VHSG- Đỗ Thu Hằng không có ý định triết lý về cuộc đời, về tình yêu. Chị làm thơ chủ yếu là từ thôi thúc của con tim yêu: Yêu người, yêu đời. Tuy nhiên trái tim lại nhịp cùng lý trí và tự nó đã làm nên triết lý về tình yêu về cuộc đời.
Thơ chị hơi giống với quan điểm về một triết thuyết thơ ra đời từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, gắn liền với sự phát triển khoa sinh học, tâm lý học làm thơ. Triết lý của đời sống không chỉ nhận thức bằng tư duy lô gích, lý tính mà còn biết được nhờ trực giác, cảm xúc, chủ yếu là cảm xúc tôn giáo.

Thơ Đỗ Thu Hằng ít đi vào những vấn đề to tát như Đất nước, con người, cuộc đời…mà đi vào những vấn đề gần gũi bên mình, ngay cạnh mình. Cái hay, cái đồng điệu, cái tinh tế chính là từ cảm xúc.
Thơ Chị chắt lọc cảm xúc giữa động và tĩnh, giữa thực và ảo, giữa nội tâm và ngoại cảnh giữa con tim và lý trí làm nên sự sâu sắc của câu chữ, bay bổng mà thực, đơn giản mà đa nghĩa…
Lần đọc những bài trong tập, thơ ta có thể hình dung được dòng chảy của hai nhánh chính: Sự giằn vặt, giày vò của trái tim về cuộc đời về tình yêu; và trái tim hát.
Chỉ đọc tên những bài thơ cũng đã nói lên tất cả. Ở mảng thứ nhất những cái tên khi đọc ra đã là triết lý: Tái sinh; Và ký tự nhốt hai niềm cô lẻ; Giật mình tiếng gió thở dài; Trong an nhiên đã mặc định với trời… Và ở mảng thứ hai, trái tim hát: Cho nỗi nhớ tràn vào nhau thôi; Hà Nội anh và em; Là em; Em và đêm…
Thơ Đỗ Thu Hằng viết rất tự nhiên, tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như khí trời, không cầu kỳ, không to tát. Cái cách chị gieo vần, đặc biệt là ở thể thơ lục bát mới thấy cái tài “hô mây hoán vũ” của chị. Phải có một phông văn hóa, phải là một phù thủy mới có thể làm chủ được “âm binh” từ ngữ của mình.
Như trên đã nói thơ triết lý trước hết phải có phông văn hóa rộng mới tải được “ý thức chủ quan” hòa với “thực tiễn khách quan”. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Cái xào xạc của hồn anh là xào xạc lá”.
Thứ hai, triết lý nhưng phải là trữ tình tự bạch nó không khô khan và cứng nhắc. Ở Đỗ Thu Hằng hai yêu tố trên hòa quện vào nhau đến mức không thể phân biệt. Nó tuy hai mà một, tuy một mà hai: Bùng cháy hết những địa đàng ảo ảnh/ Thiêu đốt luôn cả phúc hoạ vô hình/ Ta nhặt lại chút tro tàn thành thật/ Để nhìn ra những đơn giản giấu mình (Trong an nhiên đã mặc định với trời).
Hay:
Khi buồn người trút sang tôi/ Tôi buồn tôi gửi vào lời cỏ cây/ Đôi khi tàn úa mọc đầy/ Đôi khi mục ruỗng về vây mắt chiều (Hóa ra là giống phôi phai).
Rất nhiều những câu như vậy bắt gặp trong tập “Tái sinh” của Đỗ Thu Hằng. Trong những triết lý ấy, chị rất gần với triết lý nhà Phật. Nó tự nhiên mà sâu sắc, nó bình dị mà thanh cao: Bây giờ ru giấc ân tình/ Ru mùa thanh tĩnh yên bình nhân gian/ Bây giờ rót tiếng chuông tàn/ Vào câu kinh tụng cho tràn yêu thương (Vườn tôi cây cỏ bình yên).

Ở mảng thứ hai là trái tim hát. Đỗ Thu Hằng cũng như những người phụ nữ bình thường khác, yêu và được yêu luôn cháy bỏng trong tâm hồn. Nếu như trong tập thơ “Trên cành hoa có nỗi buồn đang phai” là thứ tình yêu mãnh liệt mà đôi khi người ta chỉ thấy ở những tác giả mạnh mẽ kiểu như Tuệ Vệ (Trung Quốc), Vi Thùy Linh (Việt Nam) thì đến tập này, Đỗ Thu Hằng cũng mạnh mẽ nhưng kín đáo ý nhị hơn. Chị có những câu thơ đọc lên ai cũng hiểu nhưng ngôn từ trau chút, bay bổng và hình ảnh rất đẹp, rất thơ và đáng yêu: Cho nỗi nhớ chạm vào nhau đi anh/ Để bùng cháy cơn say/ Ôi men nồng khắc khoải/ Ánh mắt làn môi cũng xiết ghì (Cho nỗi nhớ tràn vào nhau thôi).
“Nỗi nhớ tràn vào…” Thật là tinh thế, thật là thấu hiểu. Cũng giống như có người nói rất hay rằng: “Hôn lên vùng trời con gái”…
Và một thứ tình cảm bâng khuâng da diết rất đẹp rất đằm: Bây giờ em và anh/ Điềm tĩnh như mặt hồ ta ngồi bên liễu rủ/ Những mộng mơ chìm vào sâu thẳm/ Bàn tay mềm ấm áp tin yêu/ Chỉ vậy thôi tự hai người thật hiểu/ Thương nhau vô nghĩa mỹ từ (Viết giữa mùa đông).
Thật ra trong tập thơ chị có nhiều mạch nguồn cảm xúc, nhưng tựu trung lại vẫn là tình cảm từ nội tâm, viết về nội tâm. Ta ít gặp những bài thơ nói về những điều “lớn lao” nhưng như một nhà thơ Nga từng viết “Con suối chảy vào sông, con sông đổ vào đại trường giang Vônga, lòng yêu quê hương bắt nguồn từ những cái nhỏ nhoi bình dị ấy”. Ở chị hạt mưa, giọt sương, là cả một thế giới, cây cỏ xung quanh là bạn tâm tình.
Sâu lắng, đằm thắm và đầy triết lý đó là đặc điểm xuyên suốt trong thơ Đỗ Thu Hằng.
NGUYỄN ĐĂNG TẤN