VHSG- “Phải mà ai cũng nhận ra loài vật biết đau buồn/ Chú chim sẻ rạc người trên tán cây non ngày lạc mẹ/ Chú thỏ trắng mắt đỏ au vào khoảnh khắc sắp bị lột da”. Hướng về môi trường đang bị hủy diệt, những bài thơ 1-2-3 của Trương Mỹ Ngọc kết tinh từ kiến văn và đời sống thực tiễn là tiếng nói đáng chú ý của một người trẻ trong dòng văn học sinh thái hiện nay: “Những thân cây quật cường đi qua mấy mùa đạn lạc/ Cũng gục ngã trước ngón tay mềm của những kẻ khắc lên cây/ Rồi mai này trong số loài người, ai sẽ chịu trách nhiệm đây?”

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những Chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Giá trị tặng thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bạn thơ, bạn đọc và các đơn vị tài trợ: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH MTV TMDV Diệp Bảo An, Công ty TNHH TOVI, Công ty TNHH Pilot Design Bags, Công ty TNHH May mặc Lâm Mơ, Cơ sở May mặc Tôn Thẩm.
Phải mà ai cũng nhận ra loài vật biết đau buồn
Chú chim sẻ rạc người trên tán cây non ngày lạc mẹ
Chú thỏ trắng mắt đỏ au vào khoảnh khắc sắp bị lột da
Chúa sơn lâm ủ rũ trong chuồng cho loài người tiêu khiển
Con người không có nghĩa vụ can thiệp vào tự nhiên
Sự khổ đau nhân tạo này vốn dĩ nên gọi giản đơn là “tội ác”…
Có kỳ tích như “chiếc lá cuối cùng” của O. Henry
Người họa sĩ già sống một đời với khao khát làm nên kiệt tác
Kiệt tác mang một con người trở về từ cõi chết
Nhưng cũng cướp đi sinh mệnh của kẻ tài ba
Chiếc lá cuối cùng không rụng xuống trong cơn bão đêm qua
Vì Trái Tim viết hoa của Behrman là giá đỡ bao la nhất
Có hòn đảo Dối Lừa ở cực Nam Trái đất
Nơi băng phủ quanh năm và bầu trời xám xịt mỗi ngày
Nơi rã rời máu, xương và xác cá voi
Loài sinh vật hiền lành lang thang nơi đại dương rộng lớn
Chúng ta tàn sát một giống loài gần như tuyệt chủng
Để làm gì khi chúng chẳng bao giờ lừa dối chúng ta?
Chúng ta tự hỏi rằng cô đơn có tốt hay không?
Ví như cây Ténéré đã tồn tại ở Sahara hàng thập kỷ
Bốn trăm dặm mù khơi trợ trọi giữa trời xanh và nắng
Là sức sống phi thường, là khát vọng vươn lên
Cái giá của kiên cường chính là sự cô đơn
Nhưng con người cô đơn thì không kiên cường đến vậy
Ai đã viết chữ vào gốc cây già đã sống nghìn năm?
Thứ điêu khắc chưa bao giờ được ngợi ca
Dù có thể sẽ “trường tồn” theo năm tháng
Những thân cây quật cường đi qua mấy mùa đạn lạc
Cũng gục ngã trước ngón tay mềm của những kẻ khắc lên cây
Rồi mai này trong số loài người, ai sẽ chịu trách nhiệm đây?
TRƯƠNG MỸ NGỌC