Thơ 1-2-3 Hoàng Cẩm Thạch: Con gái ra sông ngụp lặn tìm ánh sao rơi

VHSG- Hoàng Cẩm Thạch còn có bút danh rút gọn Cẩm Thạch, hiện sống ở thành phố Vinh. Với chùm thơ 1-2-3 đầu tiên gửi về VHSG cho thấy chị am hiểu và nặng lòng với đời sống, văn hóa vùng cao biên giới phía tây xứ Nghệ. “Dòng Nậm Nơn xanh trong mắt núi/ Con gái ra sông ngụp lặn tìm ánh sao rơi” và các chàng trai tình cờ ngắm nhìn đêm về không ngủ được. Bên ngôi nhà sàn chín bậc cầu thang “Em ngồi dệt nhớ dệt thương, dệt khăn piêu thắm tình đôi lứa/ Tặng người trai bản hương nồng nàn níu giữ/ Đợi ngày cha mẹ anh, đón em về làm dâu”. Sinh động hơn vào mùa trung thu “Trăng thả ánh đèn lơ lửng trên đỉnh Pulaileng/ Lũ chim rừng rúc rích lời tự tình không ngủ” vui cùng các em nhỏ rước đèn ông sao và thao thức cùng anh lính tuần tra biên giới. Đằng sau vẻ đẹp ấy còn lẩn khuất những nỗi buồn, nhất là số phận những người phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo khó mà ngay cả một bông hoa hồng cho Ngày Phụ nữ VN 20.10 với họ cũng chỉ là ước mơ: “Cuộc đời heo hút chốn rừng sâu chỉ có nắng và gió/ Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, bước chân mòn sỏi đá/ Ngước bầu trời cao khao khát cánh chim bay…”

Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau hơn 5 tháng phát động đã hơn 520 chùm thơ 1-2-3 của trên 180 tác giả trong và ngoài nước tham gia, và đã đăng tải gần 400 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.

Gần đây có thêm nhiều cây bút liên tục gửi về những chùm thơ 1-2-3 mới như: Hoàng Cẩm Thạch, Hồ Thế Sinh, Nguyệt Lê, Tạ Hùng Việt, Phạm Tuyết Hạnh, Nguyễn Đức Bá, Mai Lệ Hằng, Phạm Thị Hồng Thu, Phạm Hồng Soi, Trần Mai Ngân, Vũ Hà, Quách Mộc Ngôn, Nguyễn Thị Thanh Long, Cao Ngọc Toản, Chử Lê Hoàng Điệp, Hạ Như Trần, Lương Mỹ Hạnh, Đỗ Quảng Hàn, Nguyễn Quỳnh Anh, Từ Dạ Linh, Nguyễn Bá Hòa, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Thị Thanh, Vương Thanh Lan, Nhất Mạt Hương, Huỳnh Thanh Liêm, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Lê Bích, Trần Thùy Linh, Tâm Như, Sang Trương, Phan Thảo Hạnh, Cao Xuân Hiển, Võ Văn Thọ, Trương Ngọc Ánh, Lê Thị Ngọc Nữ, Huyền Mến, …

Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3” và xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.

Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An (Bò một nắng Phú Yên), Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty May mặc Lâm Mơ.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ 1-2-3 mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!

 

Dòng Nậm Nơn xanh trong mắt núi

 

Con gái ra sông ngụp lặn tìm ánh sao rơi

Hòn sỏi lăn tròn in dấu chân trên cát

 

Em vục nước thoa thắm thân ngà ngọc

Anh đứng chôn chân. Đêm về không ngủ được

Sóng mơn man gọi trăng bơi trong mắt em…

 

Bản Đoọc Búa, cuối mùa sen vẫn nở

 

Bản hoa sen nghiêng nghiêng dốc núi

Ngôi nhà sàn cầu thang chín bậc thấp thoáng trong sương

 

Em ngồi dệt nhớ dệt thương, dệt khăn piêu thắm tình đôi lứa

Tặng người trai bản hương nồng nàn níu giữ

Đợi ngày cha mẹ anh, đón em về làm dâu…

Em chưa một lần nhận quà ngày 20 tháng mười

 

Những người đàn bà vùng cao quanh năm nghèo khó

Mơ một lần được nhận bông hoa hồng rực đỏ

 

Cuộc đời heo hút chốn rừng sâu chỉ có nắng và gió

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo, bước chân mòn sỏi đá

Ngước bầu trời cao khao khát cánh chim bay…

 

Trăng thu sáng xanh trời biên giới

 

Trăng thả ánh đèn lơ lửng trên đỉnh Pulaileng

Lũ chim rừng rúc rích lời tự tình không ngủ

 

Đám trẻ con bản nhỏ vui rước đèn ông sao

Những ánh mắt, nụ cười sáng trời tây biên giới

Trăng thức cùng bộ đội canh giữ từng tấc đất chủ quyền…

 

Đêm tuần tra nghe tiếng chim gọi bạn

 

Nghe đất trời thổn thức tiếng suối reo

Ánh trăng soi bước chân người chiến sĩ

 

Anh nhớ em sương lạnh ướt lưng đèo

Nghe gió hát bài ca xào xạc lá

Nghe con tim thao thức nói lời yêu…

 

Làng quê, phường phố, núi rừng ngập thu

 

Đồng trắng nước, đàn cò ngơ ngác lạc lối về

Sông vào phố, đoàn xe chết máy… dòng xoáy, vực sâu

 

Đá chắn đường, ngổn ngang cây, sụt lở núi tang thương

Ôi, dòng sông oằn mình trong dòng xiết

Con người bé nhỏ trước cuồng phong, thu ngập xóm làng …

 

HOÀNG CẨM THẠCH (NGHỆ AN)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *