Thơ 1-2-3 Trần Thanh Dũng: Vạt áo bà ba đựng đêm buồn đêm nhớ

chiều Năm Căn trôi dạt tiếng đờn cò// cô Út Lợi xuống xề câu hát cổ/ vạt áo bà ba đựng đêm buồn đêm nhớ// cây mắm cây bần thêu dệt biển trời xanh/ nghe giọng ca ngọt như mía lùi của cổ/ lời hát bệu chi mà nẫu nhớ đến se lòng?

Nhà thơ Trần Thanh Dũng (Thành Dũng) ở Sóc Trăng

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.

Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

về lại miệt Hậu Giang

 

Nhìn dòng kinh xáng Xà-No ăm ắp phù sa

Chạng vạng chở nỗi đời, nỗi người đi qua năm tháng

 

Sâu thẳm trong đáy mắt chiều tà

Còn vằng tiếng phảng phạt chướng của người đi mở đất

Ký ức Đồng Bằng lấp lánh hạt phù sa?

 

ở xứ “ăn đằng sóng nói đằng gió”?

 

giọng anh không thể ngọt ngào như kép hát cải lương

em cũng chớ buồn phiền vì sao anh hay cọc

 

anh chỉ có tấm lòng như dòng sông Ông Đốc

cứ rạt rào vỗ mãi với ngàn lau

suốt đời này anh không dễ bỏ em đâu?

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

tuổi thơ nào neo dưới bến tàu Kinh Ba?

 

thị trấn biển, xanh trong mắt nhớ

em quên rồi sao, trên căn gác nhỏ

 

gió bạt lòng thao thiết những ngày mưa

để chiều nay anh về lại Kinh Ba

có phải gió ngày xưa, sao biệt ngày biệt tháng?

 

chiều Năm Căn trôi dạt tiếng đờn cò

 

cô Út Lợi xuống xề câu hát cổ

vạt áo bà ba đựng đêm buồn đêm nhớ

 

cây mắm cây bần thêu dệt biển trời xanh

nghe giọng ca ngọt như mía lùi của cổ

lời hát bệu chi mà nẫu nhớ đến se lòng?

 

về Gành Hào trăng Cao Văn Lầu neo bến đợi

 

tiếng đờn cò ngắt nhịp gõ song lang

cô Ba ơi sao nỡ vội lấy chồng

 

bỏ lại cần câu nằm đợi mùa đợi tháng

bỏ tiếng đờn đêm không lời bầu bạn

trăng vạnh trên đầu sao chẳng thấy bóng cố nhân?

 

về Mỏ Cày sao chẳng thấy cày đâu?

 

Ngoại còn hát thơ Lục Vân Tiên mỗi tối

Thơ nhập vào sông, sông nhập vào lòng biển Thái Bình

 

Tới bao la, hỏi nước có nhớ làng?

Nhớ nắng, nhớ mưa, nhớ lòng sông châu thổ

Nước sông Tiền muôn tuổi vẫn nằm nôi?

 

Sóc Trăng 12.2021

TRẦN THANH DŨNG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *