu chữ và tiếp tục gây ấn tượng. Đoàn Thị Diễm Thuyên viết một cách tự nhiên đầy cảm hứng, tưởng chừng thể thơ mới này không hề lạ lẫm với chị.
Thơ 1-2-3 mỗi bài gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên bài thơ của những tác giả đi trước.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng hay.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả muốn biểu hiện.
Bắt đầu những giả dụ…
Ngay khi chúng mình vừa bắt đầu chạm những môi hôn
Là em đã bắt đầu rơi những giọt nước mắt
Của vỡ òa hạnh phúc
Của hoang mang ước mơ
Là em đã giả dụ nụ hôn biệt ly rất gần như vốn dĩ…
Ngày tình thăng hoa
Thế gian chỉ một màu hồng
Tình mình tựa loài hoa bất tử, viên ngọc nghìn năm
Em cất giữ như là báu vật
Anh nâng niu trưng vào một góc đời
Ta ảo tưởng về miền đất hứa, rộn ràng hoan ca
Hờn ghen và lạc lối
Vốn dĩ chưa bao giờ bỏ sót một mối tình nào
Để làm nên giông bão
Ngôn tình chỉ là mộng đẹp
Nhưng đâu đếm được bao nhiêu trong một đời người rất dài?
Nên đâu tránh khỏi chuyện chúng mình quay mặt nhau đi lối khác…
Em bắt đầu biết sợ nỗi cô đơn
Khi cơn gió thốc vào đêm hoang hoải
Mây dạt, trăng chao
Em tựa hồ như chiếc lá rơi
Đóa quỳnh co ro cánh mỏng
Chờ một bàn tay iu ấp chạm hơi tình
Phía anh có còn nỗi nhớ nào không?
Hay chỉ còn lại những ký ức mơ hồ
Những vụn yêu thừa thải
Em vẫn dại dột giữ lấy những nụ mơ thời con gái
Chờ ngày bung hoa
Anh còn nỗi nhớ nào để hong hay chỉ sót giọt nắng tà…
Sài Gòn, 5.2020
ĐOÀN THỊ DIỄM THUYÊN
- Thơ 1-2-3 Tạ Hùng Việt: Mẹ lại sớm chiều trải biển ra phơi.
- Khoe và khoe khoang giữa đại dịch: Ranh giới giữa hai thứ này thật mỏng manh và tế nhị…
- Kiệt tác tượng Phật nằm trên núi Tà Cú
- Cuộc đời sóng gió của “đệ nhất mỹ nhân” Thu Trang – Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam sau 1954
- Thơ 1-2-3 Đặng Văn Thắng: Giữa bão táp mưa sa, cá chép biến nguy thành thế
Độ rung của từng cảm xúc.
Có thể những bài thơ chiêm nghiệm này là một phát hiện về nhà thơ Diễm Thuyên. Hoặc các bài thơ này là những thể nghiệm mới của chị. Hoặc được nhà thơ rung lên trong một niềm cảm xúc đơn độc nào đó. Mà tôi thấy và cảm nhận được khi đọc mỗi bài thơ.
Con người phải thế nào, phải trải qua quá trình, phải vượt qua chặng đường dài, hoặc đã phải nhận đau khổ của sự vấp ngã, hay đơn giản đó chỉ là nhận thức, hoặc là những giác quan vượt trội. Cảm xúc có độ rung nhất định nhưng độ rung ấy kéo dài mãi làm cho con người cả chủ của cảm xúc, cả cảm nhận thông qua ngôn ngữ vẫn rung cảm dài mãi tận tới khi kết thúc của “những môi hôn” “như vốn dĩ” của nó là đầu tiên nhưng đã rung tới biệt ly trong bài thơ đầu.
Hạnh phúc là gì? Phải chăng hạnh phúc là điều nhận thức được, tôn trọng và thưởng thức hết bậc của những gì đang tồn tại, đang có được bởi tâm hồn, bởi suy nghĩ hiểu được tận cùng, và ngày mai nào đó sẽ không còn hạnh phúc nữa. Con người hiểu được quy luật không có gì tuyệt đối và không chìm vào niềm tin tuyệt đối nào đó. Phải nói là những bài thơ đã kéo dài, dài tới khi không còn tồn tại nữa. Độ rung dài như thế thường là không phải là tự nhiên. Tự nhiên của cảm xúc là ngắn hạn, hạnh phúc hay đau khổ, nói chung là bảy trạng thái tình cảm của con người thường không kéo dài mãi mãi. Chúng như những con sóng xô nhau, thúc đẩy nhau trong những quá trình ngắn hạn. Nhưng Diễm Thuyên không chỉ tận hưởng cái cảm giác mình đang có. Cái hiện diện của các trạng thái cảm xúc ấy mà bằng ngôn từ, bằng tư duy và suy nghĩ cô đã thưởng thức luôn cả cái cảm giác của sự ngược lại. Cảm xúc rung động dài đến như thế và cộng hưởng với sự chiêm nghiệm, với suy nghĩ rất xa của quá trình ấy. Đôi khi cả tác giả và người đọc được nhận về cả hai, nhân đôi lên trong cảm giác của hai bờ xúc cảm từ đó trong chỉ một vài câu thơ mà người đọc đã hiểu được có sinh có tồn, có hưng có vong, có hạnh phúc có đau khổ, …chúng luôn luôn ngược nhau.
Chúng ta thường dừng lại ở một bờ, một đầu dây nhưng những bài thơ của Diễm Thuyên lại kết nối hai bờ ấy lại, kết nối hai đầu dây ấy lại làm cho người đọc so sánh được cảm xúc của mỗi bờ, mỗi đầu dây trong tâm tư và tâm hồn của mình.
Ý thơ thường lan ra rất xa. Đó là các ý nghĩ đã được biến thành thơ. Những ý nghĩ biết nghĩ truyền tải đi những suy nghĩ, nhưng lo xa không phải mang lại cảm giác tiêu cực mà là rất đời sống, rất tự nhiên của tư duy. Phong cách thơ không kéo căng mà là lan tỏa tới cả hai bờ, hai đầu của giới hạn mà chỉ có suy nghĩ mới nghĩ tới thì giời đây Nhà thơ đã viết được ra điều đó.
Những bài thơ kiểu thế này luôn đi sâu vào tâm thức của người đọc bằng sự bất ngờ nào đó. Những bài thơ khai thác ở một vế xa khi nhắc tới vế gần, ở một bờ phải khi nhắc tới bờ trái, ở một đại dương này khi nhắc tới đại dương khác, ở một mặt trời nhưng là lúc nhắc tới mặt trăng. Như tiếng thánh thót của con chim nhỏ, như tiếng vang lại của tiếng chuông chùa. Thanh âm đi vào khoảng không, khoảng không nhận lại và hất tung lên để tạo ra xung lực dồn nén lại từ thanh âm ấy. Sự khéo léo này là một nét mới trong thơ của Diễm Thuyên.
Hòa Phong.
Diễm Thuyên cảm ơn và trân trọng cảm nhận tinh tế của đọc giả Hòa Phong cho chùm thơ của Diễm Thuyên rất nhiều ạ!