Giáo sư Lê Đình Kỵ là tấm gương tự học vươn lên không ngừng, một tài năng và bản lĩnh khoa học hiếm có đã vượt qua mọi thách thức, cả khi bị vu oan hiểu lầm, để tự khẳng định giá trị của mình. Hướng tới một cuộc hội thảo khoa học quốc gia mới có thể trình bày, ghi nhận, thể hiện rõ những cống hiến mang dấu ấn tiên phong một thời của GS Lê Đình Kỵ, nhất là hai công trình nghiên cứu khác biệt về Truyện Kiều và Thơ Mới.

Ngày 31.3.2023, tại Khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV ĐH Quốc Gia TPHCM đã diễn ra cuộc Tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Trăm năm một thuở” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư – Nhà giáo nhân dân – nhà lý luận phê bình văn học Lê Đình Kỵ, người sinh thời đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Đông đảo các nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo là học trò các thế hệ của GS Lê Đình Kỵ đã về tham dự để tưởng nhớ, tôn vinh một người thầy tài hoa, mẫu mực, đáng kính và cũng là dịp mọi người được tiếp thêm nguồn cảm hứng, năng lượng cho sự say mê, sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn học.
Đặc biệt, buổi tọa đàm đã chào đón người bạn đời của GS Lê Đình Kỵ là cô Ngô Kim Long cùng gia đình từ nước ngoài trở về tham dự và hỗ trợ xuất bản sách về ông. Cô Ngô Kim Long từng là học trò của GS Lê Đình Kỵ ở Hà Nội, về sau cũng trở thành giảng viên ngữ văn đại học đồng nghiệp với ông.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Việt, PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu và Giám đốc Đinh Thị Thanh Thuỷ của NXB Tổng Hợp TP.HCM cùng chủ trì tọa đàm


Trong phát biểu khai mạc, TS Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng nói rằng trong gần 40 năm giảng dạy đại học, bên cạnh hoạt động đào tạo, GS Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình có tầm ảnh hưởng lớn trong giới khoa học ngữ văn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Nhiều phát biểu chân thành, sâu sắc của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu: Mai Quốc Liên, Lê Quang Trang, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Hồ Quốc Hùng, Lê Minh Quốc, Bích Ngân, Lưu Hữu Nhi Dũ, Nguyễn Hà, Trần Lê Hoa Tranh, Lê Quang Trường, Phan Mạnh Hùng, Vỹ Hạ,… đã nêu bật những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Đình Kỵ.

Theo nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn, GS Lê Đình Kỵ là tấm gương tự học vươn lên không ngừng, một tài năng và bản lĩnh khoa học hiếm có đã vượt qua mọi thách thức, cả khi bị vu oan hiểu lầm, để tự khẳng định giá trị của mình. Hướng tới một cuộc hội thảo khoa học quốc gia mới có thể trình bày, ghi nhận, thể hiện rõ những cống hiến mang dấu ấn tiên phong một thời của GS Lê Đình Kỵ, nhất là hai công trình nghiên cứu khác biệt về Truyện Kiều và Thơ Mới.
Cuộc tọa đàm cũng giới thiệu tác phẩm dày 570 trang “Trăm năm một thuở – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận – phê bình văn học Lê Đình Kỵ” do nhà nghiên cứu Trần Đình Việt tuyển chọn và giới thiệu, NXB Tổng Hợp TP HCM ấn hành.
Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu là tuyển tập một số trích đoạn trong các tác phẩm nổi bật của Giáo sư Lê Đình Kỵ như: Tìm hiểu văn học, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Thơ Mới – Những bước thăng trầm…
Phần hai gồm 30 bài viết của các học giả, người thân, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò về Giáo sư Lê Đình Kỵ như: Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Lộc, Trần Hữu Tá, Mai Quốc Liên, Huỳnh Như Phương, Ngô Kim Long, Trần Khánh Thành, Bế Kiến Quốc, Khuất Bình Nguyên, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyễn Hà, Phan Hoàng, Hà Công Tài, Phạm Quốc Ca, Vu Gia, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Thúy Nga, Trần Thị Phương Phương, Nguyễn Tý, Lê Ly Ly…
Đây là công trình được sưu tầm, chọn lọc công phu với nhiều bài viết giá trị, thể hiện tấm lòng, tình yêu của gia đình và học trò đối với GS Lê Đình Kỵ!
VÂN HÀ