Tiểu luận của Thy Lan: Phạm Phú Thang những điều đặc biệt

Phạm Phú Thang có nhiều điều đặc biệt trong đời và trong thơ. Ông sinh ra và lớn lên bên núi Chẹt thuộc tỉnh Quảng Bình “Nơi chôn rau giữa miếng đất đồng chua”. Cái tên Phú Thang như những nấc thang định mệnh cứ vận theo đời cùng ông “leo” mãi đến “tận cùng” Thanh Hóa, rồi dừng lại. Thanh Hóa trở thành nấc thang “Phú”, thành quê hương thứ hai của ông với tất cả sự giàu có của cuộc đời: Một người vợ xinh đẹp, phúc hậu, nết na, hết lòng thương yêu chồng; với “con đàn cháu đống”, đứa nào cũng vương trưởng, thành đạt…

Thanh Hóa như một sự ám ảnh, một định nghĩa, một triết lý sống mà mỗi lần nhắc đến ông đều dành những lời lẽ cảm động, sự tự hào không kém gì dành cho nơi chôn rau cắt rốn của mình:

Một đời bén rễ đất Thanh

Hò khoan, dô tả hóa thành tiếng quê

Đèo Ngang thân thuộc lối về

Nuôi chim cu gáy, đã nghe Quảng Bình

(Tiếng quê)

Và:

Ta mang Hàm Rồng, sông Mã

Mang đại ngàn luồng xanh biếc bản Mường

Mang nắng Bù Rinh quế ngọc Châu Thường

Mang gió Nghi Sơn, mía Đường Trèo lịm ngọt

 

Mang tiếng trống đồng Ngàn Nưa đánh thức

Múa đèn Đông Anh đi cấy sáng trăng

Em gái Mông lên rẫy địu nắng vàng

Chàng trai Thái, Dao cầm tay bạn gái

….

Thanh Hóa yêu thương

                           Nay cất cánh rồi.

(Đường bay Thanh Hóa – Tân Sơn Nhất)

Đó là điều đặc biệt thứ nhất của Phạm Phú Thang.

Nhà phê bình Thy Lan

Phạm Phú Thang làm nghề dạy học, nhưng thành danh trong nghề ảnh. Về thành phố Thanh Hóa hỏi tên Phạm Phú Thang ảnh ai cũng biết, họ chỉ dẫn tận tình, hào hứng:

– Chị đi một đoạn, đến ngã tư đèn xanh đỏ, ngó bên trái là thấy ngay.

Nghề ảnh là thú vui tao nhã nhưng cũng là chỗ giúp ông tăng thêm thu nhập, để lập nghiệp vươn lên vượt qua những khó khăn, bộn bề của cuộc sống. Ông bộc bạch:

Sáu mươi năm vật lộn

Đồng lương rẻ như bèo

Nuôi bầy con khôn lớn

Bằng số tiền nuôi heo

 

Nghỉ hưu năm tám chín

Mở hiệu ảnh hành nghề

Vợ chồng cùng con cái

Lập nghiệp đến say mê

(Về cùng thơ… thơ ơi)

Và ông đã rất thành công :

Dựng ảnh mầu điện tử

Đi đầu trong tỉnh nhà

Đồng nghiệp khắp tứ xứ

Làm ăn ngày nới ra

 

Sánh vai cùng bầu bạn

Làm ảnh đến Phú Thang

Đã thành câu thông ngữ

Từ biển đến non ngàn

(Về cùng thơ… thơ ơi)

Đó là điều đặc biệt thứ hai của Phạm Phú Thang.

Nhà thơ Phạm Phú Thang

Và còn một điều đặc biệt nữa, hay có thể nói là rất đặc biệt cứ ám vào Phạm Phú Thang cả những khi còn lăn lóc trong đói nghèo lẫn giờ đây trong viên mãn đó là Thơ. Phạm Phú Thang là một trong số ít đại biểu dự Đại hội Viết văn trẻ toàn quốc năm 1959 tại Việt Bắc còn sót lại. Tại đây, ông đã có dịp “hội kiến” với những bậc đàn anh như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… Đánh giá về thơ ông khi đọc chùm thơ được giải báo Người giáo viên nhân dân Xuân Diệu nhận xét: “Ngắn nhất trong chùm thơ được giải thi có bài “Mẹ và con” của Phạm Phú Thang. Những câu lục bát chẳng phải đã có những cây bút kéo dài ra thao thao bất tuyệt, đối với những cây bút ấy thì thêm mười hay hai mươi câu nữa cũng không biết thế nào là dài; bốn câu lục bát ở đây đã cố gắng làm theo tiêu chuẩn của một bài thơ tứ tuyệt; nghĩa là trong bốn câu ngắn gọn phải đem đến một cái gì không thường làm cho người ta chú ý; tình tứ ở đây ý nhị, khe khẽ mà thấm thía” ( Tuyển tập Xuân Diệu – Tập 2 trang 755 – Nhà xuất bản Văn học 1999).

Thơ Phạm Phú Thang dung dị, hiền từ, nhân hậu, tốt tính như ông:

Tôi biếu ai một vật gì

Thì tôi quên

Tôi giúp ai một việc gì

Thì tôi quên

Như sao mai lặn lúc mặt trời lên

 

Ai biếu tôi một vật gì

Thì tôi nhớ

Ai giúp tôi một việc gì

Thì tôi nhớ

Như sao hôm mọc khi mặt trời đi ngủ

Quên và nhớ trong tôi xuyên suốt cuộc đời tôi

(Nhớ và quên)

Có những lúc bất chợt ta bắt gặp những chớp sáng trong tư duy thơ của Phạm Phú Thang như bắt gặp sắc màu tương phản mà một phút xuất thần ông chộp được trong tấm ảnh giàu cảm xúc của ông:

Chân hè đã chạm đất rồi

Nắng hanh vàng vọt mây trời nhăn nheo

(Chân hè)

Và, ở cái tuổi gần cửu tuần “Những gì có đã có/ Những gì qua đã qua/ Những gì mất đã mất/ Bỏ qua được bỏ qua/ Những điều còn bỏ ngỏ”, ông có thể thảnh thơi yên tâm với mọi điều. Có chăng duy “điều còn bỏ ngỏ” là ông còn nặng tình với thơ mà thôi:

Đa mang theo nghiệp ảnh

Thơ nén lại. sau người

Nay mới dang đôi cánh

Về cùng thơ – thơ ơi!…

(Về cùng thơ… thơ ơi)

Vâng, đó là tất cả những điều đặc biệt tôi cảm nhận được trước những trang thơ ông trên bàn làm việc và mỗi lần được tiếp xúc với ông, để rồi hôm nay được bộc bạch đôi điều về những đa mê của những bậc cha chú, đàn anh truyền lửa cho thế hệ chúng tôi.

THY LAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *