VHSG- Giấc ngủ trưa vật vạ của anh bảo vệ khác gì “Người diễn viên chợp mắt lúc đoàn phim chuyển bối cảnh”? “Bé sơ sinh ngủ vùi trong chiếc đai trên lưng mẹ” khác gì giấc mơ của người đàn ông cô đơn đêm mưa nhà dột “Vì người đàn bà đã không còn hiện diện trong ngôi nhà khuyết”? Và với chính nhà văn, giấc ngủ có gì khác biệt? Đoàn Thị Diễm Thuyên lý giải: “Thân thể chỉ là thứ vật chất cần được sống nhờ nuôi dưỡng/ Cảm xúc không thể thăng hoa trên xác thân cùng kiệt/ Giấc ngủ cũng cần nương tựa để hồi sinh…”. Một chùm thơ độc đáo với những phát hiện tinh tế về góc khuất thân phận…

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.
Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn, Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam.
Sau 5 tháng phát động, VHSG đã nhận gần 500 chùm thơ 1-2-3 của gần 180 tác giả trong và ngoài nước gửi về, đăng tải gần 380 chùm thơ và đang tuyển chọn giới thiệu dần. Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Anh bảo vệ tựa người vào chiếc ghế ngủ
Nửa người anh loang một màu nắng gắt giờ đúng ngọ
Vạ vật giấc mơ trưa
Chiếc camera trước cửa công ty liệu có cùng anh đồng lõa
Che dấu trừ cho những ngày công được chấm vào lương
Hay vẫn giương mắt đọc đúng kiểu lập trình không cảm xúc
Người diễn viên chợp mắt lúc đoàn phim chuyển bối cảnh
Giấc ngủ đến và đi như một cơ hội
Hình thể khi ngủ tự do thích nghi không theo phân vai
Nhân vật có thể làm nên hào quang hay thị phi
Khán giả đâu thấy hết những lặng thầm khuất sau vai diễn
Mà thương thêm một chút ở vai đời
Bé sơ sinh ngủ vùi trong chiếc đai trên lưng mẹ
Đường phố buổi sáng đông đúc những bổn phận
Những chiếc xe chen chúc và tranh nhau lối đi nhanh
Nguy hiểm rình rập không đáng sợ bằng trách nhiệm nặng mang
Người mẹ đánh võng nỗi lo trên “tay lái lụa”
Gồng cả hơi thở để cầu mong bình an trên từng bánh xe trườn
Có âm thanh tiếng mưa rơi dưới mái nhà bị dột
Người đàn ông xê dịch chiếc thau chỗ chiếc giường con ngủ
Nỗi lo đong đưa, thưa – nhặt
Giấc mơ về một căn nhà ấm nhập nhòe bên tiếng mưa
Giấc mơ về một gia đình vui nhạt nhòa theo màu mưa
Vì người đàn bà đã không còn hiện diện trong ngôi nhà khuyết
Những trang viết bị cắt ngang dòng cảm hứng
Đôi mắt nhà văn bị trì lại theo nỗi buồn nhiều hơn vui
Cô ngủ vùi mặc kệ ngày mai thất thu kế hoạch
Thân thể chỉ là thứ vật chất cần được sống nhờ nuôi dưỡng
Cảm xúc không thể thăng hoa trên xác thân cùng kiệt
Giấc ngủ cũng cần nương tựa để hồi sinh…
Sài Gòn, 9.2020
ĐOÀN THỊ DIỄM THUYÊN
Luận bàn & góp ý cho chùm thơ 1-2-3 của tác giả Đoàn Thị Diễm Thuyên(Saigon,9-2020).
A!Tôi chào chị Thuyên!Lâu lắm rồi,tôi mới được xem & đọc thơ của chị.
Và tôi xin phép chị cho tôi luận bàn một chút nghe với chùm thơ trên.
*Bài 1:”Anh bảo vệ tựa người vào chiếc ghế ngủ”(câu 1).
Tôi đọc bài này & thấy nó “không hay” chị Thuyên ơi!Bởi vì,chị sa vào giải thích chi tiết từ-ngữ nhiều quá thành ra bị dôi-dư từ-ngữ!Tôi dẫn chứng nghe chị: “Nửa người anh loang một màu nắng gắt giờ đúng ngọ”(câu 2-bài 1).Tôi nghĩ câu trên chị không cần dùng thêm ngữ “giờ đúng ngọ” trong câu này phải không?Mà chỉ cần chị nêu: “Nửa người anh loang một màu nắng gắt” là đủ & người đọc thơ chị(như tôi) cũng đã biết & hiểu rồi.
