VHSG- Ruổi rong khắp mọi chân trời, đến lễ Vu Lan không ai quên báo hiếu. Cái đạo lý thường tình ấy cũng là cội nguồn văn hóa Việt. Vu Lan còn là niềm cảm hứng bất tận cho thi ca mà hình ảnh người mẹ trở thành nhân vật trung tâm. “Nhiệt độ lang thang trong cơ thể con/ Thổi từng ngọn lửa hừng hực cháy ran lòng mẹ/ Vội vã học cách dập lửa, học y tá, học điều dưỡng”, thời thơ ấu gian khó sống lại trong ký ức nhà thơ Đặng Tường Vy bằng những bài thơ 1-2-3 xúc động từ Pháp gửi về: “Mẹ cho con trơn trắng lụa là, tiểu thư mầm đá/ Mẹ cầm tay ngọn gió thổi lửa sau hè con thơ đủ bữa/ Đêm khuya, tiếng bụng mẹ biểu tình sôi ùng ục… con nhỡ giấc!” Đặc biệt, chị còn dành tình cảm cho bà ngoại, như người mẹ thứ hai trực tiếp nuôi dạy mình: “Tấm chăn tình ngoại sưởi ấm đời con qua bao mùa rét/ Ngoại cầm bút vẽ tuổi thơ, con bình yên màu lúa chín/ Con gom nhớ sâu tiền kiếp, bóng ngoại đầy, ru giấc bình an”…

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.
Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn, Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam.
Đến nay, VHSG đã nhận hơn 350 chùm thơ 1-2-3 của gần 150 tác giả trong và ngoài nước gửi về, đăng tải hơn 280 chùm thơ và đang tuyển chọn giới thiệu dần. Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Nhiệt độ lang thang trong cơ thể con
Thổi từng ngọn lửa hừng hực cháy ran lòng mẹ
Vội vã học cách dập lửa, học y tá, học điều dưỡng
Mẹ ôm trái tim con vào lòng, truyền hơi ấm, truyền sự sống
Bốn phương trời, mười phương Phật, Mẹ đóa hoa Vu Lan vĩnh hằng
Mặt trời của mẹ, Bồ Tát đời con… phổ độ.
Đồng lương eo sèo, mẹ giàu nỗi lo
Mẹ bán thanh xuân, mua từng sợi bạc trên mái tóc
Vết chân chim cười duyên nơi khoé mắt, tiếng lòng vô ngôn
Mẹ cho con trơn trắng lụa là, tiểu thư mầm đá
Mẹ cầm tay ngọn gió thổi lửa sau hè con thơ đủ bữa
Đêm khuya, tiếng bụng mẹ biểu tình sôi ùng ục… con nhỡ giấc!
Ngoại còng lưng trên thềm năm cũ
Đóa hoa mặt trời sáng bừng góc nhớ tuổi thơ
Con bán giang san đổi lấy tình yêu của ngoại
Tấm chăn tình ngoại sưởi ấm đời con qua bao mùa rét
Ngoại cầm bút vẽ tuổi thơ, con bình yên màu lúa chín
Con gom nhớ sâu tiền kiếp, bóng ngoại đầy, ru giấc bình an.
Mẹ về nhà mới, mờ bóng con thơ
Con đi xa như mặt trời xa mẹ, nắng rót vàng thương
Ngày giỗ vắng con, ngày Tết thiếu dáng, ngày vui gió lùa
Ngày về dần thưa, mẹ xâu nỗi nhớ ví dầu đóng đinh
Viên gạch cũ bóng con dài năm cũ, tiếng cười vắt đầy sân
Mẹ về nhà mới, Sài Gòn vắng Lụa, mẹ giăng mắc buồn.
ĐẶNG TƯỜNG VY (PHÁP)
- “Từ điển Khazar” – Cách tân của tiểu thuyết
- Thơ 1-2-3 Võ Văn Trường: Đời mẹ mong chi bia đá tượng đồng
- Nguyễn Quang Hưng với “Mùa biến động”: “Thảm họa giấu sẵn trên tay người”
- Truyện ngắn Chu Quang Mạnh Thắng: “Giấc mộng” không hoàn hảo
- Hiện thực tưởng tượng trong tập thơ “Dưới trăng và một bậc cửa” của Nguyễn Quang Thiều