Thơ 1-2-3 Lê Thanh Hùng: Ướt sũng những phận người dâu bể

Có một tiếng rao nhẹ nhàng như thế// Kéo dài trên phố nhỏ, chiều mưa/ Ướt sũng những phận người dâu bể// Giọt giọt rơi trên mặt phố nhặt thưa/ Tiếng rao đọng nước mưa khàn đục/ Đâu mất rồi, giọng thánh thót ngày xưa…

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

 

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Bầy chim quành quạch, dưới tàn cây ỏm tỏi

 

Tiếng gọi tình nhao nhác cả thinh không

Đôi bồ câu gật gù như muốn nói

 

Có gì đâu mà chộn rộn mớ bòng bong

Tiếng ồn ào chợt lặng im ngơ ngác

Mỗi cảnh, mỗi đời, sao nghe mà rối cả lòng…

 

Tháng bảy chiều, nắng đổ ong ong

 

Giồng cát trắng tả tơi hoang mạc

Gió thổi mùa, tiếng em cười lấn át

 

Đất Hòa Thắng sáng bừng, rạng rỡ một niềm tin

Cuộc sống mới, tiếng em cười trong vắt

Khu du lịch trẻ trung, gợi mở một tầm nhìn…

Tranh của họa sĩ Hoàng Trúc

Mỗi chúng ta đã từng, đang và sẽ bị cám dỗ

 

Bởi vô vàn trăm thứ trời ơi

Cứ sóng sánh bên đời hiển lộ

 

Những cạm bẫy ngọt ngào, rộng hẹp đường khơi

Ai cũng biết, nhưng dễ đâu qua được

Nên rơi rụng đi, cũng là một lẽ đời…

 

Có một tiếng rao nhẹ nhàng như thế

 

Kéo dài trên phố nhỏ, chiều mưa

Ướt sũng những phận người dâu bể

 

Giọt giọt rơi trên mặt phố nhặt thưa

Tiếng rao đọng nước mưa khàn đục

Đâu mất rồi, giọng thánh thót ngày xưa…

         

LÊ THANH HÙNG

(BẮC BÌNH – BÌNH THUẬN)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *