Hồn cốt cha ông từng vị quốc vong thân/ Thuyền chở đạo lẽ đời sau trước// Một ngày thấu kiếp ba sinh chữ nghĩa/ Lấm bụi tha nhân, đất cỏ cao dày/ Nhờ những tượng đài dân… mà thế nước vững vàn sừng sững.

Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.
Mùa xuân lễ hội yếm đào
Nhớ câu xoan thuở nước non vua Hùng
Mẹ Tổ quốc tình yêu từ chín tháng…
Từ nụ giêng hai, con đò bến lạ
Mớ bảy mớ ba áo xống đa tình
Mình nhắc ta nhớ về tích tuồng “Lưu Bình – Dương Lễ”
Mùa xuân và mẹ điệu lòng xót xa
Khi bóng xế chiều phai giữa đào mai khoe sắc
Một nhành mây bay, xin cuối lạy chân trời
Nơi ấy có ba và khu vườn mưa nắng
Tóc xanh xưa hương bồ kết thơm nồng
Lặng im, trong cơn bấc tháng ba, hiên nhà… thương mẹ.

Đêm ở quê nghe giọt mưa góa bụa
Làng xóm hắt hiu ngày ngày tháng tháng
Cuối đất cùng trời hai tiếng tha hương
Thời dịch dã Covid bao nhiêu là mất mát
Nghĩ câu vô thường… chức tước, lợi danh
Câu nhân ngãi trầu cay vôi bạc.
Nghe văn tế nhớ người thơ nghĩa hiệp(*)
Hồn cốt cha ông từng vị quốc vong thân
Thuyền chở đạo lẽ đời sau trước
Một ngày thấu kiếp ba sinh chữ nghĩa
Lấm bụi tha nhân, đất cỏ cao dày
Nhờ những tượng đài dân… mà thế nước vững vàn sừng sững.
________________
(*) Ý muốn nói đến văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc của cụ đồ Nguyễn Đình Chiều
VÕ VĂN TRƯỜNG (QUẢNG NAM)