Ở câu 6:”Hay vẫn giương mắt đọc đúng kiểu lập trình không cảm xúc”=Tôi thấy câu này bị thừa từ-ngữ “đúng kiểu lập trình”.Tức là,chị chỉ cần nêu: “Hay vẫn giương mắt đọc đúng không cảm xúc” là đầy đủ ý nghĩa thơ rồi,đâu cần chi phải thêm ngữ tôi đã dẫn trên.Nếu như chị Thuyên thêm vào cho nó rõ ngữ nghĩa thì rơi vào giải thích chi tiết từ-ngữ thành ra câu thơ “không hay” & “dài” phải không chị Thuyên?
*Bài 2: “Người diễn viên chợp mắt lúc đoàn phim chuyển bối cảnh”(câu 1-bài 2).
Giấc ngủ đến và đi như một cơ hội(câu 2)
Hình thể khi ngủ tự do thích nghi không theo phân vai(câu 3)
Nhân vật có thể làm nên hào quang hay thị phi(câu 4)
Khán giả đâu thấy hết những lặng thầm khuất sau vai diễn(câu 5)
Mà thương thêm một chút ở vai đời”(câu 6).
Toàn bộ bài thơ trên,tôi thấy chị Thuyên lại rơi vào cách giải thích từ-ngữ
“rườm rà” & cách dùng từ-ngữ “thừa dư” hơi bị nhiều thành ra bài thơ trở thành “dở” & “không hay”.Để tôi dẫn cho chị xem lại nghe:
-Giải thích rườm rà trong các câu 3,câu 5)
-Dùng thừa từ: “Hình thể-thích nghi-khuất-vai.v.v.”.
-Tôi xin bổ sung thêm ý nếu chị Thuyên nêu: “giấc ngủ đến & đi như một cơ hội”.Tôi thấy là “không hợp” trong câu này nếu xét về phép so sánh & ý nghĩa trong thơ.
*Bài 5: “Những trang viết bị cắt ngang dòng cảm hứng”(câu 1-bài 5).
-Xét về ý thơ trong câu này thì tôi không hiểu hết!Tại sao?Bởi vì,theo ý của chị Thuyên,tôi thắc mắc: bị cắt ngang là những trang viết hay dòng cảm hứng đây???(và người đọc thơ-công chúng đọc thơ cũng sẽ thắc mắc & hỏi như tôi vậy).
“Đôi mắt nhà văn bị trì lại theo nỗi buồn nhiều hơn vui”(câu 2).Vậy tôi hỏi chị Thuyên: đôi mắt nhà văn bị trì lại là do thiếu ngủ hay là nó theo nỗi buồn nhiều hơn vui(theo ý của chị)???Tôi nghĩ: “nó” = “đôi mắt” bị trì lại là do “mất ngủ”.Ở đây,tôi muốn nhấn mạnh ở điểm:chị Thuyên nên nói rõ ý thơ & chọn lọc ý trong câu thơ!Nếu chị đã dùng câu 2 trên thì độc giả sẽ không hiểu ý thơ của chị & ý nào là chính xác “nhất” theo ý của chị Thuyên trong lúc chị làm bài thơ 5 trên ngay lúc ấy!
-Nhân vật thơ của chị Thuyên là nhà văn,vậy mà chị buông một câu: “Cô ngủ vùi mặc kệ ngày mai thất thu kế hoạch”(câu 3).Thiệt tình,tôi không hiểu chị Thuyên tại sao chị lại “làm” một câu như trên.Nếu “thất thu kế hoạch” thì chỉ có nhân viên văn phòng,ví như thư ký-kế toán viên mới “sợ” bị “thất thu kế hoạch” mới đúng chứ!Còn ở đây là “nhà văn” mà sao lại “sợ” bị thất thu???=> Ý diễn đạt & cách dùng từ của chị Thuyên theo tôi là “rối” & “vụng”.Tôi xin chị thứ lỗi & mong chị chú ý để làm thơ “hay” hơn trong những bài thơ sau.
Đôi lời góp ý với thơ của chị Thuyên,mong chị thứ lỗi!Tôi mong BBT-BQT trang vanhocsaigon.com cảm thông.Tôi chào trân trọng.