Thơ 1-2-3 Đặng Ngọc Tam Giang: Tận cuối sông chờ… ta gào sóng: Huế là em!

Huế không là em sao đền đài mộng mị// Say thức mưa tâm biêng biếc rêu mùa/ Gọi cố nhân qua cầu rơi lược// Chải muốt dòng Hương in bóng ai hẹn thề/ Còn hẹn ước A Sầu thư xin gửi/ Tận cuối sông chờ… ta gào sóng: Huế là em!

Nhà thơ Đặng Ngọc Tam Giang

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Trăng cũng Huế hay răng mà mơ mộng?

 

Cứ vành khuyên treo trên tháp sương ngà

Hay lạc lối giữa đường tình rất cũ…

 

Sông vẫn thơm và thơ luôn đứng đợi

Mười ba cửa thành rộng mở chờ duyên

Ai bảo ta chi… hứng nguyệt mắt hồ sen!

 

Huế không là em sao đền đài mộng mị

 

Say thức mưa tâm biêng biếc rêu mùa

Gọi cố nhân qua cầu rơi lược

 

Chải muốt dòng Hương in bóng ai hẹn thề

Còn hẹn ước A Sầu thư xin gửi

Tận cuối sông chờ… ta gào sóng: Huế là em!

Dù không hẹn ta vẫn về như hẹn

 

Mười năm thương rưng rưng Văn Lâu chờ

Trăm năm nhớ cửa thành âu vẫn đợi…

 

Đông Ba còn xôn xao lời bến, chợ

Đập Đá buồn khi vắng gió khoắt khuya

Người hỡi… sông dài còn hẹn hò nhau với biển.

 

Cửa Thuận mênh mang lời huyền sử

 

Lưới giăng mắc đánh bắt lời ca dao

Lanh canh gõ phím vọng Thai Dương buồn

 

Đò Hải Dương những lần qua ngược sóng

Ta vẫn về cắm cọc báy dò sông…

Miên man ngọn nồm… thuyền ai dong buồm ra cửa.

 

Em có về bến Nguyệt* xứ Tam Giang?

 

Gọi con đò nương vương thương theo lời chim Ca Cút

Đợi trăng lên cho triều dâng ngập bến…

 

Chảy hồn thơ sóng sánh sóng chạnh chao ngọn nồm

Biển gặp phá, sông gặp lời muối mặn

Vành vạnh nhau trong âm bản trăng trắng nguyệt tình.

 

_______________

Tất cả các địa danh được viết hoa đều thuộc Thừa Thiên Huế;

riêng*: bến Nguyệt, không có thật. Tác giả tự đặt tên với dụng ý cho thơ.

 

ĐẶNG NGỌC TAM GIANG
(THỪA THIÊN HUẾ)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *