VHSG- “Không ngẫu nhiên mà Mai Văn Phấn tập trung vào thơ 2 câu lúc này. Ông đã đi một chặng đường dài, qua nhiều thể nghiệm, viết với nhiều thể thơ trong đó có trường ca, thơ 2 câu giờ đây xem như sự trở lại nhưng trên một đường xoáy trôn ốc. Vòng lặp sau không bao giờ trùng khít vòng trước. Một Mai Văn Phấn vừa quen vừa lạ hiện diện trong một cung cách rất đặc trưng: kín đáo và đầy “nguy hiểm”.
Nếu như thơ 2 câu của nhiều tác giả khác giống như một quãng nghỉ xinh xinh làm phong phú sinh động thêm cho hành trình viết thì Mai Văn Phấn dành cho thơ 2 câu một sự chú tâm dày dặn. Đến thời điểm này, ông đang có 255 bài thơ 2 câu, tiếp tục viết và sửa để chuẩn bị cho tập thơ mới ra đời với cái tên “Sương sớm”. Còn quá sớm để viết về tập thơ này như là một chỉnh thể nhưng bố cục của tập thơ đã hình thành: Hương cúc chi, Lối đi, Vẽ bóng đêm, Tiếng sấm, Bông huệ trắng. Năm phần của tập thơ gợi nên một hành trình từ ngoài vào trong, từ thanh sơ đến sâu sắc, từ giản đơn đến đa bội…
Tối giản không phải là ít, tối giản là sự “vắng mặt”. Có ba thứ vắng mặt trong thơ 2 câu Mai Văn Phấn.
Sự vắng mặt thứ nhất: nhan đề. Nhan đề là sự chỉ dẫn tốt cho sự đọc, nhưng cũng là sự áp đặt với người đọc. Không có nhan đề người đọc có thể hơi hoang mang. Nhưng không có nhan đề lại chính là tự do. Nhan đề bài thơ giống như những bảng chỉ đường ở một khu du lịch nổi tiếng. Bài thơ không có nhan đề tựa như một miền đất kì thú cho phép ta khám phá từ bất kì góc độ nào. Những cảnh đẹp đột nhiên hiện ra không báo trước ở một khúc quanh nào đó sẽ làm nên cảm xúc nguyên sơ và mãnh liệt khác thường. Không có nhan đề chính là không giới hạn.
Sự vắng mặt thứ hai: cái được biểu hiện. Trường hợp này gần với ẩn dụ bởi nó cần sự thay thế của cái biểu hiện. Nhưng ẩn dụ cần biểu tượng, thơ 2 câu Mai Văn Phấn không thiết kế biểu tượng. Cái được biểu hiện tồn tại ngay trong khoảnh khắc nó bị giấu đi nhưng không hẳn mang diện mạo khác, nó lửng lơ trong suốt đâu đó giữa những chữ ít ỏi đang bình thản nằm kia.
Sự vắng mặt thứ ba: cái tôi tác giả. Mai Văn Phấn là nhà thơ từ chối phong cách. Chưa bao giờ lập ngôn về điều này nhưng sáng tác của Mai Văn Phấn ngày càng hướng tới sự “vô sắc”. Thơ 2 câu có lẽ giúp ông thực hiện việc đó dễ dàng hơn (một bài thơ dài dù muốn hay không vẫn lộ ra cái tôi tác giả, thơ càng ngắn càng dễ triệt thoái nhân vật này). Cái tôi tác giả thường biểu hiện ở những từ chỉ cảm xúc. Thơ 2 câu Mai Văn Phấn không có hệ từ này.”.
(Rút từ bài viết “Vài ý nghĩ sớm về thơ 2 câu Mai Văn Phấn” của Đặng Thái)

sương sớm
Hạt sương bay
Mang chuyện hôm qua.
Phần I
HƯƠNG CÚC CHI
Mở cửa sổ
Chia cho con đường hương hoa cúc chi.
*
Rót nước cho em
Anh tráng cốc mấy lần.
*
Váy thẫm chấm bi đỏ
Em tô nhạt son môi.
*
Làm đứa trẻ
Sơ sinh trong tay em.
*
Nắng trên tà áo
Loang xa.
*
Bóng tối quầng mắt
Trong suốt.
*
Gió
Hôn từ tán lá xuống gốc.
*
Cây nấm
Dũng mãnh đội trời.
*
Chạm vào
Cỏ lan đi mướt xanh.
*
Gió ngậm chặt gốc hoàng lan
Không đung đưa.
*
Hoa tháng Hai
Chụm chân trong lẵng.
*
Gió
Áp lưng đôi trai gái.
*
Nhớ
Lối mòn càng rộng.
*
Một mình
Rót hai ly nước.
*
Má em vết nám
Anh lau từng lá hải đường.
*
Nằm yên
Ánh sáng trùm lên mặt.
Phần II
LỐI ĐI
Bếp tàn
Tro than ủ ấm cho nhau.
*
Tàu vào ga
Em bé đang bú mẹ.
*
Bữa tối gió ngừng thổi
Tôi pha thêm nước tương.
*
Mơ vượt sóng
Tỉnh dậy vẫn thấy lọ hoa.
*
Trời nước trong xanh
Tôi lặng yên như ngủ.
*
Chiếc phà rùng mình
Lên bờ vội vã chào nhau.
*
Ngày nghỉ
Chim sẻ đậu trên mái nhà.
*
Nghĩ bao điều lớn
Ngắt chiếc lá thả dòng suối nhỏ.
*
Cởi giày chậm
Hình như mình đang lột xác.
*
Đọc sách
Ngước lên bao nhiêu không khí.
*
Đi
Chia bóng cây cho trăng.
*
Cánh hoa nhiều hướng
Biết đi đường nào.
*
Nghe tiếng sấm
Cẩn thận treo từng bộ quần áo.
*
Cuối năm
Bàn ghế chung nhau giấc mơ.
*
Hương hoa cau đến cuối làng
Lại quay về.
*
Nằm đọc sách
Buông thõng một chân ra ngoài.
*
Chiều thảnh thơi
Cắn vỡ hạt hồ đào.
*
Đuổi theo mặt trời lặn
Chạy bộ lên tầng hai mươi.
*
Vội ngồi vào ghế
Nơi đứa trẻ vừa đi.
*
Về chốn xưa
Vui vì lạc lối.
*
Em bé đến
Bóng cây thu mình.
*
Vào guồng quay
Làn hương vừa tới.
*
Dựa vào ghế
Ý nghĩ làm bung mái tóc.
*
Đám mây trôi
Tôi xếp lại gối chăn.
*
Chân trời mở
Nuốt chửng giấc mơ.
*
Đặt lọ hoa
Tiễn bàn ghế vào đêm tối.
*
Không thấy đáy
Hay là trong suốt?
*
Cây gồng mình
Nâng đỡ đêm trăng.
*
Con giun đất biết
Trời đang tối.
*
Sao đổi ngôi
Tôi đứng giữa đường.
*
Ngồi yên
Cho sóng lặng.
*
Co ro nhìn nắng
Sưởi ấm bông cỏ may.
*
Bê con nhai mãi
Sữa mẹ.
*
Chiếc lá rơi lạc
Gặp con đường.
*
Quê nhà
Viên sỏi nép vào chân.
MAI VĂN PHẤN