VHSG- Khi mọi cuộc hôn nhân tan vỡ thì nỗi đau lớn nhất thường vẫn thuộc về người đàn bà, bởi dù có phân xử công bằng đến mấy thì “Còn tình cảm ấm nồng bao năm bên người, liệu chăng?/ Phân chia mãi không đều nên chị bù bằng nước mắt”. Và khi đã bước đi khập khiễng vì thiếu một bên thì “Mọi thứ đều mong manh, đều khuyết mất một phần/ Tuy vẻ bề ngoài vẫn chát chua, đanh cứng”. Và nhất là những đêm dài cô quạnh nhớ nhung: “Cứ ngỡ bóng ai hoà quyện với bóng mình/ Hoàng hôn vừa buông mành lại mong đến bình minh”. Từ quan sát những hoàn cảnh trắc ẩn quanh mình, nhà giáo Trần Ngọc Sương từ Bình Định đã chia sẻ bằng những bài thơ 1-2-3 tinh tế rất… đàn bà và cũng triết lý “Đừng nặng chữ vì ai mà hãy sống vì mình”.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả muốn biểu hiện. Đặc biệt giữa câu 1 và câu 6 làm sao có tính hô – ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3”, xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín. Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
VHSG đã nhận rất nhiều chùm thơ 1-2-3 gửi về và đang tuyển chọn giới thiệu dần. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia của bạn thơ và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới trên tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn”!
Đêm trắng người đàn bà vừa kí đơn ly hôn
Nặng trĩu tâm hồn sau cuộc tình tan vỡ
Hai đứa con chia đôi, chị dắt về một nửa.
Một căn nhà, một lối đi… đều được phân xử công bằng
Còn tình cảm ấm nồng bao năm bên người, liệu chăng?
Phân chia mãi không đều nên chị bù bằng nước mắt.
Giọng của người đàn bà vừa kí đơn ly hôn
Có một chút đanh, chát, một chút lạnh lùng
Có phần trách người và có phần trách mình trong đó
Sau những lần tự phân bua rồi tự mình hiểu rõ
Giận cái tôi níu trời cao mà nói chẳng thành lời
Hối tiếc muộn màng nước mắt âm thầm rơi.
Bước chân người đàn bà vừa kí đơn ly hôn
Không hẳn xiêu vẹo nhưng nghiêng về một phía
Không còn vững vàng cất bước ung dung
Làm sao thăng bằng khi đã thiếu một bên
Xuống dốc cuộc đời hay ngược dốc đi lên
Đều mang dấu chân người đàn bà khập khiễng.
Tâm trạng, lời nói người đàn bà đơn độc
Mọi thứ đều mong manh, đều khuyết mất một phần
Tuy vẻ bề ngoài vẫn chát chua, đanh cứng.
Sâu thẳm tâm hồn đêm dài xác thân giá lạnh
Cũng mơ một kiếp trăm năm đầu bạc răng long
Cũng giận ông tơ bà nguyệt xe duyên đến… vô tình.
Câu chuyện cuộc đời, người đàn bà đâu thể nào quên
Nỗi buồn nuốt xuôi. Nước mắt ngược dòng chảy mãi
Bóng trăng bên thềm ru hương cùng cỏ dại
Cứ ngỡ bóng ai hoà quyện với bóng mình
Hoàng hôn vừa buông mành lại mong đến bình minh
Một thế giới cô đơn quay cuồng trong nỗi nhớ.
Cuộc sống người đàn bà chưa đủ đầy duyên nợ
Đừng nặng chữ vì ai mà hãy sống vì mình
Niềm vui vẫn rạng ngời bởi hai chữ mưu sinh
Trên mọi nẻo đường vẫn in dấu chân người đàn bà đơn độc
Người đàn bà sẽ tự mình không khóc
Nội lực vươn lên từ chính trái tim mình!
Bình Định, 6.2020
TRẦN NGỌC SƯƠNG
____________________________
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ:
Công ty TNHH Luật Thành Văn
Địa chỉ: 371/16 Hai Bà Trưng, P8, Q3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 22293179
Hotline: 0916. 631. 348 (Mrs. Nguyễn Lệ)

- Thơ 1-2-3 Vũ Lam Hiền: Bài học lạ lùng không có trong giáo án
- “Gập ghềnh khúc đau” và nỗi ưu tư trần thế trong thơ Trương Tuyết Mai
- Thơ 1-2-3 Nguyễn Doãn Việt: Biết xấu hổ trước cả làn gió vương qua
- Ngẫu tượng – tiểu thuyết Lưu Vĩ Lân – Kỳ 2
- Nhà văn Nguyễn Hải Yến: Tôi sẽ cố gắng giữ gìn bản sắc nhà quê thuần chất