VHSG- “Tháng mười ơi thu về qua phố vắng/ Gió heo may se lạnh đoạn đường cong/ Chùm hoa sữa tỏa hương thơm nồng nàn khoe nắng”. Phong cảnh mùa thu đẹp lãng mạn. Lòng người xa quê khôn nguôi thương nhớ: “Con lỡ hẹn bao lần thu sang về thăm mẹ/ Chắc cây cau trước nhà cắn thời gian xơ xác/ Không có người quệt vôi, lá trầu không héo úa”. Thế nhưng vẻ đẹp bình yên nhanh chóng qua đi và “Bão dồn dập đổ về đúng mùa thu chín/ Mẹ mỏi mòn đôi mắt, vầng trán nhăn nếp ruộng bậc thang/ Bố đội mây, sương phủ bạc trắng đầu… khát nắng”, nhất là ở miền Trung “Bão vùi dập mầm xanh khát khao sự sống/ Lũ hung hăng cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn”…

Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau gần 6 tháng phát động đã nhận hơn 600 chùm thơ 1-2-3 của gần 200 tác giả trong và ngoài nước tham gia, và đã đăng tải hơn 430 chùm thơ trên Văn Học Sài Gòn.
Gần đây có thêm nhiều cây bút liên tục gửi về những chùm thơ 1-2-3 mới như: Huyền Mến, Lê Kỳ Nam, Lê Thị Hương, Lê Sỹ Đồng, Trần Thùy Linh, Sang Trương, Ngô Lam, Hoàng Cẩm Thạch, Hồ Thế Sinh, Nguyệt Lê, Tạ Hùng Việt, Phạm Tuyết Hạnh, Nguyễn Đức Bá, Mai Lệ Hằng, Phạm Thị Hồng Thu, Vũ Hà, Quách Mộc Ngôn, Cao Ngọc Toản, Chử Lê Hoàng Điệp, Hạ Như Trần, Lương Mỹ Hạnh, Nguyễn Quỳnh Anh, Từ Dạ Linh, Nguyễn Bá Hòa, Nhất Mạt Hương, Huỳnh Thanh Liêm, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Thái Bảo – Dương Đỳnh, Tuấn Phạm, Hà Vinh Tâm, Nguyễn Thị Hạnh, Phan Xuân Hậu, Lê Bích, Tâm Như, Phan Thảo Hạnh, Cao Xuân Hiển, Võ Văn Thọ, Trương Ngọc Ánh, Lê Thị Ngọc Nữ,…
Xin lưu lý thể lệ: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và các đơn vị tài trợ đồng hành với thơ 1-2-3: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An (Bò một nắng Phú Yên), Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty May mặc Lâm Mơ.
Tháng mười ơi thu về qua phố vắng
Gió heo may se lạnh đoạn đường cong
Chùm hoa sữa tỏa hương thơm nồng nàn khoe nắng.
Cặp chìa vôi chấp chới gọi mùa vàng
Na mở mắt tròn xoe nhìn thị sai trĩu quả
Phố lất phất mưa bay ướt áo trắng học trò.
Con lỡ hẹn bao lần thu sang về thăm mẹ
Chắc cây cau trước nhà cắn thời gian xơ xác
Không có người quệt vôi, lá trầu không héo úa.
Cây cột nhà in dáng lưng cong, ám mùi áo cũ
Mẹ vẫn ngồi chờ con, trò chuyện với trăng khuya
Nắng chiều quê gọi con về… chỉ còn khói sương bay.
Bão dồn dập đổ về đúng mùa thu chín
Mẹ mỏi mòn đôi mắt, vầng trán nhăn nếp ruộng bậc thang
Bố đội mây, sương phủ bạc trắng đầu… khát nắng.
Giữa cánh đồng những chú bù nhìn rách tả tơi gió giật
Lúa nặng lòng thương chủ… vàng rực đồng, căng mẩy trĩu gục bông
Người dân quê bắt tay vào mùa gặt tắm nắng vàng.
Thương lắm miền Trung ơi
Bão vùi dập mầm xanh khát khao sự sống
Lũ hung hăng cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn.
Trên nóc nhà đứa bé khóc thảm thương cầu cứu
Chới với những cánh tay, cái đầu cố ngoi lên khỏi mặt nước
Bố mẹ cứu vớt mấy mạng người… bỏ lại nó ra đi.
Sống ở đời đừng ganh ghét hơn thua
Tâm sinh đố kị… dối lừa lẫn nhau
Lìa đời cùng hố đất sâu
Tiền không mang được, rầu rầu tay buông
Tham, sân, si, sắc lẽ thường
Hướng chân, thiện, mĩ… mở đường lương tri.
HUYỀN MẾN
(MỘC CHÂU – SƠN LA)